13/01/2018, 16:35

Phân tích tác phẩm Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành) – Văn hay lớp 12

Phân tích tác phẩm Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành) – Văn hay lớp 12 Phân tích tác phẩm Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành) – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Vĩnh Long Nhà thơ Nguyên Ngọc (Nguyễn Trung Thành) là người có duyên với Tây Nguyên. Cả hai cuộc chống Pháp và ...

Phân tích tác phẩm Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành) – Văn hay lớp 12

Phân tích tác phẩm Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành) – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Vĩnh Long

Nhà thơ Nguyên Ngọc (Nguyễn Trung Thành) là người có duyên với Tây Nguyên. Cả hai cuộc chống Pháp và chống Mỹ Nguyên Ngọc đã sống gắn bó với mảnh đất hùng vĩ và kiên cường này. Hai tác phẩm chính làm nên sự nghiệp văn học của Nguyên Ngọc là “Đất nước đứng lên” và “Rừng xà nu” được coi là một điểm son trong văn học Việt Nam thời chống Mỹ, là bản anh hùng ca về cuộc khởi nghĩa quật cường của đồng bào Tây Nguyên đánh Mỹ. Câu chuyện diễn ra ở làng Xôman, một góc Tây Nguyên hùng vĩ. Ở đó có những rừng xà nu bạt ngàn và người dân strá bất khuất, kiên cường hết lớp này đến lớp khác đang nối nhau cùng đánh Mỹ.

Tác giả đã lựa chọn một loại cây họ thông mọc nhiều ở rừng núi Tây Nguyên gỗ và nhựa đều rất quý, có sức sống mãnh liệt và dẻo dai, rất gần gũi và thân thiết với đời sống của người Tây Nguyên để tượng trưng cho phẩm chất và sức mạnh, cho tinh thần bất khuất của dân làng Xôman nói riêng và các dân tộc Tây Nguyên nói chung. Hình ảnh cây xà nu đã tạo nên những liên tưởng bất ngờ và thú vị trong lòng người đọc. Lấy rừng xà nu làm nền cho câu chuyện, nhà văn đã tạo được một không khí rất Tây Nguyên, bởi giữa cây và người có những nét tương hợp kì lạ. Theo tác giả rừng xà nu là loại cây “hùng vĩ và cao thượng, man dại và trong sạch, vừa thanh nhã vừa rắn rỏi, tưởng như đã sống tự ngàn đời còn sống đến ngàn đời sau”.

“Làng ở trong tầm đại bác…” Truyện của Nguyễn Trung Thành mở đầu là như vậy. Chỉ trong chưa đầy mười chữ mà đã dựng lên được cả một tư thế của sự sống trong sự đối diện cùng cái chết, của cái tồn sinh trong vòng đe dọa của sự hủy diệt bạo tàn, cái mở truyện thật gọn gàng, cô đúc mà vẫn đầy uy nghi, tầm vóc. Vì thế thiên nhiên trong “Rừng xà nu” cũng là một thứ thiên nhiên dưới tầm đại bác. Nó là đối tượng của sự tàn phá và  hủy diệt. Nó đau đớn bởi “cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương”. Nhưng nó hào hùng ngay cả trong đau đớn “những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình”, chúng “đổ ào ào như một trận bão”.

Nhưng đó chưa phải là điều quan trọng nhất. Điều quan trọng nhất ở đây vẫn là làng ở trong tầm đại bác… Và cây xà nu cũng tương tự như thế, có thể có cây có nhiều cây xà nu bị đại bác chặt đứt làm đôi. Nhưng dù có thế rừng xà nu vẫn sinh sôi, vẫn sống như chính sự tồn tại bền bỉ và kiêu hãnh của dân làng Xôman. Có loại xà nu mà đại chỉ có thể để lại trên thân thể cường tráng những vết thương chóng lành ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quện thành từng cục máu lớn. Cũng có cây gục ngã. Song “cạnh một cây mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”. Bản năng tự tồn tại sự thèm khát vươn tới bầu trời và ánh sáng đã khiến rừng cây ấy chiến thắng sự tàn phá của đạn bom “nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm  ngỡ ngàng”.

“Rừng xà nu” đó còn là kiểu ẩn dụ về chính con người, những con người sống dưới tầm đại bác. Và cũng như xà nu thân thể và trái tim họ đầy thương tích. Và cũng có đời người giống như những cây xà nu nào đó bị cái chết chặt đứt ngang giữa đời xuân. Song con người Xôman, con người Tây Nguyên, con người Việt Nam trong những ngày đánh giặc vẫn sống, bền bỉ, kiêu hùng, đầy khao khát trong niềm ham muốn mãnh liệt ánh sáng mặt trời, trong tư thế phóng lên để tiếp lấy nguồn sống trong ánh nắng. Khúc lịch sử Xôman được cụ mết kể trong một đêm dài bên bếp lửa cũng gần giống với rừng xà nu trong đầu tác phẩm. Đó là một chuỗi dài của những đau thương mà tiêu biểu nhất ở đây là cuộc đời của Tnú và Mai.

Tnú và Mai được nhà văn hào phóng đưa lại cho khá nhiều vẻ đẹp của con người lí tưởng. Với Mai đó là sự duyên dáng, linh lợi, giọng nói trong lanh lảnh và con tim thắm thiết, thủy chung. Còn với Tnú đó là sự khỏe mạnh với bộ ngực rộng rãi và hai cánh tay chắc khỏe như lim, là sự bất khuất can trường đã được thử thách qua tra tấn dã man và mấy năm trời tù ngục.

Tnú cường tráng như một thân xà nu lớn chảy trong huyết quản anh là dòng máu anh hùng của xứ sở Tây Nguyên truyền lại từ Đam San, Xinh Nhã. Chứa đầy trong ngực anh là sức mạnh mênh mông  và hoang dại của núi rừng. Anh thừa gan góc đến bướng bỉnh, thừa kiêu hãnh đến giàu tự ái. Anh là người không biết đến sợ hãi, không biết đến khuất phục, cho dù sự tàn bạo có hiện hình trong mũi súng, hay lưỡi dao chém ngang dọc trên lưng…Ngay từ nhỏ Tnú đã rất gan dạ, dám đi tiếp tế cho cán bộ, dám đi liên lạc cho cán bộ từ xã lên huyện. “Nó không thích lội chỗ nước êm, cứ lựa chỗ thác mạnh mà bơi ngang, vượt lên mặt nước, cưỡi lên thác băng băng như một con cá kình”. Bởi Tnú hiểu “Qua chỗ nước em thằng Mỹ – Diệm hay phục, chỗ nước mạnh nó không ngờ”. Sức mạnh Tnú còn hun đúc bởi một tình yêu lớn của một người con gái luôn luôn hiền dịu, nhịn nhường. Vậy mà với bằng ấy cái có, Tnú cũng không cứu sống được Mai và đứa con trai của mình khỏi bị kẻ thù sát hại. Vợ anh và đứa con chưa đầy tháng của anh đã chết dưới cây gậy bằng sắt của bọn giặc hung bạo. Cho dù Mai đã hết sức bảo vệ con bằng đức hi sinh tuyệt vời của người mẹ và tất cả sự dẻo dai của người con gái sinh ra ở núi rừng. “Mai thét lên một tiếng. Chị vội tháo tấm địu, vừa lật kịp đứa con ra phiá bụng lúc cây sắt giáng xuống trên lưng …Cây sắt thứ hai đập vào trước ngực Mai, chị lật đứa bé ra sau lưng. Nó lại đánh sau lưng, chị lật đứa bé ra trước ngực…”. Lúc đó, Tnú đứng cạnh một gốc cây vả. Anh đã bứt hàng chục trái mà không hay. Lòng căm thù đã dâng lên trong anh cực độ. Tnú lao vào lũ giặc…Nhưng anh không thể giằng được vợ con ra khỏi bàn tay của lũ ác nhân. Dẫu cho lòng căm thù đã biến “hai con mắt anh bay giờ là hai cục lửa lớn”, và anh đã xông vào chúng như một sức mạnh hùm thiêng. “Anh không biết đã làm gì chỉ thấy thằng lính giặc to béo nằm ngửa ra giữa sân, thằng giặc tháo chạy vào nhà ưng”. Thế nhưng, “Tnú không cứu được mẹ con Mai” Vì sao vậy? Vì Tnú chỉ có tay không giữa quân thù đầy vũ khí. Và khi chỉ có tay không thì Tnú không cứu được chính đời anh. Hình ảnh mười ngón tay Tnú rừng rực cháy lửa xà nu như mười ngọn đuốc không chỉ có ý nghĩa tố cáo tội ác quân thù hay nói lên lòng dũng cảm của người cách mạng mà còn nói lên lên một chân lí sâu sắc và tàn nhẫn khi một Tnú chỉ có tay không ngay thứ nhựa xà nu thân thiết, cái khối chất thơm ngào ngạt và như đọng nắng quê hương kia cũng có thể trở thành ngọn lửa hủy diệt chính những bàn tay vẫn hằng chăm sóc, vun trồng cho nương rẫy.

Tnú không cứu được vợ con … “Nhớ không Tnú, mày cũng không cứu sống được vợ mày. Còn mày thì chúng nó bắt mày, trong tay mày chỉ có hai bàn tay trắng, chúng nó trói mày lại. Còn tau thì lúc đó tau đứng sau gốc cây vả. Tau thấy chúng nó trói mà bằng dây rừng. Tau không nhảy ra cứu mày. Tau cũng chỉ có hai bàn tay không!” Những lời nói ấy của cụ Mết như chứng minh cho một quy luật không thể chiến đấu với quân thù chỉ bằng tay không và lòng căm thù mù quáng. Dân làng đã đi tìm vũ khí và đã quay về với những lưỡi mác và cây rựa được mài bằng đá Ngọc Linh. Lúc đó, lửa xà nu sẽ tắt trên bàn tay Tnú. Lửa xà nu chỉ còn soi xác giặc chết ngổn ngang. Núi rừng Xôman sẽ ào ào rung động. “Tiếng chuông nổi lên…và lửa cáy khắp rừng”… “Nghe rõ chưa các con, rõ chưa. Nhớ lấy ghi lấy. Sau này tau chết rồi, bay còn sống phải nói lại cho con cháu chúng nó cầm súng mình phải cầm giáo…”. Đó là chân lí lớn của cách mạng miền nam phải dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng.

Nguyên Ngọc đã từng nói đại ý “Rừng xà nu” là “Truyện của một đời và được kể trong một đêm”. Nhưng xa hơn, đó cũng là câu chuyện của một thời, một dân tộc, một đất nước mà tiêu biểu ở đây là hình ảnh những thế hệ dân làng Xôman nối tiếp nhau cùng đứngđậy chiến đấu.

Cụ Mết tượng trưng cho lịch sử, cho truyền thống của dân làng Xôman. Cụ là cây xà nu đại thụ giữa rừng xà nu bạt ngàn. Tuy già nhưng ông cụ vẫn quắc thước như xưa “Râu bây giờ đã dài tới ngực và vẫn đen bóng mắt vẫn sáng và xếch ngược, vết sẹo ở má bên phải vẫn láng bóng. Ngựccăng như một cây xà nu lớn”. Ông cụ là linh hồn của làng Xôman. Lịch sử của làng qua lời kể đêm đêm của cụ thắm sâu vào tim óc của các thế hệ. Cụ là chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là pho sử sống của làng. Tấm lòng của cụ Mết đối với đảng trước sau như một. Cụ từng nói với dân làng “Cán bộ là Đảng, Đảng còn, núi nước này còn”. Lời cụ đơn giản, rõ ràng như một chân lí. Chính cụ đã lãnh đạo dân làng tự phát vùng lên giết giặc tự cứu lấy mình. Người đọc không thể nào quên hình ảnh hào hùng của người thủ lĩnh già “Cụ mết chống giáo xuông sàn nhà, tiếng nói vang vang thế là bắt đầu rồi. Đốt lửa lên!” Lời nói của cụ đốt cháy lên ngọn lửa căm thù trong lòng mỗi người dân Xôman đối với bọn giặc tàn ác, thôi thúc họ vùng lên cầm vũ khí bảo vệ bản làng, bảo vệ quyền làm người tự do… Ở cụ, yêu ghét rõ ràng, minh bạch. Cụ Mết thương dân làng hết mực sống cuộc đời gắng bó máu thịt với quê hương và con người quê hương.

Sau cụ Mết là Tnú, Mai và cả Dít cô bí thư chi bộ kim chính trị viên xã đội làng Xôman. Ba năm trước ngày Tnú ra đi. Dít “còn là một cô bé không có áo mặc, đêm lạnh không ngủ…”. Vậy mà khi Tnú trở về cô bé ấy đã đảm trách những công việc trọng yếu nhất của làng Xô man. Sự trưởng thành kì lạ của Dít không phải là ngẫu nhiên mà là một quá trình tự rèn luyện qua nhiều thử thách, Lúc còn nhỏ Dít là một đứa bé lanh lợi, rất gan dạ. Lần ấy, Dít bị giặc bắt “Chúng để con bé ở giữa sân, lên đạn tôm xông rồi từ từ bắn từng viên một, không bắn trúng, đạn chỉ sướt qua tai xém tóc, cày đất quanh hai chân nhỏ của Dít. Váy nó rách toạt từng mảng. Nó khóc thét lên nhưng đến viên đạn thứ 10 thì nó chùi nước mắt, từ đó im bặt. Nó đứng lặng giữa bọn lính, cứ mỗi viên đạn nổ, cái thân hình mảnh dẻ của nó lại quật lên một cái nhưng đôi mắt nó thì vẫn nhìn bọn giặc bình thản lạ lùng…”. Không chỉ gan góc, Dít còn là một cô bé gan nghị, chứng kiến cái chết đau thương của chị Mai, Dít lầm lì không nói gì cả, mắt ráo hoảnh trong khi mọi người, cả cụ già điều khóc. Cứ thế Dít lớn lên cùng với cuộc đấu tranh của dan làng Xôman. Trở  thành người lãnh đạo cuộc chiến đấu của buông làng. Dít cũng tỏ ra là người có bản lĩnh, có sức thuyết phục quần chúng. Gặp lại Tnú, Dít không khỏi xúc động nhìn anh ấy rất lâu với “đôi mắt mở to bình thản trong suốt”. Âý vậy nhưng chị không quên trách nhiệm của mình khi hỏi “đồng chí về có giấy không?” khi tuyên bố dứt khoát “ không có giấy về thì không được, ủy ban phải bắt thôi”. Rồi sau khi xem kỹ giấy của Tnú chị lại buồn tiếc “ Sao anh về có một đêm thôi?”. Con người Dít là như vậy đó gan góc, cương vị nhưng cũng không kém phần tha thiết yêu thương, đành rằng bề ngoài tưởng như chỉ có lạnh lùng, bình thản…

Tnú, Mai, Dít là thế hệ thanh nên tiêu biểu của làng Xôman. Từ lòng căm thù họ đến với cuộc sống của dân tộc, chính trong cuộc chiến đấu đó họ trưởng thành. Sự trưởng thành của họ có cội nguồn một mặt là do họ tự vượt mình qua những thử thách lớn lao, mặc khác là sự dìu dắt của cách mạng, của cha ông.

Không chỉ có lớp người như Tnú, Lớp sau Tnú như bé Heng cũng lớn lên, lớn lên cùng cuộc chiến đấu ác liệt của làng Xôman. Với nhân vật bé Heng Nguyễn Trung Thành chỉ phát họa bằng vài ba đường nét mêu tả ngoại hình nhưng đủ tạo ấn tượng sâu sắc cho người đọc. Tuổi của bé Heng lẽ ra là tuổi phải đến trường với những trang sách, với những trò chơi vui nhộn. Nhưng đất nước còn giặc bé cũng phải góp sức mình vào cuộc chiến đấu của quê hương. Tuy còn bé, bé Heng đã có dáng vẻ “một người lính thực sự”. Nó đội một chiếc mũ sụp xin được của một anh giải phóng quân nào đó, mặc một chiếc áo bà ba dài phết đít, vẫn đóng khố, súng đeo chéo, vượt qua hố chông trở thành người liên lạc như Tnú ngày xưa. Thật là tự hào và tin tưởng với lớp người như pé Heng. Lớp người ấy đang lớn lên, trưởng thành, xứng đáng với thế hệ cha anh.

Đến cuối truyện, hình ảnh cánh rừng xà nu lại trở về “Những rừng xà nu nối tiếp chạy đến tận chân trời”, với “vô số những cây con đang mọc lên”, bất chấp đại bác đêm qua lại bắn. Ta nghe thấy gì từ cái rồi sẽ được Nguyên Ngọc gọi là “Một vĩ thanh cứ xa mờ dần và bất tận” ấy nếu không phải là sức sống vô hạn và không thể gì tàn phá của một dân tộc thương đau là chiến thắng của tuổi trẻ, là lời hứa hẹn của tương lai. “Rừng xà nu” là câu chuyện của một người nhưng qua đó ta thấy số phận của một dân tộc. Đó là bức tranh hoành tráng, hoành tráng trong hình ảnh với vóc dáng vạm vỡ cao cả của núi rừng của con người và hoành tráng trong âm hưởng với lời văn đầy nhịp điệu, khi vang động, khi tha thiết, trang nghiêm.

Phân tích tác phẩm Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành) – Bài làm số 2

Mỗi nhà văn, dường như đều có một vùng quê sáng tác. Đối với Nguyên Ngọc, Tây Nguyên hùng vĩ núi non. Tây Nguyên bất khuất kiên cường với những người bộc trực kiên trung một lòng đi theo cách mạng chính là vùng đất mà ông gắn bó, trăn trở trong sáng tác của mình. Những năm kháng chiến chống Pháp, ông bám trụ ở Tây Nguyên để rồi viết nên tiểu thuyết Đất nước đứng lên. Những năm đánh Mĩ, Nguyên Ngọc lại trở về với vùng gian khổ này từ đầu những năm sáu mươi, ngay sau những ngày đồng khởi cách mạng miền Nam. Cuộc chiến đấu anh hùng của nhân dân Tây Nguyên khơi lòng cảm hứng cho ông viết truyện ngắn Rừng xà nu, một truyện ngắn xuất sắc của văn học thời chống Mĩ.

Rừng xu nu chỉ là một truyện ngắn nhưng dung lượng hiện thực của nó là lớn lao. Đó là bản anh hùng ca về cuộc chiến đấu anh hùng của đồng bào Tây Nguyên với sự trưởng thành của một thế hệ cách mạng mới, trẻ trung nhiệt tình, mưu trí và kiên cường.

Tác phẩm mở đầu bằng hình ảnh rừng xà nu quanh làng Xô Man của người Strá. Một rừng xà nu bất chấp đạn bom, vượt lên sự hủy diệt tàn bạo của kẻ thù để tiếp nhận ánh nắng mặt trời duy trì sự sống của mình, rừng xà nu tràn trề sức sống cho dù đại bác của bọn giặc “đã thành lệ, mỗi ngày hai lần, hoặc buổi sớm và xế chiều, hoặc đứng bóng vào xẩm tối, hoặc nửa đêm và trở gà gáy” dồn dập nã chết chóc đau thương vào nó.

“Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào là không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình. Ở những vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại. và đặc quệnh thành từng cục máu lớn. Có những cây con vừa lớn ngang ngực lại bị đại bác chặt đứt làm đôi, năm mười hôm thì cây chết. Nhưng cũng có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá xum xuê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như một thân thể cường tráng. Chúng vươn rất nhanh, thay thế những cày đã ngã. Cứ thể hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng…”.

Nguyên Ngọc miêu tả rừng xà nu bằng một thứ ngôn ngữ rất giàu chất thơ, chắt lọc và tinh tế ở một thứ ngôn ngữ vừa tả vừa gợi, mở ra những liên tưởng phong phú cho người đọc. Hình ảnh rừng xà nu ở đây vừa là hình ảnh thực một rừng cây “ham ánh sáng mặt trời”, vừa là hình ảnh có nghĩa tượng trưng cho con người Tây Nguyên đau thương, bất khuất, kiên cường trong những ngày đồng khởi chống Mĩ. Bút pháp đặc tả phối hợp với thủ pháp nhân hóa đã phát huy tối đa hiệu lực cua nó. Rừng xà nu hiện lên như một người bạn trung thành che chở cho dân làng Xô Man, như những con người đẹp của buôn làng. Và có thể nói rừng xà nu chính là biểu tượng về sức sống bất diệt của con người Tây Nguyên, của con người Việt Nam.

Tái hiện chân thực cuộc chiến đấu kiên cường của nhân dân Tây Nguyên trong những ngày đánh Mĩ, nhà văn tập trung miêu tả sự trưởng thành một thế hệ tiếp nối, phát huy truyền thống anh hùng của cha ông và qua đó nhà văn cũng phản ánh sự trưởng thành của nhân dân Tây Nguyên trong đấu tranh một mất một còn với kẻ thù mới là đế quốc Mĩ. Tiêu biểu cho thế hệ thanh niên đó là Tnú và Dít. Sự trưởng thành của họ gắn liền với cuộc đấu tranh của nhân dân Strá làng Xô Man.

Tnú mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được dân làng đùm bọc, nuôi dạy khôn lớn. Cậu bé Tnú đến với cách mạng ngay từ những ngày gian khổ, ác liệt nhất khi mà Mĩ Diệm đang ngày đêm khủng bố cách mạng ở khắp mọi nơi. Chính Tnú đã chững kiến cảnh đau thương của dân làng. Bọn giặc “treo cổ anh Xút lên cây vả đầu làng, giết bà Nhan, chặt đầu cột tóc treo đầu súng”, chỉ vì họ là những người dũng cảm, dám nuôi dấu cán bộ cách mạng. Ngày Tnú vào rừng nuôi cán bộ, tiếp nhận tri thức, lẽ sống ở đời qua sự chỉ bảo của anh cán bộ Quyết. Dũng cảm, mưu trí, lanh lợi là phẩm chất tốt đẹp của Tnú, “nó liên lạc cho anh Quyết từ xã lên huyện. Không bao giờ nó đi đường mòn. Giặc vây các ngả đường nó leo lên một cây cao nhìn quanh một lượt rồi xẻ rừng mà đi, lọt tất cả vòng vây. Qua sông nó không thích lội chỗ nước êm, cứ lựa chỗ thác mạnh mà bơi ngang, vượt trên mặt nước, cưỡi lên thác băng băng như một con cá kình”. Một lần đi liên lạc, Tnú bị giặc phục kích, bắt được, chúng dẫn em về làng, tra tấn đủ mọi cách, lưng Tnú ngang dọc những vết dao chém nhưng Tnú vẫn không khai báo, chỉ điềm tĩnh chỏ và bụng mình để trả lời câu hỏi cùa kẻ thù: Cộng sản ở đây này”. Đó không phái là câu trả lời mà là một lời thách thức, dung cảm! Với lời thách thức ấy, Tnú phải trả giá bằng ba năm tù.

Thoát ngục Kon Tum trở về, Tnú là một thanh niên, trưởng thành hơn về nhân cách. Anh hiểu rõ nhiệm vụ của mình khi tiếp nhận lời trăng trối của anh Quyết. Anh trở thành người lãnh đạo cuộc chiến đấu của dân làng Xô Man. Anh thực hiện ngay lời dặn của anh Quyết “chuẩn bị giáo, mác, vụ, rựa, tên, ná… " chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho cuộc chiến đấu sắp tới. Và hạnh phúc đến với anh trong những ngày đó. Mai, cô bạn gái cùng anh đi liên lạc trở thành người bạn đời của anh.

Lại một thử thách nữa đến với Tnú: bọn giặc ở đồn Dác Hà xuống làng Xô Man truy bắt anh, vợ con anh sa vào tay chúng. Không thể cầm lòng trước cảnh giặc tra tấn vợ con. Tnú đành phải ra đối đầu với bọn chúng. Và trong cuộc đối đầu này, phẩm chất kiên cường của anh càng sáng hơn bao giờ hết. Giặc bắt Tnú, chúng đốt mười ngón tay anh, “Mười ngón tay anh đã trở thành mười ngọn đuốc", răng cắn chặt môi, không một tiếng kêu vang, Tnú trừng trừng ném căm giậm vào kẻ thù. Có thể nói Tnú là hình ảnh của Tây Nguyên đau thương, bất khuất. Sự tàn bạo của kẻ thù đã lên tới tột đỉnh và nhân dân cũng không thể cam chịu sống dưới ách tàn bạo đó. Cho nên, khi tiếng thét căm giận Tnú vang lên, tiếng thét như một lời báo hiệu triệu dân làng cầm vũ khí đứng lên, cả làng Xô Man đứng dậy. “Tiếng giết”, tiếng chân người đạp nhà ào ào. Tiếng bọn lính kêu thất thanh… Sự vùng dậy của dân làng đã cứu thoát Tnú rồi sau đó anh vào giải phóng quân đi giải phóng cho nhân dân, giải phóng đất nước với một nhận định sâu sắc hơn. Điều này có thế thấy rõ qua lời tâm sự của Tnú với dân làng sau “ba năm đi lực lượng”. Anh kể rằng anh giết thằng Dục, tên chi huy đồn giặc ở Đắc Hà, kẻ đã giết vợ con anh, kẻ dã gieo đau thương cho làng Xô Man và theo anh thằng giặc nào “cũng la thằng Dục cả”. Rõ rang, với anh chiếu sĩ giải phóng quân Tnú, mối thù chung của Tây Nguyên, của đất nước cũng là mối thù của gia đình, của quê hương anh. Đó là một nhận thức sâu sắc, nhận thức mà Tnú rút ra được từ nỗi đau của bản thân, của buôn làng của đất nước và từ cuộc chiến đấu của quê hương.

Cùng thế hệ của Tnú còn có Dít, cô bí thư chi bộ xã kiêm chính trị viên xã đội làng Xô Man. Ba năm trước, ngày Tnú ra đi. Dit “còn là một cô bé không có áo mặc, đêm lạnh không ngủ…". Vậy mà, khi Tnú trở về, cô bé ấy đã đảm trách những công việc trọng yếu nhất của làng Xô Man. Sự trưởng thành kì lạ của Dít không phải ngẫu nhiên mà là quá trình rèn luyện vượt qua thử thách lúc còn nhỏ. Dít là một đứa bé lanh lợi, rất gan dạ. Lần ấy, Dit bị giặc bắt “Chúng để con bé đứng giữa sân, lên đạn tôm xông rồi từ từ bắn từng viên một, không bắn trúng, đạn chỉ sượt qua tai, sém tóc, cày đất quanh hai bàn chân nhỏ của Dit. Váy nó rách tượt từng mảng. Nó khóc thét lên nhưng rồi đến viên thứ mười, nó chùi nước mắt, từ đó im bặt. Nó đứng lặng lẽ giữa bọn lính, cứ mỗi viên đạn nổ, cái thân hình mảnh dẻ của nó giật lên một cái nhưng đôi mắt nó vẫn nhìn bọn giặc bình thản lạ lùng”. Không chỉ gan góc Dit còn là một cô bé cương nghị. Chứng kiến cái chết đau thương của chị Mai, Dit “lầm lì không nói gì cả, mắt ráo hoảnh trong khi mọi người cả cụ già, đều khóc”. Cứ thế Dit lớn lên cùng với cuộc đấu tranh của làng Xô Man. Trở thành người lãnh đạo cuộc chiến đấu của buôn làng, Dit cũng tỏ rõ là người có bản lĩnh, có sức thuyết phục quần chúng. Gặp lại Tnú, Dit, không khỏi xúc động, nhìn anh với “đôi mắt mở to bình thản trong suốt”. Ấy vậy, chị không quên trách nhiệm của minh khi hỏi “đồng chí có giấy không?”, khi tuyên bố dứt khoát “không có giấy thì không được, ủy ban phải bắt thôi” và sau khi xem giấy của Tnú chị lại nói tiếp “sao anh về có một đêm thôi”. Con người Dit như vậy đó, gan góc, cương nghị, không kém phần tha thiết với quê hương, đành rằng bề ngoài tưởng như chỉ có lạnh lùng bình thản.

Tnú và Dit tiêu biểu cho thế hệ thanh niên làng Xô Man, từ lòng căm thù của họ đến với cuộc chiến đấu của dân tộc và chính trong cuộc chiến đấu đó, họ trưởng thành. Sự trưởng thành của họ có cội nguồn của có một mặt là do họ tự vượt mình qua những thử thách lớn lao, mặt khác là do có sự dìu dắt cách mạng cùa cha ông. Đặc biệt sự trưởng thành của Tnú và Dit được Nguyên Ngọc miêu tả trong mối quan hệ với truyền thông anh hùng cùa người Strá. Cụ Mết chính là đại diện cho thế hệ cách mạng đi trước của làng Xô Man. Cụ là pho sử sống, là chỗ dựa tinh thần của dân làng. Tuy già nhưng “cụ vẫn quăc thước như xưa… ngực cũng như một tấm xà nu lớn… tiếng nói vẫn ồ ồ vang trong lồng ngực”, vẫn sáng suốt ngày đêm lãnh đạo cuộc chiến đấu của làng. Có lẽ cuộc đời cụ đã nếm trải qua nhiều đau khổ, đã thu lượm được nhiều kinh nghiệm quý báu, cho nên cụ luôn luôn nhắc nhờ con cháu nhớ tới quá khứ đau thương bất khuất cúa quê hương. Chứng kiến cái chết thảm thương của Mai và sự bất lực của Tnú trước sự tra tấn dã man tàn bạo của bọn thằng Dục, cụ Mết càng thấu hiếu: Đối với kẻ thù “chỉ có hai bàn tay trắng, chỉ với bàn tay không” thì không thể nào đối đầu với chúng được, phải cầm vũ khí đứng lên! Bài học này, cụ muốn truyền lại cho thế hệ mai sau: “Nghe rõ chưa, các con, rõ chưa, nhớ lấy, ghi lấy. San này tao chết rồi, bay còn sống phải nói lại cho con cháu. Chúng nó cầm súng, mình phái cầm giáo’’. Lời cụ rành rẽ vang lên trong ánh lửa bập bùng ở nhà ưng.

Xây dựng nhân vật cụ Mết như một nhân vật huyền thoại, kết tinh nhiều phẩm chất tốt đẹp của con người Tây Nguyên, phải chăng Nguyên Ngọc muốn khẳng định vai trò của thế hệ đi trước đối với thế hệ trẻ! Cụ Mết vừa là người nối kết thế hệ truyền thống, với lịch sử quê hương, vừa là người dẫn dắt thế hệ thanh niên trong cuộc chiến đấu hiện tại. Chính vì có một thế hệ cha ông như cụ Mết mà thế hệ của Tnú, của Dít… có sự trưởng thành lớn lao.

Và không chỉ có lớp người như Tnú, lớp sau Tnú như bé Heng, cũng lớn lên, lớn lên cùng với cuộc chiến đấu ác liệt của làng Xô Man. Với nhân vật bé Heng, Nguyên Ngọc chỉ phác họa vài ba đường nét miêu tả ngoại hình nhưng cũng đủ tạo ra ấn tượng sâu sắc cho người đọc. Tuổi của bé Heng, lẽ ra, là tuổi đến trường với những trang sách, với những trò chơi vui nhộn nhưng đất nước còn giặc, bé cũng còn nhỏ, bé Heng đã có dáng vẻ của “một người lính thật sự, đội chiếc mũ sụp xin được của anh giải phóng quân nào đó, mặc vào một chiếc áo bà ba dài phết đít, vẫn đóng khố, súng đeo chéo ngang lưng”. Hơn thế, Heng thuộc từng lớp hầm bẫy, hố chông, trở thành người liên lạc như Tnú năm xưa. Thật là từ hào và tin tưởng với một lớp người như bé Heng! Lớp ấy đang lớn lên, trưởng thành, xứng đáng với thế hệ cha anh.

Đọc Rừng xà nu có cảm tưởng như được xem một bộ phim về số phận một con người với biết bao sự kiện. Truyện bắt đầu từ hiện tại từ cái thời điểm anh chiến sĩ giải phóng quân Tnú đặt chân lên mảnh đất quê hương ‘‘sau ba năm đi lực lượng” rồi ngược dòng thời gian trở về quá khứ. Quá khứ cứ hiện dần lên trong sự hồi tướng của Tnú, trong lời kể của tác giả, trong lời kể của cụ Những mảng đời quá khứ, những mảng đời hiện tại, cứ đan ngang, soi tỏ cho nhau để cắt nghĩa sự trưởng thành của thế hệ Tnú, sự trưởng thành của làng Xô Man trong cuộc chiến đấu với kẻ thù, để làm nổi rõ chủ đề của truyện, từ nỗi đau riêng và nỗi đau chung, Tnú và làng Xô Man phải cầm vũ khí để tự cứu lấy mình, để giải phóng dân tộc và cuộc chiến đấu anh hùng của dân tộc sinh ra một thế hệ trẻ kế tục xứng đáng với cha ông. Chính cái tư tưởng này đã chi phối kết cấu của Rừng xà nu. Hệ thống sự kiện trong truyện, chủ yếu được tố chức theo sự phát triển tâm lí tính cách nhân vật trung tâm, chứ không theo trật tự thời gian thông thường. Tổ chức sự kiện theo cách đó, nhà văn có điều kiện tập trung miêu tả những tình huống gay cấn làm nổi bật tính cách nhân vật, mặt khác cũng phù hợp với ý nghĩa chính luận của tác phẩm. Hai lần đối đầu trực tiếp với kẻ thù là hai lần Tnú thể hiện rõ phẩm chất kiên cường của anh, tất nhiên tác phẩm này thể hiện ở mỗi lần có khác nhau và có sự phát triển. Sa vào tay giặc khi còn là một cậu bé, Tnú tỏ rõ đức kiên trung quả cảm cùa mình. Còn lần đối đầu với kẻ thù, Tnú rực sáng kiên cường bất khuất trước bóng đen tàn bạo của kẻ thù.

Khắc họa tính cách nhân vật, Nguyên Ngọc có sở trường trong việc lựa chọn những chi tiết tiêu biểu có ý nghĩa khái quát cao, những chi tiết giàu chất tạo hình, giàu chất thơ. Trong nhận thức của người đọc, sừng sững hình

ảnh tụ Mết với những nét khắc chạm rất tài tình của tác giả: một cụ Mết với những nét khắc chạm rất tài tình của tác giả: một cụ Mết quắc thước, râu dài, mắt sáng, ngực căng như một cây xà nu lớn. Và cũng xúc động lòng người một cụ Mết ân tình với cháu con lúc trở tay chùi hai giọt nước mắt lớn khi lặng nhìn tấm lưng rộng của Tnú còn ngang dọc những vết thương đã thành sẹo tím. Như vậy nhân vật anh hùng trong Rừng xà nu không chỉ rung cảm người đọc ở sự vượt lên hoàn cảnh khốc liệt của họ mà còn ở những xúc động, những tình cảm thầm kín nơi họ.

Trên những trang viết của mình. Nguyên Ngọc thường trải những cảm xúc trữ tình của ông về con người, đất nước quê hương. Giọng văn của Rừng xà nu đằm thắm chất trữ tình, khi trầm hùng theo ánh lửa chập chờn ở nhà nhưng trong lời kể trang nghiêm xúc động về quá khứ đau thương của cụ Mết, khi tha thiết tuôn chảy theo dòng hồi tường về người thân, theo dòng suy tưởng về quê hương của Tnú… lời văn của Rừng xà nu giàu hình ảnh, giàu nhịp điệu, nhiều đoạn văn trau chuốt, óng mượt như ngôn ngữ của một bài thơ (ví dụ: đoạn mở đầu tác phẩm). Chính cái vẻ cùa lời văn đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm.

Rừng xà nu là chuyện của con người nhưng qua đó ta thấy số phận của một dân tộc. Từ câu chuyện của Tnú và của làng Xô Man, tác già nói tới sự trưởng thành của cách mạng miền Nam trong những ngày trước và sau đồng khởi. Đọc Rừng xà nu hôm nay, vẫn thấy âm vang cái hào hùng cùa một thời chống Mĩ, một thời có những con người đẹp như cụ Mết, như Tnú, như Dít, như Mai….

Phân tích tác phẩm Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành) – Bài làm số 3

Nguyễn Trung Thành – một trong những nhà văn có duyên nợ với mảnh đất Tây Nguyên- một dải núi non hùng vĩ của Tổ quốc, mảnh đất nhiều cảm xúc. Ông là nhà văn trưởng thành trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ. Truyện ngắn “Rừng xà nu” là một thành tựu của ông. Truyện mang đậm tính sử thi và cảm hứng lãng mạn.

Thật vậy, trong bối cảnh Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, đất nước bị chia cắt thành hai miền Nam – Bắc. Trong khi miền Bắc chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa thì miền Nam lại phải tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân chống lại chủ nghĩa thực dân mới kiểu Mĩ. Cách mạng rơi vào thời kì đen tối. Năm 1965, Mĩ đổ quân ồ ạt vào miền
Nam và tiến hành đánh phá ác liệt miền Bắc. Rừng xà nu được viết trong bối cảnh không khí sục sôi chống Mĩ. Thông qua hình tượng những người anh hùng ở một buôn làng hẻo lánh bên cạnh sức sống cánh rừng xà nu bạt ngàn, Nguyễn Trung Thành đã đặt ra một vấn đề mang tầm vóc lịch sử lớn lao: Cầm vũ khí tiêu diệt kẻ thù để mang lại tự do cho đất nước, sự sống cho dân tộc.

Để làm rõ vấn đề trên, đọc truyện ngắn Rừng xà nu, ta phải hiểu khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn bộc lộ rất rõ. Khuynh hướng sử thi được hiểu là những áng văn tự sự có quy mô lớn, miêu tả và ca ngợi những sự kiện mang tính chất toàn dân, có ý nghĩa trọng đại. Con người như một bức tượng đài lí tưởng luôn làm tròn bổn phận, trách nhiệm phục sự đồng bào, phục sự tổ quốc. Lời văn sử thi cũng mang giọng điệu ngợi ca, trịnh trọng. Sử thi luôn đi kèm với cảm hứng lãng mạn. Cảm hứng lãng mạn là cảm hứng khẳng định cái tôi đầy tình cảm, giàu cảm xúc. Nó ca ngợi vẻ đẹp của con người, ca ngợi chủ nghxia anh hùng cách mạng và tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc.

Ở trong truyện ngắn này, tính sử thi được biểu lộ trước hết ở sự kiện có tính chất toàn dân được nhắc tới. Đó chính là vận mệnh của làng Xô Man. Họ phải đứng lên chống đế quốc Mĩ. Đó cũng là câu chuyện chung của cả Tấy Nguyên, cả miền Nam, cả đất nước trong những ngày chiến đấu chống đế quốc Mĩ. Tình thế bị o ép của làng Xô Man trước ngày đồng khởi là bức tranh sinh động về cuộc sống đau thương của đồng bào miền Nam trong những ngày Mĩ thi hành luật 10-59, khủng bố những người yêu nước, yêu dân tộc. Khi làng Xô Man đứng dậy đại diện cho bộ mặt của cả nước quyết tâm đánh thắng Mĩ.

Tính sử thi trong truyện ngắn Rừng xà nu còn thể hiện ở khía cạnh Nguyễn Trung Thành đã xây dựng hình tượng tập thể anh hùng. Những anh hùng này đại diện cho làng Xô Man. Mỗi một người đều có những nét riêng nhưng chung quy lại họ có chung bản lĩnh gan gạ, trung thực, ý chí kiên cường bất khuất. chiến công mà họ lập được có nhỏ, có lớn nhưng đều rất vẻ vang. Trong đó, tiêu biểu là anh Quyết, cụ Mết, anh Tnu, chị Mai, co Dít, bé Heng. Họ đều lập công góp sức mình vào sự nghiệp đấu tranh vĩ đại trường tồn của dân tộc. Lí tưởng của họ gắn với cả vận mệnh của dân tộc. Nếu như cụ Mết được coi là trưởng già lão luyện kinh nghiệm đầy mình, là cây xà nu già cỗi, là linh hồn của làng xô Man, là người lưu giữ truyền thống của làng. Cụ Mết được nhà văn miêu tả: “ quắc thước như xưa, râu bây giờ đã dài tới ngực và vẫn đen bong, mắt vẫn sáng và xếch ngược”, “ sáu mươi tuổi mà tiếng nói vẫn ồ ồ dội vang trong lồng ngực”. Khi ở ranh giới giữa sự sống và cái chết, tiếng hô của cụ vẫn vang lên: “Chém! Chém hết. Những cây rựa sang loáng vung lên. Dưới lưỡi mác của cụ Mết, thằng Dục chỉ huy nằm gục trên vũng máu..”. Trong đêm định mệnh ấy, cụ Mết trong tư thế lẫm liệt của người chiến thắng đã sang sảng kêu gọi dân làng vùng lên cầm vũ khí giết giặc. Cụ Mết được tác giả miêu tả như một người anh hùng của buôn làng, là người thắp sáng ngọn lửa nhiệt huyết cho thế hệ trẻ tiếp nối.

Tiếp đến là T.nú. Anh là chàng trai gan dạ, dũng cảm, là niềm tự hào của làng xô Man. Cuộc đời anh đầy nước mắt và đau thương song với phẩm chất anh hùng của T.nú được tôn luyện trong mưa bom bão đạn nơi chiến tranh khốc liệt. Thuở nhỏ anh được anh Quyết – một cán bộ hoạt động cách mạng dạy chữ, truyền nhiệt huyết. Hình ảnh t.nú bị giặc bắt, tra tấn với mười ngón tay bốc cháy đã để lại trong lòng người đọc biết bao mất mát, đau thương. Ngọn lửa xà nu cháy rừng rực trên mười đầu ngón tay của anh đã làm sang bừng lên dũng khí và tinh thần bất khuất của T.nú.

Mai, Dít, bé Heng là hiện thân của cây xà nu mới lớn. Ở Dít đó là một cô gái với lòng dũng cảm, sự thông minh với “đôi mắt mở to và bình thản” hay bé Heng với hình ảnh “đội cái mũ sụp xin được của một anh giải phóng, mặc chiếc áo bà ba dài phết đít, vẫn đóng khố, sung đeo chéo ngang lưng”…

Có thể thấy, chất anh hùng tự ngàn đời chảy vào huyết quản, thấm nhuần vào trong máu từ già làng Mết chảy qua T.nú, chảy qua Mai tới Dít, truyền tiếp qua Heng và Heng chảy vào những cây xà nu mới mọc. Dân tộc Việt Nam dù có hi sinh nhưng vẫn không bao giờ lùi bước trước quân thù:

“Nước Việt Nam từ trong máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sang lòa”

(Nguyễn Đình Thi)

Chất sử thi còn được thể hiện qua bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Mở đầu truyện ngắn là hình ảnh “cả rừng xà nu hàng vạn cây” thì kết thúc truyện cũng là hình ảnh rừng xà nu “nối tiếp nhau chạy đến chân trời”. Truyện mở ra một cuộc đụng độ quyết liệt giữa làng Xô Man với bọn Mĩ-Diệm. Rừng xà nu cũng là nạn nhân, là chứng nhân lịch sử trong cuộc đụng độ ấy.Nhà văn cũng đã chứng kiến cảnh “có những cây bị chặt đứt ngang nửa than mình đổ ào ào như một trận bão” hay “có những cây con vừa mới lớn ngang tầm ngực người bị đại bác chặt đứt làm đôi. Ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn lóng, vết thương không lành được cứ loét mãi ra, năm mười hôm sau thì cây chết”. Mặc dù trong bom đạn chiến tranh, thương tích đầy mình nhưng cây xà nu vẫn vươn lên mạnh mẽ như người dân Tây Nguyên  kiên cường, bất khuất rắn rỏi trước kẻ thù. Cây xà nu ham ánh sang, yêu tự do, luôn vươn lên đón ánh nắng và khí trời. Cây xà nu vững chãi với thế đứng “ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho cả dân làng”. Đó là biểu tượng của làng Xô Man.

Tính sử thi còn được thể hiện ở chất giọng văn tha thiết, truyền cảm trang trọng khi kể về sự tích của làng Xô Man. Giọng văn vừa hào hùng, vừa bi tráng khi miêu tả vẻ dẹp thiên nhiên Tây Nguyên thong qua cánh rừng xà nu bạt ngàn. Theo lời kể của cụ Mết, ta như chìm đóng trong dòng chảy của thời gian, không gian và kí ức. Kết cấu kể chuyện theo lối vòng tròn tạo nên dư âm hùng tráng kết hợp với biện pháp nhân hóa, liên tưởng tưởng tượng phong phú cây xà nu như con người Xô Man.

Khuynh hướng sử thi trong truyện ngắn rừng xà nu còn kết hợp chặt chẽ với cảm hứng lãng mạn, tạo nên chất trữ tình đắm say lòng người. Hình tuwojng cây xà nu và hình tượng nhân vật T.nú là một sang tạo nghệ thuật đặc sắc của tác giả, góp phần làm nên vẻ đẹp sử thi và tô đậm cảm hứng lãng mạn của tác phẩm. Rừng xà nu không chỉ tiêu biểu cho sáng tác của Nguyễn Trung Thành mà còn tiêu biểu cho khuynh hướng thẩm mĩ của văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975.

Tóm lại, Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành là truyện ngắn không chỉ miêu tả về thiên nhiên mà nó còn là biểu tượng của làng Xô Man. Nó ẩn dụ cho hình tượng người dân làng Xô man gan dạ, kiên cường, sẵn sàng hi sinh tính mạng mình để bảo vệ làng, bảo vệ đất nước. Qua truyện ngắn, tài năng, tình cảm của nhà văn về thiên nhiên, con người Tây Nguyên càng được bộc lộ rõ rệt. Dù rằng cuộc chiến tranh khốc liệt đó đã đi qua song hình tượng về những người anh hùng ấy luôn còn mãi trong tâm trí người đọc.

Hồng Loan tổng hợp

Bài viết liên quan

  • Tả cái đèn trên bàn học của em – Văn hay lớp 2
  • Phân tích tác phẩm Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn (Ngô Sĩ Liên) – Văn hay lớp 10
  • Phân tích tác phẩm Chiếc lược ngà – Văn hay lớp 9
  • Phân tích tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc – Văn hay lớp 11
  • Phân tích tác phẩm Lưu biệt khi xuất dương (Phan Bội Châu) – Văn hay lớp 11
  • Phân tích tác phẩm Vào phủ Chúa Trịnh (Trích Thượng kinh kí sự) – Văn hay lớp 11
  • Phân tích tác phẩm Hịch tướng sĩ – Văn hay lớp 8
  • Tả hình ảnh Ông Tiên theo trí tưởng tượng – Văn hay lớp 6
0