06/05/2018, 10:00

Nghị luận xã hội về tình bạn, tình yêu ở lứa tuổi học sinh – Văn mẫu hay lớp 12

Xem nhanh nội dung Nghị luận xã hội về tình bạn, tình yêu ở lứa tuổi học sinh – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Hải Dương Từ những đứa trẻ ngây thơ, chúng ta dần trưởng thành. Từ cuộc sông vô lo vô tư chúng ta tập suy nghĩ, tập làm người lớn. Trong rất nhiều điều ...

Xem nhanh nội dung

Nghị luận xã hội về tình bạn, tình yêu ở lứa tuổi học sinh – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Hải Dương

Từ những đứa trẻ ngây thơ, chúng ta dần trưởng thành. Từ cuộc sông vô lo vô tư chúng ta tập suy nghĩ, tập làm người lớn. Trong rất nhiều điều mới mẻ ấy chúng ta đến với tình bạn, tình yêu. Những tình cảm muôn thuở của con người. Những tình cảm ấy có thay đổi nhưng những giá trị cơ bản nhất thì sẽ vĩnh hằng theo thời gian. Vậy chúng ta, lứa tuổi mới lớn đã và đang suy nghĩ, hành động thế nào trước tình bạn, tình yêu.

Tuổi giao mùa, tuổi của những cô cậu học mười lăm, mười sáu mơ mộng tuổi của những chàng trai cô gái mười bảy đem chút suy tư vào đời. Nói đến tuổi này, là nói đến sự lãng mạn, nhiều cảm xúc nhưng cũng đầy nông nổi, khờ dại. Đây là lứa tuổi của nhiều biến đổi cả về thể chất lẫn tâm sinh lí, bởi vậy vấn để tình bạn, tình yêu của tuổi này rất đáng được lưu tâm. Dù vẫn còn trong vòng tay yêu thương của mẹ cha. Nhưng đa số chúng ta đều muốn khẳng định mình, do đó tình bạn với chúng ta đôi khi là tất cả, không ai quan trọng bằng bạn. Quan niệm thế nào là tình bạn? Điều này chúng ta đã được học trong chương trình Giáo dục công dân lớp 11, bài học định hướng cho chúng ta có nhũng nhận thức đúng về tình bạn không ai sống thiếu được bạn bè. Nhưng không phải bạn là tất cả, yêu quí bạn không phải là nghe theo bạn, bao che những hành động của bạn.

Ở tuổi chúng mình, sự nông nổi còn chi phối tâm lí khá lớn, do đó sự nhận thức đa phần còn kém, chúng ta rất dễ bị bạn rủ rê: chơi bời, đua đòi, bỏ học, đua xe… Cuộc sống có nhiều biến đổi, do thực tế cuộc sống nhiều bạn ít được cha mẹ quan tâm, do đó nhiều bạn bỏ bê học hành, sa ngã, gây nên nhiều hậu quả đáng tiếc. Ở các trường phổ thông hiện tượng bỏ giờ, nghiện hút, trộm cắp… vẫn diễn ra, đó là do nhận thức thiếu chín chắn, do thiêu sự giáo dục phía gia đình, do bạn bè lôi kéo. Bên cạnh đó, có những tình bạn cùng tiến, giúp đỡ nhau trong học tập. Hiện nay ở các lớp học hiện tượng chia bè phái, thành lập nhóm gia đình học sinh diễn ra khá phổ biến, dẫn đến tình trạng nghi kỵ, ghen ghét, cạnh tranh không lành mạnh, gây mất đoàn kết trong lớp, một lần, tôi thật sự bất ngờ khi vô tình nghe cô giáo tôi trò truyện với phụ huynh có việc đến trường. Cô gọi người ấy là bạn và xưng tôi. Nghĩa là xưng hô như học trò chúng tôi thường ngày với nhau. Tò mò, tôi hỏi cô và cô giải thích đây là một người bạn học phổ thông. Cô còn kể cho chúng tôi nghe về những người bạn, những ki niệm trong sáng về bạn bè hơn hai năm về trước. Cô kể về cái tập thể lớp hơn hai tư con người, về khóa học vẻn vẹn 84 bạn đã cùng nhau vượt khó, yêu thương, chia sẻ để học hành. Tôi được biết, sau hơn hai mươi năm ra trường, cô và các bạn vẫn liên lạc với họp mặt, gặp mặt và giúp đỡ nhau trong cuộc sống như thuở trước,vẫn gọi ban, xưng tôi dù cô và các bạn đã bước sang tuổi 40. Đó chẳng phải là tình đẹp, đáng quí, đáng trọng của tuổi học trò được lưu giữ qua thời gian và tháng đó hay sao?

Tình bạn của tuổi giao mùa thật sự trong sáng, hồn nhiên, chúng mình hãy sống vô tư, sống thật vui, thật đẹp để khi đi xa chúng ta luôn nhớ về một niềm xúc động thân thương như cô giáo của tôi mà tôi vừa kể.

Tình bạn là vậy! Còn tình yêu thì sao? Tuổi chúng mình đã được yêu chưa? đến tình yêu học trò là nói đến những rung động đầu đời, những xao xuyến bâng khuâng nói đến những mối tình vụng dại, âm thầm, nói đến những ánh mắt lạ, những người dưng, những đôi má hồng, những nụ cười e ấp… mà nhà thơ Đỗ Trung Quân một thời đã nói:

Mối tình đầu của tôi có gì?                   

Chỉ một cơn mưa bay bay ngoài cửa lớp

Là áo người trắng cả giấc ngủ mê         

Là bài thơ còn hoài trong cặp               

Giữa giờ chơi mang đến lại mang về     

(Chút tình đầu)

Cái thời đã trở thành cổ tích với những vần thơ lãng mạn:

Tuổi 15 em lớn từng ngày                  

Một buổi sáng em bỗng thành thiếu nữ

Hôm ấy mùa thu anh vẫn nhớ           

Hoa sữa thơm ngây ngất quanh hồ     

(Hải Như)

Còn nữa không nơi cổng trường bao cô cậu học trò trờ thành thi sĩ, ngẩn ngơ nhớ dáng áo trắng ngang qua. Có còn không những nỗi trở trăn:

Bạn đừng ngạc nhiên khi thấy tên mình trên cày bàng trước lớp.

Có kẻ mộng mơ không cùng chung một lớp, chỉ dám khắc tên người trên chiếc lá bàng xanh.

Có ai dũng cảm giấu những cảm xúc riêng mình:

Nàng đến gần tôi chỉ dám… quay đi

Cả những giờ lên lớp học, trường thi

Tà áo khuất thì thầm chưa phải lúc.

Thật đẹp biết bao! Trong sáng và giản dị tinh khôi như màu áo của học trò. Xưa nay người ta thường nói rằng: Tình yêu học trò đẹp nhưng lại rất mong manh. Dù đã được học bài Tình yêu trong chương trình Giáo dục công dân, nhưng đến nay vẫn chưa ai dám khẳng định rằng: nên có tình yêu ở tuổi này. Đấy một phạm trù rất đáng lưu tâm. Hiện nay, có rất nhiều ảnh hưởng từ phương tiện thông tin đại chúng, phim ảnh nước ngoài… đã làm không ít bạn gái ở tuổi này đi quá giới hạn của tình yêu tuổi học trò trong sáng, trở thành nạn nhân của nạn nạo phá thai. Bởi vậy đây là vấn đề rất đáng báo động, mục gỡ rối trên các trang báo tuổi teen đã phần nào phản ánh được thực trạng nhận thức sai lệch về tình yêu trong giới học sinh. Tình yêu chỉ thực sự cần nó đem đến cho nhau niềm tin, động lực, giúp nhau cùng hướng tới tương lai. Sự thi vị của tình yêu hoa phượng dường như càng ngày càng mờ đi, thay vào đó là những câu chuyện đau lòng không đáng có. Thật buồn khi nghe những vụ uống thuốc tự tử, nhảy sông, nạo phá thai… diễn ra ngày một nhiều.

Nhìn chung, tình bạn, tình yêu ở tuổi chúng mình đẹp đấy nhưng cũng phức tạp. Nếu không được hướng đúng, không được quan tâm, sẽ rất dễ ngã, nhận thức sai lệch. Do đó trong nhà trường, gia đình và xã hội phải quan tâm đến vấn đề này. Để tuổi học trò là tuổi ngọc, tuổi hoa, tuổi những ki niệm đẹp của mỗi cuộc đời.

Nghị luận xã hội về tình bạn, tình yêu ở lứa tuổi học sinh – Bài làm 2

Tuổi học trò luôn là quãng thời gian tươi đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người, là hành trang để chúng ta có thể tự tin bước tiếp con đường mình đã chọn. Tuổi học trò gắn với nhiều kỉ niệm buồn vui luôn ám ảnh tâm trí của mỗi người. Ở quãng thời gian ấy, tình bạn và tình yêu tuổi học trò có lẽ là điều đáng nhớ nhất cho đến mãi về sau.

Mỗi người chúng ta sinh ra, lớn lên và trưởng thành gắn với những người bạn để có thể chia sẻ, hàn huyên, tâm sự, kể lể đủ chuyện. Nhưng tình bạn ở mỗi giai đoạn lại gắn liền với những cung bậc cảm xúc khác nhau. Có lẽ ở lứa tuổi học trò, tình bạn luôn là điều gì đó thiêng liêng, gần gụi và không thể quên được.

Ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta sẽ quen biết rất nhiều người bạn sẽ theo chúng ta suốt những năm tháng học sinh. Đó là những người chúng ta có thể gửi gắm tâm sự, giúp đỡ nhau trong học tập và hoạt động xã hội. Tuy nhiên người ta vẫn bảo “chọn bạn mà chơi”. Đối với môi trường nào cũng vậy, việc lựa chọn những người bạn luôn là điều cần thiết để có thể gắn bó, giúp đỡ nhau cùng học tập tốt hơn.

Tình bạn tuổi học trò luôn là tình cảm chân thành, trong sáng, không vụ lợi, không xuất phát từ lòng ích kỉ cá nhân. Đó mới là tình bạn thực sự và đáng trân trọng của lứa tuổi học trò.

Lựa chọn những người bạn tốt, chăm chỉ, sẵn sàng giúp đỡ bạn bè khi cần thiết sẽ khiến cho chính bản thân bạn cảm thấy mình may mắn. Và đó cũng chính là động lực để mình có thể hoàn thiện bản thân mình hằng ngày từ việc giao tiếp bạn bè đến việc học tập. Để có những người bạn đúng nghĩa thì bản thân mình cũng phải là một người bạn tốt. Bởi vậy, tình bạn cần xuất phát từ hai phía, để cùng nhau nỗ lực và phát triển bản thân mình hơn.

Nếu như lỡ may chúng ta chọn nhầm bạn để chơi, để làm gương thì chúng ta đang tự đưa bản thân mình vào ngõ cụt. Có rất nhiều hậu quả xảy ra sau đó. Bạn đua đòi, ăn chơi, lơ là học tập, dụ dụ những bạn học sinh xung quanh mình sa vào con đường này. Đây là một thực tế đáng buồn. Không phải bạn học sinh nào cũng có đủ bản lĩnh để có thể lựa chọn con đường đi đúng đắn cho bản thân mình.

Bởi vậy tình bạn tuổi học trò chỉ thực sự đẹp, đáng trân trọng khi chính bạn phải xây dựng một mối quan hệ bền vững với những người bạn thực sự.

Bên cạnh tình bạn tuổi học trò, tình yêu tuổi học trò là điều được nhiều người quan tâm. Ở cái tuổi không còn bé nhưng cũng chưa trưởng thành. Các bạn luôn muốn khẳng định cái tôi cá nhân của mình. Và yêu đương tuổi học trò là một trong những điều mà các bạn muốn thử. Muốn tìm cảm giác mới lạ ngoài tình bạn, có thể vẫn trong sáng, nhưng có thể không còn trong sáng. Việc tạo dựng tình yêu tuổi học trò cũng xuất phát từ ý thức của mỗi người. Có những mối tình tuổi học trò trong sáng, ngây thơ, hồn nhiên, không ích kỉ. Có những cô cậu chỉ dám thầm thương, trộm nhớ ai đó. Có người lại mãnh liệt thể hiện rằng mình đã có người yêu.

Tình yêu tuổi học trò luôn có nhiều cung bậc, nhiều biểu hiện khác nhau. Và đặc biệt hiện nay khi sự phát triển của mạng lưới Internet thì tình yêu tuổi học trò trở nên phổ biến, có thể dẫn đến nhiều hậu quả xấu. Nhiều bạn sa vào yêu đương mà lơ là việc học tập, phạm nhiều lỗi lầm, sai trái, và có thể tự hủy hoại chính tương lai của mình.

Tình yêu tuổi học trò không ai cấm, nhưng đừng biến nó thành những tình cảm vụ lợi, ích kỉ và vô tình đánh mất đi thứ tình cảm trong sáng, đáng trân trọng đó.

Có rất nhiều người sau này kể lại vẫn nức nở khi nhớ về mối tình ngây thơ tuổi học trò, vì với họ đó là quãng thời gian tươi đẹp nhất khi nhớ lại. Nhưng có nhiều người lại phải đánh đổi nhiều thứ cũng vì tình yêu tuổi học trò.

Như vậy, tình bạn và tình yêu tuổi học trò luôn là những khoảnh khắc, những mối quan hệ trong sáng mà mỗi người khi nhớ về đều bồi hồi xúc động. Hãy để quãng thời gian đó là thời gian tươi đẹp nhất đã từng trải qua.

Nghị luận xã hội về tình bạn, tình yêu ở lứa tuổi học sinh – Bài làm 3

Nhiều năm trước, khi nói đến tình yêu tuổi học trò, người ta thường nghĩ đến học sinh các lớp cuối cấp, chuẩn bị ra trường. Sự chia tay để chuẩn bị bước vào một cấp học mới khiến cho chúng có cảm giác nuối tiếc, nhớ nhung. Đó là thứ tình cảm rất hồn nhiên, trong sáng theo kiểu “thuở chẳng ai hay, thầm lặng mối tình đầu”. Nhưng bây giờ, cùng với sự thay đổi của môi trường xã hội, sự phát triển về kinh tế, các phương tiện công nghệ hiện đại như intenet, điện thoại di động thì việc học sinh biết yêu xuất hiện ở tất cả các cấp học, đặc biệt là bậc THCS và THPT.

Hiện tượng hai học sinh khác giới ôm nhau trên chiếc xe đạp giữa ban ngày ban mặt bây giờ không phải là chuyện hiếm. Nếu làm một cuộc khảo sát ở các nhà nghỉ, khách sạn, xin cam đoan rằng tỉ lệ học sinh vào đó không thấp hơn không đáng kể với những lứa tuổi khác. Tỉ lệ học sinh nữ nạo phá thai ở những cơ sở y tế tăng đến mức báo động. Đến khoa sản của các bệnh viện lớn, không khó khăn gì để nhận ra các cô cậu mặt còn búng ra sữa, đưa nhau đi giải quyết hậu quả…

Những hệ lụy đáng tiếc

Do chưa có những nhận thức chín chắn về tình yêu, lại chưa được trang bị đầy đủ những kỹ năng sống cơ bản nên hiện tượng học sinh yêu sớm đã dẫn đến những hệ lụy không mong muốn.

Yêu ở lứa tuổi học trò khiến cho việc học hành bị giảm sút nghiêm trọng. Nhiều em học sinh ở lớp không tập trung nghe thầy cô giáo giảng bài, chỉ lúi húi viết thư hoặc nhắn tin cho người yêu. Về nhà thì đờ đẫn như người mất hồn. Lúc nào cũng sống trong trạng thái nhớ nhung mất ăn mất ngủ.

Lại có trường hợp hai cậu cùng thích một cô nên xảy ra hiện tượng bạo lực nhằm tranh giành đối tượng. Thời gian qua, trên mạng intenet có không ít hình ảnh về các học sinh nam nữ đánh nhau chỉ vì những chuyện liên quan đến tình cảm. Những cảnh dường như chỉ thấy trong xã hội đen như hay túm tóc, cào cấu hay dằn mặt, lột áo nhau giờ không còn là lạ giữa chốn học đường.

Với bản tính bồng bột, nông nổi và quan niệm rằng yêu là phải biết dâng hiến, nhiều mối tình tuổi học trò đã có kết cục buồn khi cả hai đi quá giới hạn, quan hệ tình dục sớm. Trong trường hợp này, chịu thiệt thòi nhiều thường thuộc về các nữ sinh. Trên thực tế, nhiều nữ sinh tỏ ra vô cùng lo sợ, hoảng hốt không biết xử trí ra sao khi lỡ ăn “trái cấm” và kết quả là cái thai trong bụng cứ lớn dần lên trong khi các em chưa đủ các điều kiện để làm mẹ. Trong trường hợp này, đa số nữ sinh phải chấp nhận đi nạo hút thai để được tiếp tục đến trường. Do mặc cảm, xấu hổ, sợ gia đình, thầy cô và bạn bè biết chuyện, phần lớn các em đã tự tìm đến các cơ sở phá thai tư nhân để giải quyết hậu quả bất chấp những nguy hiểm có thể xảy ra. Sau khi phá thai, nhiều em rơi vào tình trạng hụt hẫng, suy sụp tinh thần, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt và học tập. Một số trường hợp vì gia đình phát hiện quá muộn nên buộc phải tạm dừng việc học tập để hợp lý hóa đứa con trong bụng dù những cô nàng này chưa đủ tuổi kết hôn.

Vai trò của gia đình và nhà trường

Không ai khác, cha mẹ phải là người đầu tiên quan tâm đến cuộc sống tinh thần của con. Khi nhận thấy ở con những biểu hiện bất thường như: thường xuyên đi học về muộn, lơ là, chểnh mảng trong việc học, thường xuyên gọi điện, nhắn tin cho ai đó phải kịp thời tìm hiểu và tìm ra cách xử trí linh hoạt, tế nhị, phù hợp. Mọi sự cấm đoán cực đoan, can thiệp thô bạo vào chuyện tình cảm của con trẻ ở độ tuổi mới lớn có thể gây ra những phản ứng tiêu cực, dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.

Nhà trường nên có những buổi ngoại khóa, chủ đề về tình yêu học trò để chính người trong cuộc là các em được phát biểu ý kiến của mình về thứ tình cảm hết sức phức tạp và tế nhị này. Thầy cô giáo phải quan tâm sâu sát đến tâm tư, tình cảm của học trò. Tránh xếp chỗ ngồi xen kẽ giữa học sinh nam với học sinh nữ ở những năm cuối cấp. Sự va chạm về thể xác có thể là một trong những nguyên nhân các em tò mò về bạn khác giới.

Nên chăng, khi phát hiện trẻ yêu sớm, cần gần gũi, tìm hiểu, chia sẻ từ đó định hướng cho các em nhận thức về tình bạn, tình yêu trong sáng. Làm sao để chúng thấy được rằng ở tuổi học sinh, việc quan trọng nhất tác động đến tương lai là việc học.

Bằng nhiều cách thức khác nhau, gia đình và nhà trường cần trang bị cho các em những kỹ năng sống cơ bản ở tuổi mới lớn. Trong đó bao gồm cả việc trao đổi, cung cấp những kiến thức cơ bản, cần thiết về giới tính, sức khỏe sinh sản. Điều quan trọng là gia đình và các thầy, cô giáo trong nhà trường phải là chỗ dựa tinh thần đáng tin cậy để giúp học sinh đang ở lứa tuổi dậy thì vượt qua được giai đoạn tâm lý có nhiều thay đổi, xáo trộn này.

Nghị luận xã hội về tình bạn, tình yêu ở lứa tuổi học sinh – Bài làm 4

–   Tuổi học trò là tuổi hồn nhiên, trong sáng, được học hành, rèn luyện và vùi chơi. Ở bậc Trung học phổ thông, học sinh đã chuẩn bị bước vào đời với biết bao dự định: Chọn trường đại học nào để học tập, rèn nghề cho công việc lập nghiệp ngày mai? Tương lai có thể được làm những việc mà mình yêu thích?… Đó là những câu hỏi mà nhiều học sinh thường tự đặt ra cho mình, với hình dung bước đầu về những tháng năm phía trước. Tuy nhiên, ở tuổi này, có không ít học sinh gặp những vấn đề không dễ giải quyết: nảy sinh một thứ tình cảm đặc biệt đối với một người khác giới mà bấy lâu nay vẫn tưởng mãi mãi chỉ là bạn bè. Thứ tình cảm đặc biệt, lạ lẫm ấy chính là tình yêu. Vướng vào tình yêu, nhiều học sinh đã rơi vào tình trạng lúng túng, không biết phải giải quyết thế nào.

–   Tình yêu là thứ tình cảm kì diệu, đẹp đẽ của con người. Xuất phát từ sự chân thành, tự nhiên, tình yêu tuổi học trò cũng rất đáng được tôn trọng. Người trong cuộc phải biết gìn giữ để tình yêu đó không bị chi phối bởi những dục vọng tầm thường, không làm tổn hại thanh danh của người mình yêu, và nhất là không cản trở việc học tập và phấn đấu của bản thân. Người có bản lĩnh, biết kiểm soát tình cảm của mình bằng lí trí tỉnh táo, có thể biến tình yêu thành một động lực mạnh mẽ, thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để vượt qua những khó khăn, thách thức. Đã từng có những đôi lứa biết vun đắp tình yêu của mình từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường, để sau này cùng nhau xây dựng một mái ấm gia đình, và họ xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Ngược lại, có những người vì đã không làm chủ được bản thân, bị lôi cuốn bởi tình cảm thái quá, tự gây nên những hệ luỵ tiêu cực, dẫn đến tình trạng sớm nếm mùi bất hạnh. Những thương tổn đầu đời ấy thường để lại hậu quả nghiêm trọng về sau. Học sinh cần có sự hiểu biết để không biến tình yêu thành một cuộc phiêu lưu.

–   Với học sinh, phải xác định nhiệm vụ trọng tâm là học tập và rèn luyện để vào đời bằng trí tuệ, tri thức và kĩ năng sống vững vàng. Muốn vậy, phải biết kiểm soát, kiềm chế tình cảm của mình, nhất là tình yêu. Nhiều lúc gặp rắc rối về tình cảm, bản thân không thể tự giải quyết, hãy tìm đến những người có kinh nghiệm và có trách nhiệm để có được sự chỉ bảo cần thiết, cần hiểu rằng, đích đến của tình yêu là hôn nhân, gắn liền với nó là trách nhiệm nặng nề. Đó là điều quá xa xôi đối với những học sinh chưa rời ghế nhà trường. Ở tuổi vị thành niên, gánh nặng gia đình sẽ là chuyện quá sức. Làm sao đủ hiểu biết và kinh nghiệm để chăm sóc, nuôi dạy con cái? Làm sao có nguồn thu nhập đảm bảo cho cuộc sống của các thành viên trong một gia đình? Làm sao có thể tiếp tục học hành để có được nghề nghiệp và vị trí trong xã hội? Đó là những vấn đề mà khi yêu, không học sinh nào tính đến, nhưng khi đã dấn sâu vào thì phải trả giá bằng chính cuộc sống của mình. Có khi cái giá phải trả quá đắt. Vì vậy, thái độ đúng đắn nhất là phải biết dừng lại đúng mức. Hãy để những rung cảm đầu đời mãi mãi là những kỉ niệm của tuổi học trò.

Thu Thủy (Tổng hợp)

0