Môi trường và phát triển-Phần II
Khái niệm: chất phát thải ra môi trường, chất lượng môi trường vùng xung quanh và tổn thất Bây giờ chúng ta hãy xem điều gì xẩy ra ở cuối hai mũi tên R p d và R c d trong sơ đồ 1.2. Rất dễ nhận thấy rằng đó là các ...
Khái niệm: chất phát thải ra môi trường, chất lượng môi trường vùng xung quanh và tổn thất
Bây giờ chúng ta hãy xem điều gì xẩy ra ở cuối hai mũi tên Rpd và Rcd trong sơ đồ 1.2. Rất dễ nhận thấy rằng đó là các chất phát thảit ra môi trường.
Chất phát thải ra môi trường là các chất thải sau sản xuất hay tiêu dùng của hoạt động kinh tế được đưa trực tiếp vào môi trường, khi vượt quá khả năng hấp thụ của môi trường chúng sẽ làm thay đổi chất lượng môi trường ở vùng xung quanh, gây ra thiệt hại cho con người và sinh vật trong vùng bị ảnh hưởng . Mối liên hệ nhân - quả này được thể hiện ở sơ đồ 1.3. Sơ đồ 1.3 nêu ra hai nguồn chất phát thải ra môi trường 1 và 2 (có thể là do doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước hay cá nhân người tiêu dùng). Các đầu vào bao gồm nhiều loại vật tư, hàng hoá và áp dụng nhiều loại công nghệ khác nhau trong sản xuất và tiêu thụ. Đương nhiên, trong quy trình chúng ta tạo ra các chất phát thải. Việc xử lý các chất này có ý nghĩa rất quan trọng đối với các giai đoạn tiếp theo. Một số có thể được phục hồi và tái tuần hoàn; còn phần nhiều được chuyển sang các quy trình xử lý để làm cho chúng vô hại khi phát thải ra môi trường. Trong các quy trình xử lý chất thải, một số mang tính vật lý thuần tuý như bộ giảm thanh ở xe du lịch và xe tải, bể lắng ở các nhà máy xử lý nước thải, bộ chuyển hóa xúc tác, v.v…; còn một số khác gồm các loại xử lý bằng hoá chất, chẳng hạn như kỹ thuật xử lý nguồn nước thải gia đình đang áp dụng ở nhiều nước trên thế giới.
Sơ đồ 3: Chất phát ra, chất lượng môi trường vùng xung quanh và thiệt hại
Tất cả các chất phát thải ra môi trường đều được đưa vào một thành phần môi trường cụ thể nào đó: nước, không khí hay đất, các thành phần này có sự liên quan rất chặt chẽ với nhau.
Từ sơ đồ trên ta thấy mặc dù các dòng vật chất phát thải ra từ hai nguồn khác nhau, nhưng khi đã phát thải vào thành phần môi trường chúng hợp lại với nhau thành một nguồn phát thải hỗn hợp . Ví dụ: Chất phát thải ra nguồn nước từ hai nhà máy giấy cùng phân bố dọc bờ của một con sông thì hỗn hợp chất thải trong nước sông không thể phân định là của nhà máy nào. Hay là, khi có một triệu chiếc mô tô chạy trong một thành phố, thì chất thải phát ra của chúng kết hợp lại thành một hỗn hợp đồng nhất. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp chúng ta có thể phân định được. Ví dụ, nếu có một nhà máy nhiệt điện phân bố trong thành phố và nhà máy khác lại phân bố cách thành phố vài ba chục cây số ở đầu gió, thì rõ ràng là nhà máy điện ở gần hơn phải chịu trách nhiệm lớn hơn trong việc gây ô nhiễm không khí trong thành phố.
Hỗn hợp các chất phát thải ra môi trường là một vấn đề rất quan trọng. Nếu chỉ có một nguồn phát thải thì trách nhiệm được phân định một cách rõ ràng và để cải thiện chất lượng xung quanh, chúng ta có thể biết được một cách chính xác phải kiểm soát những chất phát thải nào. Nhưng với nhiều nguồn phát thải khác nhau, thì vấn đề trở nên phức tạp và kém rõ ràng hơn.
Khi các chất thải với số lượng và chất lượng nhất định được thải vào một thành phần của môi trường, thì các quá trình lý, hoá, sinh, khí động học, v.v… của hệ thống tự nhiên sẽ có những điều chỉnh làm cho chúng có ảnh hưởng khác nhau đến chất lượng ở vùng xung quanh. Vì những điều kiện khí hậu và thời tiết thường xuyên thay đổi, nên cùng một mức độ phát thải vào môi trường, có thể gây nên mức độ ảnh hưởng khác nhau đối với môi trường xung quanh tại các thời điểm khác nhau. Mưa axít được sinh ra do các quá trình phát thải điôxyt lưu huỳnh từ hoạt động sản xuất và hơi nước trong không khí, sau đó được gió làm loãng trong bầu khí quyển. Khói bụi trong bầu khí quyển cũng là kết quả của các phản ứng hoá học tổng hợp giữa ánh sáng mặt trời và nhiều chất ô nhiễm khác. Các quá trình thuỷ động học nước ngầm có ảnh hưởng đến sự vận chuyển các vật chất trong hệ thống nước ngầm dưới đất, v.v… Do đó, muốn biết được các chất phát thải vào môi trường ảnh hưởng đến chất lượng môi trường vùng xung quanh, chúng ta cần hiểu rõ bản thân môi trường hoạt động như thế nào về mặt vật lý, hóa học và sinh học. Đây chính là những lĩnh vực của các nhà khoa học tự nhiên, nghiên cứu toàn bộ các hiện tượng biến đổi của môi trường nhằm xác định ảnh hưởng đến chất lượng môi trường xung quanh.
Những sự thay đổi của thành phần môi trường sẽ dẫn đến sự biến đổi của các hệ sinh thái và những biến đổi khác, thường những sự biến đổi đó gây ra những tổn thất mà con người phải gánh chịu. Và, cuối cùng, những tổn thất phải gánh chịu lại có liên quan đến việc đánh giá của con người. Con người không thể có những quyết định vô căn cứ khi giải quyết mối quan hệ tương tác giữa kinh tế và môi trường, mà chúng ta chỉ có thể ưa thích những quyết định này hơn so với lựa chọn khác khi chúng ta đánh giá được giá trị tổn thất về mặt kinh tế do biến đổi môi trường gây ra.
Các loại chất ô nhiễm
Về mặt vật lý, như chúng ta thấy trong sơ đồ 1.3, các chất phát thải ra môi trường vào ba thành phần môi trường khác nhau. Tuỳ theo mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến trạng thái kinh tế của chất phát thải, chúng ta có thể phân chúng thành các loại sau đây:
a. Chất ô nhiễm luỹ tích và chất ô nhiễm không luỹ tích
Một đặc trưng quan trọng và đơn giản của chất ô nhiễm môi trường là chúng được tích luỹ theo thời gian hay có xu hướng tiêu tan ngay sau khi được phát ra. Ví dụ, tiếng ồn. Khi nguồn gây tiếng ồn hoạt động thì tiếng ồn phát ra và lan truyền vào không gian xung quanh, nhưng ngay khi tắt nguồn thì tiếng ồn cũng mất. Ở đầu này chất ô nhiễm được phát ra, thì ở đầu kia chúng ta sẽ có chất ô nhiễm môi trường với số lượng gần như lúc chúng phát ra. Như chất thải phóng xạ chẳng hạn, chúng phân rã theo thời gian, nhưng với tốc độ hết sức chậm so với đời sống của con người, cho nên chúng sẽ tồn tại vĩnh viễn với chúng ta. Chúng là loại chất ô nhiễm cực kỳ lũy tích. Hay chất dẻo cũng vậy. Mặc dù trong nhiều thập kỷ qua, người ta đã tiến hành nghiên cứu để tìm ra các chất dẻo thoái hoá được, nhưng chất dẻo vẫn là một chất phân huỷ rất chậm. Nó cũng là chất ô nhiễm luỹ tích. Nhiều loại hoá chất là chất ô nhiễm luỹ tích, mỗi khi phát ra, về cơ bản, chúng vẫn tồn tại với chúng ta.
Xen kẽ giữa chất ô nhiễm luỹ tích và không luỹ tích là loại chất ô nhiễm lũy tích đến một mức độ nhất định nào đó, chứ không luỹ tích hoàn toàn. Ví dụ: Chất thải hữu cơ phát ra vào môi trường nước của các nhà máy xử lý chất thải đô thị. Mỗi khi phát ra, chất thải chịu tác động của quá trình hoá học tự nhiên, có xu hướng phá vỡ cấu trúc của nó, làm cho nó trở nên vô hại. Nói cách khác, nước có khả năng đồng hoá tự nhiên nên có thể tiếp nhận các chất hữu cơ và làm cho chúng ít có hại hơn. Nếu như không vượt quá khả năng đồng hoá đó, chúng ta có thể cắt nguồn chất thải đi thì trong một thời gian nhất định, nước sẽ trở lại bình thường. Đương nhiên, tự nhiên có một ít khả năng đồng hoá không có nghĩa là chúng ta có các chất ô nhiễm hoàn toàn không tích luỹ. Khi chất thải phát ra đã vượt quá khả năng đồng hoá thì có nghĩa là chúng ta chuyển vào quy trình lũy tích. Ví dụ: Khí quyển của Trái Đất có một khả năng nhất định hấp thụ CO2 do hoạt động của con người phát ra, miễn là không vượt quá khả năng đó. CO2 là một chất ô nhiễm không luỹ tích. Nhưng, nếu khả năng đồng hoá CO2 của Trái Đất bị vượt quá, thì tất yếu chúng ta sẽ lâm vào tình thế chất phát ra lũy tích theo thời gian. Đây là điều đang xảy ra hiện nay.
Sơ đồ1.4: Mối quan hệ giữa các chất phát thải phổ biến và nồng độ ô nhiễm ở xung quanh
Đối với một chất ô nhiễm có luỹ tích hay không, thì chúng ta vẫn có cùng một vấn đề cơ bản. Đó là nêu ra những tổn thất môi trường và chi phí làm giảm chất phát thải. Với chất ô nhiễm lũy tích, điều này khó giải quyết hơn nhiều so với chất ô nhiễm không luỹ tích. Sơ đồ 1. 4 biểu thị (a) chất ô nhiễm không luỹ tích và (b) chất ô nhiễm luỹ tích. Ở bên (a), đồ thị bắt đầu từ gốc tức là các nồng độ phổ biến xung quanh tỷ lệ với các chất phát thải phổ biến. Rõ ràng là các nồng độ ở xung quanh là một hàm của các chất phát thải phổ biến. Nếu giảm được các chất phát thải xuống số không thì sẽ làm cho các nồng độ ở xung quanh là số không. Tuy nhiên, đối với chất ô nhiễm luỹ tích thì mối quan hệ này trở nên phức tạp hơn. Vì chúng luỹ tích, nên các chất thải hiện nay bổ sung vào lượng chất ô nhiễm đã có sẽ gây thiệt hại không những cho hôm nay, mà còn cho tương lai, thậm chí tương lai xa hơn. Điều đó có nghĩa là số lượng phổ biến ở môi trường xung quanh của một chất ô nhiễm luỹ tích có thể chỉ ít có quan hệ với các chất phát thải phổ biến. Nhìn vào sơ đồ 1. 4, ta thấy đồ thị bên (b) bắt đầu khá xa trên trục tung và thoải hơn đồ thị bên (a). Do đó, việc cắt giảm chất phát thải ra hôm nay chỉ đem lại hiệu quả khá khiêm tốn đến nồng độ chất phát thải phổ biến. Và ngay cả khi chúng ta cắt giảm chất phát thải ngày hôm nay xuống số không, thì chất lượng môi trường xung quanh vẫn bị giảm sút do hiệu ứng luỹ tích của các chất phát thải trước đây. Trên thực tế, một chất ô nhiễm luỹ tích theo thời gian trong môi trường gây nên hiệu ứng phá vỡ mối quan hệ trực tiếp, chặt chẽ giữa chất phát thải phổ biến và thiệt hại phổ biến. Giải quyết mối quan hệ nhân - quả phức tạp này đòi hỏi những nghiên cứu sâu sắc và toàn diện hơn để tìm ra các giải pháp cơ bản, lâu dài và khả thi.
b) Chất ô nhiễm địa phương, vùng và toàn cầu
Các chất phát thải có phạm vi ảnh hưởng rất khác nhau. Một số chất phát thải mang tính cục bộ, chỉ có ảnh hưởng trong một vùng nhỏ hẹp. Ví dụ: ô nhiễm tiếng ồn, suy thoái cảnh quan môi trường mang tính địa phương và thiệt hại do bất cứ nguồn nào gây ra cũng thường được giới hạn bởi các nhóm dân cư nhỏ sinh sống tại một vùng nhất định. Ngược lại, một số chất phát thải khác lại lan truyền ô nhiễm trong cả một vùng rộng lớn, có thể ảnh hưởng đến môi trường toàn cầu. Chẳng hạn, mưa axít là một vấn đề mang tính vùng; các chất phát thải tại một vùng nào đó ở Mỹ hoặc Châu Âu có ảnh hưởng đến dân cư của các vùng khác trong nước hay nước khác. Hiệu ứng làm suy giảm tầng ôzôn của Clo, Fluo, Các bon phát ra từ nhiều nước phát triển do những thay đổi hoá học ở tầng bình lưu của Trái Đất là ảnh hưởng mang tính toàn cầu. Đương nhiên, các vấn đề môi trường địa phương dễ giải quyết hơn so với các vấn đề môi trường vùng và quốc gia. Đến lượt mình, các vấn đề môi trường vùng và quốc gia dễ quản lý và giải quyết hơn so với các vấn đề môi trường toàn cầu. Nếu tôi đun bếp than thì làm ảnh hưởng đến hàng xóm và giữa tôi và hàng xóm có thể giải quyết được với nhau hoặc nếu không thì chúng tôi nhờ các nhà chức trách. Nhưng nếu tôi gây ô nhiễm ở phạm vi rộng hơn thì sẽ khó giải quyết hơn. Trong những năm gần đây, nhân loại đang phải đối đầu với những vấn đề môi trường toàn cầu tăng lên. Cho đến nay, chưa tìm ra những biện pháp hữu hiệu để giải quyết chúng, một phần là do chưa lí giải được một cách chính xác bản thân của các tác động vật lý của chúng và phần khác là do các tổ chức quốc tế chuyên trách chỉ mới hình thành và chưa hoạt động thực sự.
c) Chất ô nhiễm có điểm nguồn và không có điểm nguồn
Các nguồn ô nhiễm cũng khác nhau về mức độ dễ dàng nhận biết các điểm phát thải hiện tại. Chẳng hạn, các điểm mà ở đấy điôxyt lưu huỳnh thoát ra khỏi một nhà máy điện rất dễ nhận biết qua ống khói của nó. Hay là, các nhà máy xử lý chất thải đô thị thường chỉ có một cửa ống tháo xả tất cả các loại nước thải. Đó là các chất ô nhiễm có điểm nguồn. Nhưng ngược lại, có nhiều chất ô nhiễm không thể xác định được rõ ràng điểm phát thải. Ví dụ như các hoá chất dùng trong nông nghiệp. Chúng thường chảy tản mát ra trong đất và có thể gây ô nhiễm sông, suối, ao, hồ, hay mạch nước ngầm. Tuy nhiên, khó có thể xác định chúng phát ra từ đâu. Đây là chất ô nhiễm không có điểm nguồn. Sự thoát nước sau những trận mưa to ở các vùng đô thị cũng là một trường hợp ô nhiễm không có điểm nguồn. Đương nhiên, chúng ta dễ thấy rằng, chất ô nhiễm có điểm nguồn có thể được nghiên cứu, đo lường, giám sát và giải quyết dễ dàng hơn so với chất ô nhiễm không có điểm nguồn. Điều đó có nghĩa là phát triển và quản lý thông qua việc hoạch định và thực thi các chính sách kiểm soát ô nhiễm có điểm nguồn sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn.
d) Chất phát thải liên tục và không liên tục
Các chất phát thải từ các nhà máy nhiệt điện hay các nhà máy xử lý chất thải đô thị, nhiều hay ít, đều mang tính liên tục, bởi vì nhà máy được thiết kế để vận hành một cách liên tục, mặc dù tốc độ vận hành có thể thay đổi theo thời gian (mùa vụ). Do đó, chất phát thải từ các nhà máy này ít nhiều là liên tục và vấn đề đặt ra ở đây chính là làm sao quản lý được tốc độ chất phát thải thông qua các chương trình quản lý hữu hiệu.
Bên cạnh các chất ô nhiễm phát ra liên tục, còn có nhiều chất ô nhiễm phát ra không liên tục, từng hồi. Sự cố dầu hoặc hoá chất độc tràn ra là những ví dụ điển hình. Vấn đề chính sách môi trường ở đây là thiết kế và quản lý một hệ thống sao cho có thể giảm được tối đa sự cố môi trường. Các chất ô nhiễm phát ra từng hồi, trong thời gian ngắn, khó có thể đo lường được và chúng chứa đựng những hiểm hoạ khủng khiếp đối với tính mạng của con người (chẳng hạn các chất phóng xạ thoát ra khỏi các nhà máy điện nguyên tử). Vì vậy, để xác định nguy cơ của các chất ô nhiễm phát ra nhất thời, chúng ta phải thu thập các số liệu về diễn biến hiện thời qua một thời gian đủ dài hoặc ước lượng chúng dựa trên các thông tin thiết kế - xây dựng và hoạt động của nhà máy. Sau đó, chúng ta phải xác định mức bảo hiểm mong muốn đối với các chất ô nhiễm phát ra không liên tục, từng hồi.
e) Tổn thất môi trường không liên quan đến chất thải
Ở trên, chúng ta đã tập trung vào những đặc tính của các loại chất ô nhiễm môi trường khác nhau có liên quan đến việc thải các chất thải vật chất và năng lượng. Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều trường hợp làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng môi trường mà không thể theo dõi được qua các chất thải ra. Chẳng hạn, việc lấy đất trồng trọt để xây dựng nhà ở, đường sá, trung tâm thương mại, v.v… làm giảm giá trị môi trường, giá trị môi sinh hay giá trị cảnh quan của đất đai. Hay là các kiểu sử dụng đất khác như để khai thác mỏ, khai thác gỗ cũng có những tác động rất lớn đến chất lượng môi trường. Trong tất cả mọi trường hợp, chúng ta đều phải đánh giá, phân tích những nguyên nhân thúc đẩy người ta tạo ra những tác động đó và tìm cách thay đổi những khuyến khích sao cho phù hợp với mục đích bảo vệ môi trường. Mặc dù chúng ta không thể giám sát, điều khiển lượng vật chất phát ra ở đây, song chúng ta có thể nắm bắt, mô tả, ước lượng những hậu quả có thể xảy ra để đề ra những giải pháp quản lý thích hợp.
Ô nhiễm môi trường
Theo luật bảo vệ môi trường của Việt Nam, ô nhiễm môi trường được định nghĩa như sau:
"Ô nhiễm môi trường là sự làm thay đổi tính chất của môi trường, vi phạm tiêu chuẩn môi trường".
Quan niệm của thế giới cho rằng, ô nhiễm môi trường được hiểu là việc chuyển các chất thải hoặc năng lượng vào môi trường đến mức có khả năng gây hại đến sức khoẻ con người, đến sự phát triển sinh vật hoặc làm suy giảm chất lượng môi trường. Các tác nhân ô nhiễm, bao gồm các chất thải ở dạng khí (khí thải), lòng (nước thải), rắn (chất thải rắn) chưa hoá chất hoặc tác nhân vật lý, sinh học và các dạng năng lượng như nhiệt độ, bức xạ.
Tuy nhiên, môi trường chỉ được coi là bị ô nhiễm nếu trong đó hàm lượng, nồng độ hoặc cường độ các tác nhân trên đạt đến mức có khả năng tác động xấu đến con người, sinh vật và vật liệu.
Suy thoái môi trường
Theo luật bảo vệ môi trường của Việt Nam, suy thoái môi trường được định nghĩa như sau:
"Suy thoái môi trường là sự làm thay đổi chất lượng và số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu cho đời sống của con người và thiên nhiên"
Trong đó, thành phần môi trường được hiểu là các yếu tố tạo thành môi trường bao gồm: không khí, nước, đất, âm thanh, ánh sáng, lòng đất, núi, rừng, sông, hồ, biển, sinh vật, các hệ sinh thái, các khu dân cư, khu sản xuất, khu bảo tồn thiên nhiên, cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và các hình thái vật chất khác.
Sự cố môi trường: Đánh giá rủi ro
Theo luật bảo vệ môi trường của Việt Nam, sự cố môi trường được định nghĩa như sau:
" Sự cố môi trường là các tai biến hoặc rủi ro xẩy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi bất thường của thiên nhiên gây suy thoái môi trường nghiêm trọng"
Sự cố môi trường xảy ra do:
a. Bão, lũ, lụt, hạn hán, nứt đất, động đất, trượt đất, sụt lở đất, núi lửa phun, mưa axít, mưa đá, biến động khí hậu và thiên tai khác.
b. Hoả hoạn, cháy rừng, sự cố kĩ thuật gây nguy hại về môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình kinh tế, khoa học, kĩ thuật, văn hoá, an ninh, quốc phòng.
c. Sự cố trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác và vận chuyển khoáng sản, dầu khí; sập hầm lò, phụt dầu, tràn dầu, vỡ đường ống dẫn dầu, dẫn khí; đắm tàu, sự cố tại cơ sở lọc hoá dầu và các cơ sở công nghiệp khác.
d. Sự cố trong lò phản ứng hạt nhân, nhà máy điện nguyên tử, nhà máy sản xuất, tái chế nhiên liệu hạt nhân, kho chứa chất phóng xạ.
Đánh giá rủi ro là đánh giá về số lượng và chất lượng của rủi ro ảnh hưởng tới sức khoẻ con người và hệ sinh thaí, gây ra do độc hại môi trường tiềm năng hoặc thực tế.
Theo luật bảo vệ môi trường của Việt Nam ,
"Tiêu chuẩn môi trường là những chuẩn mức, giới hạn cho phép, được quy định dùng làm căn cứ để quản lý môi trường"
Thông qua định nghĩa cho thấy, tiêu chuẩn môi trường có quan hệ mật thiết với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Hệ thống tiêu chuẩn môi trường là một công trình khoa học liên ngành, nó phản ánh trình độ khoa học, công nghệ, tổ chức quản lý và tiềm lực kinh tế - xã hội có tính đến dự báo phát triển. Cơ cấu của hệ thống tiêu chuẩn môi trường bao gồm các nhóm chính sau đây.
a. Những quy định chung
b. Tiêu chuẩn nước, bao gồm nước mặt nội địa, nước ngầm, nước biển và ven biển, nước thải v.v…
c. Tiêu chuẩn không khí, bao gồm khói bụi, khí thải (các chất thải) v.v…
d. Tiêu chuẩn liên quan đến bảo vệ đất canh tác, sử dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp.
e. Tiêu chuẩn bảo vệ thực vật, sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ.
f. Tiêu chuẩn liên quan đến bảo vệ các nguồn gen, động thực vật, đa dạng sinh học.
g. Tiêu chuẩn liên quan đến bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, các di tích lịch sử, văn hoá.
h. Tiêu chuẩn liên quan đến môi trường do các hoạt động khai thác khoáng sản trong lòng đất, ngoài biển v.v…
Hiện nay ở việt nam chúng ta đã có bộ tiêu chuẩn quy định về chất lượng môi trường do cục đo lường tiêu chuẩn, bộ khoa học cộng nghệ và môi trường trước đây ban hành.
Khái niệm về phát triển
-Thuật ngữ "phát triển" đã được dùng trong các văn kiện, trong nghiên cứu khoa học và trong sinh hoạt hàng ngày đến mức quá quen thuộc. Tuy nhiên, cho đến nay chưa thể nói được rằng khái niệm "phát triển" đã được hiểu một cách đầy đủ và đúng đắn.
- Phát triển là xu hướng tự nhiên đồng thời là quyền của mỗi một cá nhân, mỗi một cộng đồng hay mỗi một quốc gia.
- Trước hết, cần nhận thức rõ đối tượng, mục tiêu và động lực của sự phát triển. Con người vừa là đối tượng, vừa là động lực của phát triển. Vì thế, mục tiêu của sự phát triển là không ngừng cải thiện chất lượng cuộc sống vật chất, văn hoá, tinh thần của con người (cá nhân hay cộng đồng). Nói cách
- 1 Khái niệm và phương pháp phân tích lựa chọn cung ứng.
- 2 Mỹ Linh
- 3 Vai trò và hiệm vụ kế toán thành phẩm, tiêu thụ thành phẩm và xác định kết quả kinh doanh
- 4 Kiến thức chung về Thương mại điện tử và Kinh doanh trực tuyến
- 5 loại bỏ các đường bị che khuất
- 6 Kiểu dữ liệu có cấu trúc – Phần 1
- 7 Cơ sở lý luận của việc hình thành giá thị trường
- 8 Thể dục thể thao
- 9 Vấn đề tiền lương
- 10 Methotrexate