25/05/2018, 14:35

Ngành Sá sùng

(danh pháp khoa học: Sipuncula hay Sipunculida), là một ngành chứa khoảng 144-350 loài (các ước tính theo các nguồn khác nhau) động vật biển đối xứng hai bên, không phân đốt. Món ăn mà người Trung Quốc gọi là thổ duẩn đống (土笋冻) là đặc sản tại khu vực Hạ ...

(danh pháp khoa học: Sipuncula hay Sipunculida), là một ngành chứa khoảng 144-350 loài (các ước tính theo các nguồn khác nhau) động vật biển đối xứng hai bên, không phân đốt. Món ăn mà người Trung Quốc gọi là thổ duẩn đống (土笋冻) là đặc sản tại khu vực Hạ Môn tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.

Các tên gọi phổ biến cho các loài trong ngành này là sá sùng, sa sùng, sâu đất, đồn đột, chặt khoai, hay địa sâm tại miền Nam [1][2].

Lớp Sipunculidea

Bộ Sipunculiformes

Họ Sipunculidae

Bộ Golfingiiformes

Họ Golfingiidae

Họ Phascolionidae

Họ Themistidae

Lớp Phascolosomatidea

Bộ Phascolosomatiformes

Họ Phascolosomatidae

Bộ Aspidosiphoniformes

Họ Aspidosiphonidae

Các loài trong ngành Sá sùng là tương đối phổ biến và sống trong các vùng nước nông, hoặc là trong các hang hốc hoặc là trong các mai vỏ động vật đã bị vứt bỏ giống như các loài tôm ở nhờ vẫn làm. Một số đào hang hốc vào trong các lớp đá để làm nơi trú ẩn. Mặc dù thông thường các loài sá sùng không dài quá 10 cm nhưng một số loài có thể dài gấp vài lần chiều dài thông thường này.

Bề ngoài, các loài sá sùng trông giống như giun. Phần đáng chú ý và dễ nhận thấy nhất của sá sùng là miệng của chúng, được bao quanh bằng 18 - 24 tua cảm, tất cả đều có thể lộn vào trong cơ thể. Các loài sá sùng không phân đốt hay không có ngăn vách. Cơ thể chúng bao gồm một phần có thể lồng tụt vào trong gọi là vòi và thân, phần vòi có thể co vào bên trong thân. Đường tiêu hóa của sá sùng nối liền phần miệng với phần hậu của cơ thể, trước khi xoắn vặn ngược lại và kết thúc tại hậu môn trên phần lưng của cơ thể gần gốc vòi. Thông thường hậu môn sẽ không thể nhìn thấy khi phần vòi bị co vào trong phần thân. Một vài đơn vị phân loại của sá sùng còn chiếm hữu một tấm vôi hóa gọi là tấm hậu môn. Các loài sá sùng có thể khoang. Tuy nhiên, chúng không có hệ tuần hoàn dạng mạch máu. Thay vì thế, chất lỏng kẽ vận chuyển ôxy và các chất dinh dưỡng đi trong cơ thể. Một khoang tách biệt chứa đầy các tua cảm rỗng; nó chuyển dịch ôxy từ các tua cảm tới thể khoang. Thành cơ thể khỏe và có cơ; khi bị đe dọa, sá sùng có thể co cơ thể chúng lại thành khối trông giống như củ lạc. Hệ thần kinh phát triển yếu, gồm hạch não, vòng hầu và dây thần kinh bụng. Giác quan chỉ có vành tiêm mao quanh miệng. Hô hấp tiến hành trên khắp bề mặt cơ thể.

Sinh sản vô tính và hữu tính đều có thể tìm thấy ở sá sùng, mặc dù sinh sản vô tính là không phổ biến. Sá sùng sinh sản vô tính thông qua phân đôi theo chiều ngang và tiếp theo là tái sinh các bộ phận cơ thể thiết yếu.

Đối với sinh sản hữu tính, sá sùng là đơn tính khác gốc (phân tính). Các giao tử của chúng được sinh ra trong lớp lót thể khoang và chúng sẽ được giải phóng vào thể khoang để thuần thục. Các giao tử này sau đó được đưa vào hệ bài tiết (gọi là nguyên thận quản hay hậu đơn thận) để giải phóng vào môi trường nước. Trứng sá sùng phân cắt xoắn ốc và xác định. Thụ tinh ở sá sùng diễn ra ngoài cơ thể. Khi các giao tử đực và cái đã thuần thục gặp nhau, chúng hợp lại để tạo thành ấu trùng. Ấu trùng rất giống ấu trùng trochophore của giun đốt, có 2 lá giữa xếp đối xứng 2 bên, mỗi lá giữa sau đấy hình thành 3 - 4 túi thể xoang và các túi thể xoang sau đó mới tập trung thành túi đôi thể xoang và cuối cùng là túi thể xoang chung. Ấu trùng bơi tự do (trochophore) này sẽ phát triển thành ấu trùng pelagosphera và sau đó thành sá sùng non và cuối cùng là sá sùng trưởng thành.

Vị trí phát sinh loài của ngành này hiện còn gây tranh cãi. Ban đầu nó được phân loại như là một nhóm có quan hệ gần với ngành Giun đốt (Annelida), mặc dù chúng hoàn toàn không có sự phân đốt, các gai cứng và các đặc trưng khác của giun đốt, sau đó ngành Sá sùng lại được cho là có quan hệ gần gũi với ngành động vật thân mềm (Mollusca), chủ yếu dựa trên các đặc trưng phát triển và ấu trùng. Hiện nay, cả hai ngành này nói chung được gộp trong một nhóm lớn hơn gọi là Lophotrochozoa, trong đó cũng bao gồm cả Annelida, Nemertea và 4 ngành khác.

Hóa thạch của sá sùng là rất hiếm do bản chất thân mềm của chúng. Tuy nhiên, một số nhà khoa học lại cho rằng các hyolith, với vỏ hình nón có vảy từ đại Cổ sinh có thể có liên quan tới sá sùng, với dấu tích duy nhất còn lại của vỏ ở các dạng hiện còn là tấm hậu môn.

Ngay cả khi loại bỏ Hyolitha, thì các các hóa thạch của sá sùng cũng tồn tại từ kỷ Cambri. Các hóa thạch của các chi Archaeogolfingia và Cambrosipunculus từ Trung Quốc là không khác biệt đáng kể so với các thành viên của lớp Sipunculidea còn sinh tồn ngày nay[3].

Ở vùng biển Việt Nam hiện đã biết 21 loài của ngành Sá sùng. Thường gặp là các chi Phascolosoma, Sipunculus và Siphonosoma ở vùng thủy triều và dưới triều. Trong vùng đá san hô thường gặp các loài trong chi Aspidosophon, Cloeosophon và Lithacrosiphon, trong đó loài Aspidosiphon steenstrupii là loài phá hoại rạn san hô. Một số loài được dùng làm thực phẩm như sâu đất Phascolosoma arcuatum có mật độ cao trong bùn ở vùng ngập mặn và sá sùng Sipunculus nudus sống ở vùng triều, dưới triều trong nền đáy.

0