18/06/2018, 11:41

905 – 906 :Khởi nghĩa Khúc Thừa Dụ thắng lợi, giành quyền tự chủ cho dân tộc.

Triều đại nhà Đường sắp sụp đổ, Trung Quốc rơi vào thời kỳ đại loạn sử cũ gọi là thời kỳ Ngũ đại Thập quốc (5 đời 10 nước) (*). Việc cai trị ở An Nam trở nên lỏng lẻo. Năm này, có lệnh bãi chức Tiết độ sứ Chu Toàn Dục vì sự bất lực của y. Độc Cô Tổn, trọng thần của hoàng đế Chiêu Tông nhà Đường cử ...

Triều đại nhà Đường sắp sụp đổ, Trung Quốc rơi vào thời kỳ đại loạn sử cũ gọi là thời kỳ Ngũ đại Thập quốc (5 đời 10 nước) (*). Việc cai trị ở An Nam trở nên lỏng lẻo. Năm này, có lệnh bãi chức Tiết độ sứ Chu Toàn Dục vì sự bất lực của y. Độc Cô Tổn, trọng thần của hoàng đế Chiêu Tông nhà Đường cử sang An Nam thay Chu Toàn Dục, là người nhiều tham vọng và gian tham nổi tiếng là “Ngục Thượng thư” (tên Thượng thư độc ác).

Cuộc tranh giành phe phái trong hàng ngũ thống trị khiến Độc Cô Tổn bị biếm chức. Viên Tiết độ sứ cuối cùng của nhà Đường phải bỏ trốn ra đảo Hải Nam và bỏ mạng ở đấy.

Nhân cơ hội ở An Nam không có viên quan cai trị vì nhà Đường đang trong cơn hấp hối, Khúc Thừa Dụ, một hào trưởng có thế lực lâu đời ở đất Hồng Châu (Ninh Giang, Hải Dương), đã nhanh chóng đứng ra lãnh đạo nhân dân nổi lên đánh đuổi bọn đô hộ nhà Đường, chiếm thành Đại La, dựng quyền tự chủ cho đất nước. Khúc Thừa Dụ cũng tự xưng là Tiết độ sứ.

Ngày 11 tháng giêng (tức 7/2/906), trước hành động quyết liệt của nhân dân Giao Châu, nhà Đường buộc phải phong chức “Đồng bình chương sự” cho Tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ, thừa nhận người Việt cai quản đất Việt.

Chú thích:

(*) 5 triều đại là: Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn và Hậu Chu nối tiếp nhau từ 907 đến 960. 10 nước gồm: Tiền Thục, Hậu Thục, Ngô, Nam Đường, Ngô, Việt, Mân, Sở, Kinh, Nam, Bắc Hán và Nam Hán.

Nguồn: Đỗ Đức Hùng, Nguyễn Đức Nhuệ, Trần Thị Vinh, Trương Thị Yến 2001, Việt Nam những sự kiện lịch sử (từ khởi thủy đến 1858), Hà Nội, Giáo Dục, Tr. 47-48.

0