Nghi luan xa hoi ve benh thanh tich – Đề bài: Anh (chị) hãy bày tỏ suy nghĩ của mình trước “bệnh thành tích” – một căn bệnh gây tác hại không nhỏ đối với sự nghiệp phát triển của xã hội ta hiện nay. Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đề cập rất nhiều đến một căn bệnh tinh thần đang từng ngày, từng giờ gây ra những tác hại không nhỏ đối với sự phát triển của xã hội. Đó là “bệnh thành tích” – căn bệnh nguy hiểm lây ...
– Đề bài: Anh (chị) hãy bày tỏ suy nghĩ của mình trước “bệnh thành tích” – một căn bệnh gây tác hại không nhỏ đối với sự nghiệp phát triển của xã hội ta hiện nay.
Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đề cập rất nhiều đến một căn bệnh tinh thần đang từng ngày, từng giờ gây ra những tác hại không nhỏ đối với sự phát triển của xã hội. Đó là “bệnh thành tích” – căn bệnh nguy hiểm lây lan khắp mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Có thể nói bệnh thành tích là căn bệnh trầm kha tồn tại từ rất lâu trong xã hội Việt Nam. Nó đã gây ra những tác hại ghê gớm khôn lường, cản trở rất nhiều tới quá trình phát triển của đất nước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Khái niệm thành tích vốn dĩ có một ý nghĩa tích cực. Thành tích là kết quả tốt đẹp do một cá nhân hay tập thể làm ra, được mọi người công nhận và đánh giá cao. Nhưng chạy theo thành tích, bất chấp thủ đoạn, bỏ qua thực chất thì lại là một căn bệnh, một tệ nạn cực kì nguy hiểm. Đáng tiếc là hiện nay, xã hội ta có rất nhiều người mắc căn bệnh này.
“Bệnh thành tích” bắt nguồn từ đâu? Nguyên nhân sâu xa của nó chính là thói xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ mà từ ngày xưa, người lao động đã chê cười và phê phán. Thói thường Tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại, nhưng trong xã hội, không ít người thực sự chẳng có gì tốt đẹp mà lại thích bịa đặt ra cái hay cái đẹp… để tự dối mình, lừa người. Rồi cấp dưới muốn được khen thưởng, được thăng chức thì phải nghĩ cách lừa dối cấp trên bằng những “thành tích” chỉ có trong tưởng tượng.
“Bệnh thành tích” thường nảy sinh ở những người không có thực tài nhưng lại giấu dốt, không dám nhìn thẳng vào chính mình. Họ buộc phải tìm mọi cách đánh bóng tên tuổi để thỏa mãn thói háo danh, để không bị “thua chị kém em”. Theo quy luật, xã hội càng phát triển thì “bệnh thành tích” lây lan càng nhanh, càng rộng. Một phần do nền kinh tế thị trường với sức mạnh của đồng tiền đã chi phối, thao túng quá sâu vào các mối quan hệ xã hội. Cách đây mấy trăm năm, Nguyễn Du đã viết: Trong tay đã sẵn đồng tiền, Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì. Đồng tiền biến xấu thành tốt, dở thành hay, ảo thành thật. Rốt cuộc, mọi giá trị thật giả đảo lộn, rất khó phân biệt. Một sự thật đáng buồn hiện nay trong ngành giáo dục nước ta là nạn mua điểm, mua bằng cấp, “giáo sư giả”, “tiến sĩ giấy” khá nhiều. Người ta dễ bị lóa mắt trước hình thức bóng bẩy bên ngoài mà không đi sâu vào bản chất của hiện tượng, sự vật và sự việc. Thói thường ấy là mảnh đất màu mỡ cho “bệnh thành tích" phát triển.
Xung quanh chúng ta, những biểu hiện của bệnh thành tích nhiều không kể hết. Thử lấy dẫn chứng trong một vài lĩnh vực để chứng minh. Ví dụ như trong tĩnh vực giáo dục, từ cấp thấp đến cấp cao đều mắc bệnh này. Nhiều trường Tiểu học ở vùng sâu vùng xa, hiện tượng học sinh “ngồi nhầm lớp” khá phổ biến, cho nên mới có chuyện cười ra nước mắt là học sinh lớp 4 mà viết chữ chưa rành và chưa thuộc hết bảng cửu chương (!) Ở các thành phố lớn, vì “bệnh thành tích” mà Ban Giám hiệu nhiều trường sẵn sàng “thổi phồng” tỉ lệ học sinh khá, giỏi lên tới con số đáng ngờ là hơn 90%, trong khi thực tế thấp hơn rất nhiều. Có những trường kì quặc hơn là không cho phép học sinh yếu kém lưu ban vì sợ ảnh hưởng đến “thành tích” chung của trường và “uy tín” của Ban Giám hiệu. Trong những kì thi hết cấp, cũng vì “bệnh thành tích” mà nhiều học sinh “đỗ oan”, do đó càng học lên càng đuối. Mới đây, báo chí đưa tin một số giáo viên trường A khi chấm thi chéo đã cố ý hạ điểm thi của học sinh trường B với mục đích là để tỉ lệ đỗ của trường B kém trường mình. Sự giả dối kéo dài đã dẫn đến một thực tế đáng buồn là chất lượng học tập của học sinh hiện nay rất đáng lo ngại.
Những Kiều chạy đua theo thành tích như thế là vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật. Không ít quan chức vì lợi ích trước mắt mà cố tình bịa ra những bản báo cáo thành tích sai sự thật thì quả là thiếu lương tâm, thiếu trách nhiệm đối với sự nghiệp “trồng người”. Nếu hiện tượng tiêu cực này không sớm chấm dứt thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu tới việc đào tạo nhân tài, hiền tài làm rường cột cho đất nước mai sau.
Báo chí không ngừng phanh phui những hiện tượng tiêu cực – con đẻ của “bệnh thành tích”. Nhiều địa phương báo cáo lên Bộ Giáo dục và Đào tạo là đã chấm dứt tình trạng học ba ca, đã xóa nhiều điểm trường tranh tre nứa lá… nhưng thực tế thì hầu như sự thay đổi đó không đáng kể. Giáo viên, học sinh nhiều nơi ở vùng núi phía Bắc không có trường để học, không có nhà để ở. Gần đây, một phóng sự truyền hình về thực trạng đáng buồn đó đã làm xôn xao dư luận. Học sinh các dân tộc thiểu số phải tự dựng những túp lều xiêu vẹo, trống hơ trống hoác để ở tạm vì trường không có kí túc xá. Các thầy cô giáo mùa khô phải đi xa hàng chục cây số để tìm nước dùng cho sinh hoạt hằng ngày…
Nói “Không!” với các hiện tượng tiêu cực trong đó có “bệnh thành tích” đang là khẩu hiệu, là mục tiêu phấn đấu của ngành giáo dục. Tính khả thi của nó đến đâu còn phụ thuộc vào quyết tâm của tất cả mọi người để có được một nền giáo dục nghiêm túc và chất lượng cao.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, bệnh thành tích cũng lan tràn đến mức báo động. Số hộ nông dân nghèo còn chiếm tỉ lệ khá cao, nhưng trong báo cáo thành tích xóa đói giảm nghèo của nhiều địa phương thì toàn là những con số “đáng nể”. Thế mới có chuyện buồn cười là để đối phó với đoàn thanh tra của cấp trên, chính quyền xã đã bắt các hộ nghèo phải đi “mượn” trâu bò, vật dụng của những nhà khá giả để chứng minh là mình đã thoát nghèo. Cơ sở vật chất thiết yếu như điện, đường, trường, trạm (trạm y tế) ở nông thôn nhiều nơi cũng chỉ có ở trong… báo cáo (!). Vì chạy theo thành tích nên chính quyền một số địa phương đã vội vàng xây dựng và cấp cho một số hộ nghèo “nhà tình thương”, nhưng người nhận chỉ ở được ít ngày đã lo nơm nớp vì không biết nhà sẽ đổ lúc nào.
Trong lĩnh vực công nghiệp, nhiều xí nghiệp, nhà máy quốc doanh làm ăn “lời giả lỗ thật”, năm nào Nhà nước cũng phải bù lỗ rất nhiều nhưng Ban Giám đốc vẫn cố tình “bịa” ra thành tích để được thăng quan tiến chức… Cũng vì “bệnh thành tích” mà trong lĩnh vực giao thông, hàng chục cây cầu, mấy chục con đường, hàng trăm công trình tầm cỡ quốc gia … được xây dựng cho kịp tiến độ nhưng không đạt yêu cầu về mặt chất lượng, gây lãng phí rất lớn về công sức và tiền bạc của Nhà nước, của nhân dân.
“Bệnh thành tích” lan tràn khắp nơi khắp chốn như một dịch bệnh gây ra những tác hại khôn lường, cản trở quá trình phát triển của đất nước. Một tập thể hay một cá nhân khi đã nhiễm “bệnh thành tích” thì chỉ có thể làm ra những sản phẩm kém chất lượng mà thôi. “Bệnh thành tích” còn dẫn đến sự thoái hóa nhân cách, khiến con người trở nên thiếu trung thực, dối trá, lừa mình, lừa người, thích sống bằng ảo tưởng bởi “lộng giả thành chân”.
Cần có những biện pháp tích cực ngăn ngừa, từng bước đẩy lùi và chữa trị dứt điểm căn bệnh nguy hiểm này. Muốn làm được điều đó, các cấp các ngành phải đồng bộ ra tay, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra để kịp thời phát hiện những thành tích “ảo” và những “chuyên gia tạo thành tích ảo”. Đối với những kẻ cố tình sai phạm, dẫn tới thiệt hại to lớn cho xã hội thì Nhà nước phải nghiêm trị theo pháp luật. Mặt khác, cần giáo dục, tuyên truyền thường xuyên để nâng cao nhận thức của mọi người về hậu quả của căn bệnh này.
Chúng ta phải nhận thức được rằng “bệnh thành tích” là một hiện tượng tiêu cực gây ra nhiều tác hại ghê gớm khôn lường. Đó chính là biểu hiện cao độ của thói dối trá rất đáng phê phán và lên án. Trong hoàn cảnh đất nước ta đã mở cửa giao lưu và hội nhập với toàn thế giới, mỗi công dân phải có thái độ nghiêm túc và trung thực trước mọi vấn đề của bản thân, của cuộc sống và xã hội; thấy được mặt mạnh để phát huy, mặt yếu để khắc phục. Bên cạnh đó, chúng ta phải không ngừng học hỏi điều hay, điều tốt của các nước tiên tiến và vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam. Nếu làm được như vậy thì chắc chắn không bao lâu nữa, mục tiêu phấn đấu xây dựng một xã hội hiện đại, dân chủ, công bằng và văn minh sẽ trở thành hiện thực.
Theo: Thái Bảo