Mưu ông cụ Si Ruộc

Ông cụ Si Ruộc có một chỗ đơm cá ở ngọn thác, đầu vực khe. Cả nhà ông chỉ nhờ vào số cá thu được đó để sinh sống qua ngày. Dạo ấy, ông cụ bị mất cá luôn. Mỗi sáng đi lấy cá ông phải chữa lại đập chắn nước và đặt lại hom lờ. Giận quá, một hôm ông cùng đứa cháu nội lẻn ra bờ khe rình bắt cho được ...

Ông cụ Si Ruộc có một chỗ đơm cá ở ngọn thác, đầu vực khe. Cả nhà ông chỉ nhờ vào số cá thu được đó để sinh sống qua ngày.

Dạo ấy, ông cụ bị mất cá luôn. Mỗi sáng đi lấy cá ông phải chữa lại đập chắn nước và đặt lại hom lờ. Giận quá, một hôm ông cùng đứa cháu nội lẻn ra bờ khe rình bắt cho được kẻ gian.

Con bìm bịp kêu trở canh hai ba lần, hai ông cháu đã đến ngồi thu mình sau tảng đá lớn cạnh chỗ đặt đó cá.

Đợi mãi, cái lưng đã mỏi, muốn nằm, thì cả hai ông cháu nghe có tiếng bước chân lội ào ào dưới khe. Nhìn kĩ về phía có tiềng động, hai ông cháu rùng mình khi thấy một con Chóc Cà Tực to hơn con trâu đực, tay vượn, đầu người đang dừng bước và lẻn đến ngồi tùm hum trên chỗ đơm cá.

Hai ông cháu sợ quá, nép sát mình vào thành đá. Con Chóc Cà Tực có bốn mắt. Khi nó cúi xuống bắt cá thì hai con mắt phía sau gáy nhìn thấy hai ông cháu. Vẫn ngồi hau háu, nó nói:

– À! Hai ông cháu mày ngồi làm gì đấy? Ăn hết cá, tao phải ăn nốt cả hai ông cháu mày mới đầy được bụng tao.

Con Chóc Cà Tực khoắng cánh tay lông lá, dài đêu vào hom lờ và vớt ra từng nắm cá to cho vào miệng. Vướng tay, nó xé toạc cả cái lờ để dễ nhặt cá.

Vừa sợ, ông cụ vừa xót ruột. Ngẫm nghĩ một lúc ông bèn lấy một hòn đá to gõ vào phiến đá trước mặt. Con Chóc Cà Tực ngẩng mặt lên, nhe những chiếc răng to như những lưỡi rìu, gầm ghè:

– Chúng mày làm gì đấy?

Ông già cố nén sợ, dõng dạc trả lời:

– Tôi đang nêm cán dao.

Ông già lại lấy hòn đá to ghè mạnh vào phiến đá trước mặt lần nữa. Con Chóc Cà Tực đang cúi xuống quờ tay khoắng cá, giật mình tỏ vẻ khó chịu, hỏi:

– Chúng mày làm gì, hở?

Ông già bình tĩnh nhô đầu lên phía sau phiến đá, trả lời:

– Tôi vẫn đang đóng lại cán rựa đây.

Nó lại cúi xuống. Ông già lại gõ thêm một nhát thật mạnh nữa. Bực quá, nó xoay hẳn người lại chồm hai cánh tay vươn lên đập nước, định lao về phía hai ông cháu. Nó hỏi gặng:

– Cái rựa của mày to bằng mấy mà đóng cán mãi thế?

Ông già lại nhô đầu lên, trả lời tỉnh khô:

– Cây rựa của tôi có chiếc cán to bằng cánh tay hổ, cái lưỡi to bằng cổ con nai.

Chóc Cà Tực nghe nói cây rựa to quá vậy, ngơ ngác hỏi:

– Mày làm gì sắm cây rựa to quá thế?

Ông già trả lời:

– Cây rựa to vẫn chưa hạ nổi cây gai đấy.

Nó hỏi vặn:

– Cây gai to bằng mấy?

Ông già trợn mắt, nói:

– Cây gai này to, những ba người ôm gốc, tay vẫn chưa nối bàn tay.

Con Chóc Cà Tực chưa từng thấy cây gai nào to như thế, nên rất ngạc nhiên hỏi:

– Mày chặt cây gai để làm gì?

Ông già trả lời gọn lỏn:

– Để bóc vỏ cây gai ấy làm dây ná.

Nghe vậy, Chóc đoán ông già có cây ná to lắm. Cái ná chắc hẳn là cả một thân cây lim to nhất rừng. Nó giương tròn cả bốn mắt hỏi:

– Cây ná của mày to thế để làm gì?

Ông già leo lên phiến đá, vừa nhồi thuốc vào nồi điếu, vừa trả lời:

– Cây ná to để bắn ngã con lợn rừng.

Nó càng thắc mắc:

– Bắn con lợn thì cần gì cây ná to thế?

Ông già quẹt lửa châm thuốc, đủng đỉnh nói:

– Ồ, con lợn này to lắm. Đứng trên đầu lợn sẽ thấy một vùng sông không bờ dưới xuôi. Đứng phía chót đuôi lợn sẽ nhìn rõ hết những đỉnh núi cao của Giàng. Từ đầu lợn đến đuôi lợn ai khỏe chân lắm cũng đi mất một ngày.

Chóc Cà Tực hồ nghi, hỏi:

– Mày bắn con lợn đó thì nồi đâu luộc nó?

Gõ ống điều vào sống chân, ông già trả lời:

– Nồi tao đã đổ đầy nước và bắc sẵn rồi. Cái nồi to lắm, luộc một lúc hai con lợn như thế còn rộng chỗ.

– Chiếc nồi ấy mày để ởn đâu?

Ông già thong thả trả lời:

– Tao để ngay đây thôi. Hiện giờ, tao nuôi ở thành nồi bên trai hơn nghìn con ếch, con nhái. Thành nồi bên phải tao xếp mười bụi lau làm rau chém.

Con Chóc nghe vậy thì sửng sốt. Nó nhìn lướt quanh thấy đúng bờ khe bên trái có hơn mười bụi lao lách, bờ bên phải có tiếng ếch nhái kêu ì ộp rinh ran. Nó lại hỏi:

– Mày lấy gì múc canh trong nồi đó?

Ông già cười, ngẩng mặt lên, chỉ tay lên khoảng trời lộ ra giữa hai bờ khe trên đầu, nói:

– Cái thìa tao gác trên tán cây kia. Đợi khi nào nấu xong, tao sẽ lấy xuống múc cháo, múc canh đấy.

Nó thu mình lại hỏi thêm:

– Giờ mày đang nấu gì đấy?

Ông già bảo đứa cháu mang lên một ôm lá khô rồi vừa nhóm lửa, ông vừa chậm rãi trả lời:

– Các con vật tao bẫy suốt đêm giờ đang nằm gọn dưới đáy nồi cả. Tao nhen lửa để nấu chúng. Khi nào chín tao lấy thìa múc dần ra để hai ông cháu ăn.

Chóc Cà Tực sinh nghi, lo mình sa bẫy ông già, bèn hỏi gặng:

– Mày múc lũ ếch nhái ra ăn à?

Ông già khoát tay, xì mũi:

– Đâu thèm ăn loại ấy. Khi nước sôi, tao sẽ khoắng thìa múc ra cái đầu voi. Lúc nước cạn, bốc khói, tao múc tiếp cái đầu tê giác. Sau cùng thì tao múc nốt đầu mày đấy Chóc Cà Tực à!

Chóc Cà Tực nhìn quanh một lượt nữa, thấy vực khe phía dưới chân rộng thênh thang. Chỗ nó đang ngồi đúng là một bên thành nồi, cạnh các bụi lao. Trước mặt nó ếch nhái đang kêu. Nhìn xuống đáy vực, nó thấy bóng mình in lòa nhòa dưới đó. Nó rùng mình, thất kinh: đúng là nó sa bẫy, nằm trong nồi ông già rồi. Nỗi hốt hoảng làm nó co rúm người lại. Không hỏi gì nữa, nó quay ngoắt lưng về phía ông già, đu mình tung vội lên sườn lèn đá bên cạnh, mong nhảy ra khỏi nồi. Vì hốt hoảng, Chóc Cà Tực trượt chân, đập đầu vào lèn đá rơi xuống vực chết tươi.

Thấy thế, hai ông cháu vui mừng reo vang núi và chạy về báo cho dân bản biết tin.

(Truyện cổ dân tộc Bru)

0