Mặt đất phập phồng như sóng nước dưới gầu máy đào
Hiện tượng hóa lỏng đất khiến đất cát bên dưới máy đào dập dềnh như giữa mặt nước ở British Columbia, Canada. Một công nhân điều khiển máy đào ghi lại khoảnh khắc cả vùng đất cát lớn bên dưới cỗ máy bồng bềnh nhấp nhô giống như những con sóng gợn ở Kitimat, British Columbia, Canada, hôm 20/8, ...
Hiện tượng hóa lỏng đất khiến đất cát bên dưới máy đào dập dềnh như giữa mặt nước ở British Columbia, Canada.
Một công nhân điều khiển máy đào ghi lại khoảnh khắc cả vùng đất cát lớn bên dưới cỗ máy bồng bềnh nhấp nhô giống như những con sóng gợn ở Kitimat, British Columbia, Canada, hôm 20/8, theo Newsflare. Người công nhân xây dựng đánh liều chọc thử xuống bề mặt kém ổn định bằng gầu xúc của cỗ máy.
Hiện tượng hóa lỏng đất có thể gây nguy hiểm.
Nguyên nhân đất cát gợn sóng là do hiện tượng mang tên đất hóa lỏng, xảy ra khi đất bị bão hòa bởi nước và chịu sức ép do chuyển động đột ngột như rung chấn từ động đất hoặc gầu xúc của máy đào. Nền đất mất đi sức chịu lực và độ cứng, thể hiện đặc tính giống như nước. Hiện tượng hóa lỏng đất có thể gây nguy hiểm. Trong những trận động đất, xe hơi, mặt đường và thậm chí các tòa nhà có thể bị hút xuống dưới lớp đất nền.
Năm 2011, Nhật Bản hứng chịu trận động đất mạnh cấp 9 gây ra hiện tượng hóa lỏng đất trên diện rộng. Những khu vực có tỷ lệ nước so với đất cao gần vùng ven biển, cảng và sông ngòi bị ảnh hưởng nặng nhất bởi hiện tượng này.
Hàng trăm đường phố ở Christchurch, New Zealand cũng bị hiện tượng hóa lỏng đất phá hủy trong trận động đất 6,3 độ năm 2011. Các con đường bị bao phủ bởi bùn phun ra từ nền đất sau khi hiện tượng hóa lỏng đất xảy ra.