16/01/2018, 13:20

Nghị luận xã hội về câu nói: Tập quán xấu ban đầu là khách qua đường, sau trở thành ngựời bạn thân ở chung nhà và cuối cùng trở thành ông chủ nhà khó tính – Văn mẫu lớp 12

Nghị luận xã hội về câu nói: Tập quán xấu ban đầu là khách qua đường, sau trở thành ngựời bạn thân ở chung nhà và cuối cùng trở thành ông chủ nhà khó tính – Văn mẫu lớp 12 Nghị luận xã hội về câu nói: Tập quán xấu ban đầu là khách qua đường, sau trở thành ngựời bạn thân ở chung nhà và ...

Nghị luận xã hội về câu nói: Tập quán xấu ban đầu là khách qua đường, sau trở thành ngựời bạn thân ở chung nhà và cuối cùng trở thành ông chủ nhà khó tính – Văn mẫu lớp 12

Nghị luận xã hội về câu nói: Tập quán xấu ban đầu là khách qua đường, sau trở thành ngựời bạn thân ở chung nhà và cuối cùng trở thành ông chủ nhà khó tính – Bài số 1

Trong cuộc sống xô bồ, đầy bon chen, những thói hư, tật xấu vẫn diễn ra hàng ngày trước mắt và nhiều lúc, chúng ta vẫn bị ảnh hưởng, lôi cuốn, mê hoặc, tạo điều kiện cho nó xâm nhập khi nào không hay biết.

Những thói hư, tật xấu có ảnh hưởng rất lớn đến tư cách đạo đức, cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội, nó có thể đẩy con người đến bờ sâu của vực thẳm, vùi ta vào bóng đêm của tâm hồn. Chẳng vậy mà có ý kiến cho rằng: "tập quán xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở thành người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành một ông chủ nhà khó tính".

Tập quán là những thói quen thường ngày, diễn ra thường xuyên, tự nhiên và được mọi người công nhận, nó gắn bó thân thiết với con người và là một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, tập quán cũng có hai mặt, có những tập quán tốt và cũng có nhiều tập quán xấu. Tập quán tốt mang đến những lợi ích về vật chất và tinh thần, mang đến niềm vui, sức khỏe và hạnh phúc. Ngược lại, tập quán xấu đẩy ta vào cuộc sống tăm tối và mang đến nhiều thương đau. Những lời nói tục, chửi thề, cờ bạc,…. có một ma lực vô hình vô cùng lớn, nó đến và xâm nhập vào chúng ta lúc nào không ai ngờ. Ban đầu những thói hư, tật xấu, chỉ là những người khách qua đường, đến một lần rồi đi, rất tự nhiên, vô tình, không có mối quan hệ thân thiết và không để lại chút dấu ấn nào. Nhưng một lần, hai lần rồi ba lần, những thói xấu ấy cứ ghé thăm chúng ta, nó đến từ từ, nhẹ nhàng, không ồn ào nhưng nó lại có sức tấn công mãnh liệt, nó trói buộc chúng ta thành một người bạn thân chung nhà không thể nào xa rời. Bởi những thói xấu ấy có một sức hấp dẫn không thể cưỡng lại được đối với những cá nhân suy nghĩ bồng bột, nông cạn, tầm thường, thậm chí bệnh hoạn. Nó ngày càng lớn lên một cách mạnh mẽ trong tâm hồn ta, nó chế ngự, điều khiển ta, bắt ta phải làm theo và không thể nào chống cự và cuối cùng, nó trở thành "một ông chủ nhà khó tính." Càng chìm sâu vào nó là càng chìm sau vào những dục vọng  tối tăm trong tâm hồn mà khó có thể cưỡng lại. Tất cả những tiến trình của thói xấu, từ khách qua đường, bạn thân cho đến ông chủ nhà khó tính dường như đã trở thành một quy luật và hầu như không thể thay đổi.

Con người muốn trở thành người tốt và có ích cho xã hội cần phải rèn luyện cho mình một bản lĩnh vững vàng trước những thói hư, tật xấu. Thói hư, tật xấu đến với chúng ta rất lặng lẽ, nhẹ nhàng nhưng lại mang trong mình một mãnh lực ghê gớm. Chỉ một lần buộc miệng chửi thề, một lần quay cóp trong giờ kiểm tra, một li rượu thách đố bạn bè, một ván bài vui chơi, chỉ một lần đơn giản thế thôi nhưng lại là sự khởi đầu cho biết bao lần tiếp theo, ai cũng nghĩ thật bình thường nên không để tâm đến tác hại sâu xa của nó. Một lần trót lọt, một lần thử sẽ mang đến cho chúng ta cảm giác sung sướng đầy khoái trá, một cảm giác nhung nhớ đến thèm thuồng khi cần giải quyết vấn đề tương tự. Để tránh điểm kém,để không bị bố mẹ la mắng, ta sẽ tiếp tục quay cóp. Để tỏ ra anh hùng, quân tử, ta sẽ chạm đến chén rượu lần thứ hai. Một, hai rồi nhiều lần, những thói quen ấy không còn là người khách qua đường mà đã trở thành thói quen thường ngày, một người bạn thân thiết, không thể nào dứt bỏ. Ngày đến đêm qua, những thói quen ấy vẫn tiếp tục diễn ra và điều gì sẽ xảy ra? Kết quả ta nhận được lâu nay đều là giả dối và những kì thi tốt nghiệp, đại học được tổ chức một cách nghiêm túc sẽ vạch trần tất cả  và những chén rượu vui chơi kia sẽ biến ta thành một kẻ bê bết, một con sâu nghiện rượu, phá hoại xã hội. Ông chủ vô hình nhưng khắc nghiệt, tàn bạo, làm ta đau đớn và khổ sở. Nó chi phối toàn bộ tình cảm và hành động của ta và ta khó có thể thoát được nanh vuốt của nó. Một kẻ nghiện ngập sẽ luôn sống trong cảnh thèm thuồng , khát thuốc, mỗi khi lên cơn, con nghiện sẽ bị hành hạ, dày vò và sẽ bất chấp tất cả, sẽ dùng mọi thủ đoạn, dù là đê tiện, hèn hạ nhất để có tiền mua thuốc. Ban đầu, chỉ là bán đồ đạc trong nhà, sau là cướp giật, thậm chí là giết người và từ đó, con đường tội lỗi đầy tăm tối cũng bắt đầu.

Các thói xấu thường có sự hấp dẫn, lôi cuốn đến ghê người, nó mang đến cho ta sự khoái cảm, sung sướng, nó làm con người mụ mị, không còn tỉnh táo và chìm đắm trong ảo giác. Dần dần, các thói xấu trở thành những thói quen không thể nào cưỡng lại và chính nó sẽ là thủ phạm đẩy chúng ta vào vòng đen tối của cuộc đời, biến ta thành nô lệ cho những tập quán xấu, ta sẽ không thể nào dứt bỏ được nếu thiếu nghị lực và lòng kiên trì.

Con người chỉ được tôn trọng khi có đạo đức và hành động theo chân, thiện, mỹ. Nhưng để gây dựng được nó là một điều cực kì khó khăn, đôi khi còn phải trả giá bằng cả mạng sống của chính mình. Chỉ một phút sai lầm, một chút dao động, ta vô tình trở thành nô lệ cho những thói quen xấu, làm ảnh hưởng lớn đến tư cách đạo đức và đánh mất giá trị của bản thân. Thói hư tật xấu dễ dàng bị tiêm nhiễm và cũng dễ dàng lấy đi của ta tất cả, nó có một sức hủy hoại khủng khiếp làm con người ta khiếp sợ nhưng không thể thoát ra được. Ở trung quốc thời xưa, vua Trụ chỉ say mê sắc đẹp, xem thường các chư hầu nên mất nước, đẩy nhân dân vào cảnh khốn khổ lầm than. Lê Long Đỉnh chỉ vì thói trác táng, trụy lạc mà hủy hoại tiền đồ của Thập đạo tướng quân. Đã có bao nhiêu người chỉ vì những ham muốn vô bổ, những thói xấu thường ngày mà gây ra bao cảnh đau thương, nước mất nhà tan, nhân dân khốn cùng, lấy đi máu và nước mắt của bao người vô tội.

Ngày ta làm quen với những thói hư, tật xấu, ai cũng cho đó chỉ là những trò "tập làm người lớn" hoặc thích chơi nổi hơn trước mặt bạn bè, ngoài ra hoàn toàn không biết, thậm chí là không muốn biết đến những tác hại vô cùng to lớn của nó. Gia đình bạn sẽ ra sao? Bạn bè bạn sẽ nghĩ gì? Xã hội sẽ như thế nào? Và quan trọng hơn cả là chính bạn, chính bạn đã mặc cho mình tấm áo luôn luôn nhận được sự coi khinh của mọi người. Đáng thương thay! Và điều đó chính là một hồi chuông cảnh báo chúng ta không nên xem thường, ngược lại phải luôn cảnh giác với những tập quán xấu ấy. Không được dù chỉ là một giây phút nào để cho nó chế ngự bản thân chúng ta. Hiện nay có một số bộ phận thanh niên không chăm lo học hành mà chỉ biết ăn chơi, đua đòi, sa ngã vào những trò cờ bạc đỏ đen, đua xe, đánh nhau gây rối trật tự an ninh xã hội. Những thanh niên ấy dường như đã bị các thói xấu thống trị, đạo đức, nhân cách đã dần suy thoái. Để có thể chống đỡ với những tập quán sống đang tồn tại và trấn động hàng ngày, chúng ta cần phải có ý chí, nghị lực, đấu tranh bản thân, luôn cố gắng rèn luyện và nâng cao nhận thức cá nhân để kiên quyết dứt bỏ, quyết tâm không bao giờ tái phạm.

Cuộc sống ngày càng đi lên, xã hội ngày càng văn minh thì những thói hư, tật xấu, những cạm bẫy xuất hiện ngày càng nhiều và là mối lo ngại rất lớn đối với mỗi chúng ta. Câu nói : "Tập quán xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở thành một người bạn thân ở chung nhà và kết cục thành ông chủ nhà khó tính" là một bài học vô cùng quý giá và thiết thực cho cuộc sống. Đó là những lời khuyên, những lời thức tỉnh, những thói hư tật xấu và đừng bao giờ để nó tồn tại nơi ta.

Nghị luận xã hội về câu nói: Tập quán xấu ban đầu là khách qua đường, sau trở thành ngựời bạn thân ở chung nhà và cuối cùng trở thành ông chủ nhà khó tính – Bài số 2

Thói xấu được gọi là thói quen xấu. Lúc ban đầu thói xấu là do những sai sót nhưng không được sữa chữa kịp thời mà thành. Đến khi nó trở nên tai hại thì không thể từ bỏ nó được nữa. Bởi thế, có ý kiến cho rằng: “Những thói xấu ban đầu chỉ là người khách qua đường, sau trở thành người bạn thân ở chung nhà và cuối cùng biến thành ông chủ nhà khó tính”.

* Giải thích:

Thói xấu (hay còn gọi là thói hư tật xấu) là những thói quen không tốt, thiếu lành mạnh, có tác động tiêu cực đến hành vi, suy nghĩ và nhân cách con người.

Khách qua đường là người xa lạ, chỉ gặp một lần trên đường đi.

Người bạn thân là người bạn gắn bó thân thiết, có mối quan hệ bền chặt, khó tách rời.

Ông chủ nhà là người có quyền làm chủ, chi phối và điều khiển cuộc sống của chúng ta.

* Nhận định: Đó là một ý kiến hoàn toàn đúng đắn. Thói hư tật xấu ai ai cũng có, nhưng có người đã mạnh mẽ từ bỏ nó mà trở thành người tốt đẹp. Cũng có rất nhiều người không dũng cảm đấu tranh chống lai sự cám dỗ của nó, để nó chiếm lĩnh bản thân, điều khiển hành vi và cuộc sống của mình. Từ một thói hư tật xấu có thể đẩy con người vào tệ nạn xã hội, là con đường dẫn đến tội lỗi.

* Chứng minh:

Không phải ai sinh ra đã là người mạnh mẽ. Từ những tính cách đơn giản ban đầu, do rèn luyện mà nhiều người đã hình thành ở mình nghị lực lớn lao, sẵn sàng vượt lên những cái tầm thường trong đời sống con người, trở nên cao thượng đẹp đẽ. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều người thường xuyên ỷ lại, dựa dẫm vào người khác, sống cuộc đời hèn kém. Đó là mảnh đất màu mỡ cho những thói hư tật xấu phát triển.

Lúc ban đầu, đó chỉ là những thói quen nhỏ, không gây ảnh hưởng hay hậu quả gì lớn và rất khó nhìn thấy tác động tiêu cực của nó. Lúc ấy, nó giống như một người khách qua đường, chỉ tình cờ gặp gỡ một lần duy nhất trên đường đi. Nếu ta kịp thời nhận thức và tránh xa nó thì nó sẽ không có cơ hội tiếp cận ta lần nữa.

Game online là một ứng dụng có sức thu hút lớn, nhất là đối với lứa tuổi học sinh. Chơi game nhiều không những hao tổn tiền bạc mà còn làm hao mòn sức khỏe, ảnh hưởng nghiêm trọng đến học tập. Ví như một học sinh do thấy bạn bè chơi game, hoặc bị bạn bè rủ rê chơi game. Nếu biết sớm nhận ra những tác hai của nó và từ bỏ ngay từ lúc đầu, khi sức cuốn hút của game chưa tạo nên hứng thú thì học sinh ấy sẽ rất dễ dàng quên nó đi, lấy lại tinh thần say mê học tập.

Thói xấu vốn rất phổ biến trong cuộc sống, cứ lặp đi, lặp lại và luôn phô bày trước mắt ta. Nếu ta không đủ dũng cảm, niềm tin và trí tuệ để chống lại nó, hoặc tiêu diệt nó mà xem thường nó hoặc dễ dàng chấp nhận nó trong cuộc sống thì nó sẽ từ từ len lỏi, xâm nhập vào bản thân, khiến cho ta không còn nhìn thấy nó xấu nữa. Lúc này, nó trở thành người bạn ở chung nhà, thân thiện, gần gũi và có quan hệ gắn kết với ta.

Chúng ta dễ dàng nhìn thấy hút thuốc lá là một thói xấu, một hành vi không tốt đẹp. Nhưng xung quanh ta có quá nhiều người đang hút thuốc là, thậm chí có cả người thân của mình. Không ai nói về cái tác động xấu của nó mà chấp nhận nó như một hành vi bình thường, không có gì là xấu. Họ ngang nhiên hút thuốc mọi lúc, mọi nơi, thậm chí là cả ở nơi công cộng. Dù hút thuốc lá đã bị cấm ở một vài nơi nhưng không ai nhắc nhỏ những người vi phạm, thế nên nó mặc nhiêm trở thành điề đúng. Người hút thuốc lá thì do cơn nghiện khó bỏ, người hít khói thụ động cũng dễ chấp nhận nó, xem điều đó là bình thường. Thực tế cho thấy, chúng ta vẫn chưa thể đẩy lùi nạn hút thuốc lá trong xã hội ngày nay.

Cuối cùng, thói quen xấu một khi đã xâm nhập xâu vào cơ thể trở thành một thói quen khó bỏ, trở thành hành vi ứng xử thì lúc này nó đã trở thành ông chủ, hoàn toàn làm chủ, điều khiển và quyết định nhận thức, lối sống của chúng ta. Nó sẽ ra lệnh và bắt buộc chúng ta phải tuân thủ. Con người mất kiểm soát bản thân và hoàn toàn phụ thuộc vào nó, mặc cho nó tung hoành. Càng chống lại nó con người càng đau khổ hơn.

Chẳng hạn, một người đã bước chân vào con đường ma túy, nghiện ngập. Lúc ban đầu chỉ là sự tò mò, thử cho biết mà không lường hết được tai hại của nó. Lúc bị nghiện cũng không đủ dũng cảm để từ bỏ nó. Cuối cùng bị nghiện nặng và hoàn toàn bị cơn nghiện chi phối. Một ngày không có thuốc, nạn nhân sẽ rất khó chụi, đầu óc bần thần, cơ thể mệt mỏi, đau đớn. Cảm giác thèm thuốc gần như chiếm lĩnh toàn bộ tinh thần của họ, và để có thuốc họ sẽ bất chấp tất cả, kể cả việc nguy hiểm. Bởi thế, những người nghiên ma túy thường trở thành đối tượng lợi dụng của những kẻ xấu.

* Bàn luận:

Ý kiến trên hoàn toàn đúng đắn, là bài học quý báu cho những ai có tính hiếu kì hoặc yếu đuối trong đời sống muốn vươn lên sống tốt đẹp, mạnh mẽ. Bởi con người sinh ra vốn có quyền làm chủ bản thân, làm chủ cuộc sống của minh. Đừng vì một thói quen xấu mà đánh mất đi chính mình, trở thành kẻ tệ hại trong xã hội. Muốn sống thành công và hạnh phúc, mỗi chúng ta phải mạnh mẽ, dũng cảm và sáng suốt nhận diện và kiên quyết đấu tranh chống lại cái xấu, cái tiêu cực, xây dựng một lối sống lành mạnh và tiến bộ.

Nhà văn Lỗ Tấn đã từng nói: “Trên bước đường thành công không có dấu chân của những kẻ lười biếng”. Siêng năng chính là nhân tố giúp ta mạnh mẽ hơn trong cuộc sống. Hãy luôn biết sống vì bản thân và vì người khác, tìm thấy động lực sống mạnh mẽ trong cuộc sống này. Đừng bao giờ biến mình thành nô lệ cho những thói hư tật xấu, bị kẻ khác lợi dụng, đẩy ta vào con đường tội lỗi. Cuộc sống chỉ sống có một lần, thì hãy sống làm sao cho xứng đáng.

Nghị luận xã hội về câu nói: Tập quán xấu ban đầu là khách qua đường, sau trở thành ngựời bạn thân ở chung nhà và cuối cùng trở thành ông chủ nhà khó tính – Bài số 3

Xã hội ngày nay tồn tại hàng loạt tệ nạn như: nghiện hút, thuốc lá, cờ bạc,.. Tất cả những vấn nạn nguy hiểm đang là mối quan tâm hàng đầu đó đều xuất phát từ những hành vi đơn giản không được nhận thức và tiết chế trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó, có người nói: “Tập quán xấu ban đầu là người khách qua đường, sau đó trở nên người bạn thân ở chung nhà và cuối cùng biến thành ông chủ nhà khó tính”. Câu nói như một lời nhắc hở, cảnh báo về những thói quen xấu ẩn chứa hậu quả khôn lường.

Trước khi tìm hiểu ý nghĩa câu nói trên, mỗi người cần phải nhận thức được tập quán xấu là gì. Tập quán xấu chính là những thói quen, nếp sống không lành mạnh, tích cực, có thể ảnh hưởng không tốt cho bản thân và thậm chí là gây hại cho toàn xã hội. Với hình ảnh ẩn dụ “người khách qua đường”, ta chỉ thấy sự xa lạ, những dấu ấn mờ nhạt của người vô tình lướt qua ta trong cuộc đời. Dần dà, từ không quen trở nên gắn bó, thân thiết, ảnh hưởng sâu đậm do những “người khách qua đường” xuất hiện với tần suất ngày một dày đặc, trở nên “người bạn thân ở chung nhà”. “Người bạn” sẽ tiếp tục tồn tại song hành với ta cho đến một thời điểm nhất định sẽ soán lấy ngôi chủ nhà, điều khiển, bắt buộc ta với sức mạnh khó cưỡng của “ông chủ nhà khó tính”. Qua những hình ảnh ẩn dụ trên, ta có thể rút ra quá trình hình thành, xâm nhập của tập quán xấu: Ban đầu những thói quen tiêu cực ấy chỉ vô tình đến với chúng ta qua các hành vi ta thường không để tâm tới trong cuộc sống hàng ngày. Qua thời gian, nhiều hành vi tương đương như vậy hình thành nên thói quen chúng ta hay sử dụng trong đời sống. Nhưng sự ăn mòn của tập quán xấu không chỉ dừng lại ở đó, chúng dần dần thay thế bản chất vốn có của ta, trở thành tính cách xấu, điều khiển suy nghĩ, hành động của ta. Kết lại, tập quán xấu từng bước len lỏi vào cuộc sống con người, chúng khiến bản thân mỗi người đánh mất chính mình.

Để đấu tranh với tập quán xấu, chúng ta cần hiểu được bản chất quá trình chúng cắm rễ vào lối sống của ta. Bất cứ điều gì, kể cả thói quen xấu hay tốt đều không tự nhiên xuất hiện. Bước đầu chúng đến trong cái lốt “hành vi”. Đây là giai đoạn ta mất cảnh giác nhất, thường đơn giản nghĩ lần một lần hai buông thả bản thân đâu có gì nghiêm trọng. Cứ tiếp tục giữ suy nghĩ ấy, số lần xuất hiện của tập quán xấu sẽ không còn là số ít, chúng từng bước tiến vào giai đoạn hai. Giai đoạn “hành vi” trở thành “thói quen” là lúc những tập quán xấu cắm rễ sâu hơn vào tâm hồn, phẩm chất của ta. Khi ấy, trong mỗi cá nhân thường tồn tại song hành hai quan điểm chi phối: hoặc là làm theo bản năng hoặc là nghe theo lí trí. Cuộc đấu tranh nội tâm nổ ra. Sẽ dễ dàng để quay đầu về bờ, tìm lại chính mình với những người nhận thức được giới hạn của tập quán xấu. Cũng sẽ thật dễ dàng nhường phần ưu cho hành động sai trái với những người không đủ can đảm, kiên quyết đấu tranh, họ chạm tới ngưỡng cửa nguy hiểm nhất – giai đoạn ba. Giai đoạn này, hiếm cá nhân nào có thể loại bỏ hoàn toàn tập quán xấu. Vì nếp sống lệch lạc đã ăn mòn cuộc sống lành mạnh trước kia, nó trở thành tính cách mới, lối sinh hoạt mới mà chính ta đã quá quen, quá gắn bó, không tài nào dứt ra được.

Vậy tại sao tập quán xấu lại có thể tác động, làm thay đổi bản thân ta như vậy? Có rất nhiều đáp án được đưa ra cho câu hỏi này, trong đó, phải kể đến khả năng nhận thức của mỗi người. Trước hành vi sai trái, những người chưa phân biệt được tốt xấu, đúng sai thường dễ ngã vào sai lầm. Còn những người hiểu được mặt nên, không nên của vấn đề chắc gì đã ý thức được tác hại vấn đề đó mang lại. Cho rằng là tuy sai nhưng không đem lại ảnh hưởng xấu nên đôi người tỏ ra dễ dãi với tập quán xấu, để chúng xâm nhập. Không chỉ bởi lí do này, sự hình thành và phát triển của thói quen xấu còn dẫn đến từ thái độ thờ ơ, hời hợt, lối sống chưa nghiêm túc của bản thân mỗi người. Do không biết tự quan tâm, quý trọng lấy chính mình, không biết đề cao và hướng tới những điều tích cực nên nhiều người thoải mái gật đầu với “người khách qua đường”. Bên cạnh đó, sự thiếu chính khiến, mềm yếu trước sự dụ dỗ từ điều sai trái cũng khiến ta mắc sai lầm. Trước một vấn đề, một hành vi, nếu ta không đưa ra quan điểm riêng của bản thân hay đấu tranh loại bỏ, tiết chế và khống chế nó, ta sẽ mở đường cho thói xấu vào tàn phá tâm hồn, nhân cách của ta. Chưa hết, ngoài lí do chủ quan, lí do khách quan là tác động ngoại cảnh cũng dẫn đến sự hình thành của tập quán xấu. Trong một cộng đồng cùng đánh mất mình trước sự mời mọc ngon ngọt của cái xấu, ta dễ bị “hòa nhập” vào lối sống, nếp sinh hoạt không lành mạnh của cả tập thể. Chưa kể đến những trường hợp, cá nhân bị lôi kéo thậm chí là đe dọa, ép buộc phải chấp nhận cúi đầu trước sự xâm nhập của tập quán xấu.

Tập quán xấu thực chất luôn ẩn náu xung quanh cuộc sống thường nhật của ta, trong cái lốt ngụy trang gần như hoàn hảo. Chúng ta biết ngày nay, sự vô tâm đang là một trong những vấn nạn đang được quan tâm nhất trong xã hội. Trước khi trở thành vấn nạn, nó cũng từng đơn giản chỉ là “hành vi vô tình”. Một lần, hai lần ta không học được cách giúp đỡ, sẻ chia, thông cảm cho khó khăn của những người xung quanh. Dần dà, sự vô tình trở thành vô tâm. Ta thờ ơ, bỏ mặc với những gì diễn ra ngoài kia, chỉ chăm chăm lo cho lợi ích bản thân mà quên đi cái gọi là tình người. Câu chuyện “hôi bia” ở Đồng Nai đã trở thành đề tài được bàn tán xôn xao một thời gian dài, thậm chí bị đưa lên cả báo nước ngoài. Bên cạnh đó, trên những phương tiện thông tin đại chúng không ngừng đề cập đến nạn đua xe trái phép. Mới đầu, những thanh niên tham gia đua xe người thì bị lôi kéo, người thì muốn thể hiện bản thân, thử nghiệm những trò mạo hiểm mới lạ. Theo thời gian cùng nhận thức kém và ý thức chưa được hình thành, quan điểm không được bảo vệ, những người trẻ này gật đầu gia nhập đoàn đua xe thêm nhiều lần. Họ dần coi tệ nạn này là sở thích, trò tiêu khiển, công cụ để “chứng minh” bản thân mà không nghĩ đến những hệ lụy với bản thân, gia đình và cộng đồng. Tóm lại, chỉ qua vài ví dụ trong đời sống hàng ngày, ta hiểu thêm về tập quán xấu, về quá trình thâm nhập của đó.

Từ đó, điều chúng ta cần làm là đưa ra giải pháp đấu tranh, phòng chống tập quán xấu với bản thân, xã hội. Vì xã hội, cộng đồng được hình thành từ những phần tử nhỏ chính là cá nhân mỗi người đây nên ta cần chấn chỉnh bản thân trước tiên. Trước hết, hãy tạo lập cho bản thân nhận thức rõ ràng với các thói hư, tật xấu xung quanh. Ta phải học cách tự quý trọng, gìn giữ lấy phẩm chất, lối sống đẹp vốn có để không bị tác động bởi những hành vi tiêu cực bên ngoài. Chưa chắc dập tắt những thói quen xấu ngay lập tức đã là điều nên làm, để chúng biến mất đột ngột khiến ta nhớ nhung, cảm thấy hụt hẫng rồi quay lại, tìm về với thói xấu. Thay vì làm vậy, ta hãy dần dần loại bỏ chúng khỏi sinh hoạt hàng ngày, tiết chế chúng đến khi nhận ra rằng cuộc sống của ta hoàn toàn ổn khi không bị phụ thuộc vào tính cách mới không tích cực ấy. Sau khi hoàn thiện bản thân, chuẩn bị cho mình kiến thức đầy đủ về điều phải trái, về những vấn đề xã hội, ta mới có thể góp phần giúp cộng đồng thoát ly khỏi những tập quán nguy hiểm này. Bên cạnh việc noi theo những tấm gương có lối sống tích cực, quan điểm kiên định trước lời mời gọi rủ rê từ kẻ xấu, điều xấu; ta nên giải thích, phổ biến cho những người xung quanh hiểu thêm về tập quán xấu. Từ đó, mỗi người trong tập thể lớn cùng giúp nhau vượt lên vũng bùn mang tên “tập quán xấu”, xây dựng nếp sống tốt đẹp, ý nghĩa, có ích cho bản thân và tập thể.

Kết lại, từ câu nói “Tập quán xấu ban đầu là người khách qua đường, sau đó trở nên người bạn thân ở chung nhà và cuối cùng biến thành ông chủ nhà khó tính”, ta hiểu được bản chất, quá trình bén rễ của tập quán xấu, nhận biết được nơi chúng trú ngụ và tác hại chúng gây ra. Qua đó, mỗi cá nhân rút ra bài học bản thân, tạo dựng cho bản thân quan điểm kiên cố, lối sống lành mạnh, hình thành xã hội tươi đẹp.

Nghị luận xã hội về câu nói: Tập quán xấu ban đầu là khách qua đường, sau trở thành ngựời bạn thân ở chung nhà và cuối cùng trở thành ông chủ nhà khó tính – Bài số 4

Giữa dòng chảy của cuộc đời, xã hội, có rất nhiều điều tiêu cực mà con người khó tránh khỏi. Nói về sự lây lan và ảnh hưởng nhanh chóng của thói xấu đến con người, có ý kiến cho rằng:

"Những thói xấu ban đầu là người khách lạ qua đường, sau đó là người bạn thân ở chung nhà và kết cục trở thành ông chủ khó tính".

Quả thật trong bất cứ chế độ nào, bất kì thời kì nào đều tồn tại những điều xấu. Đó là những lề thói, những đức tính không tốt, có hại cho bản thân, cho mọi người xung quanh và cao hơn nữa là cho cả cộng đồng. Nếu những điều xấu ấy được tồn tại, phát triển lâu dần sẽ thành thói xấu, khó mà thay đổi được.

"Những thói xấu ban đầu là người khách lạ qua đường". Con người ta sinh ra vốn trong sáng, thánh thiện, không mắc phải tội tình gì cả. Những tiêu cực ấy đến với ta một cách vô tình và bất ngờ, không gì báo hiệu sự xuất hiện của kẻ xa lạ ấy. Cũng không ai nghi ngờ về nó. Một học trò ngoan ngoãn, lễ phép được sống trong môi trường gia đình lành mạnh, hạnh phúc sẽ thấy lạ lẫm với những thói xấu của xã hội, học đường: ma tuý, trộm cắp, nghiện ngập. Ban đầu đó chỉ là sự tiếp xúc cho biết, sau đó ngày càng lún sâu, ảnh hưởng. Đúng là nếu như một con người bản chất nhân hậu, lương thiện khó mà nghĩ được những chuyện đó và càng không nghĩ tới biện pháp đề phòng, loại bỏ "người khách lạ" nguy hiểm đó. Dù thế điều tất yếu sẽ đến: "Sau trở thành người bạn thân ở chung nhà". Từ người khách bâng quơ, không quen biết nó đã trở thành "người bạn thân". Nghĩa là từng giờ, từng phút, từng khoảnh khắc con người sẽ chịu sự tác động lớn của thói xấu. Nó đánh vào điểm yếu của người đó, hiểu thấu và len lỏi vào trong suy nghĩ, hành động của họ. Nó trở thành kẻ song hành đáng ghét mà chủ nhân không nhận ra. Bạn thân là một phần con người ta, chia sẻ, thấu hiểu mình. Ngược lại, bản ta mình cũng yêu mến, sẵn sàng hi sinh vì bạn. Cũng vậy, một khi thói xấu là bạn thân thì ta sẽ làm nhiều việc để thỏa mãn thói xấu đó. Dần dần con người sẽ bị tha hóa, xấu xa.

Nhưng đó chưa phải là điều nguy hiểm nhất. Từ lúc cái xấu bắt rễ đến lúc nó ngự trong tâm hồn ta là một quá trình dễ dàng, nhanh chóng. Qua những bước ban đầu, nó trở thành kẻ chi phối hoàn toàn, tác ai tác quái ghê gớm. Lúc ấy con người chỉ như một kẻ nô lệ, phụ thuộc chuyên hành động những việc bị xã hội và mọi người lên án. Con người ta sẽ chỉ là kẻ phục tùng, không có khả năng chống cự hoặc chống lại rất yếu ớt vì nó đã "kết cục là thành ông chủ khó tính".

Người khách qua đường, tới người bạn thân và cuối cùng là ông chủ khó tính. Đó là quá trình bao chiếm và xâm nhập của cái xấu. Tưởng không thể mà có thể, tưởng khó mà dễ. Một khi con người không giữ được thiên lương, nhân phẩm trước sự cám dỗ của vật chất, hưởng thụ… thì rất dễ mất đi nhân phẩm. Thói xấu như kẻ xảo quyệt, ranh ma đội lốt người khách để thực hiện ý đồ của mình. Đó là sứ giả của ác quỉ, của bóng tối, của những tiêu cực đi ngược lại với con người, xã hội. Trong cuộc sống có rất nhiều trường hợp như vậy. Một sinh viên đại học có tương lai sáng sủa, có tất cả các điều kiện để trở thành công dân tốt. Nhưng vì bị cám dỗ, mê hoặc mà dính vào ma tuý, nghiện ngập. Ban đầu thấy xa lạ, bình thường nhưng càng ngày càng gắn bó, thân thiết với nó. Bị chi phối, trở thành kẻ trộm cắp, luôn có suy nghĩ xấu trong đầu. Tồn tại song hành với con người đó là những mưu toan, tâm tính để thỏa mãn nhu cầu của mình. Cuối cùng, người ấy trở nên là kẻ nhẫn tâm, mang tâm tính của kẻ thú tính. Ấy là khi thói xấu trở thành "ông chủ khó tính" – kẻ sai khiến tàn nhẫn.

Trong kho tàng tục ngữ Việt Nam cũng từng có những câu thể hiện sự tác động của hoàn cảnh tới nhân phẩm: "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" hay "ở bầu thì tròn ở ống thì dài".

Và thêm một lần câu nói trên khẳng định đúng đắn về sức mạnh ghê gớm của cái ác, cái đê tiện, một thứ virut có sức lây lan khủng khiếp. Nhưng qua đó, tác giả cũng mang đến cho ta những bài học phải có sự lựa chọn, lập trường chín chắn trước hoàn cảnh. Không ai trong đời là không gặp cái xấu, vấn đề là bản thân con người phải tìm cho mình một con đường sống, đề phòng và loại bỏ suy nghĩ xấu. Làm được vậy con người sẽ thấy thanh thản.

Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là bất cứ ai cũng bị tác oai, tác quái bởi cái xấu. Ông cha ta từng nói: "Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn". Giữa những bỉ ổi, đê tiện của quân địch, những chiến sĩ của ta vẫn kiên trung sống trong lòng địch và khẳng định sáng ngời phẩm chất trung thành, tốt đẹp, hướng đến nhân dân, Tổ quốc.

Tố Hữu từng ngợi ca những chiến sĩ giải phóng sáng ngời tâm hồn:

Chúng muốn ta hóa thành tro bụi
Ta hóa vàng nhân phẩm lương tâm

Một con người biết chiến thắng hoàn cảnh là con người có lập trường. Con người đó sẽ không để thói xấu thành người bạn thân và ông chủ nhà.

Vũ hường tổng hợp

Từ khóa tìm kiếm

  • Nghị luận quá trình xâm nhập thói xấu

Mariazic1

0 chủ đề

23882 bài viết

Có thể bạn quan tâm
0