06/05/2018, 09:59

Nghị luận xã hội về bệnh thiếu trung thực trong thi cử và cuộc sống – Văn mẫu hay lớp 12

Xem nhanh nội dung Nghị luận xã hội về bệnh thiếu trung thực trong thi cử và cuộc sống – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Hà Tĩnh Trung thực là chìa khóa quan trọng giúp con người mở được cánh cửa vào đời. Trung thực là nhân tố không thể thiếu, là ...

Xem nhanh nội dung

Nghị luận xã hội về bệnh thiếu trung thực trong thi cử và cuộc sống – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Hà Tĩnh

Trung thực là chìa khóa quan trọng giúp con người mở được cánh cửa vào đời. Trung thực là nhân tố không thể thiếu, là nhân tố cơ bản nhất để hình thành nhân cách của mỗi chúng ta. Nó cần thiết với tất cả mọi người, đặc biệt là đối với mỗi cá nhân học sinh chúng ta- những người đang đứng trước cánh cửa cuộc đời. Tuy nhiên, hiện tượng thiếu trung thực trong kiểm tra và thi cử đã và đang là tình trạng thường xuyên xảy ra và là vấn đề nhức nhối mà dư luận xôn xao, lo lắng

Vậy thiếu trung thực trong kiểm tra và thi cử là gì? Đó là hiện tượng học sinh quay cóp trong giờ kiểm tra bằng mọi hình thức, thủ đoạn tinh vi. Trước giờ kiểm tra, học sinh chuẩn bị hàng loạt phao phô-tô thu nhỏ giấu trong người. Họ chờ đến thời điểm giám thị hoặc giáo viên không để ý rồi mang ra dùng. Có những hôm kiểm tra đột xuất, học sinh không chuẩn bị được “phao”, lúc ấy đành phải dùng đến sách vở, lén lút để trong ngăn bàn, thi thoảng liếc xuống. Một vài bạn không dùng phao, không mở sách vở thì ghi tài liệu ra bàn, ra những chỗ xung quanh ít khi thầy cô giáo để ý. Tinh vi hơn, một số người còn trao đổi đáp án bằng máy tính bỏ túi, dán tài liệu thu nhỏ bằng loại keo đặc biệt vào thước, sử dụng điện thoại để tra từ điển, tra google… Nếu không tự gian lận được thì các bạn nhìn bài của nhau, đọc bài cho nhau chép, ném giấy, làm hộ… Tất cả các hành vi trên đều được cho là gian lận, thiếu trung thực trong kiểm tra và thi cử.

Đáng buồn là, những hành vi đó không chỉ diễn ra ở một vài học sinh cá biệt mà là một thực trạng diễn ra từng ngày từng giờ, ở từng lớp, từng trường… Tình trạng đó ngày ngày tái diễn trước mắt chúng ta trở thành những chuyện “đương nhiên”, chuyện “quá bình thường”. Một số bạn còn quan niệm rằng đã là học sinh thì phải biết quay cóp, gian lận, không như thế sẽ không thể hiện được bản lĩnh cá nhân. Với những suy nghĩ tiêu cực như vậy, người lớn cũng như những người quan tâm đến giáo dục đau lòng vô cùng! Chúng ta xót xa khi nhìn thấy một màu trắng xóa của những mẩu “phao” thu nhỏ trên sân trường sau những kì thi. Chúng ta phẫn nộ khi chứng kiến càng ngày những thủ đoạn gian lận càng trở nên tinh vi. Chúng ta thất vọng vì sự thật gần như 100% học sinh phổ thông thừa nhận đã từng gian lận trong kiểm tra thi cử, không nhiều thì ít.

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình cảnh đáng buồn đến như vậy? Trước hết phải kể đến nguyên nhân chủ quan đến từ phía chính học sinh chúng ta. Vẫn là những lí do rất muôn thuở: lười học, không chịu học bài cũ, đọc lại bài ở nhà, đến lúc kiểm tra mới cuống quýt sử dụng tài liệu. Tuy vậy, vẫn có những người vô tình không học bài, chấp nhận bị điểm kém, nhưng đó là bộ phận rất nhỏ. Đại bộ phận đều không dũng cảm làm vậy. Ai cũng muốn được điểm cao, điểm tốt, để không thua kém bạn bè, để không bị bố mẹ trách phạt. Với suy nghĩ như vậy, học sinh đi học nếu không học bài thì nhất định phải làm đủ mọi cách để đạt điểm số cao. Không kể có những trường hợp cố tình không học bài, yên tâm bên mình lúc nào cũng có tài liệu trợ giúp, một lần trót lọt không bị bắt là lần sau sẵn sàng làm tiếp. Họ nghĩ rằng học làm gì cho mất công mất sức, cứ như vậy điểm của mình còn cao hơn khối đứa mất công học trước. Ta cũng không thể không kể đến nguyên nhân khách quan. Cũng là vì áp lực từ phía gia đình, phía nhà trường và thầy cô. Con cái có đạt điểm cao, điều đó mới thể hiện là con mình giỏi, con mình khá. Không đạt điểm cao tức là con mình dốt, là không bằng bạn bằng bè… Một phần cũng là từ phía giám thị coi thi. Căn bệnh rất cũ của xã hội là bệnh thành tích, nên một số giám thị còn cố tình coi thi dễ dãi, thậm chí còn cả những trường hợp làm bài hộ và nhắc bài… Như vậy, có rất nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan dẫn đến thực trạng đau lòng và nhức nhối này.

Tuy vậy, chúng ta cũng phải trả giá rất đắt nếu thiếu đi tính trung thực ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đối với cá nhân chúng ta, ai có thể đảm bảo chắc chắn rằng quay cóp sẽ không bao giờ bị bại lộ? Mà có ai tưởng tượng ra rằng khi bị phát hiện thì ta sẽ thế nào chưa? Đó sẽ là những ánh mắt dè dặt của bạn bè, sự thất vọng của thầy cô, bố mẹ, nhân cách và đạo đức sẽ đặc biệt bị hạ thấp. Nhưng giả sử mọi lần gian lận đều “trót lọt” thì sao? Đau đớn nhất là việc này đã để lại vết sẹo rất sâu trong tâm hồn, hình thành nên một nhân cách méo mó, không đủ hành trang để vững vàng bước vào cuộc đời phía trước. Hành động này còn có ảnh hưởng sâu sắc tới những người xung quanh. Họ nghĩ thật đến những bất công trong học đường và rộng hơn là trong xã hội, họ mất hết niềm tin vào tương lai phía trước. Còn xã hội thì sẽ thế nào khi chủ nhân tương lai của đất nước là những con người kiến thức rỗng tuếch, chỉ sở hữu những bảng điểm và bằng cấp giả?

Phải có những biện pháp kịp thời để ngăn chặn tình trạng này. Trước hết, về phía mỗi cá nhân chúng ta hãy chuẩn bị những kiến thức vững vàng, tự tin vượt qua mọi kì thi, kì kiểm tra. Ta cũng hãy tập chấp nhận, nhìn thẳng vào sự thật, có thất bại thì lần sau ta mới có thành công. Còn về phía nhà trường, hãy đề ra những biện pháp thích hợp, xử lí kỉ luật nghiêm khắc, gương mẫu để đủ sức răn đe; mặt khác cũng cần phải kiên quyết nói không với bệnh thành tích. Ngoài ra, phía gia đình cũng không nên quá kì vọng và gây áp lực nặng nề đối với con em mình, bố mẹ phải biết lượng sức của con cái để đưa ra những yêu cầu phù hợp…

Trung thực là đức tính quý báu mà học sinh chúng ta cần phải rèn luyện ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Muốn vậy, trước hết chúng ta hãy tự giác chấp hành đúng những quy định trong giờ kiểm tra. Giá trị đích thực của tri thức luôn luôn chiến thắng và đó chính là thước đo nhân cách của mỗi chúng ta.

Nghị luận xã hội về bệnh thiếu trung thực trong thi cử và cuộc sống – Bài làm 2

Trong mỗi con người chúng ta, chúng ta phải cần rất nhiều những đức tính khác nhau để có thể trưởng thành hơn và thành công trong cuộc sống. Tuy nhiên, đối với thế hệ học sinh ngày nay thì việc trung thực trong thi cử và cuộc sống là rất quan trọng để chúng ta có thể tự lập và thành công hơn sau này.

Thế trung thực là gì? Trung thực là ngay thẳng, thật thà , đúng với sự thật , không làm sai lệch đi những cái đúng, lẽ phải, và nó cũng thể hiện đúng trình độ, năng lực của chúng ta. Như trong thi cử, sự trung thực rất cần trong thi cử, nó giúp chúng ta biết được khả năng tới đâu và có thể chỉnh đốn việc học để đạt điểm cao hơn chứ không nên dùng phao, hỏi bài,… Hay trong cuộc sống, việc trung thực sẽ giúp chúng ta được nhiều người yêu quý hơn, ta có thể làm mích lòng người khác vì sự trung thực nhưng đó là sự thật, người đó phải chấp nhận nó. Hơn nữa, nó sẽ giúp cho ta được tin tưởng nhiều hơn, kính trọng hơn.

Sự trung thực có ý nghĩa lớn lao đối với mỗi người, nó đánh giá đúng hiệu quả giáo dục, giúp xây dựng một xã hội văn minh, thân thiện,… Tuy nhiên thì ngày nay, tình trạng thiếu trung thực trong học tập và thi cử lại ngày càng tăng một cách đột biến. Việc học sinh quay cóp trong giờ kiểm tra, hay dùng phao tài liệu là việc khá phổ biến hiện nay. Nó giúp những học sinh lười học bài, hay không chép bài đạt được điểm cao,… Trong cuộc sống hiện nay cũng vậy, sự gian dối, thiếu trung thực cũng phổ biến từ gia đình và xã hội , từ mọi lứa tuổi,… họ có thể nói dối, thiếu trung thực để đạt được những mục đích của mình, các quan chức cấp cao lợi dụng chức vụ của mình để thoát tội, để gian dối trong việc kinh doanh,… Điều đó đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đạo đức xã hội, nó còn khiếm cho niềm tin của con người vào những giá trị, phẩm chất tốt đẹp bị đổ vỡ, hơn nữa nó sẽ khiến cho đất nước chậm phát triển, tụt hậu,…

Những người thiếu trung thực trong thi cử, trong cuộc sống đều phải bị xã hội lên án. Chứ không phải thiếu trung thực rồi chỉ nói qua loa là hết, cứ tưởng như vậy sẽ khiến cho họ ăn năn, hối cãi nhưng không, điều đó sẽ khiến cho những người vi phạm ngày càng lộng hành, và đến khi đó sẽ trở nên "vô phương cứu chữa". Mà hơn nữa, trung thực là phải tự nhiên, thật lòng, không gượng gạo. Trung thực không có nghĩa là tự hạ thấp mình.

Vậy phải làm sao để ngăn chặn những hành vi thiếu trung thực đó? Chúng ta cần có một sự phối hợp ăn ý giữa nhà trường, gia đình và xã hội để giúp các em thiếu trung thực có thể cải thiện nó và không còn thiếu trung thực nữa. Riêng với việc thiếu trung thực trong thi cử và cuộc sống thì phải xử lí nghiêm. Còn những con người luôn trung thực trong thi cử, cuộc sống và luôn đấu tranh với sự gian dối,thì phải được biểu dương toàn trường hay biểu dương ở địa phương mình sống để họ có niềm tin để tiếp tục con đường đấu tranh với gian dối. Còn riêng em thì để đạt được điểm cao và luôn trung thực trong thi cử, cuộc sống là chúng ta phải học thuộc bài thật kĩ, làm bài tập thật nhiều để quen và đạt điểm tối đa

Có thể nói, trung thực là thước đo nhân cách của mỗi con người, nó giúp chúng ta được sống là chính mình, không ai khác. Và nó còn nói lên sự dạy dỗ của cha mẹ, nhà trường, xã hội đối với từng con người chúng ta. Trung thực sẽ giúp chúng ta thành công trong cuộc sống hiện tại và mai sau nữa.

Nghị luận xã hội về bệnh thiếu trung thực trong thi cử và cuộc sống – Bài làm 3

Hiện nay, để phát triển và hội nhập với thế giới thì vấn đề giáo dục phải được chú trọng và quan tâm nhiều hơn. Nước ta đã và đang có những chính sách giúp hỗ trợ, tạo điều kện thuận lợi cho mọi trẻ em đều được đi học. Bên cạnh đó, vấn đề thiếu trung thực trong thi cử luôn được toàn xã hội lên án và cân nhắc.

Thiếu trung thực là không ngay thẳng,không thật thà, là gian dối, là giả tạo. Thiếu trung thực trong thi cử, kiểm tra là gian lận, quay cóp, coi trọng điểm chác, là tình trạng dùng tiền bạc và quyền thế để dung túng, bao che cho hành vi sai trái trong giáo dục. Tất cả chỉ nhằm một mục đích duy nhất đó là dành được điểm số cao, thành tích tốt trong học tập. Điển hình cho thực trạng này có thê nói đến đó là vụ Đồi Ngô, Bắc Giang. Vì muốn đạt chỉ tiêu trong giảng dạy và học tập, thầy hiệu trưởng trường THPT Đồi Ngô đã có hành vi photo sẵn đáp án để đưa vào phòng thi trong kỳ thi tốt nghiệp. Sự việc này một lần nữa làm dấy lên tình trạng giáo dục của nước nhà. Hay theo thống kê từ năm 2005 trở lại đây, hàng năm qua các kỳ thi cao đẳng, đại học, trung cấp, có khoảng 3000 thí sin bị cảnh cáo thi. Đã đến lúc, hơn ai hết phải có sự vào cuộc của toàn xã hội để đẩy lùi tình trạng phổ biến này.

Nguyên nhân xuất phát từ chính người đi học, muốn có điểm cao trong học tập mà không muốn bỏ công sức ra để rèn luyện bản thân. Vâng, học sinh vốn ai cũng muốn lười nhưng lười thế nào để học tập tốt thì đó mới là vấn đề. Là một người học sinh cắp sách đến trường thì tất nhiên ai cũng muốn mình học giỏi, hơn bạn hơn bè, đẹp mặt với họ hàng và mọi người xung quanh, do sức ép từ phía gia đình. Nhưng muốn học tập tốt thì phải bỏ sức lực ra để chăm chú nghe giảng, viết bài đầy đủ, học bài. Đó vốn là quy luật của tự nhiên. Một nguyên nhân sâu xa nữa là bắt nguồn từ cha mẹ học sinh, muốn nở mày nở mặt với người khác để tôn vinh cá gọi là biết 'dạy con' của mình lên.Và vô tình, đó là trở thành tác nhân hại con cái. Ngoài ra, nhà trường cũng có phần trách nhiệm trong vấn đề này. Một số thầy cô giáo vì đồng tiền mà đánh mất lương tâm nhà giáo của mình để bao che, dung túng cho học sinh hay nhà trường vì thàn tích giáo dục mà ép chỉ tiêu,… Bên cạnh đó,nguyên nhân khách quan nữa cũng làm nảy sinh thực trạng này là do sự phát triển công nghệ thông tin,truyền thông, sách báo như sách giải, văn mẫu, con chíp điện tử,… Có những học sinh có kiến thức nhưng cứ đến giờ kiểm tra là học lại không tự tin vào bản thân là họ sẽ làm bài tốt mà không cần tài liệu,…

Trước một loạt những nguyên nhân dẫn đến tình trạng gian lận trong thi cử thì hậu quả để lại là rất lớn. Kết quả không đúng với lực học nên không đánh giá được đúng thực lực của học sinh. Học sinh hổng kiến thức nên không có kiến thức thực tế trong cuộc sống. Tạo ra sự thiếu công bằng, tạo thành tích giả với nhiều bằng cấp giả làm tăng thêm căn bệnh vốn đã tồn tại trong học sinh tạo thêm tính ỷ lại, lười biếng. Người người sẽ mất niềm tin vào ngành giáo dục nước nhà, chất lượng giáo dục giảm sút không thể nâng cao vị trí của đất nước trên trường quốc tế. Giải pháp đặt ra hiện nay rất nhiều như nâng cao chất lượng giảng dạy, thanh tra giáo dục cho đến tuyên truyền vận động ý thức chung của toàn xã hội,… nhưng cái quan trọng là sự thức tỉnh của chính con người học sinh. Đó mới là mấu chốt của vấn đề này.

Nếu không chấn chỉnh tình trạng này thì một ngày nào đó không xa trong tương lai, hậu quả của nó sẽ làm hư cả một thế hệ học sinh, vì vậy mỗi học sinh cần có ý thức hơn cho chính bản thân mình, cho gia đình và xã hội!

Nghị luận xã hội về bệnh thiếu trung thực trong thi cử và cuộc sống – Bài làm 4

Trong xã hội ngày nay, đức tính trung thực là rất cần thiết cho mọi người, đức tính trung thực là một trong những đức tính đáng quý mà mọi người cần phải có, nhất là giới học sinh chúng ta,rất cần đức tính này để hoàn thiện chính mình,trở thành người công dân tốt.

Vậy ta nên định nghĩa về đức tính trung thực như thế nào? Xin trả lời ngay: Đức tính trung thực là hết lòng với mọi người, là thật thà, là ngay thẳng. Người có đức tính trung thực là người luôn nói đúng sự thật, không làm sai lệch sự thật, ngay thẳng, thật thà, là người luôn được mọi người tin tưởng. Trong cuộc sống ngày nay,đức tính trung thực được biểu hiện trong các kì thi của giới học sinh như không có hiện tượng quay cóp, chép bài hoặc xem bài của bạn…. Và đức tính này cũng được biểu hiện trong xã hội như có những người ngay thẳng, không nỏi sai sự thật,không tham lam của người khác. Trong kinh doanh,nếu là người ngay thẳng, họ sẽ không sản xuất những loại hàng kém chất lượng, kinh doanh những mặt hàng bất hợp pháp, làm nguy hại đến người tiêu dùng… những người nào mang trong người hoặc đang rèn luyện đức tính trung thực thì những người đó sẽ dần hoàn thiện nhân cách của họ, sẽ được mọi người mến yêu và tôn trọng. Nếu rèn luyện đức tính trung thực, chúng ta sẽ thành đạt trong cuộc sống, chúng ta sẽ có vốn tri thức để làm giàu một cách chân chính, và nếu chúng ta mắc sai lầm,ta sẽ dễ dàng sửa chữa được nó và hoàn thiện mình thành một công dân tốt, có ích cho xã hội,làm cho xã hội chúng ta trở nên trong sạch, văn minh và tốt đẹp, khiến đất nước ngày càng đi lên và phát triển đến tầm cao.

Đồng thời, bên cạnh những người biết hoàn thiện bản thân để trở thành công dân tốt vẫn có những người có biểu hiện thiếu trung thực và sai trái. Chúng ta cần phải phê phán và lên án những biểu hiện như vậy. Biểu hiện rã nhất là trong giới học sinh hiện nay, nạn học giả, bằng thật do quay cóp, chép bài của bạn, gian lận trong thi cử đã trở thành một tệ nạn phổ biến gây ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập, đến ý nghĩa của việc dạy và học, gây xôn xao xã hội. Một biểu hiện thứ hai tương đối rõ ràng là sự thiếu trung thực trong kinh doanh đời sống, đó là việc các báo cáo không trung thực, chất lượng sản phẩm kinh doanh ngày càng kém đi,ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đe dọa tính mạng con người hiện nay như các sản phẩm, các mặt hàng được người dân tiêu dùng hàng ngày, điển hình là các loại sữa có chứa chất độc hại melamine gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, hay ngay các loại nước mắm cũng có chứa chất ure độc tố, hoặc cả các loại rau quả, trái cây hiện nay như rau xanh hay quả tươi đều được người trồng trọt tiêm nhiễm các loại hóa chất vì lợi nhuận của bản thân… Những hành vi trên đều đáng phê phán vì thiếu trung thực,không nghĩ đến sức khỏe của người dân mà chỉ nghĩ đến lợi nhuận của bản thân mình. Chỉ vài biểu hiện trên mà đã nói lên được tính thiếu trung thực đã trở thành căn bệnh phổ biến lây lan nhanh trong mọi người dân. Chính căn bệnh này đã khiến xã hội xuống cấp, đạo đức người dân dần bị hạ thấp,phá bỏ những nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Vì vậy, để tránh được tệ nạn thiếu trung thực trong xã hội ngày nay, mỗi chúng ta cần tự mình xây dựng nên một ý thức trung thực trong từng việc nhỏ nhặt nhất mà hàng ngày chúng ta đều làm cho đến việc lớn lao sau này.Bên cạnh việc tự hoàn thiện mình,chúng ta cần lên án những hành vi thiếu trung thực và tích cực đẩy lùi những tiêu cực do nạn thiếu trung thực để noi cao những tấm gương về đạo đức cao cả.

Là một con người sống trong xã hội hiện đại, đức tính trung thực là không thể thiếu cho bản thân, cần tích cực rèn luyện đức tính đáng quý này để tự hoàn thiện chính mình,trở thành người công dân tốt,đưa đạo đức xã hội ngày càng đi lên, đất nước ngày một phát triển hơn và hơn nữa.

Thu Thủy (Tổng hợp)

Từ khóa tìm kiếm

Gregoryquary

0 chủ đề

23832 bài viết

Có thể bạn quan tâm
0