16/01/2018, 13:28

Nghị luận xã hội về tiền tài và hạnh phúc – Văn mẫu lớp 10

Nghị luận xã hội về tiền tài và hạnh phúc – Văn mẫu lớp 10 Nghị luận xã hội về tiền tài và hạnh phúc – Bài số 1 Có bao giờ bạn tự hỏi: Tiền bạc là gì mà bao kẻ mù quáng theo đuổi, hạnh phúc là gì mà bao người khát khao, hi vọng. Hai điều đó tưởng chừng không gắn bó gì với nhau nhưng ...

Nghị luận xã hội về tiền tài và hạnh phúc – Văn mẫu lớp 10

Nghị luận xã hội về tiền tài và hạnh phúc – Bài số 1

Có bao giờ bạn tự hỏi: Tiền bạc là gì mà bao kẻ mù quáng theo đuổi, hạnh phúc là gì mà bao người khát khao, hi vọng. Hai điều đó tưởng chừng không gắn bó gì với nhau nhưng lại tạo nên một mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết trong cuộc sống.

Hạnh phúc là cảm giác sung sướng, mãn nguyện vì cảm thấy hoàn toàn đã được những gi mong muốn, còn tiền bạc là những đồng tiền dùng để chi tiêu và sử dụng. Giữa tiền bạc và hạnh phúc có một mối quan hệ khăng khít với nhau.

Tiền bạc có tầm ảnh hướng lớn đối với chúng ta. Nó là điều kiện cần cho nhiều hoạt động của cuộc sống như học tập, ăn, mặc, ở, đi lại… Mỗi việc chúng ta làm đều cần rất nhiều tiền. Hàng ngày chúng ta phải ăn uống để duy tri sự sống. Phải có tiền thì chúng ta mới có thể mua được những loại thực phẩm mà chúng ta cần dùng hàng ngày. Hãy thử tưởng tượng nếu một ngày chúng ta không có tiền để chi tiêu, không thể mua được những thứ cần thiết cho cuộc sống, lúc đó chúng ta sẽ như thế nào? Không ăn uống, không có những điều tối thiểu để sinh hoạt, chắc chắn sức khoẻ của chúng ta sẽ bị giảm sút theo đó là rất nhiều hệ luỵ, việc khám chữa bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn, học tập và làm việc sẽ không được đảm bảo.

Bên cạnh những giá trị vật chất, chúng ta còn đáp ứng được những giá trị thần khi có tiền. Chúng ta có thể tổ chức đi chơi vào những ngày hay đơn giản là những hoạt động, dịch vụ như Internet, điện thoại, phải có tiền thì chúng ta mới có thể chi trả cho những hoạt động đó. Chúng ta cần tiền, rất cần tiền mỗi ngày để chi trả cho những vấn đề cần trong cuộc sống. Dường như đồng tiền đã một phần nào chi phối hoạt động và nhu cầu của chúng ta. Mỗi người đều có những nhu cầu thiết yếu cho gia đình, cho bản thân, tuy nhiên với những gì chúng ta có, cần phải biết cách chi cho hợp lý, phải biết tính toán những gì mình cần, mình có. Nếu là một sinh nghèo vừa tốt nghiệp ra trường, cần có một chiếc xe máy để đi làm, với những gì cô có, chi có thể mua được một chiếc xe bình thường, không sang trọng, đắt tiền nhưng đã đáp ứng được nhu cầu của bản thân. Hay bên cạnh đó những sinh viên con nhà giàu, có thể mua được chiếc xe đắt tiền, sang trọng… Nhưng dù có nhiều tiền hay ít tiền, với nhu cầu của bản thân, với một sự tính toán, cân đối thì chúng ta có thể thoả mãn nhu cầu của cuộc sống tuy có lúc cũng chưa thật sự hài lòng. Tiền bạc là một điều kiện cần của cuộc hạnh phúc nhưng đó không phải là điều kiện đủ của hạnh phúc. Có những người chỉ biết kiếm tiền, họ chi mải làm, tiền đối với họ chẳng bao giờ là đủ nhưng họ lại không quan tâm, không biết trân trọng những gì mình đang có. Đối với họ, họ hạnh phúc ở chỗ họ làm ra tiền. Và khi nhận ra ra rằng mình không có được hạnh phúc thực sự thì có lẽ, đã là quá muộn. Những đồng tiền làm ra không thể đổi lấy hạnh phúc. Khi có tiền, tạo ra những giá trị tinh thần được vui chơi, được hoà mình vào cuộc sống, đó là điều kiện cho hạnh phúc nảy sinh và phát triển.

Như vậy chúng ta có thể nói tiền bạc là một điều kiện cần nhưng chưa đủ hạnh phúc. Khi thức tỉnh lòng mình, có ước mơ nhưng đồng ý tiếp nhận, trân trọng và yêu thương những gì mình có, chấp nhận những gì mình không thể có, có một nhận thức rõ ràng vể đồng tiền, lúc đó, chúng ta đã có hạnh phúc. Trong xã hội Việt Nam xưa và bây giờ vẫn còn tồn tại những quan niệm sai trái về quan hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc:

"Trong tay đã sẵn đồng tiền

Dầu rằng đổi trắng thay đen khó gì"

Trong cái xã hội cũ đó, đồng tiền như một thế lực vạn năng. Hạnh phúc của người có thể đem ra mua bán bằng những giá trị đồng tiền. Còn ngày nay lại có rất nhiều người không biết quý trọng đồng tiền, sinh ra những thói hư tật xấu lười biếng, hư hỏng, trì trệ… Cái gì cũng đã có, không phải làm gì không ai hướng dẫn, họ chỉ biết hưởng thụ những gì tiền có thể đem tới, những thứ cần phải có sự rèn luyện về tinh thần và ý chí, họ không thể có được hạnh phúc. Họ không nghe nhạc để biết thế nào là bản nhạc hay không biết đọc báo để biết ai sướng, ai khổ, họ không có thời gian để chuyện tâm tình thật lâu, thật sâu để hiểu về một người bạn, để hiểu thế nào là một tình bạn…

Và khi có được tất cả, trừ những cái mới như ma tuý, thuốc lắc,… thì họ thử. Họ có thế vui khi làm được điều đó, họ có thể hạnh phúc nhưng bố mẹ họ chắc chắn không hạnh phúc, những người thân của họ chắc chắn không hạnh phúc và cái hạnh phúc của họ chỉ là nhất thời. Như vậy những quan niệm trái về ý nghĩa của tiền bạc và hạnh phúc cần phải phê phán, bác bỏ và hướng họ tới những quan niệm tốt đẹp, cho họ biết giá trị của cuộc sống và làm thế nào để có được hạnh phúc thực sự.

Tiền bạc và hạnh phúc? Tiền bạc giúp chúng ta thoả mãn nhu cầu vật chất, một phần nào đó giúp chúng ta đáp ứng về tình thần. Còn hạnh phúc thực sự thoả mãn về nhu cầu ấy. Với tôi, hạnh phúc không phụ thuộc vào giá trị vật chất mà đồng tiền mang đến, quan trọng là sự nâng niu, trân trọng cuộc sống mà chúng ta có mà thôi.

Nghị luận xã hội về tiền tài và hạnh phúc – Bài số 2

 Mục đích cuối cùng của mọi hoạt động lao động của con người là xây dựng một cuộc sống hạnh phúc. Để có được hạnh phúc mỗi người luôn phải cố gắng hết mình. Và trong sự cố gắng không ngừng nghỉ ấy cỏ sự cố gắng để giải quyết mối quan hệ giữa tiền tài và hạnh phúc. Tiền tài và hạnh phúc là hai mặt luôn sánh cùng nhau của một vấn đề, vấn đề hạnh phúc đích thực của con người.

Hạnh phúc theo nghĩa chung nhất là được thoả mãn những nhu cầu của con người. Quan niệm về hạnh phúc không phải ai cũng giống ai, thậm chí với một con người trong những thời điểm khác nhau lại có những quan niệm khác. Nhưng nhìn chung, hạnh phúc là được ăn no, mặc ấm, được thoả mãn những nhu cầu tối thiểu của con người. Muốn có được những điều đó cần một tiền đề rất quan trọng, đỏ là tiền đề vật chất. Hạnh phúc có thể rất nhỏ nhoi, khi đói khát được ăn, được uống là hạnh phúc. Khi nghèo túng có tiền là hạnh phúc. Có một chút quyền lực trong tay cũng là hạnh phúc. Hạnh phúc là một vấn đề thuộc lĩnh vực tinh thần, nó trừu tượng và biến hoá khôn lường. Tiền tài là một khát vọng không bao giờ thoả mãn của con người. Tiền tài vừa là một phương diện của hạnh phúc, vừa là nhân tố quan trọng quyết định hạnh phúc. Nếu nghèo khó, không có tiền, không có các phương tiện tối thiểu phục vụ cuộc sống chắc chắn chẳng ai hạnh phúc. Một gia đình phải chạy ăn từng bữa, con cái không được cơm no, áo ấm, không được học hành đầy đủ thì chắc chắn sẽ không thể có được cái gọi là hạnh phúc. Người ta vẫn thường nói giàu sang và nghèo hèn là vì thế. Thế nhưng sự giàu có đủ đầy về tiền tài phải được tạo nên từ lao động chân chính và tài năng thực sự thì mới đảm bảo hạnh phúc lâu dài.

Quan hệ giữa tiền tài và hạnh phúc là mối quan hệ nhạy cảm và phức tạp, nhất là trong xã hội hiện đại. Thời đại này người ta không còn đồng tình với quan niệm "Một mái nhà tranh hai trái tim vàng" như trước nữa. Tiền tài là mục đích phấn đấu của con người và xã hội càng phát triển thì nhu cầu ấy lại càng mãnh liệt. Tiền tài bao gồm tiền bạc và quyền lực. Có tiền và có tài sẽ có điều kiện thuận lợi để xây dựng một cuộc sống hạnh phúc bời hạnh phúc thường đi kèm với "ấm no". Để có tinh thần thoải mái, có một gia đình ấm cúng, trước hết phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ ở mức độ nhất định những nhu cầu vật chất. Hạnh phúc chỉ thực sự trọn vẹn khi con người được no đủ về vật chất và thoải mái về tinh thần. Có thể nói tiền tai là điều kiện cần để có hạnh phúc đối với số đông chúng ta. Tiền tài có vai trò quyết định song không phải là điều kiện duy nhất. Đôi khi, tiền tài ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc gia đình. Tiền bạc và quyền lực là cơ sở vật chất của hạnh phúc song không nên tuyệt đối hoá vai trò của tiền tài. Tiền bạc và quyền lực mang đến cho con người sự no đủ song cũng dễ biến con người thành nô lệ của nó. Khi quá ham mê tiền tài, lạm dụng sức mạnh mãnh liệt của đồng tiền, con người dễ bị đồng tiền sai khiến. Mải mê kiếm tiền hoặc mải mê hưởng thụ rất đễ dẫn đến những tiêu cực. Khi danh vọng và quyền lợi len lỏi quá sâu vào mối quan hệ người – người thì tiền bạc rất dễ lũng đoạn. Ngày nay, trong xã hội ta đã từng có rất nhiều gia đình rơi vào bi kịch bởi sức mạnh của tiền tài. Ham tiền tài mà dẫm đạp lên luật pháp, lên đồng loại nên phải trả giá. Cha mẹ mải kiếm tiền và sẵn tiền cho con nên con cái hư hỏng. Vì tiền tài và danh vọng mà bao người đã bán linh hồn mình, đã chấp nhận tất cả. Nhiều khi, tiền tài làm con người hư hỏng. Hư hỏng để có tiền và vì tiền mà hư hỏng là cái vòng luẩn quẩn mà bao người đang cố vẫy vùng để thoát ra. Tiền tài và hạnh phúc là hai mặt của một vân đề. Nếu biết điều hoà một cách hợp lí nó sẽ hỗ trợ nhau, ngược lại tiền tài có thể biến con người thành quỷ dữ. Thực tế cho ta thấy có rất nhiều gia đình, khi nghèo khó thì hạnh phúc, khi có chút ít tiền tài gia đình lại tan vỡ. Xã hội càng phát triển, nhu cầu của con người càng cao, quan niệm về hạnh phúc của mọi người ngày càng thay đổi. Tiền tài và hạnh phúc thống nhất với nhau khi con người có đù bản lĩnh để chế ngự sức mạnh của nó, biết sử dụng nó như một phương tiện để xây dựng hạnh phúc. Song tiền tài và hạnh phúc có thể mâu thuẫn và đối chọi nhau khi con người biến mình thành nô lệ của đồng tiền. Chỉ có tiền tài chưa đủ gọi là hạnh phúc. Trên cơ sở tiền tài ấy con người có ý thức về hạnh phúc như thế nào mới là điều quan trọng.

Trong văn học, đã có rất nhiều tấn bi kịch của con người mà nguyên nhân bắt đầu từ sự ham muốn danh lợi. Bản thân những khát vọng danh lợi không phải là nguyên nhân trực tiếp. Nguyên nhân nỗi đau khổ của con người xuất phát từ những tham vọng tiền tài quá lớn. Vì quyền lực mà Tướng quốc Trần Thủ Độ – người có công lớn với triều đại nhà Trần bị mang tiếng là người tàn nhẫn, là nguyên nhân gây nên nỗi bất hoà anh em. Vì tham vọng quyền lực, sự ham danh vọng của bọn nịnh thần triều Lê Thái Tổ mà vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi phải chịu cái án oan khiên bi thảm nhất nhì trong lịch sử. Người chinh phụ sầu muộn, héo hon cô đơn trong cảnh cô đơn chẳng qua cũng vì ảo ảnh của vinh quang (Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn- Đoàn Thị Điểm).

Tiền tài và hạnh phúc là mối quan hệ bản chất của xã hội loài người. Tiền tài và hạnh phúc là khát vọng muôn đời của nhân loại. Phàm đã là người, ai cũng muốn có tiền tài và hạnh phúc. Nhưng để điều hoà cân đối mối quan hệ này quả thực không đơn giản, nhất là trong xả hội hiện đại, khi mà nhu cầu của con người về sự no đủ ngày càng cao hơn, tha thiết hơn. Để có được hạnh phúc thực sự, mỗi người phải biết cách dùng tiền tài như là một phương tiện để gây dựng và bảo vệ hạnh phúc, không nên để đồng tiền điều khiển mình.

Nghị luận xã hội về tiền tài và hạnh phúc – Bài số 3

Hiểu một cách đơn giản thì "tiền tài" ở đây là tiền bạc, là của cải vật chất nói chung; còn "hạnh phúc" là chỉ sự sung sướng về tinh thần trong cuộc sống. Điều đó có nghĩa là để có được một cuộc sống tốt đẹp thì buộc mỗi con người phải có được: Tiền tài và hạnh phúc.

Vậy hiểu một cách sâu xa hơn thì "tiền tài" là gì? "hạnh phúc" là gì? Và chúng có quan hệ với nhau như thế nào? Như chúng ta đã biết, trong xã hội hiện đại ngày nay thì vật chất là "điều kiện cần" để duy trì cuộc sống, và "hạnh phúc" là "điều kiện đủ" để làm cho cuộc sống đó tốt đẹp hơn và có ý nghĩa hơn. Cho nên, "tiền tài" là cuộc sống vật chất, là cơ sở ban đầu để bắt nguồn, để khởi đầu cho các bước đi tiếp theo của mỗi người. Và "hạnh phúc" là một "chất xúc tác" cần thiết, không thể thiếu để dẫn đến những thành công.

Tuy nhiên, không phải lúc nào "tiền tài" cũng là tất cả. Nó cũng có những mặt tích cực và tiêu cực của nó. Bởi bản chất của mỗi vấn đề đều luôn tồn tại hai mặt. Cũng như con người được tạo nên bởi hai phần: Phần con và phần người. Bởi thế, ai cũng có "cái tôi" đầy ham muốn chế ngự sẵn trong người, nên ai cũng có lòng tham, ai cũng muốn mình có thật nhiều tiền, muốn mình thật giàu có để thỏa mãn mọi sở thích, mọi nhu cầu… và có thể giúp đỡ những người khó khăn hơn, đồng thời để tạo điều kiện cho mình phát triển hơn nữa.

Đơn giản, nếu như bạn muốn có một chiếc xe máy, một ngôi nhà đẹp… mà trong tay bạn không có tiền, thì đó chỉ là một ước muốn viển vông. Khi bạn đã có tiền, rất nhiều tiền thì bạn sẽ làm được rất nhiều việc. Bạn có thể đi du lịch nhiều nơi, có thể mua sắm mọi thứ bạn thích. Hơn thế nữa, bạn sẽ có cơ hội giúp đỡ người khác – những người nghèo khổ, người gặp khó khăn … Lúc ấy, bạn sẽ làm được tất cả những việc mà khi không có tiền, bạn không thể làm được.

Tuy nhiên, khi đã có tiền rồi, bạn cũng cần có kế hoạch chi tiêu cho hợp lí, không nên tiêu bừa bãi vào những việc chẳng đáng tiêu, không nên "vung tay quá trán". Bởi ai có thể biết trước được tương lai mình sẽ ra sao? Đời người "lên voi xuống chó" là điều tất yếu. Mặt khác, tâm lí của những kẻ lắm tiền là thường muốn thử tất cả những cái lạ nhất, "mốt" nhất, "sành điệu" nhất. Nên đôi khi, tiền bạc lại có thể làm tha hóa, làm hư hỏng con người, thậm chí là dẫn họ tới con đường phạm pháp. Và rồi, chính bản thân bạn sẽ đưa bạn vào chỗ sa ngã, nhấn chìm bạn vào đống bùn nhơ, hủy hoại cuộc đời, hủy hoại tương lai của bạn. Chính vì thế, dù là người giàu có, hay người nghèo túng, bạn cũng hãy sống lạc quan lên, và bạn phải biết rằng: Tiền không phải là tất cả.

Còn "hạnh phúc" – nó thuộc về đời sống tinh thần, nó là sự thanh thản trong cuộc sống, thoải mái trong công việc, là niềm tin và là hi vọng… Một khi con người có được hạnh phúc thì họ sẽ sống tốt, sống có ý nghĩa và luôn vươn tới những cái tốt đẹp hơn. Hạnh phúc sẽ là chỗ dựa vững chắc về mặt tinh thần để bạn có một động lực hoàn thành tốt mọi việc và tạo ra những thành công nối tiếp thành công. Tuy mỗi người đều có một hoàn cảnh riêng, không ai giống ai, có những niềm hạnh phúc rất riêng, rất độc lập, nhưng chúng đều giống nhau ở chỗ là làm cho người ta thêm yêu cuộc sống, yêu công việc mình làm và luôn muốn hoàn thành nó một cách tốt nhất. Đồng thời, khi có được một niềm hạnh phúc dù chỉ là rất nhỏ bé cũng làm cho người ta thấy "hưng phấn" hơn và cố gắng để làm cho niềm "hạnh phúc" đó được nhân lên mãi.

Nhưng, liệu hạnh phúc sẽ có không nếu như thiếu đi "tiền bạc"? Vâng, để có được một niềm hạnh phúc cho mình thật không phải đơn giản, mặc dù nhiều khi "hạnh phúc" không hề xuất phát từ vật chất. Liệu bạn sẽ có được một niềm hạnh phúc trọn vẹn không, nếu như cuộc sống của bạn quá ư thiếu thốn? Một gia đình có thể thực sự vui vẻ, thực sự hạnh phúc và có nhiều thời gian quan tâm đến nhau không? Nêu như họ sống trong cảnh, "ăn bữa nay lo bữa mai". Khi không có tiền thì sẽ không có ăn, mặc … rồi có thế sẽ đẩy người ta vào con đường bất chính, trộm cắp, lưu manh … để giành giật lấy "miếng cơm manh áo" trong lúc cùng quẫn nhất.

Tuy nhiên, không phải lúc nào "tiền tài" cũng tạo nên "hạnh phúc", không phải "có tiền mua tiên cũng được". Trong cuộc sống mỗi con người, thì tiền bạc chỉ có thể mua được vật chất, danh vọng, địa vị chứ không mua được tình cảm, không mua được niềm hạnh phúc trọn vẹn. "Tiền tài" nào có thể mua được tình yêu, mua sao được lòng nhân ái … Những người có nhiều tiền nhiều khi lại không có được hạnh phúc xứng với "đồng tiền" của họ. Hay có người chỉ vì tiền mà làm mất đi "hạnh phúc chân chính" … Vì thế, cho nên "tiền tài" chỉ tạo nên "hạnh phúc" khi con người biết chia sẻ nó cho những người khác, nghèo khổ … khi con người biết kìm hãm lòng tham, trân trọng những niềm vui dù là nhỏ bé nhất. Bởi đôi khi, hạnh phúc chỉ là: "Làm cho một nụ cười nở trên môi một người". Giống như, chỉ nhờ "bát cháo hành", lòng bao dung của thị Nở đã làm cho "con quỷ dữ" trong Chí Phèo chết đi, khiến hắn muốn trở lại làm người lương thiện, để được sống và được yêu, được đối xử theo đúng bản chất một con người.

Nghị luận xã hội về tiền tài và hạnh phúc – Bài số 4

Trong cuộc sống, con người luôn đặt ra rất nhiều mục tiêu phấn đấu. Về cơ bản, giá trị luôn khiến con người theo đuổi nhiều nhất là tiền tài và hạnh phúc.

Phải nhận diện về chúng như thế nào cho hợp lí, đó cũng là một điều đáng để chúng ta bàn luận.

Về bản chất, tiền tài và hạnh phúc là hai phạm trù được qui chiếu bởi những hệ giá trị khác nhau. Tiền tài là cách gọi chung cho của cải và danh lợi. Nó thuộc giá trị vật chất, là những thứ có thể cân đo, đong đếm, có thể ước lượng, định vị. Hạnh phúc là thứ vô hình, không thể cảm nhận trực tiếp bằng các giác quan thông thường. Hạnh phúc là trạng thái cảm xúc viên mãn nhất, đẹp đẽ nhất, tuyệt vời nhất mà con người cảm thấy ở những hoàn cảnh nhất định. Nói một cách hình ảnh và tương đối trừu tượng thì tiền tài gắn với cái cá nhân nhiều hơn trong khi hạnh phúc hướng tới phạm vi lớn hơn (gia đình).

Mỗi thời đại xã hội có quan niệm riêng về tài và xã hội phong kiến rất mực coi trọng tiền tài, danh vọng ở đấng nam nhi. Hạnh phúc là khi trang nam tử công thành danh toại, có ngày vinh qui bái tổ, làm rạng danh họ hàng. Xã hội tư bản coi trọng yếu tố tiền hơn, tài chỉ là phương tiện để giai cấp tư sản đi đến mục đích tiền. Vậy nên hạnh phúc được đo bằng những giá trị vật chất… Ở thời đại hiện đại, khi con người không ngừng hướng tới cuộc sống tốt đẹp toàn diện, và hạnh phúc là hai mục tiêu lớn nhất, quan trọng nhất, chúng không tách biệt nhau mà cùng hỗ trợ nhau tồn tại và phát triển. Con người sống hạnh phúc phải là con người khẳng định được vị thế của mình trong xã hội, đảm bảo cho mình được cuộc sống sung túc và ngược lại, những giá trị vật chất là phương tiện hỗ trợ đắc dụng để con người duy trì hạnh phúc của mình.

Vậy tiền tài và hạnh phúc là có quan hệ với nhau như thế nào? Đâu là nhân tố quyết định, đâu là nhân tố quan trọng? Làm gì để cân bằng, hài hoà giữa chúng? Trả lời những câu hỏi này, mỗi người sẽ tự đưa ra cho mình một ý kiến riêng. Dưới đây, chúng tôi cũng chỉ trình bày những suy nghĩ mang tính chất cá nhân.

Ở chiều tác động thứ nhất, tiền tài là một trong những điều kiện xây dựng, duy trì hạnh phúc. Điều này có cơ sở từ triết học duy vật biện chứng. Theo Mác – Lênin. "vật chất quyết định ý thức".Theo đó, không có của cải, không có chỗ đứng trong xã hội, rất khó có được hạnh phúc trọn vẹn. Một gia đình túng đói, quanh năm thiếu ăn, con cái thất học không phải là một gia đình hạnh phúc. Những câu chuyện của Nam Cao là những bức tranh chân thực nhất về cuộc sống nghèo khổ của ngưòi dân lao động Việt Nam trước Cách mạng. Ngay cả gia đình thầy giáo Thứ, thầy giáo San ( Sống mòn), cả gia đình bé Hồng (Bài học quét nhà) – những gia đình có người trí thức làm chủ cũng không có được phúc trọn vẹn. Nguyên do nằm ở sự thiếu thốn về vật chất (tiền).

Nhưng chúng ta lí giải thế nào khi vẫn có những gia đình hạnh phúc dù nghèo đói, cơ cực? Điển hình trong văn chương là gia đình chị Dậu (Tắt đèn Ngô Tất Tố). Còn trong đời sống thực, chắc chắn, bên cạnh chúng ta có không ít những gia đình như thế. Thực tế mà nói, mỗi người có thấy mình hạnh phúc hay không là do quan niệm. Có người con hiếu thảo thấy mình hạnh phúc nhất là khi đêm về không còn tiếng mẹ ho ("Hạnh phúc là đêm về không có tiếng mẹ ho”). Có người cho hạnh phúc nhất là khi được thấy các con mình ăn no (nhân vật người đàn bà miền biển trong truyện ngấn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu). Trong khó khăn, gian khổ khi con người vẫn tìm thấy chất thơ đời thì dù vất vả, cơ cực đến đâu, họ vẫn thấy hạnh phúc.

Lại có trường hợp khi tiền tài viên mãn cũng là lúc hạnh phúc “đội nón” ra đi. Điều này dễ xảy ra ở những người quá ham mê công danh, có quá nhiều tham vọng trong cuộc sống. Trong thâm tâm, chắc hẳn họ luôn nghi rằng, họ đã mang về bao nhiêu tiền bạc, danh tiếng. Họ lấy chúng thay cho những cử chỉ săn sóc ân cần với người thân của mình. Kết quả là những cụ già không thể sống được với các con trên thành phố, dù điều kiện sống của chúng gấp bội lần ở quê. Kết quả là những đứa con bê trễ học hành, sinh ra nghiện ngập, đua đòi theo bạn bè xấu, những người vợ phải tìm đến một bến nương tựa tinh thần khác vì có người cha, người chồng của mình quá vô tâm. Hạnh phúc sẽ không tròn đầy như lẽ ra nó đáng được thế.

Tuy nhiên, xét đến cùng có tiền tài, cơ hội đến với mọi người sẽ rộng mở hơn. Có tiền tài,hạnh phúc sẽ đầy đặn, tròn trịa hơn.

Ở chiều tác động ngược lại, chúng ta sẽ thấy hạnh phúc là yếu tố kích thích để con người nhanh chóng đạt được tiền tài. Gia đình hạnh phúc là nền tảng vững chắc để mỗi thành viên yên tâm phấn đấu trong lĩnh vực sự nghiệp của mình. Đằng sau thành công của mỗi con người, thường là sự hậu thuẫn của một gia đình yên ấm. Người cha mẫu mực và người mẹ hết lòng yêu thương con là điểm tựa vững chắc để hồn thơ Tố Hữu chắp cánh bay vào cuộc đời rộng lớn:

Rồi bỗng hôm nào tôi thấy tôi …

Không ngẫu nhiên khi hàng năm trên thế giới vẫn chọn ra những cặp vợ chồng hạnh phúc nhất. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy, cựu tống thống Mĩ Bill Clinton và phu nhân Hillary Clinton cách đây vài năm liên tục được bầu chọn là cặp vợ chồng hạnh phúc thứ ba. Và phải chăng, hạnh gia đình chính là bệ đỡ vững chãi nhất cho những thành công trên chính trường của hai nhân vật nổi tiếng này?

Cũng không ít trường hợp con người có hạnh phúc nhưng không có tiền. Hiện tượng này thường xuất hiện ở những con người ít có tham vọng, ưa an phận. Họ tìm hạnh phúc trong những điều nhỏ nhặt xung quanh. Họ coi là thứ phù phiếm.

Họ xa lánh danh vọng, rời xa những bon chen trong cuộc sống dù có thể thực lực của họ rất đáng trọng. Tiêu biểu cho típ người này là những nhà ẩn dật, những người sống lánh mình. Những người này thường có tâm hồn thanh tao. Hạnh phúc với họ là có khi là thú điển viên, có khi là lúc được khề khà rượu, cuộc đời.

Vậy giữa tiền tài và hạnh phúc,đâu mới là hạt nhân của cuộc sống? Tôi cho rằng tiên tài là thứ quan trọng để chúng ta đi tới mục đích tối thượng của mỗi con người – đó là hạnh phúc. Hạnh phúc mới là điều quyết định ý nghĩa cuộc sống. Nhưng làm thế nào để luôn giữ được sự cân bằng hài hoà giữa tiền tài và hạnh phúc? Làm được điều đó, mỗi người nên tự đặt ra những mục tiêu nhất định trong sự nghiệp, nỗ lực phấn đấu để đạt được mục tiêu đó. Mặt khác, hãy cố gắng tìm cho mình những điểm tựa về tinh thần, càng nhiều càng tốt. Cuối cùng, dù kết quả có thế nào, chúng ta vẫn vui vẻ chấp nhận và nhanh chóng trở về với những hạnh phúc mình đang có.

Thời đại nào, tiền tài và hạnh phúc cũng là vấn đề nóng hổi. Có khi chúng mâu thuẫn với nhau và điều đó có thê dẫn tới bi kịch như tấm gương Nguyễn Trãi.

Nhưng cũng có khi chúng hài hoà, cân bằng nhau. Thế hệ trẻ Việt Nam ưa phiêu lưu và chiếm lĩnh cần tạo lập cho mình một bản lĩnh vững vàng để có thể tiến xa làm chủ tiền tài, hạnh phúc.

Vũ Hường tổng hợp

0