06/05/2018, 10:01

Nghị luận xã hội về câu nói: Trong thế giới khốc liệt của AIDS không có khái niệm chúng ta với họ. Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết – Văn mẫu hay lớp 12

Xem nhanh nội dung Nghị luận xã hội về câu nói: Trong thế giới khốc liệt của AIDS không có khái niệm chúng ta với họ. Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Lai Châu Trong nhiều năm qua, mỗi khi nhắc đến AIDS, người ta ...

Xem nhanh nội dung

Nghị luận xã hội về câu nói: Trong thế giới khốc liệt của AIDS không có khái niệm chúng ta với họ. Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Lai Châu

Trong nhiều năm qua, mỗi khi nhắc đến AIDS, người ta đều liên tưởng đến đó là một căn bệnh thế kỉ, một căn bệnh cực kì nguy hiểm mà khi mắc phải thì chỉ có một con đường chết. Xã hội ngày càng phát triển, nhận thức của người dân cũng càng được nâng cao hơn, vì vậy trách nhiệm và sự quan tâm, giúp đỡ của mỗi người đối với đại dịch HIV/AIDS và những cá nhân không may mắn mắc phải nó là một điều hết sức cần thiết. Chính vì thế, nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS, 1/12/2003, Cô – phi An – nan, người da màu đầu tiên làm Tổng thư kí Liên hợp quốc hai nhiệm kì và đoạt giải Nobel Hòa bình đã ra một bản thông điệp gửi nhân dân thế giới, trong đó có lời kêu gọi nổi tiếng: “Trong thế giới khốc liệt của AIDS, không có khái niệm chúng ta và họ. Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết”. Vậy ông muốn nhắn nhủ điều gì với nhân loại, đặc biệt là tuổi trẻ, những chủ nhân của tương lai đất nước thông qua lời kêu gọi đó?

Trước hết, chúng ta hiểu gì về AIDS? Thực ra nó là cụm từ viết tắt của tiếng Anh, là một hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (còn gọi là bệnh liệt kháng hoặc SIDA), làm tê liệt sức đề kháng của con người. Như vậy, “trong thế giới khốc liệt của AIDS” chính là một thế giới mà khi ta đã bước vào thì rất khó có thể thoát ra được bởi lẽ một khi đã bị nhiễm AIDS thì người bệnh không sớm thì muộn chắc chắn chỉ còn một con đường chết. Đối với mỗi con người, những sai lầm mà ta vô tình vấp phải trong cuộc sống thì có thể còn cách khắc phục được nhưng khi sai lầm vướng vào HIV/AIDS thì chúng ta sẽ phải trả giá bằng cả tính mạng, cuộc đời và thậm chí là người thân của mình vì nó có sức lan truyền rất khủng khiếp, không chỉ bằng một con đường mà có tới cả ba: đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con. Nguy hiểm đến thế nhưng cho đến nay, AIDS vẫn nằm trong số những loại bệnh mà con người chưa tìm ra thứ thuốc chữa nào hữu hiệu. Chính vì lẽ đó, qua câu nói: “Trong thế giới khốc liệt của AIDS, không có khái niệm chúng ta và họ. Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết”, điều mà Cô-phi An-nan quan tâm và muốn nhắn nhủ cho chúng ta chính là sự gắn bó, đoàn kết, cảm thông của xã hội với người bị bệnh, không tách biệt giữa ta và họ, đồng thời hành động để giúp đẩy lùi căn bệnh này. Nếu không hành động hoặc không lên tiếng tức là chúng ta đã vô tình giết chết nhân loại và cả chúng ta, đồng thời người bị nhiễm AIDS cũng không được che giấu căn bệnh của mình hoặc tự ti, mặc cảm, sống biệt lập với cộng đồng mà hãy cố gắng đứng lên, không buông xuôi mọi thứ, lạc quan, tin tưởng vào tương lai, dành thời gian còn lại để sống chan hòa, vui vẻ và giúp ích cho đời.

Chúng ta đã được sống trong những giây phút thực sự vui vẻ và hạnh phúc. Cũng không ít người trong chúng ta thầm tiếc nuối và ao ước những khoảnh khắc tuyệt vời ấy mãi mãi đọng lại trước mắt chúng ta và mỗi chúng ta sẽ thấy cuộc sống này ý nghĩa và đáng quý biết bao. Thế nhưng, xung quanh ta còn có những người không có niềm tin vào cuộc sống hiện tại, không dám mơ ước cho tương lai và thậm chí không muốn tồn tại trên cõi đời này nữa vì có thể họ sinh ra trong một gia đình không có hạnh phúc hoặc những va chạm, vấp ngã trong cuộc đời đã làm họ mất đi ý chí, nghị lực, và thế là họ đánh mất chính mình, sống buông thả, dần dần bước vào con đường hút chích, nghiện ngập và cuối cùng vì một phút sai lầm, một phút nhẹ dạ mà họ đã phải mang trên mình căn bệnh thế kỉ, đến lúc này dù có hối hận thì cũng đã quá muộn. Những người nhiễm AIDS cũng có thể là những chiến sĩ công an dũng cảm đang thi hành nhiệm vụ bắt tội phạm nên vô tình đã bị chúng dùng kim tiêm đâm vào người, kết quả họ đã vướng vào căn bệnh này, để lại nỗi đau cho bản thân và cả gia đình của mình.

Trong bản thông điệp gửi nhân dân thế giới, Tổng thư kí Cô – phi An – nan đã nói: “… Nhưng cũng chính trong lúc này, dịch HIV/AIDS vẫn hoành hành, gây tỉ lệ tử vong cao trên thế giới và có rất ít dấu hiệu suy giảm. Trong năm qua, mỗi phút đồng hồ của một ngày trôi đi, có khoảng mười người bị nhiễm HIV”. HIV/AIDS có mặt khắp nơi trên thế giới, nó không bỏ qua hoặc chừa bất cứ một ai. Từ miền xuôi đến miền ngược, thành thị, nông thôn hay miền hải đảo xa xôi, đâu đâu cũng có, chúng luôn rình rập và sẵn sàng cướp đi cuộc sống của bất kì những ai chủ quan, thiếu hiểu biết. Từng giờ, từng phút, từng giây đồng hồ trôi qua, có biết bao con người đã bị cuốn vào vòng xoáy của AIDS. Tất cả những người bị nhiễm ngoài việc phải chống chọi với bệnh tật, sự ăn mòn đi thân xác thì họ lại càng đau khổ hơn nữa khi xung quanh họ luôn có một tấm lưới vô hình nhưng phủ đầy gai nhọn bao vây lấy họ. Tấm lưới này được dệt nên từ sự kì thị, sự phân biệt, sự khinh bỉ hay đơn giản chỉ là một câu nói bâng quơ, một cái nhìn khinh miệt, vô cảm hoặc một ánh mắt thờ ơ, xa lánh của chính mỗi chúng ta. Điều này thật đáng lên án trong xã hội và cần phải được loại bỏ ngay bởi vì có thể qua những hành động trên mà chúng ta đã vô tình làm tổn thương vào chính trái tim và tâm hồn của những người nhiễm HIV/AIDS, những con người tội nghiệp đang ở tận cùng đáy sâu của vực thẳm mà họ đang cố gắng thoát ra, thế nhưng họ không thể một mình tự thực hiện được điều đó mà người có thể kéo họ lên và giúp họ vượt qua mặc cảm, trở về với cộng đồng, sống hòa mình với xã hội không ai khác là chính chúng ta. Vì thế, trách nhiệm của mỗi người đối với đại dịch AIDS nói chung và với những người mắc phải căn bệnh này nói riêng là vô cùng quan trọng. Chúng ta hãy đặt mình vào vị trí của người nhiễm HIV/AIDS để thấy được họ cần điều gì ở chúng ta. Chúng ta đã nói rất nhiều về trách nhiệm, đã đề ra rất nhiều biện pháp, kế hoạch. Thế nhưng, nhìn lại chúng ta đã làm được bao nhiêu? Mỗi chúng ta phải ý thức được trách nhiệm của mình từ những cái nhỏ nhặt nhất. Công việc đấu tranh phòng, chống HIV/AIDS không của riêng một ai, một cơ quan tổ chức nào mà đó chính là trách nhiệm của cả cộng đồng, của chính chúng ta bởi vì cuộc sống là của tất cả mọi người. Điển hình như Nhà nước nên có các chính sách đầu tư tiền bạc để mua thuốc chữa bệnh, phòng bệnh. Xã hội cũng nên lập những mái ấm tình thương, những làng SOS,… để giúp đỡ người bị nhiễm HIV. Trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng nên xuất hiện nhiều thông tin về căn bệnh này để phổ biến cho tất cả người dân khắp nơi trên mọi miền đất nước hiểu về tác hại của nó và cách phòng chống.

Đối với thế hệ thanh niên, học sinh thì trách nhiệm này lại càng nặng nề và lớn lao hơn. Bởi lẽ chúng ta chính là chủ nhân tương lai của đất nước, những con người năng động, sáng tạo, có những điều kiện học tập, rèn luyện tốt nhất. Rất nhiều bạn trẻ đã ao ước sẽ tìm ra loại thuốc điều trị căn bệnh HIV/AIDS. Để điều đó thành hiện thực, mỗi chúng ta cần phải nỗ lực phấn đấu hết mình để học tập tốt hơn nữa, phải tìm hiểu, tự nâng cao nhận thức của mình về căn bệnh HIV/AIDS để có biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn sự lây lan của nó. Đặc biệt, mỗi chúng ta hãy trở thành những tuyên truyền viên xuất sắc, mang những kiến thức cần thiết về HIV/AIDS đến cho tất cả mọi người. Hãy tham gia tích cực vào các hoạt động thiết thực như các cuộc thi, các buổi tham gia cổ động, các phong trào tình nguyện giúp đỡ những người bị nhiễm HIV/AIDS. Đồng thời, một nhiệm vụ quan trọng nhất đó chính là xé tan đi tấm lưới vô hình đang vây lấy những người bị nhiễm HIV/AIDS bằng cách phát huy truyền thống tương thân, tương ái, chăm sóc giúp đỡ và chống kì thị, phân biệt đối xử với họ, bớt đi một ánh mắt vô cảm là giúp cho những người nhiễm HIV/AIDS không còn lo sợ, bớt đi một cái nhìn thờ ơ là tiếp thêm sức mạnh cho họ chống lại bệnh tật, một cái bắt tay thân thiện sẽ cho họ những nụ cười để vững tin hơn vào cuộc sống, chúng ta hãy mở rộng trái tim đồng cảm, hãy cùng nắm tay, sát cánh bên nhau để giúp đỡ những người nhiễm HIV/AIDS. Hãy là những người tiên phong trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, hãy cùng đồng thanh hô to khẩu hiệu: “Giữ vững cam kết, quyết tâm ngăn chặn AIDS!”. Chính những ước mơ, hoài bão, ý chí, những nụ cười rạng rỡ và con tim tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ chúng ta sẽ đẩy lùi được đại dịch HIV/AIDS.

Lời kêu gọi của Cô-phi An-nan thật đúng đắn và có sức thuyết phục cao, nó như một hồi chuông cảnh tỉnh mọi người hãy cùng nhau đẩy lùi căn bệnh thế kỉ, hãy yêu thương, quan tâm và đối xử với những người bị nhiễm HIV/AIDS như họ chưa từng mắc bệnh. Tôi và các bạn, chúng ta hãy cùng chung tay, cùng hành động ngay chính lúc này vì Trái Đất thân yêu, cuộc sống thân yêu này của chúng ta, làm cho mảnh đất mà ta đang ở luôn luôn ngập tràn tình người.

Nghị luận xã hội về câu nói: Trong thế giới khốc liệt của AIDS không có khái niệm chúng ta với họ. Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết – Bài làm 2

Nếu cho bạn quyền được vẽ tiếp bức tranh cuộc sống đang còn dang dở, bạn hoàn thành nhiệm vụ ấy như thế nào? Bạn sẽ phủ lên đó một màu xanh tươi mát hay màu đen u ám? Bạn sẽ vẽ về những con ngưòi trong sự đùm bọc yêu thương nhau là sự ghẻ lạnh hoài nghi? Bạn sẽ đặt niềm tín, sự kính trọng và lòng ngưỡng mộ vào những bác sĩ, kĩ sư, còn những mảnh đời bất hạnh, đặc biệt là những con người đang từng ngày, từng giờ chịu sự hành hạ của căn AIDS? Bạn sẽ đặt họ ở đâu trong trái tim mình? Dường như đó là những câu hỏi đặt ra cho tất cả mọi người trước sự lây lan hành hoành của đại dịch AIDS một trong những hiểm hoạ lớn nhất đang đe doạ tới sự sống của con người. Để trả lời cho những câu hỏi trên, nguyên Tổng thư kí Liên hợp quốc Cô – phi An – nan đã cho rằng: "Trong thế giới khốc liệt của AIDS không có khái niệm chúng ta và họ. Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết". "Xe tang đưa anh đi trong chiều vắng, gọi tên anh không gian âm u khóc thương…". Dường như mỗi lần nghe những giai điệu não về cái chết thảm thương của một chàng trai trẻ khi mắc phải căn bệnh thế kỉ HIV/AIDS mỗi lần lòng tôi nhói lên một nỗi đau không tên, vô hình nhưng xót xa. Đâu chỉ có một mình chàng trai đó, căn bệnh quái ác ấy còn cướp đi biết bao sinh mệnh của con người đó là: những cô gái, những người cha, những đứa trẻ bệnh truyền nhiễm mà nhân loại gọi là "hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người" đã len lỏi tới tất cả các quốc gia, như một bóng ma ám ảnh bao trùm lên cuộc sống tươi đẹp, gieo rắc những tang tóc đau thương cho cả nhân loại. Những con số biết nói đã khiến nhân loại phải giật mình sửng sốt nguy cơ lây nhiễm cũng như hậu quả mà AIDS đã gây ra cho cuộc sống con người: “Trong năm qua, mỗi phút đồng hồ một ngày đi trôi đi, có khoảng 10 người nhiễm HIV". "Đại dịch AIDS đã lấy đi hơn 6000 người mỗi năm hơn 2 trong 3 người bị HIV vẫn chưa được tiếp cận với dịch vụ điều trị…”. Vâng, con số ấy vẫn cứ tăng lên từng ngày, từng giờ theo cấp số nhân và trong một tương lai không xa nếu như con người không có biện pháp ngăn chặn thì trái đất cũng nhìn thấy những con người héo hon tiểu tuỵ vì AIDS ra sao nếu như thế hệ con cháu chúng ta sinh ra sẽ phải mang trong mình mặc cảm bệnh tật, sẽ không còn được vui chơi cười đùa, sẽ chẳng còn dám hy vọng khát khao về một tương lai tươi sáng, bên cạnh đó, căn bệnh thế ki AIDS càng trở nên đáng sợ hơn bao giờ hết chính bởi sự bất lực của y học hiện nay. Nhân loại vẫn chưa tìm ra một loại thuốc đặc trị để có thể ngăn ngừa căn bệnh quái ác cũng như sự lây lan nguy hiểm của nó. Con mất cha, vợ mất chồng, anh mất em… có lẽ đó sẽ là một chuỗi những thảm kịch mà AIDS đã, đang và sẽ gây ra cho xã hội loài người.

Tuy nhiên, điều đáng sọ hơn hết chính là sự tách bạch đến nghiệt ngã hai khái niệm "chúng ta" – những người khoẻ mạnh và "họ" – những người bị căn bệnh AIDS quái ác hành hạ. Trong thế giới khốc liệt của AIDS thì những ranh giới ấy vô cùng mong manh. Có thể hôm nay bạn là người khỏe mạnh vui tươi nhưng một phút bất cẩn nào đó, rất có thể bạn cũng trở nạn nhân của AIDS cho dù bạn là ai. Dù bạn muốn hay không thì căn bệnh thế kỉ ấy vẫn có thể xâm nhập vào cơ thể bạn, phá huỷ từng tế bào và chỉ tích tắc, bạn trở thành một trong những người thuộc khái niệm "họ nhưng, trong thực tế thì sự tách bạch giữa "chúng ta" và "họ" lại là cả ranh giới sâu thẳm được ngăn cách bằng bức rào định kiến nghiệt ngã sự thiếu hiểu biết. "Chúng ta" – vâng, đó là những con người khoẻ mạnh mắn vì chưa bị nhiễm căn bệnh thế kỉ, còn "họ" thì sao? Họ vẫn là những người có đầy đủ quyền lợi của một công dân. Chỉ có điều họ đang chịu sự đau đớn quằn quại do sự giày vò của bệnh tật. Dường như thế giới đang bị chia thành hai nửa: Một nửa là của "chúng ta" với sự miệt thị, khinh bỉ, xa lánh; còn một nửa kia là "họ" với sự tự ti, niềm mặc cảm về bản thân và sự éo le của số phận. Chẳng biết tự lúc nào, chúng ta đã chối bỏ tình đồng loại để thoả mãn thói ích kỉ và những định kiến bản thân. Còn họ, nhũng con người đáng thương hơn đáng trách thì bị bỏ rơi trong một thế giới lãng quên, cô độc và băng giá. Tôi đã từng chứng kiến cảnh một em nhỏ bị lây nhiễm HIV/AIDS từ mẹ và phải sống trong cảnh ghẻ lanh của người thân, sự miệt thị, xa lánh của hàng xóm. Mới sáu tuổi em đã phải tự lập làm những công việc mà đáng ra tuổi của em chưa đáng phải làm, ấy vậy mà chẳng ai lên tiếng bênh vực em, bảo vệ em, che chở em. Số phận của một em thơ bất hạnh sẽ còn trôi dạt về đâu nếu như cả xã hội quay lung? Nếu những hiện tượng trên còn tái diễn, có lẽ con người sẽ tự huỷ diệt chính mình trước khi AIDS huỷ diệt họ. Ý kiến của Cô-phi An-nan không chỉ nêu lên thực tế mà còn là lời cảnh báo, nhắc nhở thái độ sai lầm của chúng ta.

Có một nhà văn đã từng cho rằng: "Nơi lạnh lẽo nhất không phải Bắc Cực mà chính là nơi không có tình thương". Không tình thương, không có sự đồng cảm, con người sẽ trở nên lạnh lùng vô cảm, sẽ lãnh đạm bàng quan trước nỗi đau của đồng loại. Đặc biệt là trong thế giới khốc liệt của AIDS, "im lặng đồng nghĩa với cái chết". Im lặng nghĩa là thờ ơ, im lặng còn là vô trách nhiệm. Nếu vẫn cứ tiếp tục im lặng bỏ rơi đồng loại trong nỗi khổ của bệnh tật, im lặng nhìn dịch bệnh tiếp tục hoành hành thì chẳng bao lâu con người cũng sẽ im lặng chấp nhận số phận bất hạnh do dịch bệnh mang tới. Vì thế mà mọi người phải chung tay góp sức đẩy lùi bệnh tật. Muốn vậy, trước hết cần phải bỏ những thành kiến ngăn cách giữa "chúng ta" và "họ". Chúng ta cần phải  tránh thái độ ghẻ lạnh, kì thị đối với người bệnh. Một cái nắm tay, một nụ cười, một lời hỏi han động viên từ những người xung quanh cũng có thể nhóm lên ngọn lửa của hy vọng và niềm tin trong lòng những người bất hạnh. Hãy để cho họ thấy rằng, họ không hề cô độc, xung quanh họ vẫn còn rất nhiều người ủng hộ, tin tưởng và yêu thương họ. Cánh cửa cuộc đời luôn luôn mở rộng chào đón họ, để họ tự tin hoà nhập với cộng đồng xã hội. Bên cạnh đó, việc phòng chống AIDS còn là nhiệm vụ cấp bách của mỗi quốc gia, của toàn –thế giới. Hiện nay nhiều tổ chức phòng chống HIV/AIDS và giúp đỡ những người bị bệnh AIDS đã được thành lập cho thấy con ngưòi đã nhận thức đầy đủ và rõ ràng hơn về việc phòng chống căn bệnh thế kỉ này.

Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, song song với văn minh tiến bộ là những thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội len lòi vào mọi hang cùng ngõ hẻm, từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng tới miền núi. Vì thế mà thế hệ trẻ ngày nay cần phải tinh táo lựa chọn cho mình một lối sống phù hợp, lành mạnh là cách để thanh niên ngày nay tạo lập cho mình một nền tảng đạo đức, nhaanh thức đúng đắn, tránh xa những cám dỗ tầm thường, thấp hèn trong cuộc sống Bên cạnh đó, tuổi trẻ cần phải có kiến thức về HTV/AIDS để giúp cho bản thân phòng tránh lây nhiễm và tham gia các hoạt động xã hội nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của những người xung quanh để họ có cái nhìn đúng hơn về HTV/AIDS cũng như đối với những người bị bệnh.

"Cuộc sống không có tếng hát như cuộc sống không có ánh sáng mặt trời. Mỗi chúng ta hãy là những nốt nhạc góp vào bản hoà ca niềm vui của cuộc sống. Muốn vậy, ngay từ bây giờ chúng ta hãy chung tay góp sức với nhau làm nên một thành trì vững chắc đẩy lùi căn bệnh thế kỉ AIDS, giúp cho cuộc sống trở nên lành mạnh và hạnh phúc hơn. "Hạnh phúc chỉ có thể có được khi trải qua một nỗi đau khổ vĩ đại". Hãy tin là như vậy.

Nghị luận xã hội về câu nói: Trong thế giới khốc liệt của AIDS không có khái niệm chúng ta với họ. Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết – Bài làm 3

Xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng phải đối mặt với nhiều vấn đề của cuộc sống, trong đó hiện nay nổi bật lên một trong những vấn đề đó là chống lại tình trạng HIV/ AIDS, chính vì thế mới có thông điệp : “ Trong thế giới khốc liệt của AIDS, không có khái niệm chúng ta và họ. Trong thế giới đó im lặng đồng nghĩa với cái chết. Hãy sát cánh cùng tôi bởi sự đấu tranh chống HIV/ AIDS bắt đầu từ chính bạn”.

Trong thế giới khốc liệt của AIDS, con người cần phải luôn đấu tranh chống lại sự hủy hoại của cái ác, cái xấu, AIDS không chỉ kéo lùi một xã hội hiện đại văn minh xuống, mà nó còn hủy hoại sự sống của con người, nó kéo chìm sự sống của con người, mỗi ngày, chúng ta đang sống trong sự bao vây của biết bao nhiêu cái xấu, cái ắc, chính vì thế, không chỉ một cá nhân, mà tất cả chúng ta cần phải có ý thức bảo vệ sự sống của chính mình.

Ngày nay khi xã hội phát triển hơn rất nhiều, biết bao nhiêu vấn đề đang được đặt ra đòi hỏi mỗi cá nhân trong xã hội cần phải có ý thức hơn trong việc bảo vệ dân tộc, bảo vệ để chống khỏi sự hủy diệt. HIV/ AIDS là vấn đề nổi vật mà trong nhiều năm gần đây con người đang phải đối mặt để giải quyết nó. Biết bao nhiêu con người đang sống trước sự bao vây, kiềm hãm của nó.

Cái ác, cái xấu cần phải được triệt tiêu càng sớm càng tốt, không thể để tình trạng nó bao vây giam hãm con người vào những vấn đề phức tạp của cuộc sống. Con người chúng ta cần phải xác định cho mình một hướng đi rõ ràng, cần phải có sự đoàn kết giữa con người với nhau để chống lại HIV/ AIDS.

Đúng như câu nói trên đã khẳng định: “Trong thế giới khốc liệt của AIDS, không có khái niệm chúng ta và họ. Trong thế giới đó im lặng đồng nghĩa với cái chết. Hãy sát cánh cùng tôi bởi sự đấu tranh chống HIV/ AIDS bắt đầu từ chính bạn”, mỗi chúng ta cần phải có ý thức đoàn kết để chống lại HIV/ AIDS, không nên phân biệt, bởi đó là nhiệm vụ của toàn dân tộc, nó là trách nhiệm của toàn bộ cộng đồng, do đó, nó không còn là khái niệm của ta, hay của người khác nữa mà giờ đây nó là khái niệm chung của toàn dân tộc, nó là nhiệm vụ của toàn bộ đất nước.

Trước những vấn đề phức tạp đó con người phải lên tiếng đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu, im lặng đồng nghĩa với việc chúng ta đang chấp nhận sống trong một xã hội bị bủa vây bởi cái xấu. Câu nói trên đã khẳng định hoàn toàn đúng đắn, nếu chúng ta im lặng chúng ta sẽ đối mặt với cái chết, “ hãy sát cánh cùng tôi bởi sự đấu tranh chống HIV/ AIDS bắt đầu từ chính bạn”.

Mỗi chúng ta cần phải tự có ý thức trước tình trạng HIV/ AIDS bởi nó không phải là nhiệm vụ của từng cá nhân nào, mà nó là nhiệm vụ của toàn dân tộc, chính vì thế, mỗi cá nhân chúng ta cần phải có ý thức hơn nữa trong việc đoàn kết, đấu tranh để đẩy lùi cái xấu cái ác, ra sức tuyên truyền cho tất cả mọi người trong xã hội, cần có ý thức hơn trong việc đấu tranh để chống lại HIV/ AIDS.

Trong nhà trường cũng cần phải có những buổi giáo dục cho học sinh về việc chống lại HIV/ AIDS, mỗi cá nhân học sinh là một ý thức chung trong việc bảo vệ sức khỏe của chính mình, đấu tranh chống lại HIV/ AIDS.

Mỗi người chúng ta cần phải có ý thức hơn nữa trong việc bảo vệ và chống lại HIV/ AIDS, nhiệm vụ chống lại HIV/ AIDS là nhiệm vụ của toàn dân tộc, không phải là nhiệm vụ riêng của bất kì cá nhân, hay tổ chức nào hết. Mỗi chúng ta cần phải tích cực hơn nữa trong việc giáo dục, tuyên truyền cho mọi người, cần có ý thức bảo vệ và chống lại sự hủy hoại của HIV/ AIDS.

Nghị luận xã hội về câu nói: Trong thế giới khốc liệt của AIDS không có khái niệm chúng ta với họ. Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết – Bài làm 4

–     Nêu vắn tắt sự lan tràn với tốc độ khủng khiếp của đại dịch AIDS trên phạm Vi toàn thế giới; chỉ rõ một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là thái độ bàng quan hoặc xa lánh của cộng đồng đối với những người bị nhiễm bệnh; trích dẫn lời cảnh báo của Nguyên Tổng thư kí Liên hiệp quốc Cô-phi An-nan: "Trong thế giới khốc liệt của AIDS, không có khái niệm chúng ta và họ. Trong thế giới đó, im lặng ‘đồng nghĩa với cái chết".

–     Giải thích ngắn gọn tư tưởng được nêu trong lời thông điệp:

+ Phê phán, phủ định sự phân biệt, kì thị với những người bị nhiễm HIV/AIDS. Có thể dựa vào các câu hỏi gợi ý sau: Trong thế giới khốc liệt của AIDS, không có khái niệm chúng ta và họ: Vì sao tác giả gọi đó là một thế giới khốc liệt? Khái niệm "chúng ta và họ" nghĩa là gì? Bằng cách nói này, Cô-phi An-nan muốn phủ định, phê phán thái độ sai lầm nào của cộng đồng xã hội? Chúng ta không thể tách biệt và quay lưng với những con người bất hạnh, những người rất cần sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần…

+ Chỉ ra hậu quả nặng nềcủa thái độ sai lầm đó: Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết: Im lặng nghĩa là gì? Vì sao thái độ đó lại đồng nghĩa với cái chết? Chính sự bàng quan và né tránh của cộng đồng đã làm tăng nguy cơ lây nhiễm căn bệnh chết người này trên phạm vi toàn thế giới.

–     Bàn luận, mở rộng vấn đề:

+ Hiện tượng phân biệt "chúng ta" và "họ" là phổ biến trên thế giới. Những người nhiễm HIV thường bị cộng đồng dân cư nơi họ làm việc, sinh sống coi thường, xa lánh; những người chưa nhiễm bệnh coi HIV không phải là chuyện của mình…

+ Thái độ ấy đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng: người mắc bệnh không dám công khai nên nguy cơ lây nhiễm càng cao; người chưa mắc bệnh thiếu sự hiểu biết nên khôngbiết cách phòng tránh… Im lặng còn là sự dửng dưng, mất cảnh giác và thiếu tinh thần đấu tranh trước đại dịch AIDS. Trong khi đó, hiểm hoạ này có thể tấn công bất kì ai, vào bất kì lúc nào… Sự "im lặng" của "chúng ta" và "họ" đã tạo điều kiện thuận lợi cho căn bệnh thế kỉ gieo rắc cái chết khắp nơi và với một tốc độ kinh hoàng…

–     Liên hệ bản thân:

+ Trên địa bàn cư trú của anh (chị), cộng đồng có thái độ như thế nào trước những người bị nhiễm HIV? Điều đó có ảnh hưởng như thế nào đối với việc phòng, chống căn bệnh này? Theo anh (chị) cần phải làm gì để thay đổi tình trạng đó?

+ Bản thân anh (chị) đã có những hành động cụ thể nào để góp phần vào cuộc chiến đấu chống lại hiểm hoạ HIV?

–     Khẳng định sự đúng đắn và sâu sắc trong lời kêu gọi đầy tâm huyết của vị nguyên là Tổng thư kí Liên hiệp quốc. Mỗi chúng ta, đặc biệt là những người trẻ tuổi, cần phải tích cực góp phần vào việc thay đổi thái độ đối với những người nhiễm HIV. Bởi vì, đây là điều kiện có ý nghĩa quyết định đối với mục đích đẩy lùi đại dịch này…

Thu Thủy (Tổng hợp)

0