Nghị luận về câu nói cần cù lao động của bác Hồ
Bác Hồ đã kêu gọi, động viên và xác định nhiệm vụ cho cán bộ và nhân dân khi miền Bắc bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội: “Nước ta còn nghèo. Muốn sung sướng thì phải tự lực cánh sinh, cần cù lao động”.Em hãy giải thích và phát biểu suy nghĩ vể câu nói trên. Cuộc kháng chiến chống ...
Bác Hồ đã kêu gọi, động viên và xác định nhiệm vụ cho cán bộ và nhân dân khi miền Bắc bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội: “Nước ta còn nghèo. Muốn sung sướng thì phải tự lực cánh sinh, cần cù lao động”.Em hãy giải thích và phát biểu suy nghĩ vể câu nói trên.
Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, đất nước hòa bình chưa được bao lâu thì lại bị chia cắt, đồng bào, chiến sĩ miền Nam bước vào cuộc đấu tranh quyết liệt chông Mĩ và bè lũ tay sai Ngụy quyền, nhân dân miền Bắc bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội trong hoàn cảnh đầy rẫy những khó khăn, nghèo nàn, lạc hậu. Trong hoàn cảnh đó, Bác Hồ đã kêu gọi, động viên và xác định nhiệm vụ cho cán bộ và nhân dân: “Nước ta còn nghèo. Muốn sung sướng thì phải tự lực cánh sinh, cần cù lao động”. Lời dạy đó vẫn còn tác dụng cho đến hôm nay, khi đất nước ta đang bước sang một giai đoạn phát triển mới.
Nước ta còn nghèo, đó là một thực tế khách quan. So với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, nền công nghiệp, nông nghiệp nước ta chậm phát triển, khoa học kĩ thuật lạc hậu, cơ sở hạ tầng yếu kém, đời sống nhân dân ta còn gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế Liên Hiệp Quốc xếp nước ta vào nhóm các nước nghèo có thu nhập bình quân theo đầu người thấp nhất trên thế giới.
Trải qua hai cuộc chiến tranh kéo dài và khốc liệt, nhân dân ta đã phải dồn sức người, sức của vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộcsản xuất bị đình trệ, nhiều nhà máy, cơ sở công nghiệp bị tàn phá. Hậu quả của cuộc chiến tranh ba mươi năm thật khủng khiếp, nhân dân ta phải bỏ ra một thời gian dài để hồi phục. Thực tế đó đòi hỏi mọi người dân Việt Nam yêu nước phải có ý thức tự lực cánh sinh, cần cù lao động để xây dựng đất nước, đưa đất nước thoát khỏi cảnh nghèo nàn và lạc hậu.
Muốn đất nước giàu mạnh, đời sống nhân dân được sung sướng, hạnh phúc không có con đường nào khác là phải xây dựng một nền công nghiệp hiện đại, nền nông nghiệp tiên tiến, ứng dụng những thành tựu khoa học kĩ thuật vào sản xuất để tạo nên năng suất cao, làm ra nhiều của cải cho xã hội. Nhưng chúng ta xây dựng đất nước phải bằng chính sức lực và trí tuệ của mình, không nên ỷ lại hoặc trông chờ vào viện trợ, giúp đỡ của quốc tế. Trong những năm chiến tranh ác liệt, các nước bè bạn khắp năm châu đã hết lòng giúp đỡ nhân dân ta từ lương thực, thực phẩm, thuốc men, đạn dược... và trong xây dựng, nhân dân ta cũng nhận được sự viện trợ chí tình của các nước anh em. Tuy vậy, Bác Hồ vẫn nhắc nhở trách nhiệm của toàn dân là phải tự lực cánh sinh, thực hành tiết kiệm. Viện trợ quốc tế là cần thiết và quan trọng nhưng nhân tố quyết định trong sự nghiệp xây dựng đất nước vẫn là tinh thần lao động cần cù và sáng tạo của nhân dân ta.
Bước ra khỏi cuộc chiến tranh trong buổi đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội còn nhiều khó khăn và gian khổ, nhưng nhân dân miền Bắc đã sớm phát huy tinh thần tự lực cánh sinh để đặt những viên gạch đầu tiên cho tương lai:
Dọn tí phân rơi, nhặt từng ngọn lá Mỗi hòn than, mẩu sắt, cân ngô Ta nâng niu góp dựng cơ đồ.
(Bài ca xuân 1961--Tố Hữu)
Những năm gần đây, trên con đường đổi mới, đất nước ta đã đổi thịt thay da, một tương lai sáng sủa đang chờ phía trước. Việt Nam mở rộng cửa đón tiếp bạn bè bốn phương thực lòng hợp tác với ta để xây dựng và phát triển đất nước ngày một phồn vinh. Việc giao lưu quốc tế và quan hệ đa phương với các nước đã tạo nên không khí khởi sắc trên con đường đi lên để hòa nhập vào cộng đồng quốc tế trên mọi lãnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học, kĩ thuật.
Nhưng nhiệm vụ “tự lực cánh sinh, cần cù lao động” vẫn luôn nhắc nhở nhân dân ta phải tin tưởng ở sức mình trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Nhân dân Việt Nam vốn có truyền thống cần cù lao động và óc thông minh sáng tạo. Muốn có năng suất và hiệu quả cao trong lao động, con người không những phải cần cù chăm chỉ mà còn phải biết ứng dụng hợp lí những thành tựu khoa học kĩ thuật. Người nông dân, người công nhân không chỉ lao động giỏi bằng cơ bắp mà còn có những tri thức văn hóa,, khoa học kĩ thuật để làm chủ được công cụ, máy móc.
“Tự lực cánh sinh, cần cù lao động” là đường lối xây dựng và phát triển kinh tế đúng đắn mà Bác Hồ đã xác định ngay từ những ngày đầu nhân dân ta bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hôm nay đây, sự nghiệp xây dựng, kiến thiết đất nước đã thu được những thắng lợi khả quan, đất nước ta đã bước qua thời kì đói nghèo, nhưng lời dạy của Bác vẫn là định hướng quan trọng đối với quá trình đưa đất nước từng bước đi lên của nhân dân ta.