21/02/2018, 09:21

Cảm nghĩ về hình tượng người phụ nữ trong bài ca dao Khăn thương nhớ ai – Văn hay lớp 10

Cảm nghĩ về hình tượng người phụ nữ trong bài ca dao Khăn thương nhớ ai – Bài làm 1 Ca dao, dân ca Việt Nam là nơi gửi gắm những khát vọng, ước nguyện của người nông dân, người phụ nữ…Với lời ca da diết, nhẹ nhàng, sâu lắng nhưng để lại trong lòng người đọc nhiều xúc cảm. ...

Cảm nghĩ về hình tượng người phụ nữ trong bài ca dao Khăn thương nhớ ai – Bài làm 1

Ca dao, dân ca Việt Nam là nơi gửi gắm những khát vọng, ước nguyện của người nông dân, người phụ nữ…Với lời ca da diết, nhẹ nhàng, sâu lắng nhưng để lại trong lòng người đọc nhiều xúc cảm. Bài ca dao “Khăn thương nhớ ai” là một trong những bài ca nói về tâm sự thầm kín và khát vọng của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

Trong xã hội phong kiến, phụ nữ luôn là tầng lớp thấp cổ bé họng, kêu không ai nghe, than không ai thấu. Bởi vậy họ gửi tâm sự, nỗng lòng nặng nề qua từng lời ca như xé ruột:

Khăn thương nhớ ai

Khăn rơi xuống đất.

Khăn thương nhớ ai,

Khăn vắt lên vai.

Khăn thương nhớ ai,

Khăn chùi nước mắt.

Trong xã hội phong kiến, khi tình yêu trai gái chưa “mạnh bạo”, còn e dè thì hình ảnh “chiếc khăn tay’ được xem là vật định tình, trao duyên thiêng liêng, được gìn giữ và nâng niu. Chiếc khăn tay đó gửi gắm biết bao nhiêu yêu thương, bao nỗi nhớ trằn trọc mà không dám bày tỏ. Với một loạt hình ảnh “khăn rơi”,’”khăn thương”,”khăn vắt”, ‘khăn chùi” được điệp đi điệp lại ở mỗi dòng lại khiến cho người đọc nghèn nghẹn vì tâm tình của cô gái trẻ không biết giãi bày cùng ai.

Có lẽ người phụ nữ trong xã hội phong kiến khi thương, khi yêu cũng chỉ biết lặng lẽ một mình và ôm thương nhớ tự trăn trở với bản thân mình như thế. Khi đã quá nhớ, quá thương chỉ biết mượn nước mắt để làm vơi nỗi sầu.

Hình ảnh chiếc đèn dầu cũng được nhắc đến:

Đèn thương nhớ ai

Mà đèn không tắt

“Đèn” là hình ảnh dùng để thắp sáng những lúc đêm đã về khuya. Nó cứ gợi lên hình ảnh một người phụ nữ ngồi cạnh chiếc bàn, có thắp đèn và đợi chờ điều gì đó. Đợi chờ một người con trai, chờ người tình hay chờ người chồng mà nỗi lo cứ dai dẳng. Người phụ nữ đã mượn “khăn”, mượn ‘đèn’ để làm vơi nỗi nhớ nhưng dường như nỗi nhớ cứ chồng chất:

Mắt thương nhớ ai

Mắt không ngủ yên

Đêm qua em những lo phiền

Lo vì một nỗi không yên một bề

Điều còn đọng lại trong tim người phụ nữ chính là nỗi lo không yên, lo muôn chuyện, lo cho những gì dở dang, lo cho tương lai. Từ “bề” ở câu cuối cùng chính là bề gia thất, điều mà phụ nữ trong thời phong kiến ai cũng khát khao có được.

Với lời ca dung dị, mộc mạc, chân thành mà sâu sắc, đã lột tả được nỗi niềm của người phụ nữ trong thời kỳ phong kiến. Hình ảnh đó khiến người đọc thương cảm và xót xa.

Cảm nghĩ về hình tượng người phụ nữ trong bài ca dao Khăn thương nhớ ai – Bài làm 2

Nền văn học dân gian Việt Nam vô cùng phong phú với những ca dao, dân ca bày tỏ tình cảm, ước vọng của người dân lao động. Với giọng điệu dịu dàng, tha thiết và sâu lắng, những câu ca dao, dân ca dễ đi vào lòng người hơn cả. Một trong những chủ đề chính của ca dao, dân ca là hình tượng người phụ nữ với những tâm sự và nỗi niềm thầm kín. Và bài ca dao “Khăn thương nhớ ai” là một trong những bài ca dao như thế.

Bài ca dao là những nhớ mong, lo lắng muộn phiền của một người con gái. Nỗi nhớ ấy được thể hiện qua hình ảnh chủ đạo là chiếc khăn và ngoài ra còn có hình ảnh cây đèn và đôi mắt. Bài ca dao mở đầu bằng những câu hỏi xoáy vào lòng người:

Khăn thương nhớ ai,

Khăn rơi xuống đất?

Khăn thương nhớ ai,

Khăn vắt lên vai?

Khăn thương nhớ ai,

Khăn chùi nước mắt?

Trong văn hóa người Việt, chiếc khăn được xem là vật định tình, trao duyên của đôi trai gái. Chính vì thế mà trong bài ca dao này mượn hình ảnh chiếc khăn để nói về mối giao duyên của người con gái với người con trai và gợi nhớ đến người yêu đang xa cách. Nỗi nhớ ấy luôn trăn trở, giống như khăn hết “rơi xuống đất” rồi lại “vắt lên vai”. Cô gái ở đây cũng trăn trở, cũng đứng ngồi không yên như thế. Cô hỏi chiếc khăn: “Khăn nhớ thương ai?” nhưng kì thực là đang hỏi lòng mình và lòng mình cũng đã biết là nhớ ai. Câu hỏi như cái cớ vu vơ để nhớ về người yêu. Cái vẻ ngượng nghịu ấy mới đáng yêu làm sao!

Thế nhưng nỗi nhớ quắt quay khiến cho cô gái phải thổn thức, để cho khăn phải “chùi nước mắt”. Nỗi nhớ thật khó giãi bày cho nên nó trở thành nỗi thổn thức. Và khi ấy, cô gái chỉ biết lặng lẽ một mình ôm nỗi trăn trở như thế.

Nỗi nhớ triền miên không dứt vì thế cho nên lại tiếp tục được gửi gắm vào chiếc đèn:

Đèn thương nhớ ai

Mà đèn không tắt

Hai câu thơ đã gợi lên hình ảnh chiếc đèn dầu trong đêm khuya. Ở đó, người con gái vò võ ngồi một mình bên chiếc đèn như đang chờ đợi, đang muộn phiền mà không có ai chia sẻ, giãy bày. Hình ảnh chiếc đèn cũng còn gợi lên tình yêu cháy bỏng của cô gái. “Đèn không tắt” như chính tình yêu của cô vẫn luôn rực cháy, mãnh liệt và khôn nguôi. “Đèn không tắt” là vì “thương nhớ ai” hay là chính cô gái đang thao thức suốt đêm dài trong nỗi nhớ thương đằng đẵng? Có lẽ chính là cô gái, bởi lẽ:

Mắt thương nhớ ai

Mắt không ngủ yên

Đêm qua em những lo phiền

Lo vì một nỗi không yên một bề

Đến đây thì không phải mượn chiếc khăn, cây đèn để vin cớ nhớ nhung nữa mà cô gái đã thừa nhận mình lo lắng, nhớ nhung cho nên “mắt không ngủ yên”. Lúc này, chúng ta mới hiểu ra rằng, cô gái lo lắng cũng chính là xuất phát từ nỗi nhớ nhung. Vì nhớ nhung, mong ước đến tương lai và không biết có “yên một bề” hay không nên mới lo lắng đến vậy.

Phụ nữ bao đời nay vẫn vậy. Luôn nhạy cảm và thường hay lo lắng. Ở đây, người con gái mong ước được nên bề gia thất với người mình yêu nhưng trong xã hội phong kiến thì người phụ nữ chẳng mấy khi đạt được mong ước đơn giản đó. Chính vì thế mà cô gái càng yêu lại càng lo lắng. Nhưng dù sao, sau tất cả những lo lắng ấy, chúng ta vẫn thấy một tình yêu chân thành và mong ước hạnh phúc lứa đôi thầm kín của người phụ nữ.

Với lời ca dung dị, mộc mạc, chân thành mà sâu sắc, bài ca dao đã thể hiện được những nỗi niềm thầm kín của người con gái trong tình yêu. Ban đầu ta thoạt tưởng cô gái buồn và lo lắng nhưng ngẫm nghĩ ra mới thấy đằng sau đó là tình yêu và niềm mong ước hạnh phúc của cô gái. Đây cũng chính là những ước vọng của người phụ nữ, của những người dân lao động trong xã hội xưa. Và cao dao chính là nơi gửi gắm, truyền tải thành công những ý tưởng, mong ước đó.

0