Một số vấn đề về lĩnh vực Dệt - May
Tại các nước Châu Á - Thái Bình Dương, ngành Dệt- may thường là ngành khởi đầu công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế đất nước nhờ công nghệ tương đối đơn giản và cần ít vốn. Việc sản xuất trong lĩnh vực Dệt - May rất phong phú, ...
Tại các nước Châu Á - Thái Bình Dương, ngành Dệt- may thường là ngành khởi đầu công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế đất nước nhờ công nghệ tương đối đơn giản và cần ít vốn. Việc sản xuất trong lĩnh vực Dệt - May rất phong phú, phối hợp từ công nghệ đơn giản nhất đến những kỹ thuật tiên tiến nhất hay kỹ thuật phối hợp sản xuất ở nhiều nơi trên thế giới. Điều này cho thấy sự phối hợp của nhiều trình độ công nghệ dẫn đến hiện tượng phổ biến là các nước phát triển nắm những khâu kỹ thuật cao, thu nhiều lợi nhuận nhất và khoán lại cho các nước đang phát triển những khâu kỹ thuật thấp, đa số là gia công hàng may mặc với mẫu mã và phụ liệu được cung cấp sẵn. Các nước đang phát triển cũng tham gia vào hệ thống sản xuất hàng Dệt - May quốc tế, nhưng ở dạng gia công với giá trị đóng góp rất thấp vào nền kinh tế quốc gia.
Sự phối hợp Dệt - May toàn cầu đang trải qua những biến đổi về cơ cấu. Trước đây, sau chiến tranh thế giới thứ hai, các nước tiên tiến ở châu Âu, châu Mỹ làm bá chủ và điều khiển toàn bộ hệ thống sản xuất công nghiệp. Các nước kém phát triển thường có khuynh hướng sản xuất và xuất khẩu phụ liệu. Nhưng từ cuối thập niên 50 và trong thập kỷ 80, sản xuất công nghiệp đã vượt ra khỏi địa phận Âu Mỹ lan sang Nhật, rồi đến các nước công nghiệp mới NICs như Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore. Những nước mới phát triển này không chỉ sản xuất cho thị trường nội địa theo mô hình thay thế nhập khẩu mà còn theo đuổi chiến lược phát triển đặt trên căn bản là xuất khẩu. Trong khi đó, những nước phát triển đang trải qua giai đoạn hậu phát triển với khâu sản xuất bị chuyển sang các nước kém phát triển (cung cấp nhân công rẻ). Nhưng hàn công nghiệp nội địa phải cạnh tranh với hàng giá rẻ nhập ồ ạt từ nước ngoài vào.
Ngành Dệt - May là ngành sản xuất và cung ứng các chủng loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu bức thiết về ăn mặc của các tầng lớp dân cư trong xã hội. Kinh tế càng phát triển, đời sống mọi người dân được nâng cao thì nhu cầu về sản phẩm may mặc càng gia tăng và mong muốn của khách hàng đối với loại hàng hoá này càng cao cả về số lượng, chất lượng lẫn mẫu mã, chủng loại. Ngành sản xuất Dệt - May có hai đặc điểm quan trọng quyết định điều kiện để phát triển ngành, đó là:
Về lao động:
Ngành Dệt - May là ngành sản xuất đòi hỏi sử dụng nhiều lao động. Đây là ngành sử dụng được lợi thế so sánh về nguồn lao động của các nước đang phát triển cũng như ở Việt Nam, đóng góp vào tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước là tham gia vào phân công lao động và hợp tác thương mại quốc tế. Theo tính toán, để sản xuất 1 triệu sản phẩm may mặc trong một năm cần từ 700 đến 800 lao động trực tiếp, ngoài ra còn thu hút được một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động gián tiếp.
Vốn đầu tư - công nghệ kỹ thuật.
Vốn đầu tư vào ngành sản xuất hàng Dệt - May thấp hơn so với vốn đầu tư vào các ngành công nghiệp khác. Nhà xưởng sản xuất không yêu cầu kỹ thuật cao. Máy móc thiết bị không đòi hỏi chi phí lớn. Đặc biệt với ngành may, suất đầu tư tương đối thấp, chỉ khoảng 0,6-0,65 triệu USD trên 1 triệu sản phẩm. Như vậy để thành lập một số cơ sở may mặc cỡ vừa hoặc nhỏ với năng lực trên dưới 1 triệu sản phẩm một năm thì chỉ cần đầu tư một lượng vốn khoảng trên dưới 600.000$.
Hơn nữa, vốn đầu tư sản xuất hàng may mặc có thể quay vòng nhanh do chu kỳ sản xuất ngắn, có thể đạt 4-5 vòng/năm. Nếu chỉ thuần tuý gia công thì vốn đầu tư còn thấp hơn nữa và vốn quay vòng cũng khá nhanh.
Như vậy, ngành Dệt nay, đặc biệt là ngành may mặc là ngành sản xuất đòi hỏi vốn đầu tư không cao trong khi lại sử dụng nhiều lao động. Do đó phát triển ngành Dệt - May xuất khẩu là một hướng đi rất phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay là đang có lợi thế về lao động trong khi chúng ta thiếu vốn đầu tư. Việc phát triển ngành may mặc xuất khẩu sẽ cho phép khai thác được lợi thế so sánh về lao động, khắc phục được bất lợi của nước ta về vốn đầu tư. Xét cả về mặt lý luận và thực tiễn, phát triển ngành Dệt - May là một tất yếu của nước ta trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó xu hướng chuyển dịch của ngành Dệt - May trong xu hướng chuyển dịch chung của các ngành kinh tế từ các nước đang phát triển đã và đang diễn ra trong khu vực, được xem xét trong phần dưới đây sẽ khẳng định thêm tính tất yếu khách quan của việc phát triển ngành Dệt - May Việt Nam hiện nay.
Vị trí của ngành Dệt - May trong nền kinh tế:
Đối với Việt Nam
Trong mấy năm qua, ngành Dệt - May Việt Nam đã có bước phát triển khá mạnh mẽ, thu hút được nhiều lao động, đang là ngành kinh tế chiếm vị trí quan trọng trong toàn ngành công nghiệp Việt Nam nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung. Liên tục từ năm 1992 đến nay kim ngạch xuất khẩu của ngành Dệt - May liên tục tăng với tốc độ cao và luôn là một trong 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Đặc biệt là từ năm 1994 đến nay, kim ngạch xuất khẩu của ngành Dệt - May luôn đứng thứ 2 về giá trị, chỉ sau dầu thô. Cho đến nay, ngành Dệt - May đã đạt được thành công đáng kể. Tăng trưởng xuất khẩu ở mức thấp đã tăng nhanh từ 140,4 triệu USD năm 1989 lên 1350 triệu USD năm 1998 và1892 triệu USD năm 2000. Hiện nay, tạo khoảng 13,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, chiếm khoảng 41% kim ngạch xuất khẩu của công nghiệp chế tác.
Ngành Dệt - May đã có thời gian phát triển mạnh, thu hút được nhiều lao động xã hội - khoảng từ 50 vạn công nhân, chiếm khoảng22,7% lao động công nghiệp toàn quốc (trong đó 80% là lao động nữ) giải quyết được công ăn việc làm, tạo sự ổn định kinh tế, chính trị, xã hội do đó được Đảng và Nhà nước quan tâm. Ngành Dệt - May vẫn đang chiếm một vị trí quan trọng về nhu cầu ăn mặc của nhân dân, an ninh quốc phòng và tiêu dùng trong công nghiệp khác. Nhờ vậy mà trong thời qua, ngành đã có bước phát triển và giữ một vai trò quan trọng trong công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng.
Trong thời kỳ đổi mới, ngành Dệt - May sẽ tiếp tục đóng vị trí quan trọng trong nền kinh tế nước ta, tận dụng lợi thế về lao động để tham gia vào thương mại quốc tế và sẽ tiếp tục là một trong những ngành có đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu của đất nước.
Đối với thế giới
Ngành công nghiệp Dệt - May gắn liền với nhu cầu không thể thiếu được của mỗi con người. Vì vậy, từ rất lâu trên thế giới, ngành công nghiệp này đã được hình thành và đi lên cùng với sự phát triển ban đầu của chủ nghĩa tư bản. Bên cạnh đó, công nghiệp Dệt - May là ngành thu hút nhiều lao động với kĩ năng trung bình và có điều kiện mở rộng thương mại quốc tế; vốn đầu tư cho một cơ sở sản xuất không lớn như các ngành công nghiệp khác... Do vậy trong quá trình công nghiệp hoá tư bản, từ rất sớm các nước Anh, Pháp, Ý... cho đến các nước công nghiệp mới như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore.., ngành Dệt - May đều có vị trí quan trọng trong quá trình công nghiệp hoá của họ. Vào năm 1994, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng Dệt - May thế giới đạt 250 tỉ USD. Theo dự báo của GATT (nay là tổ chức thương mại thế giới - WTO) trong 10 năm tới kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng 60% đối với hàng may mặc và 34% đối với hàng Dệt, trong đó Châu Á chiếm khoảng 40% giá trị xuất khẩu mặt hàng này. Ngành Dệt - May đã và đang đóng vai trò khá quan trọng trong nền kinh tế của nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển. Song, hiện nay tiền công lao động của công nhân Dệt - May ở các nước phát triển và các nước công nghiệp mới cao hơn trước rất nhiều, hơn nữa họ đã và đang thiếu lao động. Do vậy, hiệu quả sản xuất Dệt - May tại các nước đó đã giảm nhiều nên các nước này đã và đang chuyển ngành công nghiệp Dệt - May sang các nước đang phát triển. Đây là xu thế chuyển dịch trong xu thế chuyển dịch chung của các ngành kinh tế từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển.
Xu thế phát triển và chuyển dịch của ngành Dệt - May trong khu vực
Trên thế giới hiện nay, nhu cầu về hàng Dệt - May ngày một cao theo nhịp độ phát triển của nền kinh tế quốc dân và mức độ cải thiện đời sống của mỗi nước. Nhu cầu đảm bảo về kĩ thuật và mỹ thuật nhằm đáp ứng được thị hiếu thẩm mỹ của từng dân tộc, từng quốc gia. Do hợp tác và phân công lao động quốc tế ngày càng được mở rộng nên những quốc gia có kĩ thuật hiện đại, vốn tích luỹ ngày càng hướng vào công nghiệp chế biến nguyên liệu và kéo sợi hoặc tự động hoá các khâu Dệt vải (Mỹ, Anh, Pháp, Đức...). Vì các nước này có nền kinh tế đã phát triển, giá nhân công ngày càng tăng nên giá thành hàng may mặc bị đẩy lên, làm cho nó mất sức cạnh tranh. Do đó, ngành may ở các nước đó được chuyển dần sang các nước đang phát triển có lực lượng lao động dồi dào, giá rẻ.
Ở khu vực Đông Nam Á, quá trình chuyển ngành Dệt - May nói riêng, các ngành công nghiệp nói chung, được biết đến dưới tên gọi "hiệu ứng chảy tràn" hay còn gọi là "làn sóng cơ cấu".
Đầu tiên là Nhật Bản thực thi tiến trình công nghiệp hoá bằng việc phát triển theo một trật tự tương đối tuần tự, một số ngành được coi là chủ đạo trong những thời kỳ nhất định. Trước chiến tranh thế giới thế hai, các ngành đó xếp theo trật tự tương đối về thời gian là: sản phẩm sợi - Dệt tơ và bông, luyện kim, hoá chất và một số ngành chế tạo. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, từ đống đổ nát do chiến tranh để lại. Nhật Bản bắt đầu khôi phục và tiếp tục phát triển các ngành sợi Dệt. Trong những năm đầu sau chiến tranh, ngành sợi dệt vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nhật Bản.
Như vậy, trong giai đoạn đầu phát triển, Nhật Bản cũng lấy việc khai thác lợi thế lao động để làm phát triển ngành sợi dệt nhằm tạo cơ sở ban đầu cho thực hiện công nghiệp hoá. Trong giai đoạn đầu, ngành Dệt sợi là ngành chiếm tỉ lệ cao nhất trong xuất khẩu của Nhật Bản.
Ngành Dệt sợi là ngành chiếm ưu thế trong cả cơ cấu sản xuất cũng như trong cơ cấu xuất khẩu cho đến trước chiến tranh thế giới lần thứ II. Ưu thế của một ngành công nghiệp nhẹ sử dụng nhiều lao động và có kĩ thuật - công nghệ không cao tạo ra lợi thế cạnh tranh cho toàn bộ quá trình công nghiệp hoá diễn ra nhanh chóng. Nhật Bản đã tận dụng tối đa ưu thế lao động đông nhưng ít kĩ năng để phát triển hệ ngành đáp ứng tốt nhất yêu cầu của bước quá độ về lao động, thế giới, vốn và kĩ thuật trong bước chuyển sang một giai đoạn phát triển mới. Sau những thập kỉ 60 và 70, cơ cấu kinh tế của Nhật Bản đã thay đổi mạnh mẽ. Mặc dù ngành Dệt - May vẫn còn chiếm tỉ trọng khá lớn trong xuất khẩu cho đến năm 1965 nhưng tỉ trọng của nó trong cơ cấu chung đã giảm nhanh, để nhường lại cho những ngành công nghiệp điện tử, chế tạo máy... Nhật Bản đã tiến hành di chuyển ngành Dệt - May sang các nước khác. Các nước NICs Châu Á là những nước đầu tiên được tiếp nhận sự dịch chuyển này của Nhật Bản - Một trong những nước Đông Á được tiếp nhận luồng di chuyển này và điều này lý giải việc ngành Dệt - May chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu công nghiệp của Hàn Quốc nhưng ngành này đã bắt đầu giảm sút về tỉ trọng. Đài Loan cũng có một bước đi tương tự mà trong đó, hàng Dệt và quần áo may sẵn là những mặt hàng giữ vị trí quan trọng trong xuất khẩu của Đài Loan trong những năm đầu công nghiệp hoá.
Nỗ lực đầu tiên của các nước NICs trong quá trình công nghiệp hoá là lấp khoảng trống cơ cấu trên thị trường thế giới do Nhật Bản tạo ra, thậm chí còn dựa vào lợi thế lao động rẻ của mình để thúc đẩy Nhật Bản nhường chỗ mạnh hơn.
Một trong những nước ASEAN là Thái Lan đã nhanh chóng lấn vào "khoảng trống" cơ cấu mà các nước NICs đã tạo ra và từ đầu thập kỉ 80, thành tựu xuất khẩu của Thái Lan sang Mỹ và Nhật Bản tăng lên rõ rệt và chủ yếu dựa vào chế biến nông sản và Sợi - Dệt - Da. Liên tục từ năm 1985 đến 1991, tỉ trọng xuất khẩu của ngành Dệt luôn chiếm trên dưới 20% tổng mức xuất khẩu của nước này. Trong những năm đó, tỉ trọng của ngành sợi dệt tăng lên với tốc độ chậm và vẫn ở mức cao trong cơ cấu xuất khẩu. Trong khuôn khổ ngành sợi dệt, Thái Lan phát triển may mặc hơn là hàng vải sợi thuần tuý. Cho đến năm 1993, hàng quần áo may sẵn là mặt hàng đứng đầu trong danh sách cơ cấu xuất khẩu của Thái Lan. Tuy nhiên, trong giai đoạn sau của thập niên 90, nhịp độ tăng trưởng của hàng sợi dệt chậm lại bởi gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt của sản phẩm sợi dệt ở những nước có tiền công thấp hơn như Trung Quốc và Inđônêsia. Theo xu hướng dịch chuyển chung, đến lượt mình các nước Asean lại bắt đầu chuyển giao các ngành cần nhiều lao động như Dệt - May... sang các nước đang phát triển trong khu vực có trình độ thấp hơn và lao động dồi dào, giá nhân công rẻ hơn.
Việt Nam là nước đang phát triển có nhiều điều kiện thuận lợi và nhiều đặc điểm giống các nước trong khu vực để phát triển hàng Dệt - May xuất khẩu. Chúng ta hiện nay đang có lợi thế về nguồn lao động với giá tiền công rẻ hơn các nước khác. Đây là nguồn lực quan trọng và lợi thế cho phép nước ta có thể phát triển sản xuất ngành Dệt - May xuất khẩu phù hợp với sự phân công lịch sử và hợp tác thương mại quốc tế. Với điều kiện đó cho phép chúng ta tham gia vào dòng chuyển dịch các ngành kinh tế trong khu vực để đón nhận ngành Dệt - May từ các nước phát triển trước ta chuyển giao sang, đồng thời thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch và nhanh chóng lấp đầy khoảng trống do các nước đi trước tạo ra như kinh nghiệm mà Đài Loan và Hàn Quốc đã từng làm trước đây. Quá trình chuyển dịch ngành Dệt - May trong khu vực đang mở ra những cơ hội mới vô cùng to lớn cho sự phát triển ngành Dệt - May nước ta, càng góp phần khẳng định tính tất yếu phải phát triển ngành Dệt - May ở nước ta hiện nay, nhằm nắm bắt và khai thác điều kiện trong nước cũng như cơ hội từ bên ngoài.
Như vậy cùng với xu thế dịch chuyển chung của ngành Dệt - May trong khu vực, kết hợp với những lợi thế và đặc điểm của nước ta hiện nay, đặc biệt là lợi thế về nguồn lao động với giá rẻ, số lượng lớn, nên đã và đang có cơ hội lớn tiếp nhận ngành Dệt - May từ các nước NICs và các nước khác chuyển giao sang, đang tạo ra cho ngành Dệt - May một vận hội phát triển hết sức to lớn. Việc chuyển giao này cũng đã được thực hiện thông qua hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.