Máy tính sẽ tiếp quản loài người một khi chúng học được cách yêu
Nhà phát minh nổi tiếng người Mỹ Ray Kurzweil, người luôn có những dự đoán về công nghệ tương lai rất chuẩn xác, đã dự đoán máy tính sẽ bằng, hoặc có thể vượt qua trí tuệ con người vào năm 2029. Cách để máy tính có thể tiếp quản nhân loại đó là chúng phải sở hữu được cảm xúc và nhân cách ...
Nhà phát minh nổi tiếng người Mỹ Ray Kurzweil, người luôn có những dự đoán về công nghệ tương lai rất chuẩn xác, đã dự đoán máy tính sẽ bằng, hoặc có thể vượt qua trí tuệ con người vào năm 2029.
Cách để máy tính có thể tiếp quản nhân loại đó là chúng phải sở hữu được cảm xúc và nhân cách giống như con người.
Kurzweil phát biểu trong một sự kiện tại New York: "Dự đoán của tôi là trí thông minh của máy tính sẽ đạt bằng mức của loài người, ý tôi không phải là nó sẽ thông minh kiểu có những suy nghĩ logic. Ngược lại, máy tính sẽ sở hữu khiếu hài hước của loài người, có thể biểu hiện tình cảm... đấy mới là sự tiên tiến nhất của trí tuệ loài người."
Kurzweii dự đoán máy tính sẽ thông minh bằng con người.
Ông Ray Kurzweil đã cùng bàn luận về công nghệ trong tương lai và trí tuệ nhân tạo với nhà vật lý thiên văn Neil deGrasse Tyson.
Khi Tyson hỏi lại ông nếu một ngày nào đó các máy tính sẽ có thể viết một cuốn tiểu thuyết giật giải Nobel hay không, và thậm chí thay thế loài người để nhận giải Nobel?
Kurzweil trả lời: "Chúng ta sẽ kết hợp máy tính vào con người luôn, Tyson ạ".
Vậy kết hợp bằng cách nào? Trong tương lai, chúng ta sẽ thiết kế được những Nanobot có kích thước bằng các tế bào và cấy vào não của con người. Những Nanobot tí hon này sẽ được kết nối với mạng internet toàn cầu và giúp chúng ta có thể cập nhật những kĩ năng khác nhau. Kurzweil còn dự đoán chúng ta cũng sẽ có thể chỉnh sửa gen như máy tính để có khả năng chữa các loại bệnh.
Công nghệ cấy Nanobot vào trong tế bào não của con người.
CNNMoney đã hỏi ông Kurzweil: "Vậy trong một tương lai công nghệ phát triển như vậy liệu vẫn còn tồn tại những bất bình đẳng hay không? Những bộ não siêu trí tuệ liệu sẽ chỉ giới hạn cho người giàu hay không?"
Kurzweil trả lời: "Chắc chắn rồi, như điện thoại di động vậy, chỉ có những người giàu mới có thể tiếp cận được với công nghệ tiên tiến."
Nhưng mọi ngành công nghiệp đều hướng tới các sản phẩm cho đại đa số người dùng có thể sử dụng được. Công nghệ chắc chắn sẽ càng ngày càng rẻ hơn khi các nhà chế tạo máy tính luôn không ngừng tìm tòi và phát triển các sản phẩm mới.
Kurzweil nói thêm: "Sản phẩm Nanobot không sớm thì muộn sẽ đến tay mọi người. Dần dần công nghệ sẽ phải hướng tới sự phổ cập, theo đó giá thành sẽ phải rẻ đi."
Thậm chí theo như Kurzweil dự đoán trí tuệ nhân tạo sẽ có thể thay thế cho phần lớn công nhân hiện nay, nhưng ông vẫn dự đoán một viễn cảnh lạc quan về vấn đề việc làm của con người.
Nhưng câu hỏi dành cho Kurzweil rằng trong tương lai con người sẽ làm nghề gì khi đã bị trí tuệ nhân tạo thay thế thì vẫn còn đang được bỏ ngỏ. Suy cho cùng thì cũng không ai có thể dự đoán được hết tương lai của loài người.
Lời dự đoán chắc chắn nhất của Kurzweil đó là: "Các Nanobot trong não của chúng ta sẽ tự tạo ra một giác quan mới. Giống như bây giờ khi Âm nhạc kích thích thính giác chúng ta, còn đồ ăn ngon thì kích thích vị giác vậy."
Kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo.
Ông nói thêm: "Chúng ta sẽ tạo ra loại hình nghệ thuật mới có thể kích thích giác quan mới của mình."
Ngoài những tiện ích mà công nghệ mang lại cho chúng ta trong tương lai, chắc hẳn vấn đề về sự riêng tư cũng sẽ phải được cân nhắc. Sự vụ của Apple và FBI mới đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho sự riêng tư của con người trong kỉ nguyên công nghệ lên ngôi.
Nhưng Kurzweil tin rằng trong tương lai, công nghệ phát triển thì các mã hóa bảo mật cũng sẽ phải phát triển theo.