13/01/2018, 16:40

Nghị luận xã hội về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, xã hội; giữa một người và mọi người – Văn hay lớp 12

Nghị luận xã hội về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, xã hội; giữa một người và mọi người – Văn hay lớp 12 Nghị luận xã hội về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, xã hội; giữa một người và mọi người – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Bình Dương Đã bao giờ bạn tự ...

Nghị luận xã hội về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, xã hội; giữa một người và mọi người – Văn hay lớp 12

Nghị luận xã hội về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, xã hội; giữa một người và mọi người – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Bình Dương

Đã bao giờ bạn tự đặt ra câu hỏi cho chính mình tại sao trong lịch sử dân tộc, một đất nước nhỏ bé như Việt Nam lại có thể đánh thắng được những kẻ thù hùng mạnh? Điều gì sẽ xảy ra đối với đất nước ta hôm nay nếu mỗi người dân Việt Nam đứng tách rời nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước ấy? Sức mạnh của dân tộc liệu có còn được khẳng định nếu cả dân tộc không còn sát cánh bên nhau? Những câu hỏi ấy càng khiến cho ta hiểu sâu sắc hơn về lời dạy của Đức Phật: "Giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới không cạn mà thôi".

Lời dạy thật giản dị mà sâu sắc. Chỉ bằng những hình ảnh rất cụ thể là "giọt nước" và "biển cả" mà mang lại cho người học những chân lí lớn lao. Mỗi giọt nước khi tồn tại một mình luôn nhỏ bé, mong manh, sẽ nhanh chóng bay hơi và chẳng mang lại được lợi ích gì. Nhưng giọt nước ấy nếu được hòa vào biển cả mênh mông giữa hàng triệu, hàng tỉ giọt nước khác thì sẽ tồn tại vĩnh viễn cùng với biển cả bao la, đất trời bất tận. Từ mối quan hệ sự tồn tại của giọt nước và biển cả, dường như Đức Phật muốn nói đến mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể trong cuộc sống của mỗi con người. Mỗi cá nhân không thể nào tồn tại một mình hoặc nếu tồn tại được cũng sẽ bị gục ngã trước những khó khăn, thử thách nhưng nếu biết đồng lòng, đoàn kết, gắn bó với tập thể sẽ trở thành những người có ích cho xã hội, góp phần xây dựng xã hội ngày càng tươi đẹp, ý nghĩa.

Tổ tiên của loài người vốn sống theo bầy đàn để có thể tồn tại được qua những cuộc đấu tranh sinh tồn với thú dữ. Hơn tất cả, "con người là động vật có tinh thần" và cái "tinh thần" ấy bao gồm cả tính cộng đồng, đoàn kết, gắn bó yêu thương, bảo bọc, che chở cho nhau. Nhờ đó mà từ thuở khai thiên lập địa cho đến bây giờ, con người mới có thể chống chọi lại với thiên nhiên khắc nghiệt để tồn tại, phát triển. Nếu con người sống theo lối sống "không cộng đồng, không xã hội", tức là tự vứt bỏ đi phần "người" trong chính "con người" mình thì tất nhiên sẽ không phải nhận được những phiền toái do người khác, do cộng đồng, xã hội mang lại. Nhưng khi đó, con người cũng đang tự đánh mất những cơ hội nhận được sự giúp đỡ, quan tâm từ người khác và hơn hết là đang gián tiếp tự hủy hoại chính bản thân mình.

Triết học Mác – Lenin đã chỉ ra rằng "trong tính hiện thực của nó, con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội". Con người không thể tồn tại độc lập mà không có mối liên hệ nào với các sự vật hiện tượng và cộng đồng tập thể xung quanh. Mỗi cá nhân mang trong chính mình bản chất và một phần sức mạnh của cả tập thể. Thông qua mối liên hệ ấy, nhân cách của mỗi người sẽ không ngừng được hoàn thiện, ý nghĩa về sự có mặt trên đời của chính họ cũng sẽ được khẳng định. Hơn nữa, chính sự hòa nhập giữa mỗi người với mọi người, một người và nhiều người, giữa cá nhân và tập thể sẽ giúp cho cuộc sống xã hội ngày càng phong phú, nhiều màu sắc và ý nghĩa hơn. Con chim, chiếc lá dựa vào môi trường để tồn tại và phát triển. Đến lượt nó lại tô điểm cho môi trường bằng khả năng của mình: Con chim dùng tiếng hót để làm cuộc sống sinh động, tươi vui, sự tươi xanh của lá làm môi trường đẹp hơn. Con người cũng thế, "sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình". Giọt nước nếu tách mình ra khỏi biển cả sẽ bị diệt vong cũng như con người cá nhân không thể tồn tại nếu tách ra khỏi cộng đồng xã hội.

Nếu sống một cuộc sống hòa nhập, có trách nhiệm với cộng đồng, gắn kết với xã hội ta sẽ cho đi nhiều hơn, nhưng những thứ mà ta nhận được lại càng nhiều hơn nữa. "Đoàn kết là sức mạnh", chỉ có sự đoàn kết, sự gắn kết với nhau mới cho ta sức mạnh để ta tồn tại, để ta phát triển trong thế giới này.

Đất nước đang trong thời kì hội nhập. Tương lai của thế giới sẽ là một ngôi nhà chung. Con người cần giao lưu hữu nghị, hợp tác toàn diện, để ổn định lâu dài và hướng tới tương lai. Trước những biểu hiện đi ngược với quy luật đời sống như lập dị, chủ nghĩa cá nhân, đầu cơ trục lợi…, mỗi con người cần lên án, phê phán đồng thời xây dựng cho mình lí tưởng sống cao đẹp, phù hợp với xã hội và thời đại, luôn có ý thức tự khẳng định mình trong sự nghiệp đấu tranh, cống hiến xây dựng đất nước. Song dù có quan hệ gắn bó mật thiết với tập thể nhưng mỗi cá nhân cũng cần có những nét riêng biệt về cá tính, phẩm chất, vai trò.

Lời dạy của Đức Phật là một chân lí đơn giản nhưng lại cho ta một bài học có giá trị suốt cả cuộc đời. Để học được bài học ấy không phải là điều dễ dàng, nhưng tôi tin tất cả chúng ta sẽ làm được, bởi vì chúng ta là con người.

Hồng Loan tổng hợp

Bài viết liên quan

  • Phân tích tác phẩm Khóc Dương Khuê – Nguyễn Khuyến – Văn hay lớp 11
  • Cảm nghĩ của em về tình bạn – Văn hay lớp 7
  • Phân tích tác phẩm Ông đồ – Văn hay lớp 8
  • Giải thích câu ca dao “Anh em như thể tay chân, …” – Văn hay lớp 8
  • Nghị luận xã hội về lòng dũng cảm – Văn hay lớp 10
  • Phân tích tác phẩm Hồi trống Cổ Thành (La Quán Trung) – Văn hay lớp 10
  • Nghị luận xã hội về lòng vị tha – Văn hay lớp 10
  • Phân tích tác phẩm Bài ca ngắn đi trên bãi cát (Cao Bá Quát) – Văn hay lớp 11
0