18/06/2018, 11:23

Người công giáo đầu tiên tại Việt Nam

Đạo Chúa đã có mặt trên đất nước này đã năm thế kỷ. Ngày nay, nhìn lại đạo Chúa từ những ngày đầu như một cánh đồng lúa vừa mới được cầy vỡ. Qua mỗi vết luống cầy đã hằn lên những vết thương tủi nhục, hòa lẫn máu và nước mắt. Bao nhiêu người đã chết. Bao nhiêu mồ hôi, máu và nước mắt. Từ những ...

Đạo Chúa đã có mặt trên đất nước này đã năm thế kỷ. Ngày nay, nhìn lại đạo Chúa từ những ngày đầu như một cánh đồng lúa vừa mới được cầy vỡ. Qua mỗi vết luống cầy đã hằn lên những vết thương tủi nhục, hòa lẫn máu và nước mắt. Bao nhiêu người đã chết. Bao nhiêu mồ hôi, máu và nước mắt. Từ những luống cầy vỡ lúc ban đầu của đạo công giáo với gian nan thử thách, người viết đi tìm về dấu chân cha ông của mình.

Có một điều ngạc nhiên đến thích thú là trong công cuộc Nam Tiến của đất nước thời Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa có một sự trùng hợp một cách định mệnh với sự có mặt của đạo Chúa ở Việt Nam.

Thật vậy, đất nước ta lúc đầu vỏn vẹn thu vén vào mỏm đất đồng bằng sông Hồng cộng thêm một eo đất hẹp miền Trung mà giới hạn cuối cùng dừng lại ở vùng Hà Tĩnh. Đất còn hẹp, người còn thưa. Chung quanh tứ phía chỉ là sinh lầy với lau sậy. Con người còn lao đao khốn khổ mới có miếng ăn cái mặc.

Nhưng nhờ cái kế sách Thuận Hóa, nhờ cái hướng chỉ dẫn của Sấm Trạng Trình: Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân đã làm nên nghiệp lớn. Từ một kế sách tạm thời, Thuận Hoá chỉ còn là trạm dừng chân, trạm nghỉ mở đầu cho cuộc Nam Tiến.

Nếu không có cuộc Nam Tiến này, ngày nay tất cả chúng ta còn ngồi bó gối chen chúc nhau ở mảnh đất đồng bằng sông Hồng.

Đất nước ta sau này, trải dài từ Nam chí Bắc đều thu gọn vào một chữ: Sông nước. Chỗ nào cũng là nước đến có thể nói sông nước, con người là một. Pierre Gourou, tác giả cuốn Les Paysans du Delta Tonkinois nhận xét: Đó là hai miền đất mầu mỡ, nhưng cũng rủi ro đầy bất trắc với sự có mặt đến như ám ảnh bởi nước với những kinh rạch tự nhiên hay do người đào arroyos..với ruộng lúa phì nhiêu. Chỗ nào cũng là nước, lúc nhúc các thuyền đủ lọai, lúc nhúc con người với cá tôm cua, với ruộng lúa..Và cuối cùng vùng đất với nước như thế chỉ thật sự biến mất khi nó đổ vào đại dương. Đại dương với biển cả là cánh cửa sổ của nước ta dòm ra bên ngoài. Chính qua những cánh cửa sổ nhìn ra đại dương này mà các nhà truyền giáo đầu tiên đến từ Bồ Đào Nha, Y Pha Nho vào nước ta. Họ đến từ nhiều ngã: có thể từ Ma cao, có thể từ Xiêm và xa hơn nữa từ Ấn Độ. Đến thế nào thì ra cũng vậy. Chính qua những cửa ngõ này nếu cần, các ngài quay về Aán Độ hoặc Xiêm La.

Hãy cứ tưởng tượng, một vị truyền giáo lần đầu tiên đặt chân lên một bãi biển xa lạ, hoang vắng và đầy bất trắc, họ sẽ gặp gì và sẽ phải làm gì. May mắn ra họ có thể gặp đâu đó một vài chiếc thuyền đánh cá nằm trơ trên bãi, có bóng dáng người đang phơi lưới hoặc vá lưới. May mắn hơn chút nữa, họ có thể gặp một xóm dân chài. Gọi là xóm cho có vẻ sang chứ thật ra chỉ là non chục thuyền đánh cá và một vài túp lều che mưa nắng. Với độ dăm chục người cả già trẻ lớn bé. Đàn ông ở trần, chỉ đóng một cái khố. Đàn bà có giải yếm che ngực và chiếc váy. Trẻ con trần truồng chạy nhảy, bơi lội như những con nhái bén.

Cái nhìn lần đầu tiên từ phương xa, từ nửa phần trái đất bên kia đại dương của các thừa sai không khỏi ngạc nhiên đầy thích thú về những ước mơ dự phóng cho cánh đồng lúa mới. Những con mắt nhìn nhau xa lạ, e ngại dọ dẫm. Những cử chỉ, ra dấu bằng đủ mọi cách để bước đầu làm quen..Rồi chủ khách về túp lều dựng tạm.. Công việc truyền giáo bắt đầu. Và hiển nhiên, người đến trước, người gặp đầu tiên, người có cái cơ duyên như tiền định trong chuyến tao ngộ trở thành những người đồng hành, những người mở đầu cho kỷ nguyên Thiên Chúa giáo vào Việt Nam là đám dân thuyền chài này. Họ có khác chi 12 môn đồ của Chúa lúc bắt đầu ngày Chúa đi rao giảng tin mừng. Nếu 12 môn sứ được chọn trong muôn vàn thì những người thuyền chài ở ven biển Việt Nam chỉ là một sự chọn lựa tình cờ bất đắc dĩ.

Dù sao, họ những người thuyền chài, mình trần đóng khố vải là những kẻ tiền phong nhận tin mừng cứu độ. Từ một giả định như vậy, người viết nghĩ rằng đa số những người công giáo lúc đầu hẳn là những dân chài. Người viết giả định như vậy, vì có những lý do của nó.

 
Thật vậy, xã hội nước ta xưa chia ra hai hạng người:

- Những người đã định cư, đã có nếp sống ổn định, sống trong những đơn vị làng, xã là nền móng tổ chức căn bản của sắc dân Việt. "Làng xã Việt Nam là một cơ cấu vững bền trải qua những cuộc biến thiên của lịch sử nước nhà". Những làng xóm này là những đơn vị có định chế, có tổ chức, có phép tắc theo một nếp sống phong tục có trên dưới, có một số ngành nghề bảo đảm cho đời sống dân trong làng. Người dân làng sinh ra, lớn lên và chết đi cũng ở trong khuôn khổ làng. Đó là một đơn vị xã hội khép kín về nhiều mặt, từ kinh tế, xã hội đến nếp ăn, nếp ở, đến lễ nghi phong tục. Một xã hội khép kín với nếp sống phong tục cổ truyền rất khó để đạo có cơ hội truyền giảng tin mừng.

- Bên cạnh đó, có một số lưu dân chủ yếu sống bằng nghề chài lưới mà người ta quen gọi là làng vạn hay làng chài. Các dân chài thường là dân lưu động, sống trôi nổi trên sông nước Population flottante rầy đây mai đó nên phép tắc không có, luật lệ cũng không. Họ được gọi là dân giang hồ, dân tứ chiếng. Khi cần thì người ta mỉa mai gọi là bọn "Trôi sông lạc chợ, bọn chốn sâu lậu thuế ". Sau này người Pháp còn gọi là bọn "du côn", giới anh chị. Nhưng nói chung, dân thuyền chài vì sống ít giao tiếp với xã hội bên ngoài nên vẫn giữ được tính chất thuần phác, đơn sơ, hiền lành đến khờ khạo, vì ít học, ít hiểu biết.

- Nhưng chính vì những cá tính đặc biệt đó mà họ dễ chấp nhận các nhà truyền giáo hơn những người dân đã có cơ ngơi, có tín ngưỡng của họ như Phật Giáo, Lão giáo, Nho giáo. Bởi vì giữa một nhà nho và một dân chài, người dân chài có cơ may dễ chấp nhận lời Chúa hơn cả.

- Đằng khác, bản thân những người dân chài là những người nghèo bị hất hủi ra bên lề xã hội. Họ là dân khố rách áo ôm, tứ cô vô thân, một miếng đất cắm dùi cũng không có. Các nhà truyền giáo đến với họ cũng nghèo đói khốn khổ như họ, chia sẻ sự thiếu thốn khó khăn với họ. Điều đó làm cho họ dễ gần nhau, dễ chia sẻ.." Điều làm họ cảm động hơn cả là nhìn thấy chúng con (Các thừa sai) chấp nhận bao vất vả và gian nguy mà không có một niềm hy vọng trần thế nào, mà chỉ có mục tiêu duy nhất là rao giảng cho họ về tin mừng, về chân lý.. Vì thế chúng con sẵn sàng chịu tất cả vì danh Ngài..Trên miền núi này, người ta thiếu thốn tất cả: Nước thì độc, khí hậu thì âm u nặng nề dịch bịnh.. Mọi người đềụu nói rằng Chúa đã làm một phép lạ để giữ cho con được khỏe mạnh an toàn ".

Quả thực, xét về nhiều mặt, từ địa lý thiên nhiên, từ đời sống vật chất đến tinh thần, người dân chài có cơ may nhiều hơn hết là những người đầu tiên chấp nhận ánh sáng phúc âm của các nhà truyền giáo. Nhưng nếu cần xác định một người công giáo đầu tiên, có tên, có tuổi dựa trên tài liệu chính xác thì chúng ta phải nghiêng về quan điểm viết dựa trên tài liệu của Hội truyền giáo Ba Lê do giáo sĩ C. Poncet viết:’’ L'un des premiers Annamites, sinon le premier, convertis au Catholiscisme (Một trong những người Annam, có thể nói là người đầu tiên, đã trở lại đạo Công giáo). Tài liệu của Poncet được đăng trên Bulletin des amis du vieux Huế, số đầu, năm 1941

Vậy người Công giáo đầu tiên theo cha Poncet là ai?

Dựa trên gia phả dòng họ Đỗ có tên là Đỗ Tộc gia phả, ở làng Bông Trung, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, Cha Poncet tìm thấy ở trang 18b một câu như sau: Đỗ Hưng Viễn theo đạo có tên là Hoa Lang.

Chỉ vỏn vẹn có mấy chữ. Nhưng lại có tầm vóc lịch sử, vì đánh dấu giai đọan mở đầu của đạo công giáo vào Việt Nam. Chữ Hoa Lang được dùng lúc bấy giờ chỉ có thể hiểu được là đạo Công giáo, không thể là tin lành. Vì Tin Lành đến 200 năm sau mới vào Việt Nam. Vậy đạo Hoa Lang là đạo Công giáo.

Kể như giải quyết được một vấn nạn. Vấn đề kế tiếp là lúc nào ông Đỗ Hưng Viễn trở lại đạo Công giáo.

Theo gia phả, Ông Đỗ Biển, bố của Đỗ Hưng Viễn làm quan lớn trong triều đình vào khoảng năm 1558 đến năm 1571, dưới thời Lê Anh Tôn (Thời Lê anh Tôn 1556-1573). Lúc đó, ông khoảng 60 tuổi. Từ đó suy ra ông Đỗ Hưng Viễn lúc đó khoảng 30 tuổi. Việc trở lại đạo của ông chỉ có thể xảy ra vào lúc ông từ 25 đến 30 tuổi. Trước 25 tuổi, ông có thể còn ở với bố mẹ nên chịu sự kiềm tỏa gia đình không cho phép theo đạo. Sau tuổi 30 có thể ông cũng ra làm quan mà theo tục lệ lúc bấy giờ cho phép ông có nhiều bà vợ cũng sẽ cản trở việc trở lại đạo của ông. Khó có thể ông từ bỏ tất cả vợ con để vào đạo. Xét như thế, việc trở lại đạo của ông rơi vào thời gian từ 1560-1570, lúc ông còn trẻ dưới thời Lê Anh Tôn.

Nhưng từ năm 1560 đến 1570 mà ông Đỗ Hưng Viễn đã trở lại đạo là một điều khó cắt nghĩa được, vì theo Romanet du Caillaut trong Essai sur les origines du Christianisme du Tonkin et dans les autres pays Annamites, trang 36 có viết: Giáo sĩ đầu tiên liên lạc với Việt Nam là Giovanni Battista da Pesaro, dòng Phan xi cô đến từ Macao đã gửi thư cho vua nước ta xin được truyền đạo vào năm 1581, vua đã nhận lời. Trước năm 1581, chưa có nhà truyền giáo nào đến rao giảng ở Việt Nam. Làm sao Đỗ Hưng Viễn có thể trở lại đạo vào khoảng năm 1560. Cùng thời gian đó, có hai nhà truyền giáo là khác là Diego d!oreposa đến Việt Nam vào năm 1583 và Bastholomê de Ruitz đến vào năm 1584. Nhưng cả hai đều thất bại rồi lút lui.

Nhưng Caillaut đã hé lộ ra một dữ kiện khá quan trọng ở trang 67 ông viết: Các nhà truyền giáo trên khi đến Thanh Hóa vào khoảng 1582-1583 thì ở đó đã có người công giáo rồi. Họ đã truyền đạo giữa người Việt Nam với người Việt Nam rồi. Có nghĩa là đã có người công giáo trước khi các giáo sĩ trên đặt chân tới Việt Nam.

Vậy cái người công giáo Caillaut muốn nói tới ở đây là ai, phải chăng là Đỗ Hưng Viễn, nhưng cho dù là Đỗ Hưng Viễn đi nữa vẫn chưa có lời giải đáp bằng cách nào trước năm 1581 Đỗ Hưng Viễn trở lại đạo.

Theo Poncet, Các thương buôn người Bồ Đào Nha, Tây ban Nha thường chỉ ghé Việt Nam như Tourane để mua thêm lương thực hoặc trữ thêm nước mà không ở lại. Giáo sư Nguyễn khắc Ngữ, đã quá vãng, trong cuốn sách Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hoà Lan giao tiếp với Đại Việt của ông cũng xác nhận một lần nữa điều đó.

Tóm lại, họ chỉ ghé Việt Nam sau đó đi sang Tầu hoặc Nhật Bản. Ngay như thánh Phan xi Cô cũng chỉ ghé Việt Nam đến ba lần vào các năm 1549-1551-1552, nhưng ngài không bao giờ dừng lại. Vì thế, trong các thư từ của ngài không bao giờ nhắc tới Việt Nam. Nhưng điều đó cũng cho thấy rằng, trên các thương thuyền đó thường có các giáo sĩ đi theo, câu hỏi được đặt ra tiếp là Đỗ Hưng Viễn được rửa tội ở đâu ?. Ông chắc chắn đã không được các giáo sĩ trên rửa tội, vì không ai dừng lại.. Chỉ còn một cách giải thích là ông đã đi theo các thuyền buôn người Bồ và được các giáo sĩ rửa tội hoặc trên thuyền, hoặc ở Ma Cao, vào khoảng năm 1556-1570. Để giải thích rõ hơn là các vua Lê Anh Tôn rất muốn giao thiệp với các nhà buôn ngoại quốc và sẵn sàng đón nhận các giáo sĩ vào truyền đạo nên rất có thể vua đã truyền cho họ Đỗ mang thư của vua sang Macao cho các cha Phan xi cô, vì vậy mà họ Đỗ đã có thể đi học đạo và rửa tội không phải ở Việt Nam mà ở ngoại quốc

Đôi lời kết luận

Giả thuyết người viết nêu ra từ đầu khẳng định là những người công giáo đầu tiên phần lớn là dân nghèo, và nhất là dân chài vẫn là những giả định chứa đựng nhiều sự thật, mặc dầu cho đến nay, chưa có tài liệu nào của các vị thừa sai nói rõ về điều đó. Nhưng giả thiết đó vẫn gây một chút thích thú và vinh dự cho giáo hội Công giáo Việt Nam, vì tổ tiên của họ theo đạo đầu tiên đều thuộc lớp dân nghèo, ít học, lớp người bị coi rẻ, gạt ra bên lề. Việc truyền đạo, hạt giống phúc âm phải chăng nảy mầm, bén rễ từ lớp dân nghèo hèn đáp ứng đúng tin mừng cứu độ. Dù sao, vẫn cần có sự dè dặt, chẳng nên có một quyết đoán bừa bãi nào. Nhưng nội điều đó thôi, hình ảnh giáo hội lúc ban đầu đã thật là đẹp rồi. Về giả thuyết của thừa sai C.Poncet có một điều đáng là tiếc, vì ngài đã không có điều kiện để trưng ra gia phả họ Đỗ. Trong tình huống như thế, bắt buộc chúng ta hoặc tin hoặc không tin mà thôi.Trong hoàn cảnh nước ta, việc truy dò lại lịch sử quá khứ là một điều nan giải đến bất lực, đến chán nản. Dù đã chấp nhận họ Đỗ là người Công giáo đầu tiên đi nữa, cái câu hỏi còn gây vấn nạn và lúng túng vẫn là ông học đạo ở đâu và trở lại đạo ở đâu..Tất cả còn là những điểm tồn nghi, chưa rõ ràng.

Nhưng dầu thế nào đi nữa cũng phải nhận với nhau một điều là: Nhờ có sự giúp sức của chính phủ Pháp và chính quyền Viện Đại học Huế mà ngày nay, những người dân giả như người viết mới có cơ may được tiếp cận với hơn mười ngàn trang tài liệu của cố Cadière, suốt từ năm 1914 đến 1944. 30 năm lao khổ, sưu tầm, hiệu đính đủ thứ, đủ chuyện. Hơn 10 ngàn trang tài liệu nhờ đó mà một số chi tiết lịch sử Việt Nam sẽ phải được viết lại, nhất là giai đọan đầu đời Nguyễn Ánh. Lớn đến mức độ thán phục choáng váng. Những trang tài liệu thật quý giá mà trước đây ngay cả các vị học giả vị tất đã có cơ may được sử dụng. Bài viết này chỉ trình bày lại những điều mà trước đây cố Cadière đã làm, đã nghiên cứu mà thôi. Cái công trạng của ai, xin trả lại cho người đó. Món nợ của chúng ta đối với vị học giả này chả có cách chi trả nổi, ngay những người đương đại mà tầm mức đến cỡ nào đi nữa cũng chả có chi ngang tầm. Nói chi đến những kẻ hậu bối như người viết chỉ nội đọc cũng đã không xong rồi.

1. Khi Chúa Nguyễn Hoàng vào lập nghiệp tại đất Thuận Hóa vào năm 1558, Thiên chúa giáo được truyền vào Việt Nam dưới thời Lê Trung Hưng, và nếu định cho một mốc điểm đánh dấu sự có mặt này thì kể từ năm 1560. Hai mốc điểm thời gian đó mở ra cho lịch sử Việt Nam một trang sử mới: Một mặt mở mang bờ cõi đi vào phía Nam như một vùng đất hứa, một mặt sứ mạng rao giảng tin mừng mới của Đạo Thiên Chúa. Nhưng cũng kể từ đó, con đường đi của Thiên Chúa giáo là con đường Émau với tiếng thở dài, với những gian lao khốn khổ bắt bớ tù đầy, hành quyết mà mức độ mỗi ngày mỗi gia tăng.. Nhất là thời Minh Mạng, Tự Đức..

2. La commune annamite est une institution qui a survécu aux vicissitudes de l'histoire de notre pays. Nguyễn Hữu Khang. Trong La commune Annamite. Etudes historique, juridique et économique. Trích lại trong Nếp cũ, làng xóm Việt Nam của Toan Ánh. trg26

3. ** (Thư của Thừa sai Le Pavec gửi về cho cha mẹ, ngày 7 tháng 4 năm 1797. NLEC, tập V11, trang 382-383. Trích lại trong Đạo Chúa ở Việt Nam. Nguyễn văn Trung, trg102.)

4. Theo cố Cadière đã trích dẫn Cristofori Borri thì chữ Hoa lang do ở câu: Congnơ muon bau tlom laom Hoalaom chiam (Con nhỏ muốn vào trong lòng Hoa lang chăng). Đây là lần đầu tiên người ta nghe và hiểu rằng đạo Hoa Lang có nghĩa là đạo Công giáo. Thuở ấy, ils se croyaient que se faire chrétien n'était autre chose que de cesser d'être Cochinchinois pour devenir Portugais.(Trích trong BAVH. 1931, trang 339-340.)

Nhưng cha P. Henri Bernard, dòng tên trong: Pour la compréhension de L'Indochine et de L'occident, trang 58 có lối giải thích đơn giản hơn. Cha cho rằng Người Việt Nam xưa khi theo đạo của người Bồ thì gọi là Đạo Phu Tu Ghê, theo người Y Pha Nho thì gọi là đạo Y Pha Nho, theo người Pháp thì gọi là đạo Pha Lang Sa và theo người Hoà Lan thì sẽ gọi là đaọ Hoà Lan… Đơn giản như vậy. Nhưng từ thế kỷ thứ 17 thì tất cả những gì có liên quan đến đạo Công giáo đều gọi chung là Hoa lang.

5. Giáo sư Ngữ trong sách đã dẫn của ông cũng đã khẳng định như sau: Tuy nhiên, ngoài tài liệu trong Khâm Định Việt Sử nói trên, không có tài liệu nào nói đến những họat động thương mại và truyền đạo của Bồ trước năm 1579. Lý do dễ hiểu vì mãi đến năm 1539, công ty Bồ Đào Nha phụ trách việc truyền giáo ở Ma Cao mới đưọc thành lập nên không có các tài liệu lưu trữ trước đó. Ông nói thêm Tài liệu xưa nhất của người Bồ nói đến việc truyền giáo của người Bồ là vào năm 1579. Nhưng chỉ sau đó ít dòng, Giáo sư Ngữ đã nói ngược lại điều khẳng định ông vừa nêu trên trên khi ông viết: Tài liệu này chứng minh rằng đến năm 1579, xứ ta đã có một số nhà thờ và giáo dân quan trọng và đã có một số giáo sĩ từ Macao gởi sang, nhưng không đủ.

6.Giáo sư Ngữ đã bỏ khá nhiều công phu sưu tầm tài liệu, nhất là sách xuất xứ từ Bồ Đào Nha mà ông cho biết nhờ sống ở khu vực có nhiều người Bồ, đường Colonial, Montréal, ông đã thu thập được một số tài liệu liên quan đến mối liên hệ Việt Bồ. Ông trích dẫn trong Les débuts du Christianisme en Annam của Bonifacy như sau: Cuối thế kỷ 16, người Tây Ban Nha về qua Cửa Hàn đã thấy ở đấy có hai giáo sĩ Bồ thuộc dòng Augustins. Những linh mục này không giảng đạo cho người bản xứ mà chỉ làm lễ cho các thủy thủ Bồ thường đi qua cửa biển này.

7.Thời vua Lê thần Tông 1619-1643, thế kỷ 17, ở Mật Sơn, vùng Thanh Hóa, người ta còn tìm thấy ngôi đền của vua có bức tượng vua và 6 bức tượng các bà vợ của ông. Trong đó có một bà Việt Nam, một bà Tầu, một bà đất Ba Thục (Tầu), một bà người Xiêm và cuối cùng một bà đầm người Hoà Lan. Điều đó cho thấy, có một thời gian mối liên lạc giữa Việt Nam và các nước ngoại quốc khá thân thiện

Nguyễn Văn Lục

0