18/06/2018, 11:42

Năm 938 (Mậu Tuất): Ngô Quyền khởi nghĩa đánh bại quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng

Tháng 4-937, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn, hào trưởng đất Phong Châu giết chết để đoạt chức Tiết độ sứ. Ngô Quyền, vừa là bộ tướng, vừa là con rể của Dương Đình Nghệ tiến quân ra Bắc để trừ kẻ phản bội. Trước sự phẫn nộ của nhân dân, Kiếu Công Tiễn nhanh chóng cầu cứu vua Nam Hán. Nắm ...

Image

Tháng 4-937, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn, hào trưởng đất Phong Châu giết chết để đoạt chức Tiết độ sứ. Ngô Quyền, vừa là bộ tướng, vừa là con rể của Dương Đình Nghệ tiến quân ra Bắc để trừ kẻ phản bội. Trước sự phẫn nộ của nhân dân, Kiếu Công Tiễn nhanh chóng cầu cứu vua Nam Hán. Nắm lấy cơ hội, vua Nam Hán dù được triều thần can ngăn nhưng vẫn quyết tâm chiếm nước ta cho bằng được.

Vua Nam Hán đã phong cho con hai là Vạn vương Hoằng Tháo chức Tĩnh hải quân tiết độ sứ, thống lĩnh thủy quân 'vượt biển sang nước ta với danh nghĩa giúp Kiều Công Tiễn đánh Ngô Quyền. Bản thân nhà vua đem quân đến đóng ở trấn Hải Môn, tỉnh Quảng Tây, sát với biên giới nước ta để kịp thời tiếp viện.

Khi quân Nam Hán còn chưa đến nước ta, Ngô Quyền cùng đội quân của mình đã tiến ra Bắc tiêu diệt Kiều Công Tiễn tại thành Đại La. Trừ xong họa trong nước, Ngô Quyền cùng toàn dân chuẩn bị đánh giặc ngoại xâm. ông nhận định: “|Hoằng Tháo  là một đứa trẻ dại, đem quân từ xa đến, quân lính mỏi mệt lại nghe được tin Công Tiễn đã bị giết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta sức còn mạnh, địch với quân mỏi mệt,  tất phá được".

Thần tích và truyền thuyết dân gian các làng Nam Hải, Đằng Hải đều nói rõ: từ Bình Kiều, Hạ Đoạn tới Lương Khê (thuộc An Hải, Hải Phòng) là khu vực đóng quân của Ngô Quyền. Đại bản doanh của Ngô Quyền đóng tại thôn Lương Xâm-, Gia Viễn (cũng thuộc An Hải). Trước mưu đồ xâm lược trở lại của phong kiến phương Bắc, ngọn cờ cứu nước của Ngô Quyền trở thành ngọn cờ đoàn kết cả dân tộc. Đội quân của Ngô Quyền từ một đội binh ở Ái Châu nhanh chóng trở thành đội binh dân tộc. Truyền thuyết dân gian còn ghi chuyện 38 chàng trai làng Gia Viễn (An Hải) do Nguyên Tất Tố và Đào Nhuận dẫn đầu đã tự vũ trang xin theo Ngô Quyền phá giặc. Trai tráng các làng Lâm Động (Thủy Nguyên, Hải Phòng), Đằng Châu (Kim Động, Hải Hưng) người mang vũ khí, kẻ mang chiến thuyền tìm đến cửa quân xin diệt giặc.

Quân đội chủ lực của Ngô Quyền chiến đấu trong sự phối hợp với các đội dân binh và sự tham gia phục vụ chiến đấu của toàn dân.

Vùng cửa sông và vùng hạ lưu sông Bạch Đằng được Ngô Quyền chọn làm chiến trường quyết chiến. Sông Bạch Đằng có tên nôm là sông Rừng. Dân gian ở đây đã có câu ca dao:

Con ơi nhớ lấy lời cha

Gió to sóng cả động qua sông Rừng

Sông Rừng thường có sóng bạc đầu nên mới có tên gọi Bạch Đằng giang. Bạch Đằng là cửa ngõ phía Đông Bắc và là đường giao thông quan trọng từ biển Đông vào nội địa nước ta. Cửa biển Bạch Đằng to rộng, rút nước từ đồng bằng Bắc Bộ đổ ra Vịnh Hạ Long. Từ cứa biển ngược lên gần 20km là đến cửa sông Chanh. Phía hữu ngạn có dãy núi đá vôi Tràng Kênh với nhiều hang động, sông lạch và thung lũng. Hạ lưu sông Bạch Đằng chịu ảnh hưởng của thủy triều khá mạ n h . Lúc triều dâng, nước trải đôi bờ đến vài kilômét. Lòng sông vừa rộng, vừa sâu từ 8-18m. Khi triều xuống, vào độ nước cường, nước rút đến hơn 30cm trong một giờ, ào ào xuôi ra biển, mực nước chênh lệch khi cao nhất và thấp nhất cũng trên 3m. Với chế độ nhật triều, thời gian từ lúc nước triều lên cho đến lúc xuống thấp nhất chỉ trong vòng một ngày.

Ngô Quyền đã huy động quân dân vào rừng đẵn gỗ, vót nhọn, bịt sắt rồi đóng xuống dòng sông, bãi cọc tạo thành bãi chướng ngại ở hai bên cửa sông. Khi nước triều lên, cả bãi cọc ngập chìm dưới nước nhằm chặn đường rút của thủy quân địch. Cả một đoàn binh thuyền cửa Hoằng Tháo vượt biển tiến vào sông Bạch Đằng. Ngô Quyền cho quân thủy dùng thuyền nhẹ đón đánh địch từ xa, quân ta giả thua rút chạy. Hoằng Tháo cho quân đuổi theo, vượt qua bãi cọc, tiến sâu vào thế trận quân ta đã dàn sẵn. Khi thủy triều xuống, quân ta bất ngờ tiến công mãnh liệt Quân địch bị chặn bởi bãi cọc, không rút chạy được bị. Quân giặc phần bị giết, phần bị chết đuối, thiệt hại đến quá nửa. Hoằng Tháo đã bỏ mạng theo Kiều Công Tiễn, đội quân xâm lược hoàn toàn tan rã. Vua Nam Hán đang điều quân sang tiếp viện cho con nhưng nửa đường nghe tin Hoằng Tháo chết trận quá đau xót, y thu nhặt tàn quân rút chạy. Ý chí xâm lược của nhà Nam Hán bị đè bẹp.

Vua Nam Hán đã mắc phải sai lầm vô cùng lớn cũng chi vì lòng tham không đáy. Nuôi mộng bành trướng, chiếm lĩnh nước ta, chúng không biết suy xét thực tế rằng Kiều Công Tiễn là một kẻ "vô luân, bất nhân", nhẫn tâm giết hại chủ tướng là "bất nghĩa", hại cha nuôi của mình là "bất hiếu', lại đang tâm bán nước là "bất trung"; chính vì thế y không được lòng bộ tướng, binh sĩ cũng như lòng dân, cả nước lên án kẻ tội đồ; vậy thì làm sao có khả năng "giúp sức" cho quân xâm lược tiến vào lãnh thổ. Cái chết của Kiều Công Tiễn, Hoằng Tháo, sự thua trận của quân Nam Hán là tất yếu !

Image 

Lược đồ trận đánh trên sông Bạch Đằng

Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đã đánh dấu sụ chấm dứt thời kỳ đô hộ cửa phong kiến phương Bắc, đưa nước ta bước vào một thời kỳ mới - thời kỳ độc lập lâu dài.

Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đã mở ra một thời kỳ  mới trong lịch sử dân tộc, thời kỳ phát triển của quốc gia  phong kiến độc lập và lớn lên nhanh chóng của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng đó đã đánh bại mưu đồ xâm lược của nhà Nam Hán, khẳng định sự tồn tại vững chắc của đất nước và nâng cao thêm ý thức làm chủ của dân tộc. Trên cơ sở thắng lợi quân sự oanh liệt đó, Ngô Quyền - người anh hùng của cuộc kháng chiến chống xâm lược đã tiến một bước lớn trên con đường củng cố nền độc lập dân tộc.

Mùa xuân năm 939, Ngô Quyền quyết định bỏ chức Tiết độ sứ của phong kiến phương Bắc và tự xưng Vương, đưa Dương Thị (cọn gái Dương Đình Nghệ) làm hoàng hậu, lập thành một vương quốc độc lập đàng hoàng. Thành Cổ Loa là kinh đô cũ của nước âu Lạc thời An Dương Vương được Ngô Quyền chọn làm kinh đô của vương quốc độc lập thế kỷ X. Đó là một việc làm có ý nghĩa nêu cao truyền thống dựng nước và giữ nước lâu đời của dân tộc, biểu thị ý chí quyết giữ vững nền độc lập vừa giành lại được sau hơn mười thế kỷ, đấu tranh bền bỉ chống xâm lược và đô hộ của phong kiến nước ngoài.

Tại đây, Ngô Quyền đã xây dựng cả một triều đình riêng với đầy đủ các ban văn, võ và chế định triều nghi phẩm phục. Triều đình cua Ngô Quyền được xây dựng theo thể chế cửa một vương triều phong kiến hoàn toàn độc lập. Bộ máy chính quyền đó đã mang tính chất tập quyền.

Sự kiện Ngô Quyền xưng Vương lập ra nhà Ngô đã đánh dấu sự chấm dứt thời kỳ đô hộ của phong kiến phương Bắc, đập tan mưu đồ ngông cuồng chiếm lĩnh An Nam của chúng, đưa nước ta vào một thời kỳ mới - thời kỳ độc lập lâu dài, bứt ra khỏi sự đô hộ của ngoại bang.

 Lịch sử đã ghi nhận: Ngô Quyền là vị vua đã khai tử thời đại Bắc thuộc kéo dài hơn 1.000 năm (từ năm 111 TCN đến năm 938, trừ ba năm 40-42 nước ta được độc lập dưới triều Trưng Vương), là người có công tái tạo, đã khai sinh ra thời đại tự chủ của dân tộc Việt với các triều đại Ngô - Đinh - Tiền Lê - Lý - Trần - Hồ - Hậu Trần - Hậu Lê - Trịnh - Nguyễn - Tây Sơn...

Ngô Quyền được coi là vị vua đứng đầu các vua của nước ta (theo quan điểm của Đại Việt sử ký toàn thư). Chiến thắng Bạch Đằng đã thể hiện tài năng quân sự và ý chí quyết thắng của người anh hùng dân tộc Ngô Quyền; đồng thời cũng là thành quả của cuộc kháng chiến anh dũng và đầy sáng tạo của nhân dân ta sau hơn 30 năm làm chủ đất nước Thắng lợi ấy nói lên sự lớn mạnh của nhân dân ta về trí tuệ và khả năng đánh bại kẻ địch không những chỉ bằng du kích mà cả bằng chính quy, không những chỉ ở trên bộ mà cả bằng thủy chiến. Chiến thắng Bạch Đằng là một ví dụ điển hình về tinh thần mưu trí và có tính toán một cách chính xác trong nghệ thuật chiến dịch của lịch sử chiến đấu chống ngoại xâm của dân tộc ta. Nó đã khẳng định quyền làm chủ của nhân dân ta trên vùng đất của tổ tiên thời Văn Lang - Âu Lạc và tạo thêm một niềm tin, một niềm tự hào sâu sắc lên bước đường xây dựng đất nước độc lập, tự chủ sau này.

Nhà sử học Ngô Thì Sĩ (thế kỷ XVIII) đã đánh giá đúng vị trí và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Bạch Đằng khi viết: "Trận thắng lợi trên sông Bạch Đằng và cơ sở sau này cho việc phục lại Quốc thống. Những chiến công các đời Đinh, Lê, Lý, Trần vẫn còn nhờ vào cái uy lẫm liệt để lại ấy." "Trận Bạch Đằng này là vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu, há phải chỉ lừng lẫy ở một thời bấy giờ mà thôi đâu” (Ngô Thì Sĩ, Việt sử tiêu án).

Chiến thắng oanh liệt của quân dân ta dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng đã kết thúc hoàn toàn thời kỳ mất nước kéo dài hơn nghìn năm, dân tộc ta đã giành lại được quyền làm chủ đất nước. Một thời kỳ độc lập lâu dài của dân tộc bắt đầu.

Hiện nay, không những ở Đường Lâm (huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây), quê hương của Ngô Quyền mà tại thành phố Hải Phòng (bên cạnh dòng sông Bạch Đằng lịch sử) cũng có những ngôi đền và đình nhờ Ngô Quyền. Ngôi đình tráng lệ được người trong nước và khách quốc tế đặc biệt ngưỡng mộ là Đình Hàng Kênh (xây dựng năm 1718) trong đó còn đôi câu đối lớn với dòng chữ Nho:

Vương nghiệp khởi Loa Thành, trường biên thanh sử;

Chiến công lưu Đằng thủy, cộng mộc hồng ân.

 Nghĩa là:

                          Vương nghiệp bắt đầu từ Loa Thành, con ghi chép dài lâu trong sử xanh;

                              Chiến công lưu lại trên sông Đằng, (trong đó) có ân phúc của loài cây.

 

Nguồn: Hỏi đáp lịch sử Việt Nam – Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn.

0