31/03/2021, 15:32

Nghị luận "Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố" số 5 - 10 Bài văn nghị luận xã hội về câu nói "Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố" (lớp 12) hay nhất

Có bao giờ bạn nghĩ xem sự sống tồn tại như thế nào? Phải chăng sự sống chỉ có ở những nơi trù phú, tươi đẹp? Vậy bạn nghĩ gì khi thấy những loài cây vẫn vươn lên trong cái khắc nghiệt của sa mạc; khi biết có những vi sinh vật vẫn tồn tại từ vùng cực băng giá đến miệng núi lửa lên ...

Có bao giờ bạn nghĩ xem sự sống tồn tại như thế nào? Phải chăng sự sống chỉ có ở những nơi trù phú, tươi đẹp? Vậy bạn nghĩ gì khi thấy những loài cây vẫn vươn lên trong cái khắc nghiệt của sa mạc; khi biết có những vi sinh vật vẫn tồn tại từ vùng cực băng giá đến miệng núi lửa lên tới vài ngàn độ?


Sự sống là cả quá trình đào thải và thích nghi. Tự nhiên luôn có sự biến đổi, chỉ những sinh vật có khả năng thích nghi cao mới có thể tồn tại được. Cuộc sống của chúng ta cũng vậy. Không chỉ có những thành công, có những tiếng cười mà xen lẫn vào đó là những khó khăn, thử thách, những giọt nước mắt của sự mất mát. Điều quan trọng là chúng ta đối diện với nó như thế nào.Với ý nghĩa đó, trong cuốn nhật kí của mình, Đặng Thùy Trâm đã từng viết “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”.


Theo cách nghĩ mộc mạc nhất, giông tố chỉ là một hiện tượng tự nhiên, là những cơn gió, cơn bão sẽ hủy đi những cánh đồng lúa, những ngôi nhà, những công trình, mà con người dày công xây dựng. Còn nói đến giông tố trên đường đời, đó chính là những gian nan, thử thách mà cuộc sống đặt ra cho chúng ta. Nó có thể là khó khăn trong học tập, thất bại trong kinh doanh, tan vỡ gia đình, những căn bệnh hiểm nghèo, sự mất mác.


Nhưng dù nói thế nào đi nữa thì giông tố vẫn diễn ra hằng ngày trên thế gian này. Dù chẳng ai muốn nhưng nó vẫn tồn tại như một sự thật hiển nhiên. Đâu có ai muốn có bão lụt, hạn hán nhưng nó vẫn diễn ra hằng năm trên thế giới. Cướp đi bao nhiêu của cải vật chất và cả sinh mạng con người. Ai cũng muốn công việc suôn sẻ, gia đình ấm êm nhưng đâu phải ai cũng có được. Để có được cũng không thật sự đơn giản. Giông tố luôn tồn tại ngoài ý thức của con người. Chúng ta không thể xóa bỏ nhưng không bao giờ được cúi đầu trước nó. Sự cúi đầu sẽ biến chúng ta thành kẻ thất bại.


Có những con người chỉ biết than trách cho thân phận nghèo của mình, tự đưa mình vào con đường rượu chè, cờ bạc và chỉ biết đổ lỗi cho cái số nghèo bị người ta khinh mạc. Có lắm bạn trẻ muốn học đòi ăn chơi với lí do bị bỏ bê, không được quan tâm. Và không ít những bạn trẻ lầm đường lạc lối, có những bạn kết thúc cuộc đời với án tù chung thân. Dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, phải nhận thức rõ đúng sai, không để bản thân mình sa đà. “Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”. Nếu không tự làm chủ mình thì giông tố cuộc đời sẽ hủy diệt mình. Số phận của chúng ta phải do chính chúng ta nắm giữ.


Bạn có biết Billgate, Chung Ju Yung hay Louis Pasteur. Họ là những con người đã để lại nhiều tiếng vang nhưng đằng sau đó là cả một chặng đường gian khổ và những niềm đau chôn dấu. Bill Gates từng bỏ dở giấc mơ đại học và thành lập công ty, nhiều lần thất bại nhưng không nản, cuối cùng trở thành ông chủ của tập đoàn Microsoft. Chung Ju Yung, trước khi là chủ tịch tập đoàn Hyundai Hàn Quốc từng là một nông dân, rồi công nhân của một kho gạo ở Seoul. Louis Pasteur người đã tìm ra vacxin ngừa bệnh dại và nhiều nghiên cứu của ông đóng góp thiết thực cho nhân loại. Thế nhưng, nhà khoa học này phải cô độc với nỗi đau mất người thân, chứng kiến vợ mình, con mình lần lượt ra đi vĩnh viễn. Sau khi ông mất, người ta phát hiện ra rằng nhà khoa học này chỉ có nửa não so với người bình thường.


Không chỉ có những bậc đại tài, mà xung quanh chúng ta cũng có nhiều rất nhiều người bình thường, cố gắng vượt lên số phận. Trải qua cấp tiểu học, không ai không biết câu chuyện về Nguyễn Ngọc Ký với đôi chân kì diệu. Những khó khăn, thất bại từ những ngày đầu tập viết đã không làm lung lạc tinh thần học hỏi và cuối cùng thầy đã trở thành một nhà giáo, là tấm gương cho bao thế hệ sau này.


Ở thế hệ chúng ta bây giờ cũng không ít bạn trẻ làm được điều đó. Có bao giờ các bạn nghe đến tên Nguyễn Tấn Hiền và những bức tranh của anh không? Người có đủ mười ngón tay, nhưng nếu không có "hoa tay" và sự kiên trì học hỏi thì chưa chắc có thể trở thành họa sĩ. Thế nhưng chàng thanh niên Nguyễn Tấn Hiền (SN 1978, quê thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đăk Lăk) chỉ có duy nhất một ngón tay còn khả năng cử động được lại chọn nghề vẽ.


Suốt 6 năm kể từ ngày gặp tai nạn khiến anh tàn phế, ngồi trên xe lăn trong Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng thành phố Đà Nẵng, Hiền đã vẽ được hàng trăm bức tranh và tác phẩm của anh được nhiều người tìm mua. Không dừng lại ở đó, Hiền còn tham gia khóa học tâm lí, và trở thành tình nguyện viên, giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ vượt qua khỏi mặc cảm, khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.


Bạn đã từng nghe đến sự thành công của bài múa “Hand in hand” đã đoạt giải chung kết cuộc thi múa năm 2007 tại Trung Quốc chưa? Hai nghệ sĩ múa tài năng, Mã Lệ - Trạch Hiếu Vỹ đã chinh phục hàng triệu con tim. Khán giả im lặng dõi theo và xúc động đến rơi lệ. Số phận của một nữ diễn viên múa 18 tuổi, chính tai nạn đã lấy đi của cô gái trẻ đẹp này cánh tay phải. Còn bạn diễn của cô là một chàng trai mất chân trái do một tai nạn năm 4 tuổi.


Định mệnh đã cho họ gặp nhau, và 2 con người đầy nghị lực này quyết tâm theo đuổi ước mơ của họ. Ai cũng biết nghề múa đòi hỏi ngoại hình và sự tỉ mỉ trên từng đường nét cơ thể. Thế nhưng, sự khuyết tật đó không đánh gục được niềm tin và sức trẻ trong họ. Họ đã làm được điều tưởng chừng như không thể và họ đã thành công. Tôi cũng trải qua 20 năm, không đủ dài để hiểu hết sự đời nhưng cũng không quá ngắn để cảm nhận cuộc đời. Tôi vẫn ước mơ trở thành một họa sĩ nhưng con đường hiện tại đưa tôi đi quá xa ước mơ đó. Có những lúc tôi dùng lí lẽ của sự “may rủi” để tự lừa dối bản thân mình.


Hiện tại kết quả học tập của tôi không tốt, và đã có thời gian tôi cho rằng tại số phận đưa tôi đến con đường không thuộc về tôi. Tôi hoàn toàn không hợp với nghề giáo. Nhưng tất cả chỉ là ngụy biện, chính tôi đã không chuyên tâm cho con đường mình đang đi, tôi quá tham lam nên làm mọi thứ dang dở. Không đủ tự tin và tình yêu cho ước mơ của mình. Cho đến hôm nay khi tự mình ngẫm lại, rõ ràng tôi có thể làm tốt hơn, tôi có thể không để xảy ra những cái “rủi” đó nhưng chính tôi đã không đủ khả năng điều khiển việc làm của mình.


Câu nói cửa miệng của chúng ta vẫn là: "trong cái rủi vẫn luôn có cái may". Nhưng không đơn thuần là phó mặc cho “may rủi” mà nói như vậy để thấy rằng :"Không phải tất cả mọi việc đều tệ hại. Nó vẫn chất chứa, ít nhất là một điều tuyệt vời trong đó!". Hãy luôn cố gắng, đừng bao giờ từ bỏ! Chỉ cần chúng ta thật vững tin để tiến về phía trước! Tương lai tươi sáng luôn mở cửa chào chúng ta!

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Trịnh Ngọc Trinh

226 chủ đề

43560 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0