Lịch sử Tết Halloween
I. Tết Halloween Ngày lễ Halloween nhằm ngày 31 tháng mười dương-lịch. Ngày lễ này thực ra phải được coi như ngày Hội Halloween hay ngày Tết Halloween bởi vì nó vui-vẻ và nhộn-nhị p vô-cùng, nhất là đối với trẻ em. Tối hôm trước của ngày lễ Halloween, tức là 30 tháng 10, ...
I. Tết Halloween
Ngày lễ Halloween nhằm ngày 31 tháng mười dương-lịch. Ngày lễ này thực ra phải được coi như ngày Hội Halloween hay ngày Tết Halloween bởi vì nó vui-vẻ và nhộn-nhịp vô-cùng, nhất là đối với trẻ em.
Tối hôm trước của ngày lễ Halloween, tức là 30 tháng 10, được gọi là “đêm ma-quỉ” (devil’s night). Thường-thường các thanh thiếu-niên hay phá-phách trong đêm này, gây thiệt-hại đến tài-sản và tính-mạng của người dân. Bởi thế cho nên lực-lượng cảnh-sát đã phải tăng-cường mạnh để giữ trật-tự an-ninh trong “đêm ma-quỉ.” Các bậc phụ-huynh cũng được nhắc-nhở coi-chừng con em trong đêm kinh-hoàng này.
Hằng năm cứ đến đầu tháng mười, các học-sinh, nhất là những học-sinh mẫu-giáo và tiểu- học đã nôn-nao chuẩn-bị mừng Tết Halloween. Trẻ em đều thích mua hay đi hái bí-ngô tươi (pumpkin) để đem về đẽo làm lồng-đèn “Jack-o’-Lantern.” Chúng còn thích sắm
trang-phục đặc-biệt để mặc và mua mặt-nạ đeo để hóa-trang thành quỉ hay con thú vào tối ngày Tết Halloween trong lúc đi đến từng nhà xin kẹo bánh, gọi là đi “trick-or-treating.”
Chính vì để hòa vào nếp-sống nơi định-cư với ý nghĩa “nhập-gia tùy-tục,” chúng ta hãy cũng nhau tìm-hiểu thêm về ngày “Tết Halloween” này.
1. Nguồn gốc Tết Halloween
Tết Halloween bắt nguồn từ ngày lễ “The Celtic Festival of Samhain” của dân-tộc Celts. Dân-tộc Celts sống cách đây khoảng hai ngàn năm ở phần đất bây giờ gọi là nước Anh (Great Britain), Ai-Nhĩ-Lan (Ireland), và phía bắc nước Pháp (France). Tết của dân-tộc Celts nhằm ngày 1 tháng 11 dương-lịch. Buổi lễ “The Celtic Festival of Samhain” được tổ-chức vào tối đêm trừ-tịch, đêm trước của năm mới, tức là 31 tháng 10 dương-lịch để tưởng-nhớ và vinh-danh Thánh Samhain, vị chúa-tể cai- quản những linh-hồn người chết. Người Celts tin rằng Thánh Samhain cho phép các linh-hồn người chết trở về dương-thế thăm gia-đình và ăn tết vào đêm trừ-tịch trong ngày tết của họ.
Vào năm 43 dương-lịch, dân tộc Celts bị người La-Mã chinh-phục và cai-trị lãnh-thổ của họ mà ngày nay gọi là nước Anh (Great Britain) trong khoảng 400 năm. Trong thời-kỳ này, hai ngày Hội-Mùa-Thu của người La-Mã được tổng-hợp với ngày hội kỷ-niệm Thánh Samhain của dân-tộc Celts. Một trong hai ngày Hội-Mùa-Thu này có tên là Feralia được tổ-chức vào cuối tháng 10 dương-lịch để vinh-danh người chết. Ngày hội thứ hai dùng để vinh-danh Thần Pomona, tức là Nữ-Thần Hoa-Quả và Cây-Cối.
Tục-lệ đoán vận-mệnh tương-lai được sử-dụng trong trò-chơi thi nhau cắn quả táo treo ở đầu một sợi dây hay thi nhau cắn quả táo được thả trong chậu nước vào ngày lễ Halloween có thể do tục-lệ của hai ngày Hội-Mùa-Thu này mà ra.
Tên Tết Halloween lấy từ tên của ngày lễ “All Saints' Day” bởi vì ngày 31 tháng 10 được gọi là “All hallows' Eve.”
Nhà thờ Thiên-Chúa-Giáo lấy ngày 1 tháng 11 dương-lịch để thiết-lập Ngày-Các-Chư-Thánh (All Saints' Day). Ngày-Các-Chư-Thánh là một ngày linh-thiêng đã được những người theo đạo Thiên-Chúa tôn-trọng để vinh-danh các Thánh của đạo Thiên- Chúa, đặc-biệt đối với những Chư-Thánh không có ngày dành riêng để kỷ-niệm. Ngày Các Chư Thánh được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 13 tháng 5 năm 609 (610?) dương-lịch khi Hoàng Đế Phocas tặng đức Giáo Hoàng Boniface IV ngôi đền cổ của người La-Mã để dùng làm nhà thờ.
Ở Anh trước đây, đêm Halloween đã từng được gọi là “Nutcrack Night” hay “Snap Apple Night” tức là một đêm dành cho gia-đình ngồi bên đống lửa hồng để nghe kể chuyện, ăn các hạt trái cây và ăn táo hay bôm.
Vào Ngày-Các-Chư-Thánh, những người nghèo đi ăn xin, tiếng Anh gọi là A-Souling, thường được người ta cho một thứ bánh gọi là bánh linh-hồn (soulcakes) với điều-kiện là những người ăn mày này phải cầu-nguyện cho người chết.
Khi người Tô-Cách-Lan (Scots) và người Ai-Nhĩ-Lan (Irish) đến định-cư ở Bắc-Mỹ, họ mang theo những phong-tục của họ. Tuy-nhiên, ở Bắc-Mỹ, Tết Halloween mới được thịnh-hành kể từ thế-kỷ thứ 18 trở đi mà thôi.
2. Phong tục trong ngày Halloween
a. Trick-Or-Treating
“Trick-or Treating” được coi là một trò chơi chính của hầu-hết các trẻ em ở Bắc-Mỹ trong ngày Tết Halloween. Những trẻ em mặc các trang-phục hóa-trang và đeo mặt-nạ rồi đi từ nhà này qua nhà khác, gõ cửa để gặp chủ nhà và nói “trick-or-treat.” Câu này có nghĩa là: “Nếu muốn chúng tôi không chơi xấu thì hãy đãi chúng tôi cái gì đi.” Để tránh bị chơi xấu, chủ nhà đãi chúng kẹo, bánh-trái, và ngay cả cho tiền chúng nữa.
b. Gây quỹ cho UNICEF
Có những em học sinh, nhân ngày này, đi quyên-tiền gây-quỹ cho cơ-quan UNICEF. UNICEF là chữ viết tắt của United Nations International Children's Emergency Fund, một cơ-quan do Liên- Hiệp-Quốc thành-lập vào năm 1946 để giúp-đỡ các trẻ em trên toàn
thế-giới về thực-phẩm, thuốc-men, v.v. Các trẻ em mang hộp giấy có hai màu, màu da cam và màu đen, đã được Liên-Hiệp-Quốc công-nhận để đi quyên-tiền về nộp cho cơ-quan này hầu dùng vào việc cứu giúp trẻ em nghèo khó trên khắp thế-giới.
Cơ-quan UNICEF đã và đang cung-cấp những dịch-vụ căn-bản về y-tế, giáo-dục, đồ ăn, thức uống, và vệ-sinh cho trên 140 nước trên thế-giới. Có vào khoảng 2 triệu học sinh Canada mang hộp đi quyên-tiền cho UNICEF vào mỗi dịp Tết Halloween. Kể từ năm 1955, Canada đã gây-quỹ được tất cả là $58.3 triệu cho UNICEF. Có vào khoảng 55 phần trăm trẻ em tiểu-học ở Canada tham-gia mỗi năm vào việc gây-quỹ này trong dịp Halloween.
Theo mục “UNICEF” của tờ báo The London Free Press, số ngày 31-10-96, cơ-quan thống kê Angus Reid đã tiết lộ rằng có 85 phần trăm trong số những người được phỏng-vấn trên toàn lãnh-thổ Canada đã giúp cơ-quan UNICEF qua việc cho tiền trong dịp Halloween.
Sở-dĩ cơ-quan UNICEF dùng cái hộp có màu da cam và màu đen vì đây là hai màu tượng trưng cho Tết Halloween. Trang-phục trong ngày Halloween thường có hai màu chính là màu da cam và màu đen. Ta thấy quả bí pumpkin màu cam và con dơi màu đen cũng được coi là màu tiêu biểu cho Halloween. Người ta còn gọi ngày Halloween là ngày “Orange and Black Day.”
c. Biện pháp an toàn cho trẻ em và người lớn trong đêm Halloween
Đã có rất nhiều tai-nạn xảy ra trong Tết Halloween. Chính vì thế, người ta đã dự-trù kế-hoạch an-toàn cho trẻ em đi “trick-or-treating” trong ngày tết này bằng cách:
- Khuyên các em đeo băng phản-chiếu ánh-sáng lên quần áo để báo hiệu cho xe-cộ khỏi đâm vào hầu tránh tai-nạn.
- Nên mặc đồ hóa-trang ngắn gọn và khó bén lửa để tránh vấp ngã và khỏi bị cháy. Để tránh bị lạnh khi đi “trick-or-treating,” nên mặc quần áo thật ấm ở bên trong đồ hóa-trang.
- Nên vẽ mặt thay vì đeo mặt-nạ để tránh bị mặt-nạ che mất tầm quan-sát khi đi ở ngoài đường. Nếu đeo mặt-nạ trong khi đi thì nên đẩy mặt-nạ lên trán để dễ nhìn.
- Khi các em nhỏ đi “trick-or-treating,” các phụ-huynh nên đi theo. Nhớ mang đèn pin (flashlight), và chỉ đến các nhà nào có đèn sáng mà thôi. Nên cho trẻ ăn cơm chiều, ăn cho đỡ đói mà thôi, trước khi đi để tránh cảnh “bụng đói cật rét.” Khi đói và rét, trẻ em dễ bị cảm.
- Trẻ em chỉ nên đi “trick-or-treating” ở những nhà quanh hàng-xóm mà thôi.
- Chỉ đi vào nhà người ta bằng cửa trước và tránh dùng cửa hậu hay cửa bên hông nhà để tránh các bất-trắc xảy ra.
- Chỉ nên qua đường ở chỗ ngã-tư hay ngã-ba và tránh sang ngang đường ở khoảng giữa hay đi giữa hai xe đang đậu ở vệ đường và phải quan-sát kỹ hai chiều trước khi qua đường để tránh tai nạn xảy ra.
- Nhớ cho trẻ mang theo ít tiền trong túi và giấy tờ có biên địa-chỉ, số điện-thoại, và tên cha mẹ để phòng khi trẻ lạc thì có người giúp đưa về.
- Phụ-huynh dặn trẻ đừng nên ăn bất cứ thứ gì khi người ta cho mà phải đợi đến khi về nhà để cha mẹ xem xét kỹ trước khi ăn. Thấy những gói kẹo nào nghi-ngờ có gì bất thường, phụ-huynh có thể đến nhà thương để nhờ kiểm-soát lại bằng quang-tuyến X. Có nhiều nhà thương họ làm chuyện này miễn-phí và họ khuyến-khích dân-chúng cứ lại nhờ nếu cần. Nếu có muốn ăn kẹo bánh người ta cho trong lúc đi đường, chỉ ăn những kẹo bánh còn nguyên trong gói để tránh ngộ-độc.
- Khuyên các chủ nhà phải cẩn-thận đề-phòng hầu tránh bị kẻ bất-lương lợi-dụng dịp Halloween để ăn-cướp và bắt-cóc trẻ em. Để đèn ở trước cửa nhà cho sáng, khóa xe và khóa cửa nhà để xe (garage). Nếu thấy gì khả-nghi, phải báo ngay cho cảnh-sát.
- Nếu phụ-huynh không đi “trick-or-treating” với trẻ, phải biết rõ lộ-trình chúng định đi để theo-dõi khi cần. Nhắc trẻ phải chịu trách-nhiệm về mọi hành-động của chúng.
- Nên để ý kiểm-soát sinh-hoạt của con em ở tuổi vị-thành-niên trong đêm “Devil's Night,” 30 tháng 10, để ngăn-ngừa các em khỏi đi tụ-họp làm các việc phạm-pháp.
d. Đèn Bí-Ngô “Jack-O’-Lantern”
Trong ngày Tết Halloween hiện nay, mỗi nhà thường trang-trí cây đèn-lồng làm bằng quả bí-ngô pumpkin. Người ta mua những quả pumpkin về khoét rỗng ruột, đẽo vỏ ngoài thành hình một cái mặt có đủ mắt mũi mồm để khi đốt nến (đèn cầy) bên trong, ánh-sáng có thể tỏa ra giống như cây đèn. Cây đèn làm bằng quả bí pumpkin trong ngày Tết Halloween được gọi là Jack-o'-Lantern. Có nhiều người mua cây đèn Jack-o'-Lantern làm bằng nhựa màu vàng da cam có bán sẵn ở các cửa tiệm.
Ngày xưa ở Anh và Ai-Nhĩ-Lan, người ta dùng củ cải đỏ, khoai tây và củ cải tây để làm lồng-đèn trong ngày Tết Halloween. Sau khi phong-tục này được du-nhập vào Bắc-Mỹ, những quả bí-ngô pumpkin mới bắt đầu được sử-dụng làm lồng đèn như hiện nay.
Theo chuyện thần-thoại Ai-Nhĩ-Lan, Jack-o'-Lantern là biệt-hiệu của một người đàn ông tên là Jack. Anh Jack này khi chết không thể lên thiên-đàng vì lúc còn sống anh là người bần-tiện và bủn- xỉn. Anh ta cũng không thể xuống địa-ngục vì anh ta đã chế-riễu quỉ-sứ
ma-vương. Kết-quả là linh-hồn anh chàng Jack phải đi lang-thang trên dương-thế với cái đèn lồng cho đến Ngày Phán Xử (Judgment Day).
Theo sách Tân-Ước (New Testament), Ngày Phán-Xử là ngày tận-cùng của một thời-đại. Theo Gospels và sách Book of Revelation, vào ngày này quả đất và bầu trời ở trong tình-trạng ồn-ào hỗn- độn, người chết trỗi dậy từ những nấm mồ, và Chúa Jesus hiện ra để phán-xử tất cả những người sống cũng như người chết. Trong việc phán-xét hạnh-kiểm của họ, Chúa xem xét những hành-động mà con người đã làm cho nhau, cả điều tốt cũng như điều xấu.
đ. Tục bói toán bắt nguồn từ Tết Halloween
Một vài cách bói-toán để đoán tương-lai đã có ở Âu-Châu từ hàng trăm năm trước đây đều bắt nguồn từ Tết Halloween mà ra. Chẳng hạn những vật như đồng tiền xu, cái nhẫn, và cái đê (cái đê dùng để đeo ở đầu ngón tay trong khi khâu cho kim khỏi đâm vào) được đem bỏ vào bánh nướng hay đồ ăn khác. Người ta tin rằng trong khi ăn, nếu ai ăn nhằm phải cái bánh trong có đồng tiền xu sẽ trở nên giầu sang, gặp cái nhẫn sẽ sớm có vợ hay chồng và gặp cái đê sẽ ở góa suốt đời.
Ngày nay, ngoài cách bói-toán cổ-truyền trên, người ta còn dùng phương-pháp bói bài Tây hay xem chỉ bàn tay để đoán tương-lai trong Tết Halloween.
e. Các tục lệ khác của ngày Tết Halloween
Tục cắn quả táo ở trong chậu nước có lẽ được bắt đầu ở Anh. Ngày nay người ta còn gắn tiền vào quả táo để tưởng-thưởng thêm cho ai cắn được quả táo. Nhiều người còn tin là vào ngày Tết Halloween, ma-quỉ đi lang-thang khắp nơi trên dương-thế và các mụ phù-thủy cũng họp nhau vào ngày 31 tháng 10 dương lịch. Đối với những người không tin ma-quỉ và phù-thủy, họ vẫn coi những trang- phục có vẽ hình dáng mụ phù-thủy và ma-quỷ là tượng-trưng cho Halloween.
II. Tết Halloween, Tết Trung-Thu và Tết Trung-Nguyên
Chúng ta có thể nói Tết Halloween bao gồm một phần của ngày Tết Trung-Thu và một phần của ngày Tết Trung-Nguyên của ta.
Trong Tết Halloween, người ta cầu-nguyệu cho những người chết giống như trong tục-lệ Tết Trung-Nguyên, tức là Tết Rằm Tháng Bảy hay Lễ Vu-Lan. Cả hai ngày "Tết Halloween” và “Tết Trung-Nguyên” đều là ngày để người ta tưởng nhớ và vinh-danh người đã chết. Tết Halloween cũng là dịp để trẻ em vui chơi thỏa-thích giống như ngày Tết Trung-Thu của ta.
Văn-hóa Đông và Tây gặp nhau ở một điểm là đều công-nhận có linh-hồn sau khi người ta chết. Nhưng có một điều khác biệt là người Việt-Nam ta coi trọng linh-hồn của người thân hơn. Chính vì vậy nên mới có cúng lễ, cầu siêu, đọc kinh báo hiếu cũng như đốt vàng mã cho cha mẹ, ông bà, tổ-tiên trước khi cầu-nguyện cho những linh-hồn của người vô thừa-nhận vào dịp Tết Trung-Nguyên. Ở Âu-Tây người ta phần lớn theo đạo Thiên-Chúa nên trước đây việc cúng lễ hay cầu-siêu cho ông bà cha mẹ không được coi làm trọng. Ngày nay tuy có phần đổi mới hơn trước, nhưng vẫn còn trong tình-trạng giao-thời.
Ghi-Chú: “Trung-Nguyên” nghĩa là rằm tháng bảy. “Vu Lan” là tên cái giường. Giường vu- lan được làm bằng tre, có ba chân, và dùng để treo tiền của cùng đồ bằng mã (đồ làm bằng giấy để giả làm đồ thật) lên mà đốt.
Theo cuốn Việt-Nam Phong-Tục của Phan Kế Bính, Tết Trung-Nguyên được định nghĩa như sau: “Rằm tháng bảy gọi là Tết Trung-Nguyên. Ta tin theo sách Phật, thường cho hôm ấy là ngày vong-nhân xá tội, nghĩa là người dưới âm-phủ được tha tội một ngày hôm ấy. Bởi vậy nhiều nhà mua vàng mã cúng gia-tiên, các nhà có người mới mất, cũng hay đốt mã làm chay vào hôm ấy.”
Theo cuốn Luân-Lý Giáo-Khoa Thư, Lớp Sơ Đẳng, của Việt-Nam Tiểu-Học Tùng-Thư, Tết Trung-Nguyên được định-nghĩa như sau: “Tết này ăn vào ngày rằm tháng bảy. Cứ theo sách nhà Phật, thì ngày ấy các vong-nhân ở dưới Am-phủ được xá-tội, nên các nhà làm cơm cúng và mua vàng mã đốt cho ông bà ông vải (ancestors).”
Ngày nay người ta làm cho ngày Tết Trung-Nguyên có ý-nghĩa hơn bằng cách đề cao chữ hiếu và gọi ngày này là Ngày Báo-Hiếu. Thật là một việc làm đầy ý-nghĩa. Người ta còn cụ-thể-hóa ý- nghĩa này bằng cách cài bông hồng vào áo để nhớ đến công ơn mẹ cha; bông màu trắng tượng trưng cho cha hay mẹ đã mất và bông màu đỏ dành cho cha hay mẹ còn sống. Thật diễm-phước cho những ai được đeo hai bông hồng màu đỏ trong ngày Tết Trung-Nguyên vì “phụ-mẫu tại tiền như Phật tại thế.”
Cái đặc-biệc của ngày Tết Trung-Nguyên thời nay là “sự báo-hiếu,” không những báo-hiếu cho những người đã nằm xuống mà còn báo hiếu đối với người còn sống. Nhờ vào khía cạnh tâm-lý của việc tiếc nhớ người quá-vãng để củng-cố tình gia-đình đối với người còn sống. Đây cả là một nghệ-thuật giáo-dục chúng-sinh.
Đành rằng chữ hiếu chỉ có ý-nghĩa trong khi cha mẹ ông bà còn sống, nhưng người ta vẫn coi thường và lơ-là cái gì hiện có mà chỉ ăn-năn hối-hận khi sự đã rồi. Ngày Tết Trung-Nguyên hiện nay có cái tác-dụng nhắc con cháu phải có bổn-phận đối với ông bà cha mẹ ngay khi còn sống để khỏi hối- tiếc về sau.
Người Tây-phương vì quá bận-rộn với đời sống vật-chất cá-nhân nên đời sống đại gia-đình có vẻ lỏng-lẻo. Chính vì thế người ta mới đặt ra “Ngày của Bố” (Father’s Day) và “Ngày của Mẹ”(Mother’s Day). Việt-Nam ta thì con cái có bổn-phận “định-tỉnh thần-hôn” tức là sáng viếng tối thăm (thần là buổi sớm, hôn là buổi tối; định-tỉnh là thăm hỏi cha mẹ). Ngày nào cũng là ngày dành báo-hiếu cho bố cho mẹ nên không cần có ngày đặc-biệt nào dành cho bố cho mẹ như người ở Bắc-Mỹ này.Nhưng rồi dần-dà vì nhu-cầu đời-sống vật-chất càng ngày càng tăng, con cái người Việt-Nam lại quên cả bố lẫn mẹ. Bởi vậy ngay nay, Tết Trung-Nguyên mới trở-thành “Mùa Báo-Hiếu.” Cái may-mắn là ngoài mùa báo-hiều, các bậc cha mẹ người Việt lại được con cháu nhớ đến vào các ngày “Mother’s Day” và “Father’s Day” nữa. Nhờ đó các bậc làm cha mẹ cũng được an-ủi phần nào trong thời buổi “văn-minh vật-chất nước người làm mời nhân-nghĩa làm phai
cương-thường” này.
III. Kết luận
Giữ cái hay của mình và học cái hay của người là điều quý-hóa nhất để duy-trì và phát-huy văn-hóa của chúng ta. Chúng tôi hy-vọng với bài viết này một phần nào sẽ giúp cho những ai muốn tìm hiểu về Tết Halloween, Tết Trung-Thu và Tết Trung-Nguyên để đời-sống của chúng ta và con cháu chúng ta có thêm ý-nghĩa.