MS231 – Viết cho Người mẹ của em
Đề bài: Viết cho Người mẹ của em Bài làm Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có thể nói là bình thường như bao gia đình khác. Tôi lớn lên trong sự bao bọc của cha, sự nâng niu của mẹ. Cuộc sống của tôi quá đỗi êm đềm, luôn ngập trong những niềm hạnh phúc. Nhưng đến hôm nay, ...
Đề bài: Viết cho Người mẹ của em
Bài làm
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có thể nói là bình thường như bao gia đình khác. Tôi lớn lên trong sự bao bọc của cha, sự nâng niu của mẹ. Cuộc sống của tôi quá đỗi êm đềm, luôn ngập trong những niềm hạnh phúc. Nhưng đến hôm nay, khi đã trở thành một cô gái tuổi mới lớn, biết suy nghĩ, biết cân nhắc trước khi làm gì, tôi mới chợt nhận ra rằng : “Để đổi lấy được sự bình yên nơi tôi, những người mà tôi thương yêu nhất bị cuốn vào cái guồng quay thật đáng sợ”.
Một trong số đó, chính là Mẹ tôi- Người phụ nữ vĩ đại nhất trên Thế gian này –người mà tôi luôn dành cho một tấm lòng cảm phục, tôn trọng và biết ơn!
Chẳng phải khoe khoang gì, nhưng tôi tự hào khi có một người mẹ xinh đẹp. Khi mà đã sắp sang ngưỡng trung niên, mẹ tôi vẫn giữ được vẻ ngoài trẻ trung, nhỏ nhắn. Tôi thích ngắm nhìn khuôn mặt trái xoan và đôi mắt bồ câu biết cười của mẹ dù là khi mẹ đang vui hay đang âu lo, buồn bực.Tôi cũng thích vuốt ve đôi bàn tay đẹp đẽ dù là những chai sạn của những ngày tháng vất vả, tần tảo, dù là những ngón xương gầy không còn mượt mà như hồi con gái. Đối với tôi mẹ vẫn luôn đẹp.
Phải chăng cuộc đời tặng thêm cho mẹ một số phận bớt bấp bênh, cửa ải đi thì Mẹ tôi hoàn hảo biết mấy. Hồi ấy, nhà mẹ rất nghèo, ngoài giờ học ra mẹ phải đi cắt rau, đi chợ hoa phụ giúp ông bà ngoại. Thời gian học của mẹ chính là lúc 3,4 giờ sáng, bà ngoại cho mẹ vài đồng hàng, mẹ cũng chắt góp để mua sách đọc . Thế nhưng, hết phổ thông, bà ngoại tôi lại nói: “ Con gái không cần học cao”. Vậy là từ đó ước mơ trở thành một nhân viên hành chính của mẹ thật xa vời.
Rồi mẹ bắt đầu học may, rồi mở cửa hàng quần áo cắt sẵn. Ngày mẹ lấy bố tôi là những lời đồn ra đồn vào nào là nhà nó nghèo lắm, nó yếu lắm sau này chẳng làm gì ra hồn đâu! Bỏ ngoài tai, bố tôi vẫn đưa mẹ về, tổ chức đám cưới và sinh ra tôi. Cuộc sống làm dâu của mẹ cũng chẳng quá vui vẻ gì bởi bà nội không thích mẹ, các bác gái thì lại càng không, họ khiến mẹ tôi mỗi ngày đều phải tính xem ngày mai sẽ thế nào .Nhiều khi mẹ phải chịu những lời nói đến là cay nghiệt, song không một lời oán thán, mà vẫn làm tròn phận dâu con.
Thực sự là tôi quá đỗi khâm phục mẹ. Về nhà chồng, là dâu trưởng, một tay quán xuyến hết nhà cửa, mọi việc từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài nhưng niềm khao khát trở thành một nhân viên bàn giấy công sở của mẹ chưa bao giờ nguội lạnh. Nhiều lần trăn trở, tôi cũng không biết làm thế nào mà mẹ có thể thuyết phục được bố đồng ý, có thể vẫn hài hòa cả việc học với việc nhà rồi mà cầm trên tay tấm bằng Kế toán loại giỏi được. Khi đó mẹ còn đang mang thai em hai tôi. Bức ảnh kỉ yếu của mẹ là khi mẹ mặc áo Cử nhân để lộ bụng bầu.
Hiện tại của mẹ tôi có được như ngày hôm nay không phải giống như những người khác. Có bố mẹ nâng đỡ, lót đệm , con cứ việc học và tốt nghiệp. Ra trường sẽ có bố mẹ tạo quan hệ xin cho con chỗ làm này, chỗ làm nọ tốt, lương cao. Tôi còn nhớ như in những đêm thức trắng mẹ tìm kiếm công việc trên những trang web. Tôi vẫn nhớ cả những tập hồ sơ dán sẵn để gửi đi của mẹ. Vô cùng vất vả! Không phụ công sức, mẹ cuối cùng cũng tìm được một công ty tư nhân rất có tiếng. Mẹ được giám đốc tôn trọng, đồng nghiệp yêu mến, được xếp vào hàng ngũ nhân viên vip của công ty. Và tôi nhiều khi tự hỏi chính mình, giả sử tôi mà cũng như mẹ, liệu tôi có đủ kiên cường và can đảm để thành công như vậy hay không.
Tôi lớn rồi. Rất ngang ngạnh, ương bướng, cố chấp. Tôi ích kỉ, luôn cho mình đúng. Thấy cái gì không vừa ý là mở miệng nói ngay. Nói mà không lường rằng hậu quả sau này sẽ thế nào. Chính bởi khi lớn rồi, tôi mới nhận ra mẹ tôi bị chèn ép trong chính gia đình của mình thế nào. Tôi không chấp nhận nên nhiều lần cãi cọ với bà, với bác. Cuộc sống gia đình bị chính tôi xáo trộn, gây song gió các mối quan hệ ruột thịt. Nhưng tôi cũng không thể thấy họ xúc phạm mẹ mình mà không bảo vệ!
Mẹ thì vẫn thế, vẫn không bao giờ tính toán. Mẹ nhiều lần bảo tôi : “Con bớt mồm miệng đi, nghiệp là từ miệng mình đi ra đấy. Mình cứ sống đúng lẽ là được”. Tôi không dám cãi lại song trong thâm tâm chỉ muốn nói rằng :” Vì mẹ con có thể chịu hết” – nhưng không dám thốt nên lời.
Bố tôi đi công tác rất bận. Tôi thì lịch học ngày càng nhiều. Có thể ăn bữa cơm chung với bố cả tuần chắc vài lần. Bởi nên tôi được mẹ dạy cho nhiều hơn. Mẹ dạy tôi từ cái ăn, cái nói đến cái vệ sinh cáọt nhân. Mẹ dạy tôi cách chải tóc sao cho mượt, mặc sao cho đẹp đến cách tô son sao cho đúng. Tôi thích học đàn mẹ cho tôi học đàn. Tôi muốn đi du học, mẹ tạo điều kiện cho tôi được học tập , tham khảo kinh nghiệm của các anh chị đi trước cho tôi. Tôi học tiếng anh, mẹ bảo chọn trung tâm nào chất lượng một chút, tiền bạc mẹ sẽ lo. Mẹ tạo điều kiện hết sức cho tôi ăn học đàng hoàng, không thua kém bất kì một ai . Để tôi sẽ không phải quá khó khăn như mẹ trước kia.
Mẹ tôi rất tiến bộ. Khi mạng xã hội rất tiến bộ, mẹ không như nhiều người lớn tuổi cài đặt theo số đông. Mà mẹ tự tìm hiểu cách dùng, xem nó có những lợi ích gì. Dùng mạng xã hội, mẹ thường truy cập các kiến thức đời sống, có điều gì hay hoặc bài viết gì bổ ích mẹ đều cùng tôi chia sẻ với nhau. Đều là các con của mẹ nhưng tôi thân với mẹ nhất. Tôi và mẹ thường hay tâm sự, chuyện trò, cùng đi ăn, đi lễ, đi mua sắm, spa,…
Mẹ đối với tôi tốt như vậy nhưng nhiều lúc tôi vẫn để mẹ buồn, thậm chí là khóc. Tôi cũng không phải đứa trẻ ngoan ngoãn gì bởi mẹ nói tôi không nghe, mẹ bảo –tôi không được. Chắc tôi không đếm hết bao nhiêu lần tôi cãi lời, hét lên với mẹ. Những lúc ấy tôi vẫn cho rằng mình rất đúng. Nhưng vế sau khi ngẫm lại thì mình sai thật rồi. Âý vậy mà lại không có can đảm nói với mẹ một câu : “Con xin lỗi”. Tôi không dám nói câu cảm ơn, lời xin lỗi, chỉ biết dành chút tâm tư mua tặng mẹ vài món quà nhỏ thể hiện tình cảm bản thân vào các ngày lễ, ngày kỉ niệm, chỉ biết đem tấm lòng thương yêu mẹ vô cùng đưa vào trang viết.
Và Mẹ ơi con chỉ biết nói : “Con yêu mẹ rất nhiều”.
N.H.N
Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội