04/06/2017, 23:34

Nghị luận về câu tục ngữ: “Lời nói chẳng mất tiền mua - Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Với những người dân Việt Nam, những câu ca dao, tục ngữ luôn là nguồn nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn, sự trong sáng và dặc biệt là nơi lưu trữ, đúc kết những kiến thức và kinh nghiệm để giúp mỗi người có cách hành xử văn hóa hơn. Trong muôn vàn những câu tục ngữ được truyền lại từ ngàn đời nay, người ...

Với những người dân Việt Nam, những câu ca dao, tục ngữ luôn là nguồn nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn, sự trong sáng và dặc biệt là nơi lưu trữ, đúc kết những kiến thức và kinh nghiệm để giúp mỗi người có cách hành xử văn hóa hơn. Trong muôn vàn những câu tục ngữ được truyền lại từ ngàn đời nay, người xưa vẫn thường nhắc đến câu tục ngữ “Lời nói chẳng mất tiền mua - Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” như một bài học quý báu về cách giao tiếp bằng lời nói giữa con người với con người trong xã ...

Trong cuộc sống loài người, ngôn ngữ nói chung và lời nói nói riêng có vai trò hết sức quan trọng nếu không muốn nói là mang tính quyết định bởi một xã hội chỉ có thể hình thành và phát triển khi con người, chủ thể của xã hội đó giao tiếp được với nhau. Trong tất cả các phương tiện mà con người sử dụng để giao tiếp thì lời nói là phương tiện duy nhất thỏa mãn được các nhu cầu của con người. Sở dĩ ngôn ngữ trở thành một công cụ giao tiếp vạn năng của con người là vì nó đồng hành cùng con người, xuất hiện cùng con người từ thuở nguyên sơ cho đến ngày nay. Phương thức giao tiếp ấy được bổ sung và hoàn thiện dần theo lịch sử tiến hóa của nhân loại. Chúng ta thường dùng lời nói để trao đổi thông tin, để diễn đạt ý mà con người có thể hiểu nhau và dễ đến gần nhau hơn.
 
Nói thì dễ nhưng thế nào để truyền đạt đúng suy nghĩ của mình mà làm vừa lòng người nghe, nói như thế nào để “lọt” đến “xương” thì không dễ chút nào. Vì thế cha ông ta khuyên: “Lời nói chẳng mất tiền mua - Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Có thể giải nghĩa một cách đơn giản câu nói này như sau: Tâm lí chung của con người là thích nghe những điều ngọt ngào. Những lời nói tốt đẹp không làm cho chúng ta tốn kém tiền bạc hay hao tổn sức lực, nhưng nó đem lại nhiều ích lợi và làm cho người nghe được an ủi, khích lệ và làm cho tình thân giữa ta với người khác được thêm thắm thiết, đậm đà. Một lời động viên, khích lệ kịp thời, một lời cảm ơn chân thành hay một câu chúc giản dị... có thể khiến cho con người xích lại gần nhau hơn, giúp cho tình cảm giữa mỗi người càng thêm gắn kết. Ngược lại, chỉ cần một lời nói xúc phạm, tục tĩu có thể gây ra sự tổn thương rất lớn cho người nghe, khiến cho mối quan hệ giữa người nói và người nghe căng thẳng, không còn tốt đẹp nữa. Có thể khẳng định rằng, cách nói năng, ứng xử của chúng ta có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng và duy trì mối quan hệ, tình cảm với những người xung quanh. Trong cuộc sống, có không ít trường hợp chỉ vì một câu nói khó nghe, nhiều người đã giận dữ cắt đứt tình cảm với nhau, thậm chí còn xảy ra những cuộc xô xát không đáng có. Chính vì thế, lời khuyên của ông cha ta nhắc nhở mỗi người rằng, phải luôn tôn trọng trong từng lời nói, từng cách ứng xử với những người xung quanh.
 
Tuy nhiên, một số ngưòi lại đặt ra câu hỏi rằng, việc “lựa lời mà nói” để “vừa lòng” người nghe có giống với thói xu nịnh hay không? Xin khẳng định là không, bởi cách mỗi người khéo léo khi nói năng để gây thiện cảm với mọi người khác hẳn tính ba hoa, nịnh bợ, “miệng nam mô bụng một bồ dao găm”. Ông cha ta khuyên mỗi người phái “lựa lời” tức là luôn cân nhắc để’ nói năng sao cho đúng mực nhưng mọi lời nói đều phải xuất phát từ chính suy nghĩ và tình cảm của người nói. Những lời tốt đẹp, ngọt ngào phải xuất phát từ chính trái tim thì mới có giá trị chinh phục, tác động đến người nghe, khiên người nghe “vừa lòng”, còn những câu xu nịnh, “chót lưỡi đầu môi” có thể làm người ta hài lòng ngay lúc đó nhưng không thể là sợi dây gắn kết tình cảm lâu bền. Lời dạy của cha ông ta như một bài học thiết thực, có giá trị đối với tất cả mọi người từ muôn đời nay, đặc biệt đối với chúng ta, những thế hệ học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường.
 
Hằng ngày, chúng ta giao tiếp với nhau thông qua từng lời ăn, tiếng nói. Với học sinh, việc nói năng sao cho phải, cho đúng, phù hợp với đạo đức xã hội để khi đánh giá, nhìn nhận về giới trẻ học đường, ta có được cái nhìn tốt đẹp nhất. Sống trong môi trường xã hội với những phân hóa đa dạng về đạo đức, hằng ngày các bạn học sinh cũng như bao người bình thường khác tiếp xúc, giao tiếp và gặp gỡ khá nhiều người. Song, khác với những thế hệ khác, người học sinh được tiếp xúc trong môi trường học đường, môi trường mang tính giáo dục cao. Được sống, được giáo dục từ nhỏ qua các cấp học, bậc học, vì thế lời ăn tiếng nói cũng được nuôi dưỡng để ngày một hoàn thiện, đúng mực hơn. Ngày nay, đa số các bạn học sinh được giáo dục ý thức về lời nói của bản thân mình. Cách ứng xử giao tiếp của các bạn đối với những người xung quanh đều đúng mực và phù hợp. Khi nói năng với người lớn tuổi, cha mẹ, thầy cô, các bạn Lễ phép, tôn trọng; khi nói năng với bạn bè cùng trang lứa thì thân thiện, chân thành; khi nói năng với em nhỏ thì ân cần, gương mẫu.
 
Nhưng tiếc rằng, bên cạnh những tấm gương về nhân cách như thế, vẫn còn không ít bạn học sinh bị ảnh hưởng bới những thói hư tật xấu, nói năng tùy tiện, thậm chí còn cho rằng phải sử dụng những từ ngữ dung tục để “thể hiện” mình. Cách xử sự không đúng mực như vậy đang làm băng hoại dần những giá trị đạo đức mà biết bao thế hệ học sinh gây dựng, làm mất đi vẻ đẹp thanh lịch, văn minh của thanh thiếu niên.
 
Lời nói thể hiện nhản cách của mỗi con người, những học sinh có nhân cách và được giáo dục không thể ăn nói tùy tiện, tục tĩu. Vậy bằng nhận thức của bản thân cùng với lợi thế là hằng ngày sống, học tập trong môi trường giáo dục, chúng ta hãy giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt bằng những lời nói văn minh, thanh lịch hằng ngày.

0