13/01/2018, 16:35

Nghị luận xã hội về câu nói: Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực, mà là nơi không có tình thương – Văn hay lớp 12

Nghị luận xã hội về câu nói: Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực, mà là nơi không có tình thương – Văn hay lớp 12 Nghị luận xã hội về câu nói: Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực, mà là nơi không có tình thương – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Quảng Nam Khi nói đến ...

Nghị luận xã hội về câu nói: Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực, mà là nơi không có tình thương – Văn hay lớp 12

Nghị luận xã hội về câu nói: Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực, mà là nơi không có tình thương – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Quảng Nam

Khi nói đến lạnh lẽo, băng giá ta thường nghĩ ngay đến vùng Bắc Cực của trái đất. Nhưng có một điều không phải ai cũng biết rằng: "Nơi lạnh lẽo nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi không có tình thương" hay nói cách khác: nơi lạnh lẽo nhất là nơi đang có mặt của căn bệnh vô cảm.

Bắc Cực là nơi băng tuyết phủ quanh năm, nhiệt độ trung bình trong năm xuống đến âm độ, con người rất khó khăn để tồn tại và phát triển ờ nơi ấy. Tuy nhiên, cái khắc nghiệt của Bắc Cực chỉ là khắc nghiệt của thiên nhiên, nên không vì vậy mà ngăn cản được trí tò mò cũng như công việc của con người. Hằng năm vẫn có những nhà thám hiểm hay những nhà khoa học đã và đang sống, làm việc ở đây nhằm mang lại những bức ảnh sinh động về cuộc sống trên tuyết. Qua những thước phim mà họ quay được, như là chương trình thế giới thực vật, những bản tin thời tiết hằng ngay vẫn được cập nhật liên tục về trung tâm, giúp ta thấy được những biến đổi của khí hậu ảnh hường đến cuộc sống hai người. Chính vì thế Bắc Cực không thể là nơi lạnh nhất vì nơi đó con người vẫn sống và làm việc dù rất thưa thớt và khó khăn. Vậy tại sao nơi không có tình thương, nơi căn bệnh vô cảm đang có mặt lại là nơi lạnh nhất?

Tình thương là tình cảm giữa người với người, xuất phát từ tấm lòng chân thành của mỗi cá nhân, là nơi bắt đầu những tình cảm thiêng liêng nhất. Nơi có tình thương là nơi con người sống trong sự yêu thương. Họ cùng nhau chia sẻ nỗi buồn, khó khăn cho nhau và cùng chung vui những phút giây hạnh phúc. Nơi đó con người sống trong hòa bình và biết hi sinh cho nhau vì bản con người chứ không phải vì vụ lợi cá nhân. Tình thương còn là một nhu cầu của con người, nhu cều được yêu thương, được chia sẻ, đồng cảm. "Tình thương là sức mạnh vô biên, là điều chia sẻ quý nhất trong cuộc sống con người" (First new). Tình thương luôn tồn tại ở mọi nơi. Đó là tình thương giữa những đồng trang lứa, khi ấy ta gọi là tình bạn. Một tình bạn đẹp và bền vững mơ ước của biết bao nhiêu người như tình bạn giữa C.Mác và ăng – Ghen nổi tiếng lịch sử. Đó là tình thương của ông bà, cha mẹ dành cho con, cháu, mái nhà đầm ấm vững chắc sẽ khiến ta bình yên hơn, tình cảm gia đình, thương giữa những con người may mắn với những con người kém may nắm sẽ khiến họ cảm thấy bớt bất hạnh hơn và phần nào giúp họ có được cuộc tốt đẹp hơn. Nơi có tình thương là nơi ấm áp tình người, cứu vớt bao con người khổ đau, bất hạnh. Tình thương làm thức tỉnh Chí Phèo sau những cơn say vô tận, nó nâng đỡ sự sống cho Giôn – Xi bởi sự hi sinh của cụ Bơ – men Chiếc lá cuôi cùng của O.Hen – ri.

Qua việc nhận thức về sự ấm áp của nơi có tình thương, ta hiểu rằng nếu không có tình thương chỉ có sự vô cảm thì cuộc sống thật lạnh lẽo biết bao. Trên thế giới vẫn chưa có nơi nào là thiếu vắng sự yêu thương hoàn toàn, giả sử có một thế giới nhỏ nào đó mà con người chỉ sống bằng lí trí, bằng lợi ích vật chất, hoàn toàn quên đi tình cảm thì đó có lẽ là nơi "lạnh lẽo” "khắc nghiệt" nhất. Lạnh lẽo vì không có hơi ấm của tình người, khắc nghiệt bởi cuộc sống bon chen, ích kỉ. Thiếu vắng tình thương, con người trở những vật vô tri bởi động vật còn biết yêu thương nhau, thiếu vắng tình thương, con người sẽ khó đứng dậy sau những cú ngã đau đớn trong cuộc đời, cô đơn, trống trải, bị giam hãm trong chính mình, một nhà tù khổ sở hơn mọi "tù ngục". Sống không có tình thương thì một bà cụ lúng túng qua đường không ai giúp đỡ, một em bé mồ côi, bơ vơ sẽ không ai cưu mang sau một trận lũ lụt… không có tình thương thì không có sự sông, không có nhân loại, những cá nhân sống ở nơi không có tình thương thì mang nhiều bệnh tật như trầm cảm, tự kỉ… dần dần sẽ trở thành những cái xác không hồn.

Có một thực tế mà chúng ta khó nhận thấy trong cuộc sống hiện nay. Đó là vật chất đủ đầy hơn thì con người ta ít rung động, ít cảm xúc hơn. Thay vào đó là sự vô cảm nhiều khi đến đáng sợ. Ở những con người đó, sự yêu thương, đồng cảm và chia sẻ thật hiếm hoi. Đi đường gặp người bị nạn, họ có xúm lại xem nhưng chưa chắc đã ra tay giúp đỡ. Tôi đã chứng kiến cảnh chiếc xe con rất lịch sự được một người chặn lại nhờ đưa người bị nạn đi cấp cứu đã từ chối thẳng thừng. Cuối cùng, một bác đạp xe ba gác cùng một người ở đó đã cùng nhau đẩy chiếc xe thật nhanh chở người bị nạn đến bệnh viện. Cách đây không lâu, dư luận đã từng xôn xao vụ một lái xe cố tình không dừng lại khi gây tai nạn và biết dưới gầm xe đang lê một người. Gần đây, dư luận lại xôn xao vụ án giết người tình, cắt đầu mang để phi tang… Nhỏ nhặt hơn là thấy trẻ con cãi nhau, đánh nhau người ta làm ngơ. Thấy một cụ già hay em bé không có chỗ ngồi trên xe buýt người ta coi như việc ấy không liên quan đến mình. Sẽ ra sao nêu bệnh vô cảm, thiếu tình thương cứ lan tràn: Thầy thuốc vô cảm, không có tình thương hậu quả là gì bạn có thể tự nhận thấy Giáo viên vô cảm, không biết yêu thương sẽ dạy trò mình được những gì chắc bạn biết…

Nếu như ờ Bắc Cực, vẫn còn có dấu chân của con người thì đến đây, nơi không có tình thương là một hoang đảo không có sự sống, là một thế giới mà mọi loài đều tiệt chủng, nơi con người không tồn tại và phát triển. Qua đó ta thấy nơi không có tình thương đúng là nơi khắc nghiệt, lạnh lẽo nhất trong cuộc sống.

Được yêu thương và yêu thương là điều mà con người may mắn có được trong cuộc đời này. Vì vậy, thật bất hạnh cho những ai không có được tình yêu của mọi người, Hồ Dzếnh đã nói: "…Có cái gì ở nơi này mà không đau đớn? Yêu nhau và thương nhau là điều cân hơn hết. Đó là bồi thêm ý nqhĩa cho sự sống, để bớt thấy mình lạnh lùng. Đó còn là cả một triết lí mênh mông của đời, cái đời nhỏ nhen tầm thường và ích kỉ". "Yeu nhau và thương nhau" hay được yêu và cho đi tình yêu để bớt cô đơn hơn trong cuộc đời này. Những ai đánh mất tình yêu, có xu hướng tìm đến cuộc sống không có tình thương sẽ cảm thấy cuộc đời chỉ toàn: là xấu xa, nhỏ nhen, tầm thường, ích kỉ và rất bi quan trong mọi vấn đề. Tóm lại, con người không thể sống mà không có tình thương, cũng như Bắc Cực không thế nào lạnh bằng nơi chỉ có mình ta.

Câu nói: “Nơi lạnh lẽo nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi không có tình thương" là một triết lí sống cũng là một vấn đế mà mọi người của thời đại mới này cần phải quan tâm, khi họ dần mất đi nhũng cử chỉ tốt đẹp để chạy theo vật chất mà quên mất những giá trị tinh thần đáng quý đó. Hãy biết quan tâm và chia sẻ với người khác, ta sẽ thấy bình thản và hạnh phúc hơn.

Nghị luận xã hội về câu nói: Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực, mà là nơi không có tình thương – Bài làm số 2

Tại sao “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực, mà là nơi không có tình thương?” Phải là một con người từng trải mới nói được những lời mang ý nghĩa sâu sắc như thế.

Qua sách báo, qua những bài học địa lí, ta mới biết được Bắc Cực lạnh lắm. Băng tuyết bao phủ quanh năm. Những ngọn núi băng cao chọc trời bao phủ
cả một vùng mênh mông, kéo dài hàng nghìn hải lí. Lạnh dưới độ âm năm, sáu mươi độ. Phải là những nhà thám hiểm, nhà khoa học… mới đến được Bắc Cực. Chỉ có loài gấu trắng, hải cẩu, chim cánh cụt… mới sống ở Bắc Cực.

Nghe nói đến hai tiếng Bắc Cực mà ghê người. Nhưng nhà văn Nga lại nói: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực, mà là nơi không có tình thương”.

Nơi không có tình thương hoặc thiếu tình thương là một xã hội mà chế độ bóc lột, áp bức ngự trị. Nơi đó, con người sống đau khổ trong thù hận, máu và nước mắt. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã viết:

Bát cơm chan đầy nước mắt

Bay còn giằng khỏi miệng ta

Thằng giặc Tây thằng chúa đất

Đứa đè cổ, đứa lột da

                                      (Ðất nước)

Nơi không có tinh thương thì quyền sống của con người bị chà đạp, bị tước đoạt. Nơi ấy, có kẻ ngồi mát ăn bát vàng, kẻ ăn không hết, người lần không ra, có kẻ không có cháo cầm hơi, không có manh áo che thân giữa những ngày đông tháng giá.

Nơi không có tình thương, lòng người, trái tim người khô héo, băng giá. Sự cưu mang, giúp đỡ lẫn nhau không có. Sống chết mặc bay. Dửng dưng trước sự đau khổ của đồng loại. Con người khác nào cầm thú! Đọc Đám tang lão Gô-ri-ô của văn hào Ban-dắc mà ta thấy hãi hùng. Cha già yếu, ốm đau, hai cô con gái chẳng đoái hoài. Cha chết trong cô đơn, tủi nhục, nghèo khổ… nhưng hai người con gái giàu sang không thèm đến, không một giọt nước mắt. Tiền bạc trong xã hội tư sản đã làm băng giá tim người. Tình cha con mẹ con, tình anh em, tình bè bạn, tình đồng loại không còn nữa. Người ta tôn thờ thần tiền. Đúng là nơi không có tình thương còn lạnh hơn Bắc Cực.

Xã hội thực dân nửa phong kiến là nơi không có tình thương. Vì thế mới có hiện tượng như nhà chí sĩ Phan Châu Trinh đã khinh bỉ đả kích: “Dân khôn mà chi! Dân ngu mà chi! Dân hại mà chi! Dân càng nô lệ, ngôi vua càng lâu dài, bọn quan lại càng phú quý! Chẳng những thế mà thôi “một người làm quan, một nhà có phước”, dầu tham, dầu nhũng, dầu vơ vét, dầu rút tỉa của dân thể nào cũng không ai phẩm bình; dầu lấy lúa của dân mua vườn sắm ruộng, xây nhà làm cửa cũng không ai chê bai”. (Về luân lí xã hội ở nước ta)

Nơi không có tình thương thì không có đạo lí, con người trở nên tham lam, ích kỉ, độc ác, ti tiện. Sự chênh lệch quá lớn về giàu, nghèo trong xã hội là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự băng giá tình người. Nơi không có tình thương, chế độ không có tình thương không thể tồn tại được. Khi dân chủ và công bằng xã hội đã bị tước đoạt, chà đạp thì nơi đó làm gì có tình thương. Nơi đó là địa ngục, còn lạnh hơn cả Bắc Cực.

Nói đến tình thương là nói đến đạo Lí, là nói đến lòng nhân ái. Nhân dân ta luôn luôn nhắc nhở nhau: “Thương người như thể thương thân”. Gia đình là cái nôi của tình thương: tình cha con, mẹ con, tình anh em, tình ông bà con cháu. Dân tộc là nơi phát triển tình thương: tình đồng bào, tình yêu quê hương, đất nước. Dưới mái trường, tuổi trẻ được giáo dục và phát triển tình thương: tình thầy trò, tình bằng hữu, tình yêu Tổ quốc.

Phải sống nơi thiếu tình thương là điềm bất hạnh. Được sống trong tình thương là hạnh phúc.

Các phong trào như giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, ủng hộ đồng bào nghèo, đồng bào vùng bão lũ… là những hành động thiết thực để xây dựng tình thương cho con người và cho xã hội.

Câu nói của nhà văn Nga về sự thiếu tình thương có giá trị giáo dục lòng nhân ái cho bất cứ ai.

Nghị luận xã hội về câu nói: Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực, mà là nơi không có tình thương – Bài làm số 3

Một trong những thử thách khó khăn nhất của loài người kể từ khi xuất hiện chính là thiên nhiên. Và kể từ lúc ấy, con người luôn khao khát làm chủ được vạn vật. Tới ngày nay, từ đỉnh núi Everest cao nhất thế giới đến khe nứt Maria sâu thẳm dưới lòng Thái Bình Dương, từ sa mạc Shahara với biên độ nhiệt lên tới hơn 60oC trong ngày đến Bắc Cực không bao giờ biết tới mùa hè…, tất cả đều đã có dấu chân con người. Làm chủ thiên nhiên thật khó, nhưng không phải là không thể. Tuy nhiên, có những khó khăn gây ra bởi chính con người thì thật sự không dễ dàng. Ý thức được điều đó, M.Go-rơ-ki đã nói "Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương".

Bắc Cực không phải là một lục địa, vị trí bao trọn từ 60o đến 90o vĩ Bắc mang lại cho nó cái giá lạnh ngăn cản và thách thức bất cứ ai muốn đặt chân đến nơi đây. Nhiệt độ trung bình năm luôn dưới 0oC, băng tuyết dày vĩnh cửu đông cứng và những trận bão tuyết trên 200km/h luôn sẵn sàng ập tới nơi đây bất cứ lúc nào. Nhưng đó vẫn chưa phải điều tồi tệ nhất. Nhắc tới Bắc Cực, người ta run lên bởi cái lạnh của nó, một cái lạnh được gợi tới như những nhát dao vô hình. Mạnh mẽ và ầm ĩ, cái lạnh cắt da cắt thịt cứ xâm chiếm làm nhiều người phải gục ngã, khiếp sợ…

Nhưng đó đã là nơi lạnh lẽo nhất chưa? Chưa! Thật may mắn vì kỉ băng hà đã qua và trước khi nó quay lại trong vài tỉ năm nữa, chúng ta không tội gì phải đến Bắc Cực nếm thử cái lạnh cùng cực kia. Hãy cứ ở trong nhà cùng lò sưởi và một ly cà phê ấm nóng nếu mùa đông có gõ cửa. Tuy nhiên điều đó cũng không giúp bạn tránh khỏi một cái lạnh còn hơn cả Bắc Cực, nhất là khi cái lạnh đó xuất phát từ con tim.

Như tác giả V.Huy-gô trong tác phẩm kinh điển "Những người khốn khổ" đã từng viết "Trên đời này chỉ có một việc duy nhất, đó là yêu thương nhau, thế thôi". Đó là việc duy nhất! Thế nhưng có rất nhiều người bất hạnh lại phải sống mà thiếu vắng tình thương yêu ấy. Nếu như những cơn gió cắt vào da thịt người ta ở Bắc Cực, thì ở nơi thiếu vắng tình thương, nỗi cô đơn tha hồ vùng vẫy, gặm nhấm trái tim người ta. Và nỗi đau đó, thực sự là vượt quá sức chịu đựng của bất kì ai. Và nếu ta không kịp thời quan tâm tới họ, thật khó để cứu họ thoát khỏi nơi lạnh lẽo đó. Nỗi buồn cô đơn lạnh lẽo vì thiếu tình thương sẽ còn dai dẳng đeo bám họ. Quả thực không có cái lạnh nào có thể so sánh với cái lạnh ở nơi không có tình yêu thương.

Cô bé bán diêm với hình ảnh đáng thương, đi chân đất, mặc quần áo mỏng manh đi trong đêm Nô-en băng giá chính là minh chứng rõ nhất cho nỗi đau thiếu yêu thương. Những tưởng việc phải đi bán diêm trong đêm lạnh đã là quá sức đối với bất cứ ai, nhưng với em thì không. Em không sợ phải đi trong đêm lạnh ấy, mà em sợ về nhà. Kể từ khi mẹ và bà qua đời, em đã mất đi hơi ấm của tình yêu thương. Người bố vô tâm đã làm đóng băng trái tim bé nhỏ ấy. Nỗi đau thiếu yêu thương như những rễ cây nhỏ li ti, xuyên ngang và làm rạn nứt tâm hồn em. Có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau này? Đêm Nô-en đã trở thành ác mộng. Que diêm cuối cùng được quẹt lên, không phải để sưởi ấm đôi bàn tay đã đóng băng, mà là để sưởi ấm trái tim sắp tắt. Con người ta quả thực không thể sống mà thiếu tình yêu thương!

Ngày nay, vì nhiều lí do khác nhau mà có quá nhiều người phải sống ở nơi thiếu vắng tình yêu thương, họ cần nhận được sự giúp đỡ của xã hội cả về vật chất và tinh thần. Và mỗi chúng ta, hãy quan tâm và yêu thương những người xung quanh nhiều hơn. Vì ai cũng có sẵn yêu thương và ai cũng cần điều đó. Biết đâu, ai đó hàng ngày vẫn tươi cười mà hàng ngày lại đang phải chịu đựng nỗi đau đơn độc? Chỉ có yêu thương mới cứu vớt được những trái tim cô đơn!

M.Go-rơ-ki đã thật tài tình khi thức tỉnh những người dân Nga về tầm quan trọng của tình yêu thương dưới thời bạo hành của Nga hoàng. Đó mãi mãi là câu nói bất hủ của mọi thời đại cho mọi dân tộc trên thế giới. Tôi cần, bạn cần, tất cả mọi người đều cần tình yêu thương, bởi đơn giản một điều "Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương".

Nghị luận xã hội về câu nói: Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực, mà là nơi không có tình thương – Bài làm số 4

Tình thương là một phẩm chất, một đức tính quý báu của con người. Từ ngàn xưa, nhân loại đã lấy tình thương làm cơ sở để xây dựng cộng đồng. Tình thương gắn kết mọi người lại thành xã hội, nhỏ là làng xóm, lớn là đất nước. Tình thương là sức mạnh, là cội nguồn, là mục đích sống của con người. Nếu không có tình thương, con người sẽ sống ra sao? Để lí giải điều đó, một nhà văn Nga đã nói: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực, mà là nơi không có tình thương”.

Thật vậy! Trên Trái đất có hai nơi lạnh nhất, đó là Bắc Cực và Nam Cực quanh năm băng giá, tuyết phủ, gió gào. Thiên nhiên hoang vu, thời tiết khắc nghiệt gây nhiều trở ngại cho cuộc sống của con người. Chỉ có rất ít động vật có sức chịu đựng cao mới chống chọi được cái lạnh ghê gớm đó. Còn đối với các nhà thám hiểm, các nhà khoa học nghiên cứu Bắc Cực thì cái lạnh cắt da cắt thịt là thử thách cam go mà họ phải có nghị lực, ý chí mãnh liệt mới vượt qua được.

Tuy vậy, cái lạnh tê buốt của Bắc Cực cũng không đáng sợ bằng cái “lạnh”của nơi không có tình thương. Nói một cách khác, điều đáng sợ nhất là khi trong trái tim không còn hơi ấm của tình thương, nghĩa là không còn cảm xúc, không rung động trước niềm vui hay nỗi đau của người khác. Con người sống không có tình thương sẽ thờ ơ trước vẻ đẹp của đất trời, sẽ hững hờ trước sự sôi động của cuộc sống. Họ dửng dưng, vô cảm trước sự việc xảy ra xung quanh. Người không có tình thương thường có lối sống ích kỉ, thu mình lại trong vỏ ốc. Triết lí sống của họ là: “Mũ ni che tai”, “Đèn nhà ai nấy rạng”, “An phận thủ thường”. Họ tự tách mình ra khỏi cộng đồng, vì thế mà cuộc sống của họ tẻ nhạt.
 
Đối với những người sống vị kỉ, xã hội luôn quan tâm nhắc nhở và giáo dục họ. Người xưa từng khuyên nhủ: “Ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân”. Ca dao đã khơi dậy tình thương yêu bằng câu: “Thương người như thể thương thân”; “Sông có khúc, người có lúc”; “Đông tay vỗ nên kêu”; “Không ai nắm tay suốt ngày tới tối”. Trong văn học cũng có nhiều tác phẩm phê phán những người không có “tình thương”. Mẹ con mụ dì ghẻ trong truyện cổ tích Tấm Cám đang tâm đày đọa và giết chết cô Tấm hiền lành để tranh giành quyền lợi. Bá Kiến trong tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao cũng là một con người sống không có tình thương. Hắn là đại diện cho thế lực phong kiến thực dân chà đạp quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc của con người. Bên cạnh việc phê phán những kẻ sống thiếu “tình thương”, văn học cũng ca ngợi, biểu dương những tấm lòng vàng. Bà cụ hàng nước trong truyện cổ tích Tấm Cám đã cưu mang cô Tấm. Chàng Thạch Sanh trong truyện cùng tên cũng hết lòng vị tha đối với Lý Thông – kẻ đã nhiều lần hãm hại chàng. Nguyễn Du xót xa thương cảm, đau đớn thốt lên lời thơ đứt ruột khi Thúy Kiều bị Tú Bà tra tấn: “Thịt da ai cũng là người, lòng nào hồng rụng thắm rời chẳng đau!”. Lục Vân Tiên với quan niệm của người quân tử: “Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha” đã cứu mạng Kiều Nguyệt Nga bằng tấm lòng vị nghĩa vô tư “Làm ơn há dễ trông người trả ơn”.
 
 Trong cuộc sống, cái tốt, cái xấu song song tồn tại, nhưng xu thế chung là bao giờ cái thiện cũng chiến thắng cái ác. Người tốt sẽ cảm hóa, thuyết phục được người xấu. Biện pháp giáo dục hiệu quả nhất là tác động vào “tình thương”, vào thiên lương của mỗi con người.
 
                    Con người muốn sống con ơi!
                    Phải yêu đồng chí, yêu người anh em.
                                                               (Tiếng ru – Tố Hữu)
 
Ngày nay, trong nền kinh tế thị trường thì sự phân biệt đẳng cấp, phân biệt giàu nghèo là điều không thể tránh khỏi, không thể phủ nhận. Nhưng những người giàu có cần thương yêu, chia sẻ, giúp đỡ người nghèo khổ. Những người khỏe mạnh, thông minh cần giúp đỡ, cưu mang những người yếu ớt, cơ nhỡ với tinh thần: “Lá lành đùm lá rách”; “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”; “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Cả xã hội cần mở rộng tấm lòng nhân ái, giúp sức hỗ trợ, đùm bọc bà con bị thiên tai, bão lụt, hỏa hoạn, sẵn lòng giúp đỡ những người không may bị bệnh hiểm nghèo…

Câu nói của nhà văn Nga ở một chừng mực nhất định nào đó có thể coi là phương châm sống đúng đắn. Thông điệp mà nhà văn gửi gắm đến mọi người là xin đừng vô cảm trước nỗi đau của đồng loại. Hãy chung tay xây dựng một mái ấm tràn đầy “tình thương” giai cấp, dân tộc và nhân loại. Sự chia sẻ và liên kết, sự nồng ấm của “tình thương” sẽ làm cho băng giá của thói ích kỉ tan chảy, mỗi trái tim sẽ rạo rực tình yêu và sức sống.

Hồng Loan tổng hợp

Bài viết liên quan

  • Nghị luận xã hội về câu nói: Điều quan trọng hơn hết trong sự nghiệp của những nhà văn vĩ đại ấy lại là cuộc sống, trường đại học chân chính của thiên tài. Họ đã biết đời sống xã hội của thời đại, đã sâu sắc cảm thấy mọi nỗi đau đớn của con người trong thời đại, đã rung động tận đáy tâm hổn với những nỗi lo âu, bực bội, tủi hổ và những ước mong tha thiết nhất của loài người. Đó chính là cái hơi thở, sức sống của những tác phẩm vĩ đại – Văn hay lớp 12
  • Nghị luận xã hội về ước mơ khát vọng – Văn hay lớp 12
  • Thuyết minh về cải lương – Văn hay lớp 12
  • Nghị luận xã hội về câu nói: Người chê ta mà chê phải là thầy của ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy – Văn hay lớp 12
  • Thuyết minh về danh lam thắng cảnh Bến Ninh Kiều – Văn hay lớp 8
  • Nghị luận xã hội về câu tục ngữ: Nhàn cư vi bất thiện – Văn hay lớp 12
  • Nghị luận xã hội về tình trạng ô nhiễm môi trường và trách nhiệm của người dân – Văn hay lớp 12
  • Tả cảnh biển Đồ Sơn – Văn hay lớp 6
0