Nghị luận về câu ngạn ngữ: Không có nghề nào hèn cả, chỉ có những kẻ hèn mà thôi – Văn hay lớp 10
Nghị luận về câu ngạn ngữ: Không có nghề nào hèn cả, chỉ có những kẻ hèn mà thôi – Văn hay lớp 10 Nghị luận về câu ngạn ngữ: Không có nghề nào hèn cả, chỉ có những kẻ hèn mà thôi – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Quảng Trị Sống trong cảnh gia đình đầy đủ, xa hẳn mọi ...
Nghị luận về câu ngạn ngữ: Không có nghề nào hèn cả, chỉ có những kẻ hèn mà thôi – Văn hay lớp 10
Nghị luận về câu ngạn ngữ: Không có nghề nào hèn cả, chỉ có những kẻ hèn mà thôi – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Quảng Trị
Sống trong cảnh gia đình đầy đủ, xa hẳn mọi điều lo lắng khổ cực, chúng ta dễ khinh thường những người lao động, hàng ngày phải lam lũ với nghề nghiệp. Chúng ta lại thường sẵn có thành kiến sai lầm, phân biệt nghề cao quý với nghề ti tiện, trọng nghề trí thức, khinh nghề chân tay. Để cảnh báo thái độ đó, phương Tây có câu ngạn ngữ:
'Không có nghề nào là hèn cả, chỉ có những kẻ hèn mà thôi"
Thật ra có nghề nào là nghề hèn kém không? Để trả lời chúng ta đưa vài ví dụ. Đây là bác phu xe, mặt mũi đen đũi, áo quần lôi thôi, lấy chiếc xe ba bánh làm kế sinh nhai. Ta liệt bác vào hạng tầm thường và nghề bác là nghề hèn kém. Còn đây là bác công nhân quét đường, mỗi đêm và sáng, bác làm vệ sinh thành phố, đến cửa từng nhà, hốt để lên xe nhửng đống rác thối tha, đầy ruồi nhặng, có người nhìn bác bằng cặp mắt khinh rẻ.
Bác phu xe ấy mỗi lần gò lưng đạp xe chở khách, nhận được một món tiền nho nhỏ, mang về nuôi sống gia đình, bác đổi bát mồ hôi lấy bát cơm. Đồng tiền tuy ít ỏi nhưng bác kiếm ra trong sạch. Bác công nhân quét đường cũng vậy. Bác chịu cực khổ, ngày ngày làm bạn với những đống rác bẩn thỉu tanh hôi. Thế rồi, tháng đến, bác vui mừng đưa tay đón lấy đồng tiền lương nhỏ mọn đủ sống qua ngày. Nghề của bác thật là lương thiện. Cả hai người – và còn biết bao nhiêu người khác nữa – đều giúp ích cho xã hội một phần không nhỏ. Người thì chuyên chở giúp ta trên quãng đường xa, dưới nắng mưa không ngại. Người thi chịu dơ dáy thân mình để bảo vệ sức khỏe cho bao người khác.
Như thế thì sao có thể gọi nghề của họ là “hèn” được? Nghề của họ, tưởng là tầm thường mà thực ra có ích cũng chẳng khác gì nghề nghiệp của những người tri thức. Mà đã có ích thì là cao quý rồi.
Hơn nữa, những người ấy đều đã đặt hết cả lương tâm, trí óc, cũng như sức khỏe của họ để làm đầy đủ bổn phận mà cuộc đời đã dành cho họ. Ngoài ra họ còn là những người biết tự trọng, biết đem sức lao động mà trả nợ áo cơm, giúp ích xã hội, để sống xứng đáng với danh nghĩa “làm người” của họ. Như thế chẳng đáng cho ta cảm phục hay sao? Có phải người ta đã nông nổi mà xét đoán nghề nghiệp của họ một cách nhầm lẫn không?
Như vậy, ta phải công nhận rằng chẳng có nghề nào là hèn cả, mà chỉ có người hèn thôi, và đó chính là ké bĩu môi chê lao động chần tay là nghề hèn kém. Vậy thế nào là người hèn? Đó là những người lười biếng, không nhận thức được bổn phận của họ là phải làm việc cho xã hội. Họ đã cướp công của xã hội, đã lừa cơm, cướp áo của lớp người cần lao kia. Người hèn là những hạng người thiếu lương tâm, thiếu trách nhiệm, làm việc chiếu lệ cho xong, không xứng đáng với đồng tiền mà họ nhận. Người hèn là những người làm dân thì phản nước, làm trò thì phản thầy, chơi bạn thì phản bạn. Nói tóm lại những hạng lọc lừa, tham vàng bò ngãi, hình người lòng thú, dưới muôn hình vạn trạng, là những ăn cắp của công để ăn chơi thỏa thích, lãng phí tiền bạc của nhân dân. Từ “hèn” chỉ dành cho những con người ấy.
Câu ngạn ngữ Tây phương trên thật đã cho ta một bài học quý giá về nghề nghiệp. Nó khuyên ta nên tiêu diệt đầu óc hủ bại, đầy rẫy thành kiến sai lầm về nghề nghiệp. Nên nhớ ràng những nghề đã giúp ích cho xã hội đều là đáng trân trọng, đều là đáng quý. Vậy ta phải coi trọng sức cần lao của mọi lớp người lao động, cũng như trí thức. Đó là con đường duy nhất đưa ta đến một xã hội bình đẳng, bác ái và tiến bộ
Nghị luận về câu ngạn ngữ: Không có nghề nào hèn cả, chỉ có những kẻ hèn mà thôi – Bài làm số 2
Thật đáng buồn cho những ai chỉ xem công việc đang làm như một phương tiện để kiếm tiền, bởi vì nhận thức này không những hoàn toàn sai lầm không đúng với thực tế mà còn là một trong những nguyên nhân chính làm mất đi niềm vui trong công việc.
Cho dù bạn đang làm bất cứ loại công việc nào, sự thật là cuộc sống của bạn vốn dĩ đã gắn liền với công việc. Công việc không chỉ chiếm một khoảng thời gian rất lớn trong cuộc sống, mà còn là môi trường giao tiếp, là điều kiện nảy sinh và nuôi dưỡng nhiều quan hệ tình cảm, cũng như là nơi để bạn sử dụng và phát triển năng lực tinh thần cũng như trí tuệ. Không có công việc, bạn không chỉ đơn thuần là không có thu nhập, mà sự thật là đã đánh mất đi một phần quan trọng trong cuộc sống. Không có công việc, bạn không thể chứng tỏ được mình là người hữu ích cho xã hội. Vì thế, sự rỗi rãnh thường xuyên không phải là điều đáng mơ ước như một số người lầm tưởng, mà sự thật là một tình trạng rất đáng sợ vì nó luôn làm cho chúng ta có cảm giác là người vô dụng trong xã hội.
Nền tảng giáo dục trong gia đình và cả ở trường học ngay từ những năm đầu đời đã hướng chúng ta về công việc. Năng khiếu của mỗi người luôn được phát triển và rèn luyện hướng về một công việc trong tương lai. Những năm tháng miệt mài trên ghế nhà trường xét cho cùng cũng là để chuẩn bị tốt cho công việc mà bạn sẽ làm sau khi tốt nghiệp. Và ngay cả việc rèn luyện đạo đức, nhân cách cũng góp phần trong sự chuẩn bị này, bởi vì chính đạo đức và nhân cách là những yếu tố quan trọng trong công việc. Xét cho cùng, nếu một người có nhân cách và đạo đức tốt thì anh ta không thể không biểu hiện những điều đó qua công việc.
Vì thế, nếu chúng ta xem công việc chỉ là một phương tiện để kiếm tiền, chính là ta đã hạ thấp giá trị thật có của công việc, và cũng đồng thời phản bội lại sự kỳ vọng của gia đình và xã hội vào sự trưởng thành của bản thân ta, cũng như phủ nhận công lao và tâm huyết của những bậc thầy đã dạy dỗ, dẫn dắt và rèn luyện chúng ta từ thơ ấu cho đến lúc nên người.
Sự nghiệp của mỗi người được gầy dựng qua công việc mà người ấy theo đuổi. Ngoài khoản tiền lương hay thu nhập hằng ngày, hằng tháng, mỗi chúng ta đều có những ước mơ, những hy vọng nhất định trong việc phát triển công việc, phát triển năng lực của bản thân, và thông qua đó mà gầy dựng sự nghiệp đời mình.
Khi bạn làm chủ một cơ sở sản xuất chẳng hạn, điều bạn quan tâm không chỉ duy nhất là lợi nhuận thường niên, mà chắc chắn là bạn còn luôn mong muốn khẳng định được thương hiệu của mình qua chất lượng và uy tín của sản phẩm. Để làm được điều đó, có khi bạn phải mất rất nhiều thời gian và công sức, phải có nhiều tâm huyết với công việc mới có thể từng bước khắc phục những yếu kém để ngày càng hoàn thiện công việc của mình. Tất cả những điều đó mang lại cho bạn một niềm tự hào chính đáng khi sản phẩm được khách hàng chấp nhận, được nổi tiếng trên thị trường… Và rõ ràng là bạn không thể đánh giá tất cả những điều ấy chỉ qua giá trị tiền bạc.
Chỉ khi nhận rõ được những ý nghĩa nêu trên, chúng ta mới có thể thực sự yêu thích công việc của mình. Bởi vì chúng ta biết rằng những nỗ lực trong công việc không chỉ là để kiếm được nhiều tiền hơn, mà còn luôn là sự phát huy tính sáng tạo để đạt được những thành quả nhất định mang dấu ấn cá nhân, qua đó khẳng định ý nghĩa sự tồn tại của bản thân mình trong xã hội.
Nói theo một cách văn vẻ hơn, hết thảy mọi thành quả của những công việc khác nhau trong xã hội đều là những tác phẩm nghệ thuật mà mỗi cá nhân thực hiện để dâng tặng cho toàn xã hội. Bạn có thể hoài nghi điều này, nhưng tôi xin mời bạn hãy cùng tôi đến thăm một đại lộ nào đó giữa trung tâm thành phố vào một buổi sáng sớm. Hôm nay chúng ta sẽ tạm gác lại ly cà phê sáng để cùng nhau đứng im lặng dưới một gốc cây cổ thụ ven đường và ngắm nhìn người công nhân đang cần mẫn quét từng chiếc lá khô, từng mảnh giấy vụn nằm vung vãi trên đường phố… Chỉ khoảng mười phút thôi, chúng ta sẽ có ngay một khoảng đường sạch đẹp để ngắm nhìn. Bạn có thể nào phủ nhận sự góp phần của người công nhân vệ sinh trong việc giữ cho đường phố sạch đẹp? Sự thật là nếu không có những bàn tay cần mẫn ấy, thành phố xinh đẹp này của chúng ta mỗi ngày hẳn đã phải chìm ngập trong hàng tấn rác thải! Và nghệ thuật là gì nếu không phải là cái đẹp quanh ta để ngắm nhìn, chiêm ngưỡng?
Trong ý nghĩa đó, người công nhân quét rác đang làm nghệ thuật, người thợ nề trên công trường xây dựng kia cũng đang làm nghệ thuật… cho đến hàng trăm, hàng nghìn người công nhân sản xuất trong thành phố này cũng đang làm nghệ thuật, vì có người thợ nào lại không cố hết sức mình để làm ra những sản phẩm đẹp hơn?
Thật đáng buồn nếu chúng ta không nhìn sâu vào thực tế để thấy được những nét đẹp thật có trong công việc mình đang làm. Mỗi một công việc lớn nhỏ trong xã hội xét cho cùng đều là nhắm đến việc phục vụ cho cuộc sống con người. Mỗi một công việc – cho dù là nhỏ nhoi hay đơn giản nhất – khi được thực hiện bởi bàn tay và khối óc của con người đều biểu lộ được tính sáng tạo và sự khao khát vươn lên hoàn thiện. Tôi nhớ có rất nhiều lần chiếc xe cũ kỹ của tôi bị thủng bánh, và tôi phải ghé vào một tiệm nhỏ ven đường nào đó để vá ép. Trong những lúc ngồi chờ, tôi thường chăm chú quan sát thao tác của những người thợ khi vá xe, và phát hiện ra một điều là tuy vẫn cùng làm một công việc đơn giản ấy nhưng mỗi người thợ đều có một cách làm rất riêng của mình. Có vẻ như ai cũng muốn làm sao cho công việc được nhanh hơn và thực hiện được những miếng vá đẹp hơn. Có người thợ khi cắt xong miếng vá, đưa lên ngắm nghía và thấy không hài lòng, lại tỉ mỉ dùng kéo cắt lại đường viền chung quanh cho thật đẹp. Kể cũng lạ, chỉ là một miếng vá rồi sẽ nằm yên bên trong vỏ xe chẳng còn ai trông thấy, thế mà người làm ra nó vẫn muốn cho đẹp hơn, tốt hơn! Có lần, tôi không ngăn được sự tò mò đã đặt câu hỏi về việc này. Anh thợ nhìn tôi có vẻ hơi ngạc nhiên rồi vui vẻ giải thích: “Tuy chẳng là bao nhiêu, nhưng đã lấy tiền của khách thì phải làm cho xứng đáng. Nếu đường viền của miếng vá không được cắt kỹ, miếng vá sẽ rất dễ bị bong ra.”
Làm sao chúng ta có thể không trân trọng những cách suy nghĩ như thế? Ai có thể cho rằng những công việc nhỏ nhoi là đáng xem thường? Trong thực tế, có biết bao kẻ quyền cao chức trọng nhưng lại không thể hiện được một tinh thần trách nhiệm tương tự như thế!
Vì thế, tôi luôn cho rằng không có nghề nghiệp nào là thấp hèn hay cao quý, chỉ có những con người trong khi thực hiện công việc của mình đã tạo nên sự thấp hèn hay cao quý mà thôi. Những công việc khác nhau trong xã hội thể hiện những năng lực và trình độ chuyên môn, trí tuệ khác nhau, nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là chúng sẽ tạo nên những con người thấp hèn hay cao quý. Ai cũng tin rằng những người làm thầy thuốc hoặc thầy giáo là cao quý, nhưng thực tế cho thấy vẫn có những bác sĩ vô lương tâm hoặc những giáo viên thiếu phẩm chất đạo đức. Ngược lại, trong số công nhân lao động ngày đêm thực hiện những công việc tưởng chừng như nhỏ nhặt, không quan trọng lại cũng có không ít những tấm gương vị tha, giàu tinh thần trách nhiệm và đạo đức.
Bởi vậy, công việc không chỉ đơn thuần là công việc như nhiều người vẫn tưởng. Nếu chúng ta biết nhìn sâu hiểu đúng thì hết thảy mọi công việc đều đáng trân trọng, vì tất cả đều đang góp phần làm đẹp hơn cho xã hội. Công việc của mỗi người bao giờ cũng là sự biểu hiện của nhân cách, năng lực, trí tuệ và những phẩm chất đạo đức của con người đó. Nếu hiểu được như thế, chúng ta sẽ thấy yêu quý công việc của mình hơn. Và đó chính là một trong những điều kiện tất yếu để có được niềm vui trong công việc.
Hồng Loan tổng hợp
Bài viết liên quan
- Nghị luận xã hội về câu nói: Không có nghề nào hèn cả, chỉ có những kẻ hèn mà thôi – Văn hay lớp 12
- Nghị luận xã hội về việc bán hàng rong trên đường phố hiện nay – Văn hay lớp 12
- Phân tích tác phẩm Người cầm quyền khôi phục uy quyền (V.Huy-Gô) – Văn hay lớp 11
- Tả người mẹ của em lúc em đau ốm – Văn hay lớp 6
- Nghị luận xã hội về câu tục ngữ: Nhàn cư vi bất thiện – Văn hay lớp 12
- Nghị luận xã hội về câu ca dao: Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao – Văn hay lớp 10
- Tả cảnh hồ gươm – Văn hay lớp 5
- Tả một người đang xây nhà – Văn hay lớp 5