07/10/2018, 19:08

Marketing là gì và nghề marketing là làm gì tại Việt Nam?

Marketing là một ngành nghề và một thuật ngữ phổ biến trong kinh doanh tại Việt Nam. Nghiên cứu sách vở và ứng dụng nó trong thực tế doanh nghiệp đều có sự thú vị khác nhau. Trong bài này, hãy cùng ngôi nhà kiến thức tìm hiểu những khái niệm cơ bản và những trải nghiệm của bản thân mình nhé. ...

Marketing là một ngành nghề và một thuật ngữ phổ biến trong kinh doanh tại Việt Nam. Nghiên cứu sách vở và ứng dụng nó trong thực tế doanh nghiệp đều có sự thú vị khác nhau. Trong bài này, hãy cùng ngôi nhà kiến thức tìm hiểu những khái niệm cơ bản và những trải nghiệm của bản thân mình nhé.

Marketing là gì?

Một câu hỏi khó trả lời nhất khi làm marketing. Nó có quá nhiều quan điểm từ lý thuyết đến thực tiễn.

Không có câu trả lời đúng sai, vấn đề khi bạn trình bày hãy nói rõ cách bạn hiểu và các lập luận để bảo vệ quan điểm của mình. Nhà tuyển dụng, sếp tiềm năng dựa vào cách bạn trình bày đôi khi họ muốn nhận bạn cùng cộng tác hay không. Vì marketing nó là một phần của quản trị doanh nghiệp, vừa có tính nghệ thuật vừa có tính khoa học. Nhưng marketing thường mang cảm xúc và nghệ thuật nhiều hơn. Một đội ngũ có đồng quan điểm hoặc bổ sung cho nhau mới tạo nên một team marketing mạnh, nếu đối nghịch sẽ khó hoạt động hơn.

Về định nghĩa của marketing theo lý thuyết, bạn có thể tham khảo nhiều nguồn. Mình chỉ dựa vào một định nghĩa tổng quát nhất của Học Viện AIT để giải thích cho các bạn. Theo đó, marketing là một quy trình 3 bước tổng quát: khám phá nhu cầu, quản trị nguồn lực và thỏa mãn thị trường.

Khàm phá nhu cầu trong marketing là gì?

Khám phá nhu cầu là tìm hiểu khách hàng muốn gì, cần gì và hình ảnh họ kỳ vọng khi dùng sản phẩm.

Nói đơn giản, bạn phải nghiên cứu thị trường trước khi đưa ra quyết định quan trọng nào. Vì quyết định không có cơ sở, trái với nhu cầu thị trường là đốt tiền vô ích.

Có nhiều cách để hiểu thị trường. Công ty lớn thì thuê hẳn một agency chuyên làm nghiên cứu thị trường lâu năm, có cơ sở dữ liệu lớn để đưa ra dự báo, từ đó họ định ra kế hoạch marketing cho cả năm. Các công ty nhỏ thì có nhiều cách để hiểu thị trường, đa phần dựa vào nhân viên sale tổng hợp ý kiến, phòng marketing tự thực hiện ở quy mô nhỏ…

Quản trị nguồn lực trong marketing là gì?

Sau khi bạn đã hiểu thị trường, đương nhiên không thể chỉ biết và không làm gì. Bạn phải coi lại khả năng của doanh nghiệp về tài chính, nhân sự, nguồn lực và các yếu tố khác có giúp bạn biến cơ hội thành lợi nhuận hay không. Đôi khi cơ hội lớn nhưng nguồn lực không đủ vẫn có thể đáp ứng một phần, hoặc nếu không thể đáp ứng được thì có thể rút lui hoặc từ bỏ cơ hội để kiếm cơ hội khác tốt hơn, phù hợp với nguồn lực công ty đang có.

Ví dụ: bạn biết có một đối tác đang làm website có giá trị 1 tỷ đồng, nhưng công ty bạn mới ra đời, nhân sự còn mỏng và uy tín chưa cao. Khả năng thất bại khi đấu thầu giành hợp đồng thấp, bạn phải bỏ công ty đó và có thể tìm các công ty nhỏ làm lấy kinh nghiệm.

Thỏa mãn thị trường trong marketing là gì?

Sau khi bạn đã biết thị trường muốn gì, bạn có nguồn lực để kiếm lợi từ nó. Bạn sẽ làm 4 bước sau, được gói gọn trong 4 chữ P của tiếng Anh:

  • P1 – Product: Tạo ra sản phẩm dịch vụ mà thị trường đang mong muốn.
  • P2 – Price: định mức giá mà ta có lợi nhuận và thị trường có thể chấp nhận bỏ tiền ra mua.
  • P3 – Place: Phân phối sản phẩm sao cho khách hàng dễ dàng nhận được nhất. Nhất cự ly – Nhì tốc độ!
  • P4 – Promotion: Thực hiện các chương trình quảng bá trên các phương tiện đại chúng như TV, Billboard, Pano, radio hoặc internet. PR cũng chính là một phương thức truyền thông. Đây là hoạt động bề nổi của marketing nên nhiều người lầm tưởng rằng, marketing nghĩa là làm quảng cáo.

Ngoài 4P này ra, tùy từng lĩnh vực sẽ có triển khai nhiều P khác nhau. Đây là 4P tổng quát nhất nhưng nó còn thiên về lĩnh vực sản xuất, các loại hình dịch vụ chưa được định rõ. Nếu có thời gian, có thể mình sẽ nói rõ hơn về 4P này.

Nghề marketing là làm gì tại Việt Nam?

Nghề trong marketing đa dạng lắm, có thể nói là muôn hình vạn trạng. Với đặc thù là nghề linh hoạt theo thị trường nên đòi hỏi sức trẻ và sự đổi mới liên tục. Vì thế, mình chỉ xin liệt kê một số nghề điển hình dựa theo 2 mảng chính là client và agency.

  1. Làm marketing trong client là làm gì: Nghĩa là bạn có trách nhiệm lo chủ yếu mảng truyền thông cho công ty, từ online tới offline nếu công ty còn quy mô nhỏ. Hoặc bạn sẽ phụ trách mảng chuyên biệt như trade, digital, PR, truyền thông đại chúng (TV, radio, báo chí)… Một là bạn tự thực hiện, hoặc nếu có ngân sách, bạn sẽ thuê ngoài cho các agency. Nếu đã thuê agency, nhiệm vụ của bạn mang tầm tư duy nhiều hơn. Bạn chỉ cần ra mục tiêu, hình ảnh hoặc vị thế thương hiệu công ty muốn đạt được và nếu có thể thì chia sẻ thêm ngân sách để các agency ra ý tưởng và thực hiện. Nhưng thường thì để cho có nhiều ý tưởng hay ho và đột phá, các công ty thường để việc định ngân sách cho agency và thương lượng lại nếu ngân sách vượt quá dự định.
  2. Làm marketing ở agency là làm gì: Làm ở agency bạn thường được chuyên biệt hóa về công việc. Ví dụ có các bộ phận liên quan như: thiết kế – design, thi công vật phẩm, lập kế hoạch thực hiện – planner, tổ chức sự kiện – event và một nghề ít người biết là account. Account không phải là kế toán ở các công ty, đây là vị trí kết nối giữa các bộ phận chuyên môn của agency với khách hàng. Cho dù có chuyên môn nào thì agency là môi trường áp lực lớn về tư duy và ý tưởng, kể cả đòi hỏi khả năng ứng biến giải quyết công việc nhanh. Rất thích hợp cho những người trẻ muốn trải nghiệm sự khắc nghiệt của nghề và còn ít kinh nghiệm.

Nếu bạn muốn tham khảo marketing bên Mỹ họ làm nghề gì có thể tham khảo cuốn marketing căn bản quyển 2 của bác Philip Kotler. Bác được xem là cha đẻ của marketing hiện đại. Cuối sách có một danh sách khá dài các nghề liên quan đến marketing như lobby, quan hệ cộng đồng, phát ngôn viên…

Trong một bài viết có lẽ khó nói hết về marketing, Ngôi nhà kiến thức hy vọng đã giúp bạn có cái nhìn tương đối cơ bản để triển khai. Cám ơn các bạn đã dành thời gian để theo dõi bài viết Marketing là gì và nghề marketing là làm gì tại Việt Nam? Hẹn gặp lại các bạn ở một bài viết khác nhé.

0