Mụ Lường

Ngày xưa, có hai vợ chồng một người phú thương trẻ tuổi. Chồng thường rong buồm chạy khắp trong Nam ngoài Bắc và các nước xa xôi, chuyên bán hàng đi và cất hàng về. Một ngày kia, thuyền đã chứa đầy hàng, chồng từ giã vợ ra đi. Chàng chưa từng đến Hạ-châu bao giờ nhưng vốn nghe xứ này buôn bán dễ ...

Ngày xưa, có hai vợ chồng một người phú thương trẻ tuổi. Chồng thường rong buồm chạy khắp trong Nam ngoài Bắc và các nước xa xôi, chuyên bán hàng đi và cất hàng về.

Một ngày kia, thuyền đã chứa đầy hàng, chồng từ giã vợ ra đi. Chàng chưa từng đến Hạ-châu bao giờ nhưng vốn nghe xứ này buôn bán dễ dàng, có thể phất to, nên quyết định đi thử một chuyến.

Thuyền đi ra biển suốt năm ngày đêm mới tới thị trấn này. Chàng bảo thủy thủ bỏ neo ở một bến tấp nập nhất, rồi lên bộ tìm nơi nghỉ trọ và tìm mối bán hàng. Nhưng vừa lên bờ, đã thấy một ngôi lầu đồ sộ trên bến. Đang đứng ngẩn ra nhìn thì bỗng cửa lầu mở toang. Chủ nhân là một người đàn bà sang trọng bước ra vái chào rất cung kính và cất tiếng nói dịu ngọt mời mọc: – “Chúng tôi nghe nói ngài có một thuyền hàng mới cập bến. Chúng tôi mong muốn làm quen và được giao thiệp lâu dài. Nếu không chê tệ xá nhỏ hẹp, xin mời lên nghỉ ngơi trong những ngày thuyền đỗ tại đây”.

Đang khi chưa biết nên trả lời thế nào thì đã thấy kẻ hầu hạ của chủ nhân, nam có nữ có, người nào cũng ăn mặc lịch sự ra đón. Phú thương bụng bảo dạ: – “Ta mới đến chân ướt chân ráo chưa hiểu thế nào cả, nhưng trông cung cách người này có vẻ tốt bụng. Biết đâu chả là sự may mắn cho ta trong chuyến đi này”.

Nghĩ vậy, chàng vui vẻ nhận lời và cố sức làm cho chủ nhân biết mình không phải là kẻ ngờ nghệch. Lập tức, bọn người hầu không cần chờ lệnh chủ, tỏa ra dọn dẹp lăng xăng khắp nơi. Họ làm cho phú thương và một số gia nhân của mình rất đẹp lòng,vì chưa bao giờ được tiếp đãi nồng hậu đến thế. Chủ dẫn khách đi thăm nhà. Các phòng bày biện nói lên sự giàu có quá sức: những cây đèn bằng vàng, những độc bình cổ, những đồ dùng quý giá. Phú thương sờ tay vào một con rùa vàng bày trên một chiếc bàn. Nhân thể, chủ nhân liền giới thiệu kỹ món gia bảo đặc sắc đó của tiền nhân mình.

Đêm hôm ấy, một tiệc lớn bày ra, chủ nhân ăn mặc rất mỹ lệ, chuốc chén mời mọi người. Xong tiệc, họ được mời đi nghỉ ở một buồng có những chiếc giường rất xinh xắn. Không thấy có điều gì đáng ngờ, phú thương và kẻ tùy tùng nằm xuống đánh một giấc ngủ rất ngon lành.

Sáng hôm sau, khi mọi người trở dậy, sự mời mọc lại càng niềm nở. Lại những mâm thức ăn ngon lành bưng ra với những câu mời quyến rũ làm cho phú thương không thể từ chối được.

Thế nhưng, khi phú thương cáo từ trở ra, vừa bước về thuyền thì bỗng thấy cả nhà chủ nhân đổ xô tới: – “Thưa các ngài, nhà chúng tôi vừa mất con rùa vàng mà các ngài đã biết. Vậy có vị nào cầm nhầm hãy cho xin lại”.

Mọi người tưởng như nghe tiếng sét. Song phú thương biết tính nết mấy người tùy tùng của mình vốn chả bao giờ ăn cắp trộm gì của ai, nên rất vững tâm. Chàng có ngờ đâu người đàn bà kia chính là con mụ lường gạt nổi tiếng. Hắn có một đám thủ hạ rất đông, chuyên cướp của bằng cách bẫy người vào tròng một cách bất ngờ và êm thấm. Mỗi lần làm, hắn làm những món rất to, và thường nhằm vào những khách giàu sang, nhất là những khách nước ngoài mới tới. Ngón độc của hắn đã từng khiến nhiều kẻ mất đứt cả của lẫn người vào tay hắn, nên của cải của hắn chứa chất không biết bao nhiêu mà kể.

Hôm đó mụ Lường – tên người ta thường gán cho mụ – thấy có một thuyền buôn mới tới với đầy ắp những hàng, mà trông chủ nhân lại chẳng ra vẻ là tay thạo đời. Cho nên mụ quyết cho anh chàng vào tròng. Trong khi phú thương và tùy tùng ăn nghỉ ở nhà mụ, mụ đã sai một số thủ hạ xuống thuyền giả cách xin xem hàng. Chúng mang con rùa vàng theo và lén bỏ vào trong một tấm đoạn.

Thấy mọi người trở mặt vu cho mình ăn cắp và đòi khám thuyền, phú thương nóng mặt, nhất định không cho. Khám thuyền thì phải dỡ hàng mà dỡ hàng là một điều rất phiền và tối kỵ khi chưa bán được một tý gì. Cho nên chàng cũng lý sự:

– Thưa bà, trừ phi có quan chức đến đây, chúng tôi không thể để cho một ai xuống thuyền được.

vội cho người đi trình quan. Khi bọn quan và lính ở thị trấn đến, mụ trình bày việc mất trộm, đổ riệt cho người nhà phú thương lấy mang đi, và nhất định xin khám thuyền. Phú thương bày tỏ sự thẳng thắn của mình và gia nhân mình, rồi nói:

– Nếu khám không có thì bà tính sao đây?

– Tôi xin “cược” cái nhà lầu và mọi vật ở trong đó. Còn quả có rùa ở trong thuyền ngài thì làm sao?

Phú thương nóng nảy tiếp theo lời mụ:

– Nếu có, tôi cũng xin mất cả thuyền hàng lẫn người ở đây cho bà.

Hai bên lập tức làm giấy ký kết trước mặt quan. Cuộc khám xét bắt đâu. Chỉ một chốc sau, bọn lính đã lôi được con rùa vàng từ trong tấm đoạn ra. Phú thương và gia nhân đờ đẫn cả người. Không còn đường chối cãi, họ đành phải làm theo lời đã ký kết. Thế là cả một thuyền hàng trị giá đến cả vài trăm vạn quan đều về tay mụ Lường. Phú thương, bọn tùy tùng và thủy thủ đều bị sung làm nô. Theo như luật pháp Hạ-châu quy định, họ phải làm khổ dịch cho chủ nếu không bị bán và nhất thiết không được rời khỏi nơi làm việc.

Từ hôm đó, phú thương phải làm việc quần quật suốt ngày. Chàng bị cắt giữ việc chăn ngựa. Công việc mệt nhọc đó làm cho chàng rã rời tơi tả. Chàng chỉ buồn một nỗi là mụ Lường bắt mỗi người ở một phương không bao giờ được gặp nhau. Cứ như thế sau ba năm trời, chàng bặt tin của quê hương xứ sở. Nhưng chàng cũng dần hiểu rõ mưu mô gian xảo và tình hình trong nhà mụ Lường.

Một hôm đang cho ngựa ăn cỏ ở bến sông, chàng bỗng gặp một đạo sĩ ngồi bên vệ đường. Thấy trước mặt đạo sĩ có bày một quả bưởi, chàng lấy làm lạ, lại hỏi mua ăn. Đạo sĩ lắc đầu:

– Bưởi này không phải bán để ăn đâu.

– Thế thì dùng làm gì?

– Nó dùng để nhắn tin tức với bất cứ người nào trong thế gian.

Nghe nói thế, chàng nhớ đến người vợ yêu của mình sau ba năm đằng đẵng không một tin tức và chắc đã khóc kiệt nước mắt. Cho nên chàng xoắn xuýt:

– Ngăn sông cách núi, chẳng biết có dễ đưa đến nơi chăng?

Đạo sĩ đáp:

– Hãy viết một bức thư, dùng dao rạch một chỗ ở đằng cuống rồi nhét thư vào. Đưa ra trước bến này, khấn to tên và chỗ ở của người mà mình muốn nhắn, rồi vứt xuống nước và nói: “Bớ bưởi, hãy đi cho được việc!” tự khắc nó sẽ vượt sông vượt biển đến tận tay người đó, dù xa bao nhiêu cũng không thất lạc được.

Tuy không tin gì lắm nhưng chàng cũng mua lấy quả bưởi để cầu sự may rủi. Chàng viết một bức thư rất dài kể tất cả mọi việc xảy ra. Và khi nhìn thấy quả bưởi vượt sóng trôi về phương Bắc, lòng chàng mới thực tràn trề hy vọng.

Từ ngày người chồng thân yêu vượt vời thấm thoắt đã ba cái Tết mà không thấy trở về, vợ phú thương hết sức lo buồn. Cả đoàn người trên thuyền không hiểu sao cũng bặt không một tin tức. Có lẽ thuyền đã gặp bão, hoặc đã gặp bọn cướp biển và không một mạng nào sống sót. Nghĩ thế nên mọi nhà đã thiết bài vị và để tang. Và nàng đã rơi không biết bao nhiêu là giọt lệ. Dầu vậy, nàng vẫn không chịu tuyệt vọng, hàng ngày vẫn kiên nhẫn ra ngóng những cánh buồm ngoài xa tít.

Một hôm như lệ thường, nàng đang đứng trên bến, chợt trông thấy một quả bưởi trôi ngược dòng. Lấy làm lạ, nàng vội chạy xuống bến đứng xem. Thì lạ sao, quả bưởi lại trôi ngay vào bến và lọt vào tay nàng.

Khi đọc những dòng chữ của chồng, nàng mừng rỡ xiết bao. Nàng rất đỗi căm giận trước mưu mô điên đảo của con mụ Lường, quyết chí sẽ đến tận nơi cứu chồng và trị cho con mụ một mẻ. Sáng hôm sau, nàng giao nhà cửa con cái cho cha mẹ và xin phép đi tìm chồng. Nàng mang theo một con thuyền đầy tơ lụa gấm vóc. Lần này, ngoài số gia nhân và thủy thủ nàng con mang theo một người thợ kim hoàn. Lại có hai con chuột nhắt nuôi trong một cái lồng nhỏ.

Thuyền lại rẽ sóng và tìm đến Hạ-châu, thả neo đúng vào nơi ba năm trước đây thuyền chồng nàng đã đỗ. thấy có thuyền hàng nước ngoài cập bến mà chủ nhân lại là đàn bà thì mừng quá, quyết làm một mẻ không ngần ngại gì nữa. Tấn tuồng cũ lập tức lại được diễn.

Cũng chào mời đon đả, tiệc tùng chơi nhời, chị chị em em rất thân mật. Cũng có những người lén đưa rùa vàng xuống thuyền định thực hành kể vu vạ. Nhưng lần này, người thợ kim hoàn đã có lệnh sẵn của chủ, nấp kín một nơi rình từng cử chỉ của chúng. Chờ cho chúng ra về, anh bèn trổ hết tài nghệ, thụt bễ một chốc, rùa vàng chảy ra nước và sau đó hóa thành những thoi vàng nén nằm gọn dưới đáy hòm. Cho nên, khi mụ Lường mời quan đến khám thì hắn rất kinh ngạc vì lục soát hết từ mũi chí lái đến mấy lần, vẫn không thấy tăm dạng “con rùa” đâu cả.

Biết là gặp phải tay kình địch “tương kế tựu kế”, mụ Lường đành nhận thua cuộc, nhưng liền đó lại nảy ra một mẹo khác. Mụ bảo vợ người phú thương:

– Chúng ta nhận rằng đã mất ngôi lầu này. Nhưng các ngươi phải đánh cuộc với ta một lần thứ hai. Các người có tin rằng ta có cách bắt hai con mèo đội đèn suốt đêm cho một canh bạc không?

Người vợ phú thương, qua thư chồng, đã biết chuyện hai con mèo đội đèn này rồi, song cũng làm bộ ngạc nhiên:

– Làm gì lại có mèo đội đèn được suốt đêm?

– Vậy thì – mụ Lường tiếp – các người có dám cược với ta: nếu ta sai khiến được hai con mèo đội đèn suốt một đêm thì ngôi lầu kia lại thuộc về chúng ta, nhược bằng không có con mèo đội được đèn, hoặc đang đội nửa chừng bỏ dở thì ta lại mất thêm một dinh cơ thứ hai cũng ở trong thị trấn này. Có dám không?

Vợ phú thương vui lòng nhận cuộc. Hai bên ký vào giấy và trình quan. Mọi người lại kéo nhau lên lầu nhà mụ Lường vừa đánh bài vừa luôn thể chứng kiến sự việc. Quả nhà mụ có hai con mèo rất khôn được luyện tập từ lâu, mỗi con có thể ngồi ưỡn người suốt đêm không cụ cựa, trên đầu đội một chiếc đèn thắp ba ngọn nến. Cuộc sát phạt bắt đầu và kéo dài tới canh một, canh hai. Hai con mèo vẫn đội đèn chưa tỏ dấu hiệu gì là mỏi mệt. Nhưng người vợ phú thương vẫn tỉnh táo. Trước lúc vào cuộc, nàng đã bỏ hai con chuột nhắt vào một cái túi vải. Thế rồi, đến bây giờ nàng mới kín đáo thả chuột ra. Hai con mèo thoáng thấy chuột thì nhảy tới vồ. Hai cây đèn đổ tung tóe giữa chiếu bạc. Thế là một lần nữa con mụ Lường lại cay đắng thua cuộc.

Nhưng mụ còn cố gỡ. Mụ lại đứng lên, nói:

– Chúng ta đang còn rất nhiều ruộng đất, trâu bò, voi ngựa. Chúng ta còn có rất nhiều thuyền buôn đang tung ra khắp mọi bến. Vậy nếu các người dám đánh cuộc với ta, ta sẽ trồng một cây đã chết khô, chỉ trong một đêm lại xanh trở lại. Nếu làm được như thế, các người phải trả lại tất cả lầu và dinh cơ của ta cho ta. Nếu không, ta sẽ mất với các người tất cả người cũng như mọi của cải. Có dám không?

Người vợ phú thương, cũng qua thư chồng, đã biết đấy là miếng đất màu nhiệm ở bên tả cây táo sau nhà. Và cũng ngay trong đêm đánh bài, nàng đã sai gia nhân bí mật lẻn tới đào đất ấy đổ đi một nơi rồi thay vào đó một lớp đất khác. Cho nên nàng nhận cược ngay. Phép lạ của mụ Lường vì thế lại mất linh nghiệm. Mụ tái mặt khi thấy qua một đêm, cây khô chẳng xanh lên một tí nào.

Thế là quan chứng nhận ba lần thất bại đều về phần mụ và mụ phải mất cả của lẫn người cho vợ phú thương. Nhờ thế phú thương và những người tùy tùng được trả tự do. Chồng có ngờ đâu có ngày được gặp lại vợ và có ngờ đâu lại giàu gấp mấy trước. Trong một chuyến trở mụ Lường và gia nhân của mụ về nước làm nô lệ, mụ nhảy xuống biển tự tử, vì nghĩ rằng mình không kham được công việc nặng nhọc. Đức Phật cho mụ hóa thành cá he. Người ta nói vì mụ xót của nên lúc nào cũng cứ ngoi lên lặn xuống mãi. Nòi giống cá he sau này vẫn mang thói quen đó.

0