Miền Bắc Việt Nam Sự kết thúc của dãy Himalaya
Miền Bắc Việt Nam có các đặc điểm địa chất và môi trường phức tạp, bao gồm sự pha trộn giữa đá granit và đá vôi, vùng núi cao và châu thổ, các đỉnh núi địa hình gồ ghề và các vùng đồng bằng ẩm và các loài nhiệt đới và cận nhiệt đới. Sự đa ...
Miền Bắc Việt Nam có các đặc điểm địa chất và môi trường phức tạp, bao gồm sự pha trộn giữa đá granit và đá vôi, vùng núi cao và châu thổ, các đỉnh núi địa hình gồ ghề và các vùng đồng bằng ẩm và các loài nhiệt đới và cận nhiệt đới. Sự đa dạng này phản ánh vị trí của miền Bắc Việt Nam nằm gần khu vực giao nhau giữa vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới và có sự ảnh hưởng về mặt sinh học của ba vùng địa sinh học: Đông Dương, Nam Trung Quốc và ven biển Đông Dương. Trong thời kỳ Pháp thuộc, miền Bắc Việt Nam tạo thành khu vực hành chính Ton Kin; người Việt Nam goi khu vực này là Bắc Bộ. Nó có biên giới với tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc ở phía Đông Bắc và tỉnh Vân Nam ở phía Tây Bắc và giáp với Lào dọc theo biên giới phía Tây (hình 25). Vùng ven biển rộng lớn có ý nghĩa sinh thái quan trọng trải dài dọc theo vịnh Bắc Bộ (Ton Kin) về phía Đông Bắc, phía bên ngoài là đảo Hải Nam của Trung Quốc nằm ở biển Đông. Sông Hồng chảy từ biên giới với Trung Quốc qua vùng trung tâm của miền Bắc Việt Nam vào tạo thành hình giẻ quạt khi chảy vào vùng đồng bằng thấp chủ yếu làm nông nghiệp và rất đông dân cư trước khi đổ vào vịnh Bắc Bộ. Không giống như sông Mê Kông có kích thước lớn hơn nhiều và một mình nó đóng vai trò quan trọng ở miền Nam, sông Hồng cắt đôi miền Bắc Việt Nam. Sông Cả, chảy qua giữa tỉnh Nghệ An tạo thành biên giới phía Tây Nam của vùng này. Nó trùng khớp với vùng chuyển tiếp về sinh học, địa chất và dân tộc và phần nào đánh dấu sự bắt đầu của dãy Trường Sơn ở Việt Nam.
Con người ở miền Bắc Việt Nam có nguồn gốc từ các nhóm dân tộc khác nhau từ những cư dân cổ xưa cho đến những người di cư mới đến. Con người đã sống trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng trong vòng ít nhất 20.000 năm trở lại đây; trong thế kỷ 21, đây là khu vực đông đúc nhất của Việt nam với mức trung bình 1.180 người/ km2 so với 598 người/ km2 trên cả nước. Dân số ở đây phần nhiều là nguời Việt, nhóm dân tộc chiếm ưu thế ở Việt Nam.
Trong số 53 nhóm dân tộc khác, ít nhất 30 nhóm phân bố ở phía Bắc, tập trung ở 12 tỉnh miền núi nằm bao quanh vùng trung tâm của khu vực châu thổ. Mật độ dân số ở khu vực này thấp hơn nhiều so với vùng đồng bằng, với mức trung bình khoảng 80 người / km2 nhưng dân số tiếp tục tăng do tỷ lệ sinh đẻ cao và sự di cư từ các vùng khác trong nước đến khu vực này. Một số nhóm dân tộc lớn hơn ở miền Bắc như H’mong, là những người đến Việt Nam gần đây, di cư xuống từ phía Nam Trung Quốc bắt đầu và cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Những nhóm khác như Tày, đã sống ở các khu vực này từ trước khi lịch sử được ghi chép lại.
Địa hình
Các vùng đồi núi tạo thành dạng cung tròn xung quanh biên giới phía Bắc của Việt Nam, mặc dù các khu vực miền núi này cao hơn và chiều rộng của cung tròn này mở rộng ra ở phía Bắc và phía Tây (hình 26). Bên trong cung tròn này là châu thổ sông Hồng rộng lớn. Những đồi thấp và tròn cao 150-200m trên mực nước biển và những thung lũng hẹp tạo thành vùng trung du chuyển tiếp giữa vùng phía trên của châu thổ và vùng núi. Vùng núi cũng bị cắt bởi một khu vực trũng rộng nằm ở phía Đông từ tỉnh Cao Bằng gần biên giới Trung Quốc kéo dài về phía Nam đến vùng ven biển.
Các nhà địa chất mô tả nửa phía Bắc của Việt Nam là “sự pha trộn kiến tạo” (Findlay 1999, 359), bởi vì nó được ghép lại từ nhiều thành phần địa chất và sau đó bị biến đổi, biến dạng và sắp xếp lại qua hàng trăm triệu năm. Được tạo thành từ sự va chạm của mảng Nam Trung Quốc và mảng Đông Dương và sau đó bị biến đổi bởi năng lượng tạo ra do sự va chạm của mảng Ấn Độ vào mảng Âu Á, nó vẫn là vùng có động đất hoạt động cho đến ngày nay. Ở phía Đông của sông Hồng, địa chất của miền Bắc Việt Nam chủ yếu có nguồn gốc từ Nam Trung Quốc. Ở phía Tây của sông Hồng, vùng tiếp giáp rộng kéo dài xuống phía Nam tới Đà Nẵng ở miền Trung Việt Nam, nơi các thành phần của mảng Nam Trung Quốc và mảng Đông Dương cũng như các mảng nhỏ khác trộn lẫn với nhau. Các đứt đoạn và nếp oằn rộng được hình thành trong khu vực này, chủ yếu trong thời kỳ sau sự tác động của mảng Ấn Độ vào châu Á 50 triệu năm trước tạo ra một loạt các núi vào thung lũng chạy song song theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Việc tích lũy các chuyển động kiến tạo và các quá trình biến dạng lâu dài đã tạo địa hình phức tạp và sự pha trộn của nhiều nguồn gốc địa chất khác nhau ở miền Bắc Việt Nam.
Châu thổ sông Hồng là khu vực rộng lớn, phẳng và có hình tam giác có đỉnh tại Việt Trì, 55km về phía Tây Bắc của Hà Nội. Có ranh giới ở phía Đông Bắc là sông Thái Ninh và ở phía Tây Nam là sông Hồng, châu thổ này có diện tích 17.321 km2 và với đường bờ biển chạy dài gần 300km. Các vùng cửa sông, bãi bồi, đụn cát và bãi biển nằm dọc theo bờ biển này nơi rất nhiều các ao nuôi trồng thủy sản (chủ yếu là nuôi tôm) đã thay thế các khu rừng ngập mặn tự nhiên. Các đồi thấp cao khoảng 10m bao quanh các vùng đất phù sa rộng lớn và cao không quá 3-5m trên mực nước biển. Các khu vực ven biển ở phía Bắc và phía Nam cũng giống như những khu vực ven biển của vùng châu thổ nhưng có thêm các vách đá vôi và các phá. Hàng nghìn đảo ngoài khơi nằm rải rác ngoài khơi bờ biển phía Đông Bắc của Việt Nam có kích thước khác nhau từ những mỏm đá nhỏ cho đến đảo Cát Bà có diện tích 285 km2 và là một phần của vịnh Hạ Long rộng 2.500 km2.
Đặc điểm nổi bật của địa hình miền Bắc Việt Nam là địa hình đá vôi rộng lớn bao gồm các khu vực đá vôi lởm chởm bị sói mòn thành các tháp, đồi, hang và các đường ngầm (hình 27). Từ phần nửa cuối của kỷ Devon (370-360 triệu năm trước đây) đến đầu kỷ Triat (245-224 triệu năm trước đây), phần lớn miền Bắc và miền Trung Việt Nam được bao phủ bởi các biển nông và các biển này đã để lại những trầm tích đá vôi rộng lớn, cao tới 3.000m ở một số khu vực. Khi bị tiếp xúc với nước mưa do đất bị sói mòn và do phay nghịch kiến tạo, bề mặt đá dần dần bị phân hủy. Các núi đá vôi ở vịnh Hạ Long nằm kế tiếp nhau ngoài khơi bờ biển Đông Bắc có lẽ là địa hình đá vôi nổi tiếng nhất và đáng chú ý nhất ở Việt Nam. Đảo Cát Bà là trung tâm của khối núi mà ngày nay phần lớn đã chìm. Khối núi này ngày nay chỉ còn là những đỉnh đồi nổi lên rải rác với chiều cao khác nhau trên đáy biển phẳng có độ sâu 2-25m nằm bên dưới. Địa hình đá vôi nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam phức tạp hơn so với địa hình phía Tây Bắc và gồm có nhiều dạng hơn, như dạng tháp lởm chởm, núi dạng khối tròn, dạng nón, dạng lõm có nền phẳng và hang. Ở đây, hai cấu trúc địa hình đá vôi lớn, Cao Bằng và Bắc Sơn, có chiều cao 1.000m trên mực nước biển và các đỉnh của chúng cao hơn từ 100-600m so với các vùng thung lũng nằm xen kẽ và các vùng lõm phẳng. Vùng Tây Bắc của Việt Nam cũng có những địa hình đá vôi quan trọng, trong đó có vùng cao nguyên rộng lớn nhưng bị chia cắt thành nhiều phần chạy dọc theo sông Đà từ biên giới Trung Quốc đến bờ biển. Những địa hình đá vôi bị sói mòn nhiều cũng phân bố ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hoá và Nghệ An.
Địa hình nổi bật ở phía Tây của sông Hồng là dãy Hoàng Liên Sơn, là phần kéo dài tận cùng phía Đông Nam của dãy Himalaya. Cấu trúc bằng đá granit này chạy dọc theo bờ phía Tây của sông Hồng xấp xỉ khoảng 675km về phía Đông Nam từ biên giới Trung Quốc. Phần lớn dãy này nằm trên 2.000m với nhiều đỉnh tới độ cao từ 2.500m đến hơn 3.000m, trong đó có Fan Si Pan, đỉnh núi cao nhất ở Việt Nam có chiều cao 3.143m. Địa hình granit của dãy Hoàng Liên Sơn có niên đại từ 80-29 triệu năm trước đây, và dãy núi này được hình thành bởi các hoạt động kiến tạo bắt đầu khoảng 65 triệu năm trước đây và vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Các đỉnh núi cao sắc nhọn và các hẻm núi dốc và sâu cho thấy quá trình hình thành diễn ra khá nhanh và sự sói mòn chỉ diễn ra gần đây. Phía Nam và phía Tây của dãy Hoàng Liên Sơn là sông Đà và một loại đá vôi khác pha trộn với các loại đá cổ hơn. Khối núi Việt Bắc, cấu trúc đá granit nằm gần biên giới Trung Quốc, bao gồm đỉnh Tây Côn Lĩnh ở độ cao 2.419m, nằm ở phía Đông Bắc của đỉnh núi cao nhất ở Việt Nam. Khối núi Tam Đảo nằm riêng lẻ có độ cao trên 1500m ở bên rìa của châu thổ sông Hồng cũng là địa hình đáng chú ý và là một trong các hệ sinh thái được nghiên cứu kỹ ở Việt Nam.
Tầng đất trên cùng của châu thổ sông Hồng còn trẻ, được hình thành từ kỷ Thứ Tư (2,6 triệu năm trước đây) đến nay và có chứa hàm lượng phù sa và cát lớn. Phù sa chứa trầm tích mịn, dạng bùn và hơi có tính axit được bồi đắp bởi các con sông chảy xiết trong khu vực này và thích hợp cho việc trồng lúa. Tuy nhiên, cát có hàm lượng chất hữu cơ thấp và hơi có tính kiềm khiến nó không phù hợp lắm cho nông nghiệp. Sự màu mỡ của vùng châu thổ thay đổi theo vị trí chủ yếu do nguồn phù sa. Đáng tiếc là, hệ thống đê rộng lớn để bảo vệ đất canh tác khỏi lũ lụt cũng đã ngăn cản việc bồi đắp của phù sa giàu chất dinh dưỡng mà ban đầu đã tạo nên sự màu mỡ của vùng châu thổ. Có lẽ là các dạng than bùn cũng đã từng được hình thành trong vùng châu thổ trước khi vùng này bị biến đổi sang sản xuất nông nghiệp. Phần lớn các tầng đất trên núi đã bị bào mòn nhiều, có hàm lượng dinh dưỡng thấp, và rất dễ bị sói mòn khi đất bị chặt hết cây. Chất lượng đất thấp hạn chế sự phát triển của mùa màng và có lẽ là nguyên nhân gây ra tỷ lệ bướu cổ cao ở vùng này – đây là bệnh gây ra do thiếu Iôt trong khẩu phần ăn. Các ôxit sắt và nhôm tạo ra mầu đỏ của đất mà từ đó sông Hồng được đặt tên.
Miền Bắc Việt Nam chứa phần lớn lượng than của cả nước; những vỉa than antraxit lớn ở tỉnh Quảng Ninh chiếm 98% trữ lượng than có chất lượng cao này của cả nước. Miền Bắc cũng có nhiều sắt, thiếc, than chì và apatit.
Khí hậu
Phần lớn miền Bắc Việt Nam có nhiệt độ thay đổi nhiều theo mùa hơn là các vùng khác trong nước đồng thời có khí hậu cận nhiệt đới đặc biệt là phần nằm bên trong (bảng 2). Khí hậu lạnh (tương đối) và thay đổi theo mùa gây ra bởi gió mùa Đông Bắc mang không khí lanh từ vùng ven cao nguyên Tây Tạng xuống Việt Nam trong mùa đông (tháng 12 đến tháng 2 hoặc tháng 3). Nhiệt độ trung bình hàng ngày ở Hà Nội là 16,5-20oC trong những tháng này và tăng lên đến 27,3-29oC từ tháng 5 đến tháng 8. Không giống như những vùng châu thổ lớn khác ở vùng lục địa Đông Nam Á (Mê Kông, Chao Phraya, Irrawaddy), thời tiết mùa đông đủ lạnh để gây ảnh hưởng đến việc trồng lúa. Gió mùa đông cũng khá khô và phần lớn miền Bắc Việt Nam hứng chịu mùa khô trong những tháng này. Đến cuối mùa đông (tháng 2 đến tháng 3) mưa phùn kéo dài ở vùng đồng bằng diễn ra trước những tháng mùa hè nóng, ẩm, và mưa nhiều. Sự thay đổi về thời tiết gây ra do gió mùa Tây Nam nóng thổi vào lục địa từ biển phía Nam. Bão (khí xoáy tụ ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương) xuất hiện vào mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10 và có thể gây ra lũ lụt nghiêm trọng ở châu thổ sông Hồng.
Bên trong kiểu khí hậu cơ bản này, lượng mưa và chế độ nhiệt độ ở miền Bắc Việt Nam thay đổi rất lớn. Ở độ cao trên 2.000m, dãy Hoàng Liên Sơn không có mùa khô và nhiệt độ thường xuống dưới 0oC trong các tháng 12 và tháng 1 và có tuyết rơi từ 1 đến 3 ngày trong năm. Những điều kiện khí hậu này giống với khí hậu ôn đới ở Trung Quốc hơn là khí hậu cận nhiệt đới và phần nào đóng vai trò tạo ra những quần xã thực vật riêng biệt phân bố trên những sườn núi này. Lượng mưa có xu hướng tăng theo hướng Đông Bắc từ Hà Nội đến biên giới Trung Quốc. Móng Cái nằm ở điểm cực Đông của miền Bắc Việt Nam có lượng mưa trung bình 2.749mm và có ba tháng mùa khô hàng năm. Trong toàn bộ khu vực này, lượng mưa trung bình hàng năm thay đổi từ mức thấp 1.127mm ở Nam Định nằm ở phía Đông Nam của Hà Nội gần vùng ven biển, đến mức cao 4.802mm ở Bắc Quang nằm ở chân của khối núi Việt Bắc thuộc tỉnh Hà Giang.
Chế độ nước
Sông Hồng và các nhánh sông của nó chi phối địa hình của miền Bắc Việt Nam và đóng vai trò quan trọng trong đời sống của các cư dân vùng này. Sông Hồng bắt nguồn từ cao nguyên Vân Nam thuộc tỉnh Vân Nam Trung Quốc nơi nó được gọi là Yuan Chiang và sau đó chảy vào Việt Nam theo hướng Đông Nam dọc theo vùng phay của sông Hồng. Hai nhánh sông chính cũng bắt nguồn từ Vân Nam, sông Lô ở phía Đông và sông Đà ở phía Tây, lần lượt sát nhập với sông Hồng ở những điểm cách nhau 10km và cách Hà Nội xấp xỉ 55km về phía Tây Bắc. Cả ba con sông này đều chảy xiết và sông Hồng và sông Đà chảy xuống vùng châu thổ qua các khe núi hẹp và sâu. Vào năm 1998, đập Hòa Bình chắn dòng chảy của sông Đà trước khi nó nối với sông Hồng tạo ra hồ chứa nước lớn nhất Việt Nam và cũng cấp lượng điện đáng kể cho đất nước. Hai con sông lớn khác, sông Mã và sông Cả, chảy song song với sông Hồng ở phía Nam. Cả hai đều chảy xiết ở phía thượng lưu và sông Cả có vùng châu thổ tương tự như châu thổ sông Hồng nhưng nhỏ hơn nhiều.
Mặc dù tương đối ngắn (với chiều dài 1.200km nó ngắn hơn hơn 100 con sông khác trên thế giới) và có diện tích lưu vực hạn chế rộng 120.000km2, sông Hồng có lượng nước chảy và lượng phù sa lớn. Dòng sông có những thay đổi lớn giữa mùa khô và mùa mưa. Lượng mưa trung bình hàng năm ở vùng châu thổ là 1.600-1.800mm, 80 đến 85% lượng mưa này rơi vào khoảng tháng 4 và tháng 10. Kết hợp với sông Đà và sông Lô, sông Hồng mở rộng dòng chảy vào mùa lũ từ tháng 6 đến tháng 10. Trong những tháng này, dòng sông mang theo 73% lượng nước cả năm và lượng nước chảy có thể đạt đến mức 35.000m3/giây ; lượng nước chảy trung bình cả năm là 3.900m3/giây). Một phần do lượng nước chảy lớn và một phần do sự sói mòn ở phần thượng lưu do kiến tạo phay nghịch và phá rừng gây ra, sông Hồng mang một lượng lớn phù sa, cao hơn 5 lần so với sông Mê Kông trên một kilômet vuông của lưu vực. Sự tích lũy lượng phù sa này và những chất khác do sông Hồng mang đến đã lấp đầy vùng một thời là vịnh nhỏ của vịnh Bắc Bộ để tạo nên vùng châu thổ rộng lớn.
Lũ lụt không thể dự đoán được nhưng là mối đe dọa nghiêm trọng đến con người và mùa màng trong vùng châu thổ; mức nước cao có thể lên đến 14m so với các vùng đất xung quanh ở một số khu vực. Các cư dân vùng châu thổ đã xây dựng một hệ thống đê rộng lớn trong đất liền cũng như ở vùng bờ biển trong nhiều thế kỷ để bảo vệ mùa màng và con người và phục vụ mục đích thủy lợi. Bên cạnh sông Hồng, vùng châu thổ này còn bao gồm các cửa sông Đáy, sông Thái Bình và Văn Úc.
Thực vật và môi trường sống
Rừng ở miền Bắc Việt Nam nằm tại ranh giới phân bố phía Bắc của thực vật nhiệt đới và tại ranh giới phân bố phía Nam của thực vật cận nhiệt đới và ôn đới. Các khu vực chuyển tiếp giữa các quần xã thực vật diễn ra ở đây chúng di chuyển từ phía Nam lên phía Bắc, từ Đông sang Tây và từ đồng bằng lên miền núi. Dạng rừng chiếm ưu thế ở miền Bắc Việt Nam là rừng thường xanh, trong đó có cả thực vật lá rộng và thực vật lá kim kết hợp với những khoảnh rừng bán thường xanh. Các dạng rừng ngập mặn ở vùng ven biển và rừng mọc trên núi đá vôi cũng là các thành phần quan trọng nằm trong sự đa dạng của sinh cảnh tự nhiên miền Bắc.
Châu thổ sông Hồng một thời che phủ bởi rừng đầm lầy nước ngọt trong đất liền và một dải rừng ngập mặn rộng dọc theo các cửa sông và vùng ven biển. Nói chung là thực vật tự nhiên không còn tồn tại nữa vì tất cả những vùng đất có khả năng trồng trọt đã được biến thành ruộng lúa nước và đất trồng cây thu hoạch khác và vùng bờ biển đã bị biến đổi rất lớn để cho nuôi trồng thủy sản, làm đồng muối và để bảo vệ chống lụt. Việc chuyển đổi đất và việc mất đi sự đa dạng diễn ra sau đó không phải mới diễn ra ở đây. Quá trình biến đổi vùng châu thổ đã diễn ra hàng thế kỷ. Hệ thống đê có qui mô lớn đầu tiên được ghi nhận dài 8.5km và được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 9 trước công nguyên. Các khu rừng ngập mặn tự nhiên ở miền Bắc Việt Nam phân bố ngắn hơn và không đa dạng bằng rừng ở phía Nam. Các khu rừng có tán lá kín và rậm rạp một thời tập trung xung quanh vùng châu thổ. Chúng có phân bố rộng và chắc chắn đến mức chúng nối vùng đất liền với đảo Cát Bà và với các đảo khác trong vịnh Hạ Long. Ngày nay chúng chỉ còn phân bố trên diện tích ít hơn 82km2 và hình thành những dải hẹp rộng từ 5-10m. Trong số này chỉ có 0.8km2 là có độ tuổi hơn 30 năm. Phần còn lại là dạng bụi trống và thường là rừng trồng chỉ có một loài.
Bên ngoài các khu vực châu thổ và vùng ven biển, thực vật tự nhiên của miền Bắc Việt Nam là rừng. Các khu rừng thường xanh lá rộng ở đồng bằng một thời che phủ phần lớn miền Bắc Việt nam cho tới độ cao 600-800m. Các khu rừng này ngày nay hiếm và bị đe dọa nghiêm trọng. Con người đã chặt phần lớn các khu rừng này để trồng mùa màng và làm bãi chăn thả, và nhiều khu rừng hiện bị thay thế bởi cây bụi và rừng thứ sinh.
Ở độ cao 600-800m ở miền Bắc Việt Nam thực vật chuyển tiếp từ vùng đồng bằng ẩm sang rừng thường xanh trên núi. Rừng trên núi phân bố ở khoảng 600-2000m và là hỗn hợp của cây lá rộng và cây lá kim. Các họ cây cận nhiệt đới và cây ôn đới thay thế các họ cây nhiệt đới chiếm ưu thế trước đây, chủ yếu do nhiệt độ thấp hơn. Hầu hết các loài dầu vùng nhiệt đới (họ Dipterocarpaceae) không phân bố trên 600-900m ở miền Bắc và nhiều loài vùng núi không phân bố dưới 900-1.200m. Các họ chiếm ưu thế ở độ cao này gồm có sồi (Fagaceae), mộc lan (Magnoliaceae) và nguyệt quế (Lauraceae) cùng với nhiều loại cây lá kim, trong đó có pơ mu (Fokienia hodginsii) thường mọc cao hơn tán lá. Ở độ cao lớn hơn, độ ẩm ở dạng sương mù, mây, sương đọng và mưa xuất hiện thường xuyên dọc theo các ngọn và đỉnh núi tạo thành các điều kiện lý tưởng cho rừng mây. Thực vật của các quần xã riêng biệt này chủ yếu là cây lá kim và cây thạch nam (họ Ericaceae) trong đó có đỗ quyên (chi Rhododendron; hình 28). Các loại thực vật này thường còi cọc, vặn xoắn, thường sống lâu và được phủ chi chít địa y, rêu và phong lan.
Ở các sườn núi và hẻm núi phía trên của dãy Hoàng Liên Sơn là các khu rừng mà thành phần thực vật của chúng thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa các vùng cao nguyên ở Việt Nam và vùng Nam Trung Quốc. Các khu rừng lá kim mọc giữa độ cao 2.000-2.800m có các cây thiết sam (Tsuga dumosa) và thông Fan Si Pan (Abies delavayi fansipanensis) cao chiếm ưu thế. Các khu rừng này là vùng phân bố duy nhất của quần xã ôn đới của thiết sam-thông ở Đông Nam Á và giống với các khu rừng đặc trưng ở Tây Nam Trung Quốc hơn. Chúng có các loài không phân bố ở bất cứ nơi nào khác ở Việt Nam. Nhiều loại cây ôn đới cũng xuất hiện ở đây, trong đó có cây bulô (Betulaceae), cây óc chó (Juglandaceae), liễu (Salicaceae) và cây việt quất (chi Vaccinium). Sự đa dạng và độc đáo của những khu rừng này khiến chúng có tầm quan trọng về bảo tồn ở mức quốc gia. Đáng tiếc là, thậm chí ở những độ cao này, phần lớn rừng đã bị biến thành nông nghiệp và ngày nay chủ yếu chỉ còn lại cây bụi và đồng cỏ.
Thành phần quan trọng cuối cùng của thực vật miền Bắc Việt Nam là các quần xã thực vật rộng lớn và khá đặc biệt mọc dưới chân và trên địa hình đá vôi (hình 29). Ở đây, các khu rừng này phân bố ở độ cao tới 1.700m, phổ biến là ở độ cao 300-900m. Khi độ cao tăng, chúng chuyển từ rừng thường xanh đóng tán sang các cấu trúc bán thường xanh thấp hơn, có tán mở hơn và có các dạng thực vật vặn xoắn và uốn cong. Các quần thể nằm trên địa hình đá vôi ở miền Bắc Việt nam thường bị chi phối bởi hỗn hợp đa dạng của cây lá kim, trong đó có loài thông hiếm Pà cò (Pinus kwangtungensis) có phân bố giới hạn ở một vài địa điểm ở phía Nam Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam. Lượng ánh sáng chiếu xuống nền rừng tăng lên thúc đẩy sự phát triển của các quần xã cây nhỏ và cây bụi rậm rạp và đa dạng, trong đó có cây tần bì (Sorbus), xạ (Celastrus) và đỗ quyên. Ở độ cao trên 1.200m, tán lá của rừng đá vôi thậm chí còn mở hơn và có thông chiếm ưu thế.
Phong lan của Việt Nam có số lượng loài cao nhất ở địa hình đá vôi rộng lớn nằm ở phía Đông của sông Hồng. Cho đến năm 2004, các nhà thực vật đã thống kê được 296 loài từ vùng núi đá vôi và các khu vực khác ở phía Đông Bắc của Việt Nam. Trong số này, 14% được cho là đặc hữu ở Việt Nam (mặc dù con số này có thể thay đổi khi được khảo sát kỹ hơn). Trái lại, có 117 loài phân bố ở các vùng núi thuộc dãy Hoàng Liên Sơn và tỉnh Hà Giang, trong số này 9% là đặc hữu. Sự đa dạng của phong lan trên địa hình đá vôi tập trung vào những sườn núi và ngọn núi phía trên nơi nhiều loại môi trường sống và chế độ ánh sáng tạo ra quần xã rất đa dạng của thực vật biểu sinh và phong sinh sống trên mặt đất. Cũng xuất hiện trong khu vực này là các loại phong lan dạng hoại sinh đặc biệt. Đây là một dạng sống lấy chấy dinh dưỡng từ các chất hữu cơ bị phân hủy. Sự phong phú của phong lan mọc trên núi đá vôi tập trung ở tỉnh Cao Bằng. Ở đây, loài phong lan vàng đặc hữu Renanathera citrina, có cánh hoa mảnh dẻ màu vàng sặc sỡ và có đốm màu đỏ tía, được phát hiện vào năm 1997.
Khu hệ động vật
Giống như khu hệ thực vật, các quần xã động vật ở miền Bắc Việt Nam là hỗn hợp của các loài nhiệt đới và cận nhiệt đới, nhiều loài trong số này chỉ có ở một phần ba miền Bắc của đất nước. Trong khu vực này, sông Hồng có thể là chướng ngại hữu hiệu đối với việc di chuyển (hoặc trùng khớp với nó) của một số nhóm, như vượn (họ Hylobatidae), hình thành các loài và các quần xã khác nhau ở vùng Đông Bắc và Đông Nam. Đối với các nhóm khác như chim, sông Hồng có lẽ không quan trọng bằng các yếu tố khác như thời tiết trong việc hình thành nên những kiểu phân bố đa dạng.
Châu thổ sông Hồng, mặc dù đã bị biến đổi rất nhiều do sức ép của con người, vẫn là nơi trú chân và nơi nghỉ qua đông quan trọng cho nhiều loài chim di cư, mặc dù hầu hết tất cả các loài thú bản địa và một loạt các loài cây của đất ngập nước và rừng đầm lầy hiện đã biến mất. Địa hình đá vôi lộ thiên là nơi cư trú của của các quần xã chuyên hoá, trong đó có nhóm voọc có quan hệ họ hàng gần gũi (giống Trachypithecus). Tuy nhiên, phần lớn tính đa dạng của khu vực này gắn liền với các khu rừng thường xanh, trong đó có các loài chim đất lớn, chim hót, sóc, chuột chù, hươu và linh trưởng. Đáng tiếc là, việc mất môi trường sống và khai thác đã lấy đi một phần lớn những loài này – voi (Elephas maximus) hiện đã gần bị tuyệt chủng ở đây và tê giác một sừng (Rhinoceros sondaicus) một thời đã từng phân bố ở vùng Tây Nam của khu vực này, đến nay đã biến mất.
Từ khía cạnh lịch sử, chim và thú đã được khảo sát tương đối kỹ, trong đó có cuộc thám hiểm năm 1928-1929 tới Việt Nam, Lào và Siêm (nay là Thái Lan) do Theodore Roosevelt, Jr. đứng đầu. Các cuộc khảo sát sinh học đã phát hiện ra các quần thể trước đây chưa từng được biết (mặc dù đã được mong đợi) của vượn đen tuyền (Hylobates [Nomascus] concolor concolor; thuộc loại nguy cấp), voọc mũi hếch (Rhinopithecus avunculus; thuộc loại đặc biệt nguy cấp), niệc cổ hung (Aceros nipalensis; thuộc loại sắp nguy cấp). Một trong những vùng được nghiên cứu kỹ nhất của Việt Nam là Tam Đảo, nằm ở phía Đông Bắc cách Hà Nội xấp xỉ 80km về phía Bắc. Dãy núi granit nằm độc lập này là khu nghỉ của người Pháp trong thời kỳ thuộc địa và hiện nay phần nào được sát nhập với Vườn Quốc gia Tam Đảo. Số lượng loài có phân bố ở đây thuộc loại cao nhất ở trong nước và trong đó có cả những nhóm chưa được nghiên cứu kỹ như bướm và các loài động vật không xương sống khác.
Thú
Gần 40 loài thú ở miền Bắc Việt Nam không phân bố ở các vùng khác của đất nước. Một phần trong số này là các loài đặc hữu của miền Bắc: voọc mũi hếch, voọc mông trắng (Trachypithecus delacouri), voọc đầu trắng (T. poliocephalus poliocephalus), chuột chù núi (Chodsigoa caovansunga) và chuột mù Sapa (Typhlomys chapensis).
Đa số các loài thú có phạm vi phân bố địa lý kéo dài xuống phía Nam đến khu vực này từ Trung Quốc và Himalaya. Một số phổ biến ở các khu vực ôn đới, trong đó có hươu xạ (Moschus berezovskii) có phân bố rộng khắp vùng miền Nam và miền Trung của Trung Quốc và Tây Tạng và lửng chó (Nyctereutes procyonoides) có phân bố tự nhiên bao gồm phần lớn khu vực Đông Á. Một số loài phân bố hẹp hơn như khỉ mốc (Macaca assamensis), thỏ Đông Trung Quốc (Lepus sinensis) và một số loài chuột chù và chuột chũi (bộ Insectivora). Ngược lại, có ít loài từ miền Trung và miền Nam Việt Nam xâm nhập vào miền Bắc hơn. Một quần thể riêng biệt của Saola (Pseudoryx nghetinhensis) có thể có phân bố ngay phía Bắc của sông Cả và khu vực này đã được sát nhập vào Khu bảo tồn Pù Hương. Gấu chó (Ursus malayanus) cũng có giới hạn phía phân bố Bắc tại hoặc gần vùng này, mặc dù điều này có thể phản ánh áp lực về săn bắn hơn là phân bố thực.
Khu vực phân bố của các loài thú lớn nói chung ít bị hạn chế bởi độ cao hơn là phân bố của chim và lưỡng cư. Ngoại trừ trường hợp của nhóm loài voọc đen má trắng (T. francoisi) vì chúng có mối liên hệ rất chặt chẽ với các khu rừng trên núi đá vôi. Cũng có một số sự luân chuyển trong các quần xã thú nhỏ theo độ cao như sóc, chuột nhắt, chuột. Phần lớn thú lớn ở khu vực này đều sắp bị tuyệt chủng ở mức địa phương nếu như chúng chưa bị, trong đó có hươu xạ và bò tót (Bos gaurus)
Vào cuối những năm 1860, Pere Armand David vận chuyển các mẫu vật voọc mũi hếch (giống Rhinopithecus) đầu tiên về châu Âu gây ra tranh luận trong vòng một thế kỷ rưỡi về vị trí phân loại phù hợp của chúng. Đến năm 1912, các nhà khoa học mô tả một đại diện của giống này, loài voọc mũi hếch (hình 30), đưa nó vào cùng một giống với 3 loài đã được biết của Trung Quốc là voọc mũi hếch vàng (R. roxellana), voọc mũi hếch Vân Nam (R. bieti) và voọc mũi hếch Guizhou (R. brelichi). Tên của chúng mô tả cái mũi lật lên trên như bị ấn vào mặt để cho lỗ mũi hướng thẳng ra phía ngoài. Bốn loài voọc mũi hếch sống dọc theo vùng thời tiết tương đối lạnh từ các khu rừng cận nhiệt đới nằm dưới độ cao 1.500m nơi nhiệt độ không bao giờ xuống dưới 0oC (voọc mũi hếch) cho đến các khu rừng lá kim ở độ cao 4.500m nơi sương giá xuất hiên trong 280 ngày trong năm (voọc mũi hếch Vân Nam). Những môi trường ôn đới lạnh này là một trong những môi trường sống khắc nghiệt nhất của linh trưởng.
Các loài voọc mũi hếch khác nhau về khẩu phần thức ăn, mầu long, kích thước cơ thể, mức độ về tính lưỡng hình theo giới tính, cho dù chúng sống chủ yếu trên cây hay dưới mặt đất, và về kích thước đàn, có thể lên đến 600 con như ở voọc mũi hếch vàng. Một số sự khác nhau này có thể liên quan đến những môi trường sống khác nhau của chúng. Voọc mũi hếch ăn thức ăn theo mùa như lá, quả cây trong khi đó thức ăn của voọc mũi hếch Guizhou không thay đổi theo mùa và chủ yếu là địa y. Do địa y thường xuyên có sẵn và (so với quả cây) có phân bố rộng, nó có thể cho phép loài này sống thành các đàn lớn, trong đó nhiều con đực tranh nhau để tiếp cận với các con cái có khả năng sinh sản. Hiện tượng này tạo điều kiện thuận lợi cho sự tiến hoá của những đặc điểm như kích thước cơ thể lớn và răng nanh dài giúp các con đực cạnh tranh với nhau để giành con cái.
Cho đến năm 1993, voọc mũi hếch thường được đặt nằm trong giống chà vá, Pygathrix và các nhà khoa học vẫn cho rằng chúng là họ hàng gần gũi nhất của chà vá. Về mặt hình thái, voọc mũi hếch là dạng trung gian giữa chà vá chân nâu (P. nemaeus nemaeus) và ba loài voọc mũi hếch khác. Nó có kích thước nhỏ hơn và mảnh hơn so với các loài của Trung Quốc, con đực và con cái có kích thước giống nhau hơn và chúng gần như hoàn toàn sống trên cây. Tuy nhiên, nó vẫn là loài linh trưởng lớn nhất ở Việt Nam trong đó con đực nặng trung bình 13.8kg và con cái nặng 8.3kg. Lông có màu đen ở phần trên của cơ thể và có màu trắng kem ở phía dưới. Mặt có màu trắng xanh, xanh đen xung quanh mõm và ở con trưởng thành môi màu hồng của chúng mở rộng ra như một anh hề. Voọc mũi hếch sống trong các khu rừng trên địa hình đá vôi ở độ cao tới 1000m ở vùng Đông Bắc của Việt Nam và sống thành đàn lên tới 30 con (trước đây có thể lên tới 100 con). Các đàn thường liên hệ với nhau hình thành các đàn lớn hơn. Có ít thông tin khác được biết về loài voọc này ngoại trừ là về mặt sinh thái và tập tính chúng giống các loài voọc khác nhiều hơn là giống những loài họ hàng của chúng ở Trung Quốc.
Voọc mũi hếch chưa bao giờ có phân bố rộng và có lẽ luôn luôn là loài đặc hữu ở vùng hiện nay là vùng Đông Bắc của Việt Nam. Một thời có phân bố ở Tuyên Quang, Yên Bái, Bắc Thái và các tỉnh lân cận, nó hiện có phân bố giới hạn ở các Khu bảo tồn Na Hang và Cham Chu và một vài địa điểm lân cận. Khu bảo tồn Na Hang được thành lập cụ thể để bảo vệ loài này và nó là nơi cư trú của quần thể lớn nhất từng được biết. Đáng tiếc là, khu bảo tồn đã bị chia thành 2 khu vực, trong đó mỗi khu vực có chứa một quần thể nhỏ sinh sản riêng biệt. Nhà khoa học Việt Nam Lê Khắc Quyết đã tìm ra một quần thể mới ở Khu bảo tồn Du Gia vào năm 2002, mang ước tính về số lượng còn lại trong thiên nhiên từ ít hơn 200 đến ít hơn 260. Săn bắn để lấy thịt và làm thuốc là mối đe dọa chính đối với loài này; ở Trung Quốc xương voọc mũi hếch được cho là có thể chữa nhiều loại bệnh khác nhau, trong đó có bệnh thấp khớp.
Vượn đen tuyền ( Hylobates [ Nomascus ] concolor và H . [ N .] sp. cf. nasutus )
Vượn đen tuyền ở miền Bắc Việt Nam là một ví dụ về phân bố địa lý, những quan hệ về tiến hoá và tình trạng bảo tồn thường có quan hệ mật thiết với nhau như thế nào. Miền Bắc Việt Nam là nơi cư trú của 4 taxon: 3 nhóm vượn đen tuyền riêng biệt và vượn đen má trắng (H. [N.] leucogenys leucogenys). Phạm vi phân bố của chúng có lẽ không giao nhau và thường tách biệt bởi các con sông. Xác định mối quan hệ về tiến hoá giữa các loài vượn của Đông Nam Á là một trong những vấn đề hóc búa trong hệ thống phân loại của linh trưởng và các nhà khoa học đang tiếp tục tranh luận về số lượng loài và phân loài và vị trí của chúng trong nhóm này.
Một loài trong số này, vượn đen má đen, có phân bố ở vùng Tây Bắc của Việt Nam giữa sông Hồng và sông Đà. Con đực hoàn toàn đen và con cái có màu vàng, ngực và bụng có một phần lớn là lông đen và một mảng lông đen chạy từ phía trước ra phía sau của đầu. Loài thứ hai, vượn đen mũi lớn (H. [N.] sp. cf. nasutus) chỉ phân bố ở phía Đông của sông Hồng và đảo Hải Nam của Trung Quốc. Vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng về số lượng các dạng có thể phân biệt được trong loài này. Ở Việt Nam có lẽ có 2 dạng. Ở dạng thứ nhất, quần thể (H. [N.] sp. cf. nasutus), con đực đen tuyền và toàn bộ cơ thể con cái có mầu vàng nâu xám với một mảng sẫm trên đỉnh đầu. Kiểu màu lông này gần giống với quần thể gần gũi có phân bố hạn chế ở đảo Hải Nam, H. [N.] sp. cf. nasutus hainanus. Dạng thứ 2, H. [N.] sp. cf. nasutus nasutus, chỉ có một mẫu vật duy nhất là một cá thể cái thu được vào năm 1962 tại Hồng Gai (tỉnh ven biển Quảng Ninh) cho vườn thú Berlin Tierpark. Mầu của nó rất khác lạ: toàn thân có mầu nâu da bò, có màu nâu sẫm hơn nhiều ở ngực và có một vành đen rộng ở trên đầu. Tuy nhiên, tiếng kêu của nó (một đặc điểm nhận biết trong nhóm vượn) gần như hoàn toàn giống với tiếng kêu của con cái trong quần thể ở đảo Hải Nam.
Tình trạng này dẫn đến một loạt câu hỏi đáng chú ý: Bao nhiêu phân loài hiện có? Quan hệ về mặt tiến hoá giữa những taxon có phạm vi phân bố không giao nhau như thế nào? Tại sao tính đa dạng của vượn lại cao như vậy trong một khu vực tương đối nhỏ? Những câu hỏi này có lẽ là điều bí ẩn của khoa học nếu không phải vì tình trạng bảo tồn rất nguy cấp của các loài vượn. Vượn đen mũi lớn có lẽ là loài linh trưởng bị đe dọa nhiều nhất trên thế giới. Cho đến khi một đàn khoảng 30 con được phát hiện ở một khu rừng rộng 3.000ha ở Cao Bằng, quần thể duy nhất được biết gồm có 16 con (có thể còn ít hơn) sống trên đảo Hải Nam. Mặc dù chưa có nghiên cứu nào về hai quần thể này, có lẽ chúng là phân loài trong khi taxon có mẫu vật thu được ở Hồng Gai vào năm 1962 có thể đã tuyệt chủng. Quần thể của vượn đen tuyền phân bố ở phía Tây của Việt Nam có số lượng ít hơn 100 cá thể, với một đàn 70 con ở Chế Tao (tỉnh Yên Bái) và một đàn 20 con ở Ho Nam Mu (tỉnh Lào Cai). Các taxon tương tự ở Trung Quốc (N.c. furvogaster và N. c. jingdongensis) và ở Lào (N. c. lu) hiện được coi là các phân loài khác với quần thể ở Việt Nam.
Tính riêng biệt và phân bố của 3 taxon vượn này phải được làm sáng tỏ trước khi có các biện pháp hữu hiệu để bảo tồn chúng có thể thực hiện được. Các phạm vi phân bố cần được vẽ chính xác trên bản đồ (nếu có thể) và sự khác nhau về hình thái, tiếng kêu, và di truyền cần được phân tích. Nghiên cứu này rất quan trọng cho việc quản lý các quần thể tự nhiên, cho các chương trình nuôi đẻ trong các vườn thú hoặc các trung tâm cứu hộ và cho việc thả lại các động vật thu được. Khi một loài lai với một loài khác và đẻ ra con thì đa dạng sinh học ở hình thức đa dạng GEN thực sự bị mất.
Nhóm loài voọc ( Trachypithecus delacouri , T . francoisi francoisi và T . poliocephalus poliocephalus )
Tất cả 5 loài voọc ở Việt Nam đều có quan hệ họ hàng gần gũi và cùng với một loài ở Lào và một loài khác ở Trung Quốc chúng được xếp vào một nhóm gọi là nhóm voọc hoặc siêu loài voọc. Bằng cách xếp 7 loài này thành 1 nhóm, các nhà khoa học đã công nhận mối quan hệ tiến hóa gần gũi của chúng và hiện chưa biết rõ về cấu trúc cụ thể của những mối quan hệ này. Tất cả các loài này đều sống trên núi và vách đá vôi, có vùng phân bố không giao nhau, và liên tục thay thế nhau từ biên giới Trung Quốc đến dãy Trường Sơn nằm ở vùng Bắc Trung Bộ. Ba loài phân bố ở miền Bắc Việt Nam, Voọc mông trắng (Trachypithecus delacouri) và voọc đầu trắng cả hai đều đặc hữu ở Việt Nam và voọc đen má trắng (T. francoisi francoisi).
Loài có phân bố ở tận cùng phía Bắc , voọc đen má trắng, có màu đen tuyền trừ một dải lông trắng hơi dài hơn chạy từ góc của mồm đến tai. Như tất cả các loài voọc trong nhóm này, đầu của nó có lông dựng lên như mào và nhọn. Sự kết hợp của mào và bộ râu ghi đông kéo dài làm chúng trông bảnh bao, dè dặt và có vẻ thông thái. Loài vượn này đã từng phân bố ở địa hình đá vôi phía Đông Bắc của Việt Nam từ tỉnh Thái Nguyên lên phía Bắc và ở phần phía Đông của các tỉnh vùng Tây Bắc là Lào Cai và Yên Bái. Hiện nay, nó gần như đã biến mất khỏi vùng này và một báo cáo vào năm 2002 ước tính là loài này chỉ còn lại 300 cá thể. May mắn là nó cũng phân bố ở tỉnh lân cận Quảng Tây của Trung Quốc, mặc dù quần thể lớn hơn này (3.200-3.500 cá thể) cũng bị phân tách nhiều.
Voọc mông trắng phân bố trong một khu vực rộng 5000km2 ở phía Đông và Nam của sông Hồng trên địa hình đá vôi của tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình và Thanh Hoá. Lông trắng thay thế lông đen từ giữa lưng xuống đến đầu gối và tên tiếng Việt của nó mô tả đặc điểm này. Giống như voọc đen má trắng chúng có dải lông trắng chạy từ mồm và kết thúc bằng một mảng trắng ở phía sau tai. Mặc dù được mô tả vào năm 1932, không có quan sát nào được ghi nhận cho đến năm 1987 tại Vườn Quốc gia Cúc Phương. Hiện có khoảng 270-300 cá thể sống trong tự nhiên được phân chia thành 19 quần thể nhỏ riêng biệt. Chỉ có hai trong số này (ở Khu Bảo tồn Văn Long và Pù Lương) có 30-35 cá thể và được coi là có thể tự duy trì.
Loài thứ 3 của nhóm voọc ở miền Bắc Việt Nam cũng là loài bị đe dọa nhiều nhất. Lông ở thân của voọc đầu trắng có màu nâu sôcôla sẫm, đầu và cổ có mầu vàng đến trắng rất nổi. Voọc đầu trắng chỉ có phân bố ở đảo Cát Bà ở vịnh Hạ Long. Phạm vi phân bố của nó có lẽ lớn hơn khi khi mực nước biển thấp làm lộ ra các vùng núi đá vôi xung quanh vịnh. Toàn bộ quần thể trên đảo hiện chỉ có từ 50-60 cá thể và tỷ lệ sinh sản rất thấp. IUCN đã xếp loài voọc này vào loại cực kỳ nguy cấp.
Một trong những câu hỏi thú vị nhất về cả nhóm này là tại sao các loài này lại có quan hệ mật thiết với địa hình đá vôi đến như vậy. Có khả năng là chúng chuyên hoá ăn các loại thực vật trên núi đá vôi, rút vào trong hang để tránh động vật ăn thịt và sử dụng hang để tránh thời tiết vào mùa hè (khi hang tương đối mát) và vào mùa đông (khi hang tương đối ấm). Cũng có thể là địa hình đá vôi không phải là môi trường sống quan trọng nhưng là nơi trú ẩn khỏi các xáo trộn do con người gây ra có lẽ như trường hợp của loài họ hàng gần (voọc đầu trắng, T. p. leucocephalus) ở Trung Quốc.
Nguyên nhân chủ yếu gây ra sự giảm sút nhanh chóng về số lượng là do săn bắn để làm thức ăn, thuốc và để xuất khẩu. Mất và phân tách nhỏ môi trường sống cũng là những mối đe dọa; địa hình đá vôi ở miền Bắc hiện là các ốc đảo biệt lập giữa các vùng nông nghiệp rộng lớn. Voọc đen má trắng cũng bị đe dọa bởi các hoạt động đào mỏ. Những hoạt động này gây xáo trộn cho voọc và tạo điều kiện cho các thợ mỏ đi săn ở các vùng lân cận. Sự sinh sản tách biệt của các quần thể bị chia cắt nhỏ và số lượng giảm sút của chúng cũng là những mối đe dọa. Các quần thể nhỏ và riêng biệt mất đi cơ hội trao đổi GEN và có tỷ lệ sinh sản thấp cũng như dễ bị tác động bởi các hiện tượng ngẫu nhiên của môi trường mà có thể làm chúng bị tuyệt chủng. Như tình trạng quần thể của loài này cho thấy, điều quan trọng là không sử dụng ước tính tổng số của quần thể để đánh giá tình trạng bảo tồn; quan trọng hơn là số lượng những quần thể nhỏ thực sự có thể tự tồn tại được.
Gấu ngựa ( Ursus thibetanus ) và gấu chó ( U . malayanus )
Hai loài gấu có phân bố ở Việt Nam: Gấu ngựa châu Á sống ở vùng ôn đới có họ hàng gần gũi với gấu ngựa châu Mỹ (U. americanus) và gấu chó sống ở vùng nhiệt đới (hình 31). Gấu ngựa lớn hơn nhiều so với gây chó, có chiều dài 1.2-1.9m từ đầu đến đuôi và con đực (60-200kg) nặng hơn nhiều so với con cái (40-140kg). Gấu ngựa có hình chữ V màu trắng dễ nhận thấy ở trước ngực kéo dài đến vai và có lông dài hoặc bờm trên lưng và bên cạnh cổ. Gấu chó có kích thước nhỏ hơn nhiều dài 1.1-1.5m và nặng 27-65kg. Gấu chó có một mảng màu vàng cam đến màu trắng ở trước ngực có thể có hình chữ U hoặc cả đường tròn. Vì nó có vóc người nhỏ và lông rất ngắn nên nó được gọi là gấu chó ở các vùng trong phạm vi phân bố của nó. Cả hai loài gấu có dạng đi thong thả với chân trước và chân sau ở cùng một bên đồng thời chuyển động về phía trước.
Gấu ngựa thích sống trong các khu rừng ở trên đồi và núi và có phạm vi phân bố kéo dài từ Iran về phía Đông đến Siberia và về phía Nam đến lục địa Đông Nam Á. Ở Việt Nam chúng có mặt trong các khu rừng trong cả nước. Là động vật trèo rất giỏi và hoạt động vào ban ngày, chúng chủ yếu ăn thực vật và các loại thức ăn có phân bố rộng và thay đổi theo mùa. Theo một nghiên cứu, thức ăn của gấu ngựa sống ở vùng núi của tỉnh Sichuan của Trung Quốc chủ yếu là lá cây non, cuống hoa và măng tre vào mùa xuân, dâu và quả cây vào mùa hè và các loại hạt vào mùa thu. Chúng còn ăn thêm côn trùng và một lượng nhỏ xác chết. Để đáp ứng nhu cầu về thức ăn, gấu ngựa đi kiếm ăn trong một khu vực rộng hơn 123km2 nằm giữa những độ cao khác nhau và trong những môi trường sống khác nhau. Đáng tiếc là, những đặc điểm về thói quen và tập tính của gấu ngựa trong điều kiện thời tiết ấm hơn và ổn định hơn vẫn còn ít được biết tới. Gấu nói chung khá linh động về sinh thái và tập tính, do đó thức ăn và sự di chuyển của chúng có lẽ phản ánh sự sẵn có của các loại thức ăn giống nhau ở mức độ địa phương. Thời gian ngủ đông có lẽ không có tồn tại hoặc ngắn hơn nhiều so với các loài gấu sống cao hơn về phía Bắc. Giống như họ hàng gần gũi của nó ở Bắc Mỹ, lông có thể có màu nâu hoặc thậm chí màu vàng sáng ở một số ít cá thể.
Trong số 8 loài gấu trên thế giới, gấu chó là loài được biết đến ít nhất. Là một loài hoàn toàn thích nghi với khí hậu nhiệt đới, phạm vi phân bố của nó bao gồm các khu rừng ở đồng bằng hoặc rừng trên núi ở độ cao thấp tại phía Đông Ấn Độ, Nam Trung Quốc, lục địa Đông Nam Á và các đảo Sumatra và Borneo. Mặc dù có tầm vóc tương đối nhỏ, gấu chó được coi là khá nguy hiểm, khi bị đe dọa, nó đứng lên hai chân sau, lao lên tấn công, đánh và sủa. Gấu chó rất thích nghi với sống trên cây, chủ yếu sống ở trên cao và bàn chân trước của nó xoay vào trong và được trang bị bằng các móng dài và khoẻ để trèo cây. Chúng chủ yếu ăn động vật không xương sống như mối (bộ Ispotera) và bọ cánh cứng (bộ Coleoptera) và quả cây. Gấu chó kiếm ăn chủ yếu ở trên cây bằng cách xé hoặc bẻ các cành và thân cây bằng móng và các răng rất lớn của chúng và lấy côn trùng và mật bằng cái lưỡi có thể kéo dài ra 20-25cm. Giống như gấu ngựa, khi lượng thức ăn sẵn có bị dao động, chúng phản ứng bằng cách thay đổi cả thức ăn lẫn khu vực kiếm ăn, mặc dù không nhiều, và chúng có lẽ sử dụng phạm vi sinh sống nhỏ hơn. Một thời được cho là chủ yếu kiếm ăn ban đêm, trên thực tế chúng chủ yếu hoạt động vào ban ngày và chuyển sang hoạt động vào ban đêm ở những vùng bị con người gây xáo trộn. Gấu chó không ngủ đông; khi ngủ chúng sử dụng các khúc gỗ rỗng và tổ làm bằng các cành cây cong và gẫy. Giao phối có thể diễn ra vào tất cả các mùa nhưng thời kỳ thai nghén 1 hoặc 2 con con thay đổi nhiều, từ 3 đến 8 tháng. Điều này có lẽ gây ra do phôi làm tổ chậm, được biết có xảy ra ở gấu, khi sự phát triển của phôi bị dừng lại cho đến khi có thể đẻ trong điều kiện thức ăn phong phú.
Săn bắt là mối đe dọa lớn nhất đối với các loài gấu ở Việt Nam. Các loài gấu của châu Á đã bị săn bắn từ hơn 3.000 năm để lấy bàn chân, được coi là món ăn ngon, và túi mất để dùng làm thuốc truyền thống. Chúng cũng có xung đột trực tiếp với con người khi chúng tấn công các cây trồng có tính thương mại, trong đó có dứa, ngô và mít. IUCN xếp gấu ngựa vào loại sắp nguy cấp; số liệu hiện nay chưa đầy đủ để đánh giá tình trạng bảo tồn của gấu chó.
Trong số 844 loài chim ở Việt Nam, 675 đã được ghi nhận ở miền Bắc và 154 loài không phân bố ở các vùng khác của đất nước. Phần lớn khu hệ chim có một không hai này tập trung ở một trong hai quần xã riêng biệt: chim trú đông ở các vùng ven biển và các loài chim cư trú trong rừng trên núi có mối quan hệ với Trung Quốc, chân núi Himalaya và vùng Palearctic, một vùng rộng lớn kéo dài khắp châu Âu, Iceland và vùng ôn đới ở châu Á.
Hầu hết chim di cư ở vùng ven biển của miền Bắc Việt Nam là chim nước như ngỗng và vịt (họ Anatidae), rẽ giun (họ Scopacidae), te và choi choi (họ Chradriidae), mòng bể và nhàn (họ Laridae), cò (họ Ardeidae), quắm và cò thìa (họ Threskiornithidae). Nhưng các loài trú đông không chỉ giới hạn ở các vùng đất ngập nước ven biển. Các khu rừng vùng núi phía Bắc là những nơi nghỉ đông cho các loài chim như chích trong giống Phylloscopus, rất nhiều loài trong số này sinh sản ở những nơi xa xôi ở phía Bắc của châu Á, và rẽ giun lớn (Gallinago memoricola; thuộc loại sắp nguy cấp).
Các loài chim cư trú đặc trưng của miền Bắc chủ yếu là chim hót (cùng với một số loài gà lôi) sống ở độ cao trên 1000m trong các khu rừng có khí hậu ôn đới và cận nhiệt đới của khu vực. Các thành viên đặc trưng của quần xã này gồm có họa mi đất ngực đốm (Pomatorhinuserythrocnemis), lách tách họng vàng (Alcippe cinereiceps) và khướu mỏ dẹt ngực đốm (Paradoxornis guttaticollis). Những loài này phân bố ở các khu rừng cận nhiệt đới thường xanh, bán thường xanh, lá kim và rừng mây. Ở độ cao lớn hơn 2.000m, thành phần loài tahy đổi và các loài ôn đới thực sự bắt đầu xuất hiện, ví dụ như sáo đất Dixon (Zoothera dixoni) và gà lôi tía sặc sỡ (Tragopan temminckii). Các loài ôn đới này phân bố trên dãy Hoàng Liên Sơn và, cũng như thực vật, chúng phổ biến và phân bố rộng hơn nhiều ở những môi trường sống tương tự tại Trung Quốc.
Không có loài chim nào đặc hữu ở Việt Nam có phân bố ở miền Bắcm mặc dù 2 loài đặc hữu ở Đông Dương sống ở đây, thầy chùa đít đỏ (Megalaima lagrandieri) và khướu mỏ dài (Jabouilleia danjoui). Khướu mỏ dài là một trong hai loài chuyên sống trên địa hình đá vôi và loài thứ hai là khướu đá hoa (Napothera crispifrons). Những biện pháp để bảo tồn khu hệ chim ở đây tập trung vào bảo vệ các vùng ven biển và các khu rừng ở độ cao trung bình và độ cao lớn. Núi Fan Si Pan và các núi lân cận cùng với vùng phía Bắc của Lào được công nhận là các khu vực quan trọng đối với đa dạng của chim. Các khu vực này là nơi cư trú của 4 loài có phạm vi phân bố hạn chế và có phạm vi phân bố toàn cầu dưới 50.000km2: nuốc đuôi hồng (Harpactes wardi), khướu cánh đỏ (Garrulax formosus), chích đớp ruồi mỏ rộng (Tickellia hodgsoni) và trèo cây mỏ vàng (Sitta solangiae). Đáng lo ngại là, nuốc đuôi hồng – một loài chim rất đẹp, con đực có trán màu hồng sẫm rất rõ, có màu hồng nhạt hơn ở dưới bụng và nhìn chung có màu hồng; con cái cũng có màu sắc sặc sỡ tương tự với trán màu vàng và bụng và lông phía ngoài đuôi có màu vàng nhạt – chưa được ghi nhận ở Việt Nam kể từ năm 1930 mặc dù đã được khảo sát nhiều lần. Nó có thời được coi là phổ biến ở núi Fan Si Pan.
Chim trú đông vùng ven biển (họ Anatidae, Scolopacidae, Laridae, Threskiornithidae, và các họ khác)
Các vùng ven biển của châu thổ sông Hồng nằm dọc theo một trong những đường chim di cư lớn nhất thế giới, phức tạp nhất, và bị đe dọa nhiều nhất, đường bay Ôxtralia – Đông Á. Các loài chim sử dụng đường bay này để vượt qua vùng đất liền, biển và đại dương rộng lớn từ nơi sinh sản nằm ở phía Bắc tận Siberia và Alaska đến vùng trú đông ở miền Nam tận Ôxtralia và New Zealand. Rất khó ước lượng số lượng chim bay qua đường bay này hai lần một năm, mặc dù hầu hết 4-6 triệu chim ven bờ (như choi choi, choắt và rẽ giun) và 15 đến 22 triệu con ngỗng và vịt là chim di cư. Danh sách này không bao gồm một số lượng lớn các loài chim di cư vùng nội địa như chim ăn thịt và chim hót cũng di chuyển theo mùa giữa vùng Palearctic và Đông Nam Á, Ôxtralia và New Zealand.
Châu thổ sông Hồng là một mắt xích quan trọng trên đường bay này, đóng vai trò là nơi nghỉ ngơi và cung cấp thức ăn cũng như là nơi nghỉ đông lâu dài hơn. Chim di cư dựa vào các môi trường sống vùng cửa sông, vùng ven biển, chủ yếu là các bãi bồi ven biển, rừng ngập mặn, đất ngập mặn và các đảo ngoài khơi để kiếm thức ăn và tìm nơi trú ẩn. Trong số các loài chim di cư có một số lượng đáng kể ở mức độ toàn cầu của loài cò thìa (Platalea minor; thuộc loại nguy cấp; hình 32). Có chiều cao khi đứng 75cm, loài này có màu lông không sinh sản vào mùa đông hoàn toàn trắng. Khi sinh sản, cả con đực và con cái có những mảng màu vàng ở phần dưới cổ và có một túm lông màu vàng nhô lên phía trên từ phía sau đầu. Cò thìa sống phổ biến dọc theo vùng ven biển của Trung Quốc cho đến những năm 1930. Ngày nay chúng làm tổ trên một vài đảo đá nằm rải rác dọc theo bờ biển Hoàng Hải và nằm ngoài khơi phía Tây của bán đảo Triều Tiên. Các bãi sinh sản quan trọng nhất – và có lẽ là ít bị xáo trộn nhất – nằm trong vùng phi quân sự ngăn cách Bắc và Nam Triều Tiên. Châu thổ sông Hồng là một trong ba nơi trú đông chính của cò thìa; hai vùng khác là vùng cửa sông Tsengwen của Đài Loan và vùng vịnh Deep của Hồng Kông. Ở Việt Nam chúng lội trong các khu ngập nước lợ của các bãi bồi và rừng ngập mặn, lia qua lia lại cái mỏ khép hờ của nó trong nước, tiến gần về phía con mồi như côn trùng sống dưới nước, tôm, cua, thân mềm và cá khi chúng nhận thấy có những rung động qua các cơ quan nhận biết nằm trong mỏ. Khi không kiếm ăn, chúng đậu thành đàn trên các đảo cát hoặc ở các vùng biệt lập nơi chúng có thể tránh được những xáo trộn do con người gây ra. Việc đếm chim vào mùa đông, bắt đầu vào những năm 1980, đã ghi nhận tới 104 cá thể ở vùng bờ biển miền Bắc Việt Nam.
Loài chim ven bờ thứ hai bị đe dọa và trú đông ở vùng châu thổ cũng có mỏ dẹt và hình thìa tương tự là rẽ mỏ thìa (Calidris pygmea; thuộc loại nguy cấp; hình 33). Rẽ mỏ thìa cao xấp xỉ 14-16cm và con cái hơn lớn hơn con đực. Khi trú đông ở vùng châu thổ chúng có màu lông ít sặc sỡ hơn nhiều so với mùa sinh sản khi đầu của chúng có màu đỏ quế sẫm với với các đường sọc đậm màu đen trên đỉnh đầu, ngực có màu đỏ với phần dưới màu trắng và phần đít có màu nâu xám tối. Cả con đực và con cái có màu lông giống nhau. Chúng thường đi chậm về phía trước, lắc lư cái đầu từ bên này sang bên kia trong vùng nước nông và bùn mềm và dựa v