25/05/2018, 09:16

Nghĩ về sự đồng thuận trong giáo dục

Có thể cho rằng năm 2002 là năm mà cả xã hội như đang xoay những nỗi lo toan của mình trở về với những vấn đề của giáo dục (GD) sau nhiều năm tập trung cho việc tăng trưởng kinh tế. Sau "dạy thêm học thêm" là sách giáo khoa cải cách lớp 1, lớp 6 với các chữ ...

Có thể cho rằng năm 2002 là năm mà cả xã hội như đang xoay những nỗi lo toan của mình trở về với những vấn đề của giáo dục (GD) sau nhiều năm tập trung cho việc tăng trưởng kinh tế. Sau "dạy thêm học thêm" là sách giáo khoa cải cách lớp 1, lớp 6 với các chữ cái e, i, a,…, là những bối rối của việc tuyển sinh ĐH với nguyện vọng 1, 2, 3 (!). Sau cái biểu đồ thống kê kết quả kỳ thi, lần đầu tiên được công bố công khai, là vấn đề "chất lượng thấp" và cách "dạy và học lạc hậu" ở phổ thông trung học (?),v.v… Nhiều hội thảo, nhiều diễn đàn, từ bộ GD và Đào tạo, từ các viện nghiên cứu, từ các tờ báo lớn… đã được gấp rút tổ chức. Hàng trăm chính khách, nhà khoa học, nhà giáo, nhà báo, phụ huynh, SV, học sinh,… cũng đã dồn dập lên tiếng. Các ngôn từ như: "bàng hoàng, khủng khiếp, hốt hoảng, liệu có đủ can đảm và trung thực" vv… cũng đã được sử dụng. Còn Quốc hội thì cũng đã đưa thêm vấn đề GD vào chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 2 khóa XI.

Tuy nhiên, nếu bình tâm nhìn lại thì có thể thấy rằng, trừ một số "sai sót" quá rõ ràng, ví dụ, "dấu ngã (~) và cái đòn gánh", các vấn đề lớn của GD vẫn như đang còn bỏ ngõ, chưa có sự đồng thuận hay còn gọi là "sự đồng tâm nhất trí" (Consensus) của công chúng và còn nhiều ý kiến rất khác nhau, ngay cả giữa những nhà quản lý GD, các nhà giáo và các nhà khoa học. Vì vậy, với công chúng nói chung, nhiều vấn đề trong GD hiện nay như đang bị "nhiễu", đang bị ở trạng thái luôn trách cứ và chê bai lẫn nhau, nhưng bản chất thì còn bị che khuất.

Ví dụ, thử xem lại việc dạy và học ở phổ thông. Nhiều ý kiến đang cho rằng, nguyên nhân của chất lượng GD phổ thông thấp hiện nay (tạm giả định như vậy) là do cách dạy và học quá lạc hậu, "thầy giảng, trò ghi, học thuộc và tái hiện", phải đổi mới phương pháp dạy và học sao cho học trò có được năng lực tư duy và sáng tạo. Đổi mới phương pháp dạy và học thực sự là một yêu cầu cần thiết hiện nay. Tuy nhiên, cũng có thể bắt gặp được một vài dòng suy nghĩ hơi khác với dòng ý kiến nói trên. GS toán học Văn Như Cương đã viết trong tạp chí Tia sáng số 11/ 2002: "Nếu bây giờ tôi nói "không đổi mới phương pháp dạy và học được đâu" thì chắc chắn là sẽ bị "đánh" một trận tơi bời khói lửa. Vì lẽ đó tôi phải nói "mềm hoá" một chút, cụ thể là sẽ bàn đến cái "khó" của đổi mới phương pháp dạy và học, rồi biết đâu từ cái "khó" sẽ "ló" cái khôn chứ không hẳn là "bó" cái khôn. Hy vọng rằng, như vậy tôi sẽ tránh được đòn roi của các nhà cải cách".

Như nhiều người đã rõ, muốn nâng cao năng lực tư duy sáng tạo của học sinh, bên cạnh việc sử dụng kiểu "giảng giải minh họa" truyền thống hiện nay một cách có phương pháp chứ không là "thầy đọc trò ghi", cần phải tăng cường kiểu "dạy học theo vấn đề", thầy tạo ra tình huống, trò tham gia giải quyết vấn đề. Tuy nhiên kiểu dạy học này yêu cầu người dạy phải có kỹ năng cao và có một nhược điểm lớn là tốn nhiều nguồn lực, đặc biệt là tốn thời gian. Người ta nói, cùng một lượng kiến thức, dạy học theo vấn đề phải tốn thời gian đến ba lần so với kiểu giảng giải minh họa.

Vậy thì với những hạn chế rất lớn hiện nay về nguồn lực (số lượng và năng lực thầy giáo , kinh phí, cơ sở phòng lớp, phương tiện giảng dạy, v.v…) và đặc biệt với khối lượng kiến thức quy định như hiện nay, mà phần lớn học sinh đã lâm vào tình trạng quá tải, thì liệu có tăng được gấp đôi thời gian học tập để học trò có thể "học theo vấn đề"?. Vấn đề còn trở nên khó khăn hơn khi mà: "thông tin, kiến thức thì đang tăng lên theo hàm mũ mà thời gian dành cho việc học tập của con người thì có hạn". Chính vì vậy, từ hơn 30 năm trước, cố GS Tạ Quang Bửu đã dạy chúng tôi: "Bản chất của dạy tốt là dạy phương pháp, dạycách tư duy", ấy vậy mà cho đến nay chúng tôi vẫn chưa thực hiện được mấy theo lời dạy này. GS Văn Như Cương nói: "Không đổi mới phươngpháp dạy và học được đâu" là vì vậy. Thiết nghĩ, giải pháp đổi mới phương pháp dạy và học sẽ chưa khả thi cho đến khi nào vẫn còn tiếp tục giữ nguyên quan niệm về mục tiêu cũng như nội dung khá hàn lâm và khối lượng quá lớn như hiện nay ở GD phổ thông. Vậy có phải đó là bắt đầu của việc "ló" cái khôn như cách nói của GS Văn Như Cương hay không, xin được bàn luận vào một dịp khác.

Điều mà theo chúng tôi cần quan tâm trước hết hiện nay là, những cái "nhiễu" nói trên có thể dẫn đến chỗ, sự tín nhiệm, niềm tin đối với GD bị giảm thấp. Mà niềm tin là cơ sở của GD và "sự ngờ vực" (distrust) luôn là một cản trở trong phát triển. Do vậy, cần có sự đồng thuận. Trong vấn đề này, có thể cho rằng, GD có 3 đặc điểm chính sau đây. Thứ nhất, GD là một việc rất gần gũi với hầu hết mọi người. “Và nó có vẻ gần gũi bao nhiêu thì người ta càng biết ít đến nó về mặt lý luận cũng như thực tiễn bấy nhiêu”. Và khi "ít biết đến nó" thì cũng khó mà đi vào những vấn đề bản chất của nó. Thứhai, các vấn đề của GD thường có tính chất "nhiều mặt" hay còn gọi là "đa mục tiêu". Vì vậy, nó không có lời giải tốt nhất một cách khách quan theo nghĩa thông thường mà thường có tình trạng, cải thiện thêm được mục tiêu nầy thì lại làm xấu đi mục tiêu khác (khi đã quản lý tốt). Do đó việc chọn giải pháp trong GD còn phụ thuộc vào "sở thích" (preference) chủ quan của người chọn, mà "người chọn” ở đây có thể là người học, phụ huynh, người sử dụng, các nhà khoa học, v.v… có những ước muốn và kỳ vọng nhiều khi rất khác nhau. Thứ ba, như chúng ta thường nói, GD là sự nghiệp của quần chúng. Do đó họ có quyền được hiểu, được biết (public awareness), được đóng góp vào quá trình chọn lời giải và trực tiếp tham gia vào một số công việc của GD.

Chính vì những đặc điểm nói trên, trong GD có 2 mặt có vẻ như "ngược chiều" nhau, một mặt cần phải có sự đồng thuận của công chúng, nhưng mặt khác, ra - quyết - định trong GD lại không phải là việc "phổ thông đầu phiếu" như cách nói của GS Dương Thiệu Tống. Vấn đề là họ phải được biết, được có ý kiến, được giải thích, được đóng góp vào quá trình chọn lời giải v.v… một cách có tổ chức, thường do một cơ chế gọi là "quan hệ công chúng" (public relation) tổ chức thực hiện. Còn việc ra - quyết - định về các giải pháp GD lại liên quan đến cách tổ chức làm việc rất đặc thù giữa các nhà lãnh đạo và các chuyên gia về GD (Đây là vấn đề vượt ra ngoài khuôn khổ của bài này).

Đáng tiếc, vừa qua GD ở nước ta như chưa quan tâm đúng mức cơ chế "Quan hệcông chúng" cũng như cơ chế "Ra - quyết - định" với sự đồng thuận của công chúng. Nếu kéo dài tình trạng này, chẳng những việc ra - quyết - định trong GD còn tiếp tục mang tính chất đối phó với dư luận, với những "bức xúc" trước mắt, chưa phải là "căn cơ", mà còn có thể dẫn đến chỗ, xã hội giảm niềm tin đối với GD, nhuệ khí của cộng đồng GD bị tổn thất và hiệu quả tổng thể, lâu dài của nền GD bị giảm sút. Do vậy, cần phải có niềm tin và sự đồng thuận trong GD.

0