28/02/2018, 14:01

Lý do NASA vẫn sử dụng máy bay ném bom từ Thế Chiến II

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vẫn đang sử dụng 3 chiếc máy bay ném bom từ năm 1944 của Anh, mẫu phi cơ có ưu điểm bay cao và bay nhanh vào thời điểm đó. Theo BBC, các nhà hoạch định của Bộ không quân Anh (tồn tại từ năm 1918-1964, sau đó sáp nhập với Bộ Quốc phòng) không ngờ mẫu máy bay ...

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vẫn đang sử dụng 3 chiếc máy bay ném bom từ năm 1944 của Anh, mẫu phi cơ có ưu điểm bay cao và bay nhanh vào thời điểm đó.

Theo BBC, các nhà hoạch định của Bộ không quân Anh (tồn tại từ năm 1918-1964, sau đó sáp nhập với Bộ Quốc phòng) không ngờ mẫu máy bay Canberra sẽ tiếp tục được sử dụng hơn 70 năm sau đó, trong phòng thí nghiệm khoa học bay của NASA và nhiều cơ quan chính phủ Mỹ.

Máy bay Canberra được NASA sử dụng là phiên bản của Mỹ, tên gọi WB57, được chế tạo dựa trên mẫu B57, theo giấy phép của hãng sản xuất máy bay Martin vào những năm 1950. Từ năm 1953 tới 1957, đã có khoảng 400 chiếc máy bay WB57 ra lò.

Những chiếc Canberra mà NASA hiện sử dụng là những chiếc cuối cùng, khoảng 33 năm sau khi Không lực Mỹ ngừng sử dụng. Gần đây, chúng được chụp hình khi đang bay theo đội hình từ căn cứ ở Houston.

Ba máy bay Canberra NASA đang sử dụng.
Ba máy bay Canberra NASA đang sử dụng. (Ảnh: NASA).

Đây là máy bay thuộc Chương trình khoa học ASP, theo Charles Mallini, quản lý chương trình cho phi đội Canberra của NASA.

"ASP có trách nhiệm cung cấp các hệ thống máy bay hiện đại và đẩy mạnh việc sử dụng các dữ liệu vệ tinh", ông nói.

Khả năng bay cao giúp chúng có thể thực hiện nhiều công việc khác nhau, theo Mallini. Nhiều trong số đó là hỗ trợ các vệ tinh của NASA, bao gồm các bài kiểm tra hiệu chuẩn để giúp tinh chỉnh các phép đo từ vệ tinh, kiểm tra cảm biến mới trước khi chúng được phóng vào không gian và tự thực hiện các phép đo từ trên cao để kiểm tra chéo với dữ liệu vệ tinh trên quỹ đạo. Nó được trang bị một loạt các thiết bị khoa học như máy đo hóa học khí quyển, các hạt trong mây, bụi vũ trụ, độ ẩm đất, độ cao của băng trên biển, Mallini cho biết.

Những chiếc máy bay ném bom Canberra đầu tiên ở Anh bắt đầu cất cánh vào năm 1950. Nó có kiểu dáng khá đẹp và duyên dáng, giống với một chiếc máy bay chiến đấu vào thời đó, với phi công và hoa tiêu ngồi cạnh nhau trong buồng lái, trong khi người ném bom sẽ quan sát qua cửa kính Perspex phía mũi máy bay. Đây là một thiết kế ấn tượng vào thời đó, khi Canberra là thế hệ máy bay phản lực đầu tiên. Các kỹ sư lúc đó vẫn đang mắc kẹt với nhiều vấn đề về bay ở tốc độ cao như Canberra.

Động cơ Rolls-Royce Avon, thiết kế sau này giúp gia tăng sức mạnh cho các chiến đấu cơ siêu thanh của Anh, được đặt trong lớp vỏ khí động học. Mỗi bên cánh dày có một động cơ. Sải cánh máy bay có chiều dài xấp xỉ thân, một chi tiết kỳ quặc trong một chiếc máy bay được xây dựng để dễ điều khiển, đáng tin cậy và có tốc độ cao. Năm 1957, một chiếc Canberra đã phá kỷ lục về độ cao lớn nhất, với 21.400 mét.

"Canberra đã được chứng minh là một thiết kế tốt ngay từ đầu", David Keen, chuyên viên Bảo tàng Không quân Hoàng gia Hendon cho biết.

"Nó là một máy bay ném bom bay rất nhanh, và bay cao hơn bất kỳ máy bay ném bom nào khác", Keen nói.

Thậm chí Canberra còn không được thiết kế mang theo súng phòng vệ như các dòng máy bay ném bom khác trong thời kỳ Thế Chiến II. Nó đơn giản là bay quá nhanh khiến kẻ thù không thể bắt kịp.

"Đây là những ưu điểm làm cho thời gian sử dụng nó khá dài", Keen nói. "Đồng thời nó cũng có thể được dùng để làm máy bay trinh sát rất tốt".

Máy bay ném bom có xu hướng được thiết kế để dễ bay và bay ổn định, với mục đích ném bom chính xác. Đây cũng là các đặc điểm cần có cho nhiệm vụ trinh sát.

Máy bay Canberra của Không quân Hoàng gia Anh vào những năm 1950.
Máy bay Canberra của Không quân Hoàng gia Anh vào những năm 1950. (Ảnh: Wikipedia).

Ban đầu, Canberra được trang bị các camera chất lượng cao để ghi hình cứ điểm phòng không từ trên cao. Nó cũng có các cảm biến để nghe lén các trao đổi điện tử. Sau khi Không quân Hoàng gia Anh (RAF) loại bỏ phiên bản Canberra ném bom vào năm 1972, nó vẫn còn tiếp tục được sử dụng để làm nhiệm vụ trinh sát thêm ba thập kỷ nữa, tại Bắc Ireland, Bosnia và Kosovo, tại Afghanistan đầu những năm 2000, 50 năm sau khi chiếc máy bay Canberra đầu tiên được sử dụng.

Nhờ các tính năng này, hiện nó vẫn phù hợp với các công việc của NASA.

"Tôi rất thích lái Canbeera đi trinh sát, đặc biệt là khi đi chụp ảnh khảo sát để vẽ bản đồ. Tôi đã từng làm công việc này trên các vùng Gambia, Sierra Leone, Kenya, Maldives và một phần Các tiểu vương quốc Arab thống nhất", David Bruce nói. Ông là cựu chỉ huy của RAF đã lái Canbeera phiên bản trinh sát vào cuối những năm 1960, chủ yếu trên vùng trời đảo quốc Malta ở Địa Trung Hải.

Công việc hiện tại của NASA gần tương tự với Bruce, dù hình dáng máy bay có hơi khác nhau, một bằng chứng cho thấy thiết kế của Canbeera rất dễ thay đổi. Các cánh máy bay của NASA dài gần gấp đôi bản gốc, giúp nó có thể giữ được độ cao ở những vùng không khí loãng.

"Khả năng độc đáo của trần máy bay, tầm bay, tải trọng tối đa và phi hành đoàn đã giúp mẫu máy bay này vượt qua các thử thách của thời gian", Mallini nói. Mẫu máy bay ER-2 (dựa trên mẫu máy bay do thám U2) của NASA có thể bay cao hơn, nhưng không thể mang nhiều thiết bị như Canberra. Mẫu Global Hawk (Chim ưng toàn cầu) có thể bay quãng đường xa hơn 4 lần nhưng tải trọng chỉ bằng một phần tư.

"Trên thực tế, chúng tôi luôn tìm cách nâng cấp các khả năng của máy bay, về độ bền, hệ thống liên lạc và thu thập dữ liệu. Cả ba chiếc gần đây đã được nâng cấp hệ thống lái tự động, ghế phóng phi công, hệ thống thu thập dữ liệu và thông tin, liên lạc vệ tinh mới", theo Mallini.

NASA vẫn có kế hoạch tiếp tục sử dụng mẫu máy bay từ Thế Chiến II.
NASA vẫn có kế hoạch tiếp tục sử dụng mẫu máy bay từ Thế Chiến II. (Ảnh: NASA).

Trong ba chiếc NASA đang dùng, có một chiếc mới được sửa chữa lại vào năm 2013 sau khi ngừng bay từ năm 1972. Nó đã cất cánh lại vào tháng 8/2013, 41 năm sau lần bay đầu tiên. Tuy nhiên, việc bảo trì bảo dưỡng những chiếc máy bay này không hề dễ dàng.

"Các bộ phận cũ là thách thức lớn nhất với chúng tôi, vì nhiều cái không còn hoặc các nhà cung cấp đã đóng cửa từ lâu", Mallini nói.

"Chúng tôi đã phải nhặt nhạnh các bộ phận cũ được lưu trữ tại Căn cứ không quân Davis-Monthan, ngoại ô Tucson, Arizona, thậm chí là từ các bảo tàng máy bay trên khắp đất nước", Mallini giải thích.

"Nếu không tìm được bộ phận thay thế, đội ngũ kỹ sư phải thiết kế hoặc mua sắm các bộ phận thay thế có chức năng tương tự. Điều này đặt ra nhiều khó khăn về thiết kế cho các kỹ sư . Ví dụ như nắp các bồn chứa nhiên liệu, đã được tháo ra lắp vào nhiều lần đến mức không còn khít, dễ dàng rơi ra trong khi bay".

Đội ngũ hỗ trợ đã phải thiết kế một nguyên mẫu thử nghiệm và sau đó làm thêm 100 cái mới.

0