16/01/2018, 13:18

Nghị luận xã hội về câu nói: Tiền không phải là tất cả – Văn mẫu lớp 12

Nghị luận xã hội về câu nói: Tiền không phải là tất cả – Văn mẫu lớp 12 Nghị luận xã hội về câu nói: Tiền không phải là tất cả – Bài số 1 Có một câu nói hài hước rằng: “Có nhiều thứ không thể mua được bằng tiền, nhưng có thể mua được bằng… nhiều tiền". ...

Nghị luận xã hội về câu nói: Tiền không phải là tất cả – Văn mẫu lớp 12

Nghị luận xã hội về câu nói: Tiền không phải là tất cả – Bài số 1

Có một câu nói hài hước rằng: “Có nhiều thứ không thể mua được bằng tiền, nhưng có thể mua được bằng… nhiều tiền".

Quan niệm về giá trị đồng tiền của mỗi người hoàn toàn khác nhau. Có người xem nó là ông chủ tốt, người khác lại xem nó là đầy tớ tồi. Nhiều người cho rằng tiền là chiếc chìa khóa vạn năng, có thể làm được mọi thứ. Có đúng thế không?

Còn bạn, bạn có tin tiền là chiếc đũa thần đầy quyền lực đối với tất cả mọi thứ trên đời này?

Riêng đối với tôi, tiền – không là tất cả.

1. Tiền không mua được tri thức?

Dinh, 24 tuổi, học lực ở mức trung bình. Thế nhưng, cô vẫn tiến đều trên con đường công danh. Đó là nhờ vào “năng khiếu" xài tiền của mẹ.

Tiền mua cho Dinh bằng tú tài loại giỏi. Tiền đưa cô vào Đại học Y khoa Cuối cùng, tiền đưa cô vào làm việc tại một bệnh viện Răng – Hàm – Mặt lớn tại thành phố.

Thế nhưng, sau khi Dinh nhận việc được vài tháng, đoàn thanh tra về kiểm tra nhân sự đột ngột. Bằng giả của Dinh được phơi bày.

Dĩ nhiên, ngay lập tức, cô bị đình chỉ công tác.

Dinh mất tất cả. Không việc làm, không tương lai. Suốt ngày, cô chỉ còn biết tự giam mình trong phòng chẳng dám gặp gỡ bạn bè.

Dinh đâu phải là trường hợp hi hữu. Báo chí đã từng phanh phui ông quan huyện nọ, bà chuyên viên kia, vị quan sở, quan tỉnh ấy đã “xài” bằng giả bằng tiền, đã leo chức, mua chức bằng tiền, khiến cho nhiều người phả: “ở” ra, rồi tự hỏi: “Chuyện lạ mà như thật!”, “Chuyện thật mà như bịa”. Đồng tiền ghê gớm quá!

2. Tiền có mua được hạnh phúc?

Minh, 24 tuổi, là bác sĩ mới ra trường, được đánh giá là một thầy thuốc đầy tiềm năng. Anh chỉ có một cái “tội” là quá nghèo, không đủ khả năng “lo” vào các bệnh viện để làm việc.

Luôn cháy bỏng ước mơ được đổi đời, anh quyết tâm trụ lại thành phố để kiếm tiền.

Anh chớp được cơ hội khi một tiểu thư con nhà giàu yêu anh. Đám cưới được tổ chức rình rang.

Nhờ “phúc" vợ, Minh mở phòng mạch tại nhà. Vốn giỏi chuyên môn lại khéo giao tiếp, phòng mạch của Minh ăn nên làm ra.

Hai năm sau, anh đưa mẹ và em gái lên thành phố sinh sống.

Cùng từ đó, Minh rơi vào tình trạng khổ tâm khi luôn phải đứng giữa hai bên tình – hiếu.

Nhìn nàng dâu kênh kiệu, coi thường chồng, người mẹ thương con chỉ biết khóc thầm. Nhiều lần bà còn đòi về quê sống.

Thấy em chồng mở tiệm thuốc gần nhà bằng “khúc ruột” cùa mình, cô vợ suốt ngày đay nghiến.

Chỉ tội cho Minh, lúc an ủi mẹ, khi khuyên can vợ, lúc bảo ban em, lúc nào anh cũng cảm thấy buồn, thấy căng thẳng. Anh luôn là tâm điểm của mọi sự xung đột trong gia đình. Thậm chí, khi các “đương sự” không thể đổ bực bội lên người khác, họ chọn anh!

Minh luôn tự hỏi, giờ đây, mình đã có nhiều tiền, nhưng sao không thể thảnh thơi, vui vẻ như từng mong ước?

3. Tiền không thể mua được tình yêu?

Ngày đi học, tối bán hàng thuê, cuộc sống của Thanh, 19 tuổi, khó khăn như bao sinh viên xa quê khác. Hoàng, 28 tuổi, là một giám đốc trẻ thành đạt. Anh thân với ông chủ cua Thanh. Nhiều lần đến chơi, thấy cô dễ thương, hiền lành. Hoàng nảy sinh tình cảm nên theo đuổi.

Mọi người đinh ninh thế nào Thanh cũng gật đầu vì kiếm đâu ra người đàn ông vừa tài giỏi, vừa tốt bụng.

Nể lời chủ, Thanh nhận lời đi uống nước với giám đốc Hoàng. Mọi người nhanh chóng nói ra nói vào rằng: “Lọ Lem gặp Hoàng tủ”.

Nhưng sau đó. ai cũng ngạc nhiên khi biết cô một mực từ chối tình cảm của Hoàng.

Ông chủ dò hỏi: 'Hoàng là người tốt, biết làm ăn và giàu có. Anh ấy sẽ giúp em trong cuộc sống, thậm chí đỡ đần cả gia đình em ở quê. Sao em lại bỏ lỡ cơ hội?”

Thanh chỉ nói nhẹ nhàng: “Đơn giản là vì em không yêu anh ấy. Con tim có lí lẽ riêng của nó. Và tình yêu lại không định giá bằng tiền”.

4. Tiền có thật là chìa khóa vạn năng?

Tiền có thể mua ngôi nhà, nhưng không mua được tổ ấm

Tiền có thế mua được chiếc giường, nhưng không mua được giấc ngủ

Tiền mua được chiếc đồng hồ, nhưng không mua được thời gian.

Tiền có thể mua được thuốc, nhưng không mua được sức khỏe…

Chắc chắn còn rất nhiều điều thuộc về chiều sâu bên trong của con người là vô giá.

Tiền rất quan trọng trong cuộc sống. Chúng ta vật vã phấn đấu học tập, làm việc cùng một phần vì nó.

Nhưng tiền có bao giờ mua được nhân phẩm và lương tâm đâu! Bạn đừng bao giờ biến mình thành nó lệ của đồng tiền.

Nghị luận xã hội về câu nói: Tiền không phải là tất cả – Bài số 2

Có bao giờ bạn tự hỏi: Tiền bạc là gì mà bao kẻ mù quáng theo đuổi, hạnh phúc là gì mà bao người khát khao, hi vọng. Hai điều đó tưởng chừng không gắn bó gì với nhau nhưng lại tạo nên một mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết trong cuộc sống.

Hạnh phúc là cảm giác sung sướng, mãn nguyện vì cảm thấy hoàn toàn đã được những gi mong muốn, còn tiền bạc là những đồng tiền dùng để chi tiêu và sử dụng. Giữa tiền bạc và hạnh phúc có một mối quan hệ khăng khít với nhau.

Tiền bạc có tầm ảnh hướng lớn đối với chúng ta. Nó là điều kiện cần cho nhiều hoạt động của cuộc sống như học tập, ăn, mặc, ở, đi lại… Mỗi việc chúng ta làm đều cần rất nhiều tiền. Hàng ngày chúng ta phải ăn uống để duy tri sự sống. Phải có tiền thì chúng ta mới có thể mua được những loại thực phẩm mà chúng ta cần dùng hàng ngày. Hãy thử tưởng tượng nếu một ngày chúng ta không có tiền để chi tiêu, không thể mua được những thứ cần thiết cho cuộc sống, lúc đó chúng ta sẽ như thế nào? Không ăn uống, không có những điều tối thiểu để sinh hoạt, chắc chắn sức khoẻ của chúng ta sẽ bị giảm sút theo đó là rất nhiều hệ luỵ, việc khám chữa bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn, học tập và làm việc sẽ không được đảm bảo.

Bên cạnh những giá trị vật chất, chúng ta còn đáp ứng được những giá trị thần khi có tiền. Chúng ta có thể tổ chức đi chơi vào những ngày hay đơn giản là những hoạt động, dịch vụ như Internet, điện thoại, phải có tiền thì chúng ta mới có thể chi trả cho những hoạt động đó. Chúng ta cần tiền, rất cần tiền mỗi ngày để chi trả cho những vấn đề cần trong cuộc sống. Dường như đồng tiền đã một phần nào chi phối hoạt động và nhu cầu của chúng ta. Mỗi người đều có những nhu cầu thiết yếu cho gia đình, cho bản thân, tuy nhiên với những gì chúng ta có, cần phải biết cách chi cho hợp lý, phải biết tính toán những gì mình cần, mình có. Nếu là một sinh nghèo vừa tốt nghiệp ra trường, cần có một chiếc xe máy để đi làm, với những gì cô có, chi có thể mua được một chiếc xe bình thường, không sang trọng, đắt tiền nhưng đã đáp ứng được nhu cầu của bản thân. Hay bên cạnh đó những sinh viên con nhà giàu, có thể mua được chiếc xe đắt tiền, sang trọng… Nhưng dù có nhiều tiền hay ít tiền, với nhu cầu của bản thân, với một sự tính toán, cân đối thì chúng ta có thể thoả mãn nhu cầu của cuộc sống tuy có lúc cũng chưa thật sự hài lòng. Tiền bạc là một điều kiện cần của cuộc hạnh phúc nhưng đó không phải là điều kiện đủ của hạnh phúc. Có những người chỉ biết kiếm tiền, họ chi mải làm, tiền đối với họ chẳng bao giờ là đủ nhưng họ lại không quan tâm, không biết trân trọng những gì mình đang có. Đối với họ, họ hạnh phúc ở chỗ họ làm ra tiền. Và khi nhận ra ra rằng mình không có được hạnh phúc thực sự thì có lẽ, đã là quá muộn. Những đồng tiền làm ra không thể đổi lấy hạnh phúc. Khi có tiền, tạo ra những giá trị tinh thần được vui chơi, được hoà mình vào cuộc sống, đó là điều kiện cho hạnh phúc nảy sinh và phát triển.

Như vậy chúng ta có thể nói tiền bạc là một điều kiện cần nhưng chưa đủ hạnh phúc. Khi thức tỉnh lòng mình, có ước mơ nhưng đồng ý tiếp nhận, trân trọng và yêu thương những gì mình có, chấp nhận những gì mình không thể có, có một nhận thức rõ ràng vể đồng tiền, lúc đó, chúng ta đã có hạnh phúc. Trong xã hội Việt Nam xưa và bây giờ vẫn còn tồn tại những quan niệm sai trái về quan hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc:

"Trong tay đã sẵn đồng tiền

Dầu rằng đổi trắng thay đen khó gì"

Trong cái xã hội cũ đó, đồng tiền như một thế lực vạn năng. Hạnh phúc của người có thể đem ra mua bán bằng những giá trị đồng tiền. Còn ngày nay lại có rất nhiều người không biết quý trọng đồng tiền, sinh ra những thói hư tật xấu lười biếng, hư hỏng, trì trệ… Cái gì cũng đã có, không phải làm gì không ai hướng dẫn, họ chỉ biết hưởng thụ những gì tiền có thể đem tới, những thứ cần phải có sự rèn luyện về tinh thần và ý chí, họ không thể có được hạnh phúc. Họ không nghe nhạc để biết thế nào là bản nhạc hay không biết đọc báo để biết ai sướng, ai khổ, họ không có thời gian để chuyện tâm tình thật lâu, thật sâu để hiểu về một người bạn, để hiểu thế nào là một tình bạn…

Và khi có được tất cả, trừ những cái mới như ma tuý, thuốc lắc,… thì họ thử. Họ có thế vui khi làm được điều đó, họ có thể hạnh phúc nhưng bố mẹ họ chắc chắn không hạnh phúc, những người thân của họ chắc chắn không hạnh phúc và cái hạnh phúc của họ chỉ là nhất thời. Như vậy những quan niệm trái về ý nghĩa của tiền bạc và hạnh phúc cần phải phê phán, bác bỏ và hướng họ tới những quan niệm tốt đẹp, cho họ biết giá trị của cuộc sống và làm thế nào để có được hạnh phúc thực sự.

Tiền bạc và hạnh phúc? Tiền bạc giúp chúng ta thoả mãn nhu cầu vật chất, một phần nào đó giúp chúng ta đáp ứng về tình thần. Còn hạnh phúc thực sự thoả mãn về nhu cầu ấy. Với tôi, hạnh phúc không phụ thuộc vào giá trị vật chất mà đồng tiền mang đến, quan trọng là sự nâng niu, trân trọng cuộc sống mà chúng ta có mà thôi.

Nghị luận xã hội về câu nói: Tiền không phải là tất cả – Bài số 3

Có người cho rằng: "Tiền không phải là tất cả”, nhận định trên đúng hay sai khi trong thời đại hiện nay, con người buộc mình phải gắn vật chất và trở nên thực dụng hơn. Nhưng song song cùng những giá trị vật chất, cuộc sống tinh thần, những tình cảm cảm xúc không thể thiếu đối với con người. Liệu tất cả đều bị chi phối bởi đồng tiền?

Từ lúc được tạo hoá sinh ra, con người phải gắn liền với vật chất, có nhu cầu đòi hỏi về vật chất. Con người cần ăn, uống, mặc… nhưng lúc bấy giờ, tuyệt nhiên chưa xuất hiện, sự có mặt của đồng tiền. Tiến thêm một bước nữa, khi thế giới nguyên thuỷ đã ổn định, đi vào trật tự, vật chất có dư thừa, con người bắt đầu thực hiện trao đổi vật chất, không có tiền – một đơn vị trao đổi nhất định, người ta chỉ đổi thứ này lấy thứ khác.

Đến lúc hình thành xã hội thực sự, đơn vị trao đổi đòi hỏi phải xuất hiện, vật chất trao đổi càng nhiều, nhu cầu trao đổi càng cao. Lúc đầu, đơn giản chỉ là những vỏ ốc, những đồng xu, cắc bạc, đơn vị trao đổi lúc ấy còn rất đơn thuần, chưa thống nhất. Dần dần, xã hội kinh tế hoá, tiền ra đời và thực sự thâm nhập, đi sâu vào xã hội, vào mỗi gia đình, mỗi con người.

Nhu cầu vật chất ngày càng tăng, đồng tiền ngày càng có giá trị. Con người như nhận thức được tầm quan trọng của đồng tiền, càng ra sức kiếm tiền, phục vụ cho nhu cầu vật chất của mình. Đồng tiền không những có giá trị thực dụng, đồng tiền chi phối cả yếu tố tinh thần, tình cảm cảm xúc của con người. Đồng tiền là phương tiện đưa con người có được những trò tiêu khiển, giải trí, những món quà đem lại nụ cười… Đồng tiền đem lại vật chất, những gì người ta muốn: nhà lầu, xe hơi, kim cương… hay những gì quý giá hơn nữa. Đồng tiền là công cụ cho con người làm việc: xây dựng cơ sở vật chất, giải quyết các chi phí…

Trong xã hội hiện nay, dường như hầu hết mọi vấn đề đều động chạm đến tiền. Đồng tiền đã ăn sâu vào tiềm thức con người, chi phối tư tưởng con người, hể làm việc gì mà không có tiền hoặc không vì tiền, không dễ dàng gì người ta làm. Người ta làm việc hăng say, hứng thú khi treo trên đầu là một khoản tiền lớn nhận được sau khi hoàn thành công việc.

Càng ngày, đồng tiền càng có thế lực, con người không còn coi đồng tiền là phương tiện làm việc, đồng tiền đã hoá thành mục đích. Trong một xã hội kinh tế như hiện nay, quả nhiên, đồng tiền rất có giá trị. Nhưng, đồng tiền có thực sự mua được tất cả, nắm tiền trong tay liệu ta có thể có được những gì muốn. Đồng tiền mua được vật chất vậy có thể mua được hạnh phúc. Đồng tiền mua được nhà lầu, xe hơi… Vậy có thể mua được nụ cười , niềm vui, tình yêu…?

Hạnh phúc đến đơn giản nhẹ nhàng, không cần tiền bạc, không xa hoa phù phiếm. Là một buổi sáng ngắm bình minh trên mặt biển, là nhìn ngắm một bông hoa nở muộn đẫm mình trong sương đêm và nắng sớm, là chiếc hôn nhẹ nhàng của người chồng lên trán vợ để xua đi bao mệt mỏi, toan tính trong ngày… Hạnh phúc tràn ngập quanh ta, nhưng hạnh phúc đến rất khẽ, chỉ cần ta im lặng lắng nghe tiếng gõ cửa của hạnh phúc.

Tuyệt nhiên đồng tiền không thể xen vào những khoảnh khắc đó mặc dù đồng tiền đã len lõi đến tận mọi ngóc ngách, ngõ hẻm nhưng đã không thể chạm đến hạnh phúc. Hạnh phúc là những thời khắc con người ta trở nên trong lành, thanh khiết, không toan tính, tính toán chuyện vật chất.

Cuộc sống ngắn ngủi, con người ta lại mãi chạy theo đồng tiền. Vậy đồng tiền có mua được tuổi xuân, nhiệt huyết và sự bất tử? Cho dù y học ngày nay phát triển như thế nào, với đồng tiền ta xây dựng cơ sở vật chất tốt nhất, loại thuốc tốt nhất, điều trị hiện đại nhất cũng không giữ chân được thời gian. Bưa cơm thịt cá ê hề trong căn nhà sang trọng, những thành viên hờ hững với bưa ăn, không có một tiếng nói cười, nếu có chỉ là những lời trách mắng, chửi rủa có sung sướng hơn mâm cơm đạm bạc, gia đình quây quần bên nhau, đầm ấm, hạnh phúc.

Nếu con người ta quay ngược trở lại thời cổ đại nhưng vẫn giữ nếp sống, nếp nghĩ như bây giờ, liệu con người có thể tồn tại không có sự có mặt của đồng tiền. Tổ tiên ta xưa cũng đã tồn tại và phát triển đấy thôi. Nhưng với con người của thời hiện đại có lẽ không dễ dàng , họ đã quá quen với lối sống hiện đại, chạy theo đồng tiền, lối nghĩ “có tiền mua tiên cũng được”, họ đã chạy quá nhanh theo đồng tiền mà ngu ngốc bỏ phí những khoảnh khắc hạnh phúc tuyệt vời, vô giá mà họ không phải tốn một xu nào.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận giá trị của đồng tiền. Chúng ta là con người của thời đại mới, thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Không có phương tiện tiền bạc, ta khó lòng đạt được mục đích. Bản thân những học sinh, để ngồi ở ghế nhà trường, tiếp thu tri thức để sau này nên người phải đóng học phí.

Bệnh nhân muốn khoẻ mạnh phải điều trị, thuốc thang, phải thanh toán viện phí. Doanh nhân muốn phát triển, mở rộng công ty phải đầu tư vốn… Những hoạt động đó không bị đồng tiền chi phối mà sử dụng đồng tiền đúng chức năng giá trị, chuyển tiếp từ thứ này sang một thứ tốt hơn trên phương tiện tiền bạc.

Bởi vậy, vô số các nhà đầu tư, nhà tài trợ, nhà từ thiện đã từ đông tiền biến đồng tiền thành hạnh phúc, đó là những xuất học bổng, những ca mổ không mất chi phí, những khoản tiền đầu tư… Nếu sử dụng đồng tiền đúng cách, ta sẽ mua được hạnh phúc vô giá.

Đã từ rất lâu, đồng tiền thâm nhập vào thế giới con người, giúp đỡ con người nhưng cũng điều khiển con người. Giăng-van-giăng bị bỏ tù chỉ vì ăn trộm một chiếc bánh mì cho cháu. Chị Dậu bán con, bán chó lấy mấy đồng cắc về chuộc chồng… Tất cả chẳng phải đều vì đồng tiền, đồng tiền không sai khiến họ, đồng tiền sai khiếnkẻ khác dồn ép họ, buộc họ vào bước đường cùng.

Đồng tiền là con dao hai lưỡi, mua hạnh phúc và cũng giết chết hạnh phúc. Liệu có hạnh phúc được khi dạ dày lép kẹp, tâm trí chỉ nghĩ đến miếng ăn, và khi nghĩ đến miếng ăn, miếng ăn choán toàn bộ suy nghĩ, không còn chỗ cho điều gọi là hạnh phúc.Gia đình hạnh phúc ấm êm và không bao giờ phải lo nghĩ vấn đề tiền bạc nhưng sẽ sao nếu vấn đề cơm áo gạo tiền xuất hiện thường nhật trong những bưa ăn, cuộc trò chuyện. Sự bon chen, tính toán đời thường, tính thực dụng che đi cái hạnh phúc ngọt ngào mà mỏng manh

Ta không phủ nhận đồng tiền và cũng không phủ nhận hạnh phúc. Đồng tiền hay những giá trị vật chất, hạnh phúc hay những giá trị tinh thần đều không thể thiếu đối với con người và cuộc sống. Thiếu một trong hai, con người không thể tồn tại hoặc tồn tại không đúng nghĩa.

Nghị luận xã hội về câu nói: Tiền không phải là tất cả – Bài số 4

Theo cuộc điều tra mang tính toàn cầu của TV Networks International trong tổng số 5400 người trẻ đến từ 14 quốc gia phát triển thì chỉ có 43% tỏ ra hạnh phúc với cuộc sống hiện tại của mình. Giới trẻ Ấn Độ là những người hạnh phúc nhất trong khi Nhật Bản đứng cuối bảng xếp hạng với chỉ 8% cảm thấy dễ chịu với những gì đang diễn ra. Kết quả điều tra này có thể cho chúng ta thấy được nhiều điều dáng suy ngẫm. Một trong những điều căn bản đó là mối quan hệ không tương xứng giữa tiền tài và hạnh phúc, giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần của mỗi con người, đặc biệt là những người trẻ.

Chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh nơi giá trị vật chất được xem như ngang bằng với những giá trị tinh thần – đã qua rồi cái thời của Balzac, Vũ Trọng Phụng, nơi đồng tiền chiếm vị trí độc tôn và có sức mạnh thống lĩnh, kiểm soát, thậm chí làm biến đổi những thước đo xã hội. Nhưng hãy giật mình ngẫm nghĩ câu nói này, nó vẫn không xa lạ với hiện tại: Không có Giời, Phật, chỉ có đồng tiền là đáng kính thờ vì nó sai khiến được mọi người, ai ai cũng phải kính thờ nó mới sống được. Lương tâm à? Chưa bằng đồng tiền. Giời Phật à? Còn kém đồng tiền. Chỉ có đồng tiền là ai ai cũng phải kính thờ, chi có những cách xoay tiền là đáng cho người ta tụng niệm (trích kịch Không một tiếng vang (1931) – Vũ Trọng Phụng). Đồng tiền luôn có một sức mạnh ghê gớm trong bất kì hoàn cảnh nào, thời đại nào. Không hiếm những trường hợp chỉ vì đồng tiền mà con người sẵn sàng bán rẻ nhân cách, làm những chuyện phi pháp, làm tay sai cho kẻ xấu. Tại sao tiền lại có ma lực đến vậy? Bởi vì nó giúp ta thoả mãn gần như tất cả những nhu cầu về vật chất và tinh thần, tạo ra những giá trị về nhân phẩm, văn hoá và tình nghĩa. Tiền còn là thước đo giá trị con người. Anh càng giàu có thì cuộc sống anh càng sung sướng, phong phú, đầy đủ, vô hình chung trong mắt người khác anh cùng trở nên cao sang, quyền quý và được họ nể trọng; anh cứ thế tiến dần đến những nấc cao của danh vọng. Nhưng danh vọng có bao giờ đủ? Lòng tham con người có bao giờ cạn? Lợi dụng điều đó, đồng tiển đã nhanh chóng chế ngự, quyến rũ, mê hoặc một số người không có bản lĩnh vững vàng trước cám dỗ vật chất, biến họ thành tay sai đắc lực cho nó. Đó là nguồn gốc của những loại tội phạm mà ta vẫn thường thấy trên phương tiện thông tin đại chúng hằng ngày như: Tham nhũng, buôn lậu, buôn ma tuý, đâm thuê, chém mướn, cờ bạc… gây bao thiệt hại nặng nề cho đất nước. Chúng ta cần thừa nhận sức mạnh ghê gớm của đồng tiền – ghê gớm chứ không phải vạn năng. Bởi có một thứ trên đời anh có nhiều tiền đến đâu cũng không thể mua nổi, đánh đổi cả cuộc đời mình cũng không thể có được, đó là những giá trị thuộc về tinh thần như trí tuệ, tình yêu, lòng nhân ái. phẩm chất, óc sáng tạo… và nhất là hạnh phúc.

Ngược lại với tiền – một khái niệm dễ dàng định nghĩa, hạnh phúc là một khái niệm cực kì khó nắm bắt, nó mong manh tựa như những bí ẩn của đời sống tâm hồn. Nhưng đó là điều con người trong xã hội nào cùng hướng đến, bản Tuyên ngôn độc lập của đất nước nào cũng phải có những câu khẳng định quyền vươn tới hạnh phúc chân chính của con người. Vì một cuộc đời chỉ thật sự có ý nghĩa khi cuộc đời đó hạnh phúc. Vậy hạnh phúc là gì? Có thể hiểu đơn giản: Hạnh phúc là trạng thái sung sướng khi hoàn toàn đạt được những điều mình mong muốn. Ở đây, hạnh phúc cần được hiểu theo nghĩa rộng là hạnh phúc trong gia đình, hạnh phúc trong quan hệ bạn bè, hạnh phúc trong cuộc sống hằng ngày. Theo cách hiểu đó, tiền bạc không thể làm cho người ta hạnh phúc, nếu làm được điều ấy, thì thứ hạnh phúc đó chỉ là dục vọng được thoả mãn về vật chất của một cá nhân ích kỉ, tầm thường. Hạnh phúc thật sự phải là những điều đẹp đẽ, cao thượng, chân thành nằm sâu trong tâm hồn – những tầng sâu không thể dò đến được của chúng ta mà không thế lực nào, kể cả đồng tiền có thể mua chuộc được. Hạnh phúc của một bà mẹ quanh năm tần tảo, không có lấy một ngày nghỉ, không có lấy một chiếc áo mới, để đổi lấy cho con mình được ăn học – bằng bạn bằng bè – có ai hiểu nổi? Chính vì tình yêu con khiến cho người mẹ quên đi những nỗi nhọc nhằn của mình. Hạnh phúc của một gia đình lao động bình thường, tối tối xum vầy quanh mâm cơm, tiếng cười con trẻ trong veo – thứ hạnh phúc giản dị ấm áp của đời thường mà đánh đổi cả kho vàng cũng không có được. Chúng ta không quên một câu nói nổi tiếng rằng: "Hạnh phúc lớn nhất của đời người là yêu và được yêu. – George Sand". Vậy cơ sở của hạnh phúc chính là tình yêu. Trên cơ sở ấy, điều xây dựng nên hạnh phúc là tình cảm, là những giá trị mang ý nghĩa xã hội và tinh thần chân chính. Hạnh phúc chính là mục đích cao đẹp của cuộc đời.

Tiền chỉ là phương tiện nhanh chóng và hữu ích đưa ta đến cái đích đẹp đẽ ấy. Đời người chỉ hạnh phúc trọn vẹn khi được thoả mãn cả về vật chất lẫn tinh thần, vậy đồng tiền gắn vai trò rất lớn. Nó kích thích sự sáng tạo, nỗ lực trong đời sống, là thước đo năng suất lao động, là giải pháp nhanh chóng và hiệu nghiệm cho những trường hợp khó khăn, quẫn bách. Một tháng lương được trả cao làm cho con người ta hăng hái làm việc hơn bình thường. Một suất học bổng có thể khiến cho một cậu học sinh nghèo được đi du học. Một số tiền lớn cho ca phẫu thuật có thể cứu sống được một mạng người… Tuy nhiên, nếu coi đồng tiền là mục đích cao nhất của cuộc đời, làm tất cả để có được nó thì sớm muộn gì anh cũng phải trả giá rất đắt: Bị huỷ hoại nhân cách, gia đình tan nát, mọi người khinh bỉ, xa lánh,… Chẳng ai muốn sống một cuộc đời như thế cả. Bởi vậy, phải tạo được sự hài hoà giữa tiền tài và hạnh phúc, giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần, trên cơ sở đó hạnh phúc được xây dựng nên mới vững chắc.

Để làm được điều này, mỗi con người trong chúng ta phải luôn cố gắng, phấn đấu trong cuộc sống, trong lao động và học tập, trong rèn luyện đạo đức để trở thành một con người có trí tuệ, tài năng, nhân cách, đồng thời có bản lĩnh vững vàng trước những cám dỗ ngoài xã hội. Bởi có thể khẳng định rằng: "Trong các con đường dẫn đến hạnh phúc, không có con đường tắt, chỉ có một con đường chắc chắn hơn cả là lao động và kiên trì" — L.Raybo.

Vũ Hường tổng hợp

Từ khóa tìm kiếm

  • nhiều người c
  • nhiều người cho rằng có tiền là có tất cả tiền bạc quả thật có sức mạnh lớn lao
  • viết đoạn văn nghị luận về vấn đề không biết trân trọng những vật chất dư thừa mình có
  • nghị luận tiền là tất cả
  • nghị luận về tiền là tất cả
  • nghị luận xã hội về vấn đề nếu không có tiền
0