Khái quát lịch sử tiếng Việt
Hướng dẫn I. Lịch sử phát triển của tiếng Việt 1. Tiếng Việt trong thời kì dựng nước a) Nguồn gốc tiếng Việt Tiếng Việt có nguồn gốc bản địa được xác định thuộc họ ngôn ngữ Nam Á. b) Quan hệ họ hàng của tiếng Việt Ngay từ thời dựng nước, trong quá trình giao hòa với ...
Hướng dẫn
I. Lịch sử phát triển của tiếng Việt
1. Tiếng Việt trong thời kì dựng nước
a) Nguồn gốc tiếng Việt
Tiếng Việt có nguồn gốc bản địa được xác định thuộc họ ngôn ngữ Nam Á.
b) Quan hệ họ hàng của tiếng Việt
Ngay từ thời dựng nước, trong quá trình giao hòa với nhiều dòng ngôn ngữ trong vùng, tiếng Việt với cội nguồn Nam Á đã sớm tạo dựng được một cơ sở vững chắc để tiếp tục tồn tại và phát triển trước sự xâm nhập ồ ạt của ngôn ngữ văn tự Hán ở những thế kỉ đầu công nguyên.
2. Tiếng Việt trong thời kì Bắc thuộc
Trong quá trình phát triển, tiếng Việt đã có quan hệ tiếp xúc với nhiều ngôn ngữ khác trong khu vực, nhất là đã vay mượn rất nhiều từ ngữ Hán. Điều này đã làm phong phú cho tiếng Việt.
3. Tiếng Việt dưới thời kì độc lập tự chủ
Dựa vào việc vay mượn từ ngữ Hán, một hệ thống chữ viết đã được xây dựng nhằm ghi lại tiếng Việt, đó là chữ Nôm. Với chữ Nôm, tiếng Việt ngày càng khẳng định ưu thế trong sáng tác thơ văn, ngày càng trở nên tinh tế, trong sáng, uyển chuyển, phong phú.
4. Tiếng Việt trong thời kì Pháp thuộc
Tiếng Việt bị tiếng Pháp chèn ép. Nhưng chữ Quốc ngữ dùng chữ cái La-tinh ngày càng thông dụng và phát triển nhiều từ ngữ, hệ thống thuật ngữ khoa học ra đời.
5. Tiếng Việt từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay
Công cuộc xây dựng hệ thống thuật ngữ khoa học và chuẩn hóa tiếng Việt đã được tiến hành mạnh mẽ. Tiếng Việt trở thành ngôn ngữ quốc gia, giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước.
II. Chữ viết của tiếng Việt
Chữ Nôm là một thành quả văn hóa lớn lao biểu hiện ý thức độc lập tự chủ của dân tộc nhưng vì không được chuẩn hóa, mang nhiều khiếm khuyết nên đã được thay thế bằng chữ Quốc ngữ, một bước tiến vượt bậc về lĩnh vực chữ viết của dân tộc. Chữ Quốc ngữ là một hệ thông chữ viết ưu việt, có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội và sự phát triển của đất nước ta.
III. LUYỆN TẬP
Bài tập 1
Các biện pháp Việt hóa từ ngữ Hán trong tiếng Việt:
– Vay mượn trọn vẹn chỉ Việt hóa mặt âm đọc: cách mạng, chính phủ…
– Rút gọn: thừa trần → trần…
– Đảo vị trí các yếu tố: nhiệt náo → náo nhiệt; thích phóng → phóng thích…
– Đổi nghĩa hoặc mở rộng, thu hẹp nghĩa: phương phi → béo tốt, bồi hồi → bồn chồn, đinh ninh → yên chí, tin chắc…
– Dịch nghĩa: không phận → vùng trời, thiết giáp → bọc thép…
Bài tập 2
Ưu điểm nổi bật của chữ Quốc ngữ:
– Số lượng kí hiệu chữ viết không quá lớn.
– Số lượng chữ cái để ghi âm vị rất ít (khoảng 26 chữ cái). Muốn ghi âm tiết thì ghép chữ cái lại.
– Dễ viết, dễ đọc, dễ nhớ.
– Có thể ghi tất cả âm thanh mới lạ.
Bài tập 3
Ví dụ minh họa cho ba cách thức đặt thuật ngữ khoa học:
– Phiên âm thuật ngữ phương Tây: sin, cô-sin, véc-tơ…
– Vay mượn thuật ngữ Trung Quốc: ngôn ngữ, văn học, chính trị, chủ ngữ, vị ngữ…
– Đặt thuật ngữ thuần Việt: góc nhọn, góc tù, góc bẹt…
Mai Thu