Bài văn nghị luận xã hội về lòng yêu nước số 8 - 12 Bài văn nghị luận xã hội về lòng yêu nước (lớp 9) hay nhất
Bác Hồ của chúng ta đã từng nói: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân ta." Chẳng phải tự nhiên mà Người lại nói vậy, cứ mỗi khi nhắc đến Việt Nam, có lẽ mọi người lại nghĩ đến một dân tộc nhỏ bé mà kiên cường. Dân tộc ấy đã giành được độc lập và ...
Bác Hồ của chúng ta đã từng nói: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân ta." Chẳng phải tự nhiên mà Người lại nói vậy, cứ mỗi khi nhắc đến Việt Nam, có lẽ mọi người lại nghĩ đến một dân tộc nhỏ bé mà kiên cường. Dân tộc ấy đã giành được độc lập và giờ đây đang là một quốc gia với nhiều tiềm năng phát triển. Để có được điều đó chính là nhờ sự đoàn kết quyết tâm của toàn dân tộc và hơn hết đó là lòng yêu nước - tình yêu mà mỗi người dân Việt Nam đều có từ khi được sinh ra đối với quê hương mình.
"Lòng yêu nước" là tình cảm yêu thương chân thành, sâu sắc dành cho quê hương, Tổ quốc. Đó là thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng, cao cả của mỗi con người, không chỉ thể hiện qua lời nói mà còn qua những hành động thiết thực. Lịch sử đã chứng minh tinh thần yêu nước của nhân dân ta qua các giai đoạn đất nước bị các thế lực bên ngoài xâm lược: Hơn 1000 năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ, tiếp sau đó là những cuộc chiến tranh xâm lược quân Nguyên Mông, rồi đến hai quốc gia hùng mạnh nhất là thực dân Pháp và đế quốc Mĩ đều tham vọng xâm chiếm đất nước ta. Và kết quả ra sao? Cuộc chiến thắng lừng lẫy trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền, quân đội nhà Trần hùng mạnh đã ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông và rồi một chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu đã buộc thực dân Pháp phải kí hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Và cả trận "Điện Biên Phủ trên không", Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới bắn rơi được máy bay B52 mà không chỉ có một mà là sáu mươi tám chiếc cùng bao nhiêu chiếc máy bay khác của Mỹ đã bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội, đây chính là tiền đề để Mĩ kí hiệp định Paris.
Tất cả những chiến công đó đều bắt nguồn từ lòng yêu nước, một tình yêu mãnh liệt mà sâu sắc. Một dân tộc tuy nghèo nhưng mỗi người dân của dân tộc đó đều sẵn sàng hi sinh bản thân mình, từ tài sản, tình thân và ngay cả chính bản thân mình đều có thể dâng hiến cho đất nước. Đó là lí do tại sao quân xâm lược dù sớm hay muộn đều thất bại trong mọi kế hoạch xâm chiếm Việt Nam. Giờ đây khi không còn chiến tranh, lòng yêu nước vẫn được người dân thể hiện thông qua việc cố gắng học tập, làm việc, góp phần phát triển xã hội vững chắc, phồn thịnh, sánh ngang với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Không chỉ bằng hành động thiết thực đã được lịch sử ghi chép lại, mà ngay cả trong từng bài học trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đều ẩn sâu trong đó tình yêu quê hương đất nước. Ngay từ thuở nhỏ, trong những lời dạy của thầy cô, trong những lời ru của bà, của mẹ, ta đã được nhắc nhớ lòng yêu nước là sự gắn liền với nơi chôn rau cắt rốn của mỗi chúng ta.
"Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học...
Quê hương là con diều biếc..
Quê hương là con đò nhỏ...
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người"
(Quê hương_ Đỗ Trung Quân)
Và đất nước còn hòa chung với tình yêu đôi lứa
"Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn"
(Đất nước_ Nguyễn Khoa Điềm)
Tình yêu nước là như vậy đó. Đôi lúc rất bình dị, giản đơn nhưng nhiều khi nó "kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ và to lớn". Chẳng phải nói gì nhiều bởi trong con tim mỗi chúng ta đều chung một nhịp đập, đều tự hào mỗi khi nhắc đến hai tiếng "Việt Nam", đều khát khao cống hiến khi nghe giai điệu hào hùng của bài "Tiến quân ca" và đôi mắt đều nhỏ lệ khi nhớ về những anh hùng đã ngã xuống cho độc lập tự do cho dân tộc.
Nói đến lòng yêu nước, ta thường nghĩ đến điều gì đó thật lớn lao, chúng ta phải là một vĩ nhân hay đơn giản phải làm những việc lớn lao phi thường. Thế nhưng, lòng yêu nước lại bắt nguồn từ tình yêu gia đình, yêu quê hương, từ những gì bình dị, thân thuộc xung quanh ta. Đôi khi chỉ là những việc làm rất nhỏ như giữ gìn môi trường sống, sống có trách nhiệm với chính bản thân mình với cộng đồng và xã hội hay đơn giản, biết sống giúp đỡ người khác là chúng ta cũng đang thể hiện lòng yêu nước của chính bản thân mình.
Vậy tại sao phải có lòng yêu nước? Đó là bởi lòng yêu nước giúp chúng ta sống có mục tiêu, biết trân trọng những gì mình đang có giống như anh thanh niên trong "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long vậy. Anh "một mình sống trên đỉnh Yên Sơn cao hơn hai ngàn sáu trăm mét, quanh năm suốt tháng, giữa cỏ cây và mây núi Sa Pa" để "làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu". Anh đã hi sinh thanh xuân của mình để sống có ý nghĩa với suy nghĩ cống hiến cho khoa học, cho đất nước. Đó là một cuộc sống có lí tưởng và mục tiêu phấn đấu. Lòng yêu nước còn giúp chúng ta gắn kết nhau hơn, yêu thương và đùm bọc nhau nhiều hơn nữa. Trong trận chung kết U23 Châu Á, hàng triệu người dân Việt Nam đều hướng về sân vận động Thường Châu, Trung Quốc để cổ vũ đội tuyển, rồi vỡ òa cảm xúc mỗi khi nhận tin chiến thắng. Đó chính là tình yêu, lòng tự hào dân tộc đã gắn kết những người tưởng chừng xa lạ nhưng cùng chung một giống nòi con cháu Lạc Hồng. Tình yêu nước quả thật là kì diệu!
Yêu nước cũng là biết tự hào dân tộc và đó là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nhưng thể hiện nó như thể nào đôi khi mỗi người chúng ta cần phải biết nhận thức rõ và học tập một cách đúng đắn. Trong năm 2013, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Đảng và Chính Phủ đã lên án hành động đó và cả nhân dân ta cũng vậy bởi ai cũng biết việc làm đó đã vi phạm hiệp ước quốc tế về luật Biến, xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Nhưng lại có một vụ việc thật đáng tiếc khi người dân chúng ta lại đem sự phẫn nộ đó để đập tan những nhà máy sản xuất của Trung Quốc và đánh bị thương công nhân Trung Quốc. Hỏi rằng hành động đó có phải là lòng yêu nước chân chính hay do sự thiếu hiểu biết và các phần tử phản động kích động? Hỏi rằng nếu chúng ta đánh phá như vậy, liệu Trung Quốc có rút giàn khoan Hải Dương? Có trả lại cho chúng ta quần đảo Hoàng Sa hay ngược lại, chính chính phủ phải bồi thường thiệt hại cho các doanh nghiệp Trung Quốc và người dân Việt Nam làm việc tại những công ty này cũng không còn việc làm? Vậy đó là lòng yêu nước sao? Chúng ta ai cũng có lòng yêu nước nhưng cần tỉnh táo bình tĩnh, biết cách thể hiện nó sao cho văn minh và hữu ích.
Bản thân là một học sinh, là chủ nhân tương lai của đất nước. Em được tiếp xúc rất nhiều nguồn thông tin trên các trang báo điện tử, mạng xã hội và cũng tự nhận thức rằng: Phải biết chọn lọc những thông tin và cần dùng lí trí để nhận thức và đánh giá những sự việc đó. Không nên nghe theo những lời kích động của phần tử xấu mà chống đối Chính phủ.
Lòng yêu nước luôn là thứ tình cảm thiêng liêng, cần có trong mỗi chúng ta nhưng hãy yêu nước một cách sáng suốt và bắt đầu bằng những hành động cho dù nhỏ bé nhất: Yêu gia đình, yêu quê hương, đoàn kết, yêu quý, tôn trọng lẫn nhau, ra sức học tập và rèn luyện đạo đức,... Và tôi tin chắc rằng mỗi chúng ta, mỗi người dân Việt Nam đều đã và đang thể hiện tình cảm của mình đối với quốc gia dân tộc. Hãy thể hiện điều đó một cách đúng đắn nhất!