Bình luận câu tục ngữ Một điều nhịn chín điều lành
(Văn mẫu hay) – Em hãy bình luận câu tục ngữ Một điều nhịn chín điều lành (Bài văn phân tích của bạn Nguyễn Thị Hoa lớp 10A1 trường THPT chuyên Sư phạm Hà Nội). Đề bài: Bình luận câu tục ngữ Một điều nhịn chín điều lành BÀI LÀM Từ cổ chí kim đến ...
(Văn mẫu hay) – Em hãy bình luận câu tục ngữ Một điều nhịn chín điều lành (Bài văn phân tích của bạn Nguyễn Thị Hoa lớp 10A1 trường THPT chuyên Sư phạm Hà Nội).
Đề bài: Bình luận câu tục ngữ Một điều nhịn chín điều lành
BÀI LÀM
Từ cổ chí kim đến nay, người Việt luôn đề cao đạo lý sống vị tha, khoan dung, nhẫn nhịn, sống chan hòa. Đạo lý ấy được cha ông lưu giữ và truyền đạt qua nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ. Trong đó, tôi ghi nhớ rõ nhất là câu tục ngữ “Một điều nhịn chín điều lành”.
Câu nói “Một điều nhịn chín điều lành” đã giản lược tối đa từ dùng. Thực tế, có thể diễn đạt đầy đủ: một điều nhịn mang lại (tương đương) chín điều lành. Ở đây, “nhịn” là nhẫn nhịn, nhún nhường, luôn giữ thái độ mềm mỏng trong giao tiếp, ứng xử. “Lành” là an yên, kết quả tốt đẹp, thỏa mãn với mọi điều, đúng như mong muốn. Vế “điều nhịn” là nguyên nhân dẫn tới kết quả “điều lành”. Với việc dùng số từ “một” – “chín” đã khẳng định thành quả tốt đẹp “điều lành” đạt được gấp nhiều lần nếu như làm được một “điều nhịn”. Như vậy, câu tục ngữ “Một điều nhịn chín điều lành” đã đặt ra đạo lý sống vị tha, nhường nhịn với mọi người xung quanh.
Trong cuộc sống, giữ thái độ nhún nhường, vị tha, bao dung với mọi người là cần thiết. Quanh ta có rất nhiều mối quan hệ và luôn diễn biến hết sức phức tạp. Chúng ta rất dễ dàng gặp phải tình huống xích mích, tranh luận gay gắt với người khác. Đó có thể là giữa anh chị em trong gia đình, giữa con cái với bố mẹ, giữa bạn bè với nhau, giữa các đồng nghiệp trong một cơ quan. Nó xuất phát từ sự bất đồng quan điểm, ghen ghét lẫn nhau, đố kị, định kiến, cách biệt thời đại, khác biệt lý tưởng… Khi gặp tình huống đó, việc nhún nhường, bình tĩnh để tìm ra giải pháp “dĩ hòa vi quý” là con đường đúng đắn. Ví dụ, như vợ hoặc chồng có cuộc cãi vã gay gắt, tốt nhất nên có một người nhường nhịn để hai bên cùng bình tĩnh lại rồi sau đó mới giải quyết vào một dịp khi cả hai cùng bình tâm. Giữa các đồng nghiệp với nhau rất dễ có xích mích về quan điểm. Khi đó, hãy chọn cách bình tĩnh, nhún nhường để lắng nghe người bên kia. Như vậy bạn mới có thể hiểu và đánh giá đúng điểm tốt và chưa tốt của bản thân hoặc của người đó. Trước kia, khi Tổ quốc còn làm cách mạng, Hồ Chí Minh luôn coi trọng đấu tranh bằng giải pháp hòa bình để tránh thương tổn không đáng có. Ngày nay, bất kì tranh chấp nào cũng đều được giải quyết bằng ngoại giao trong hòa bình. Chỉ có như vậy mới giữ được sự ổn định của trật tự thế giới. Tóm lại, nhường nhịn không phải hèn nhát mà là cách giải quyết xung đột bằng sự mềm mỏng.
Giữ thái độ vị tha, chan hòa sẽ giúp bạn đạt được sự bình yên, vui vẻ trong cuộc sống. Khi bạn sống vị tha, bản thân bạn sẽ đạt được sự an yên trong lòng. Không ghen ghét, đố kỵ hay hận thù người khác cũng tức là lòng luôn được thanh thản và an yên. Khi bạn sống nhún nhường, bạn sẽ không đánh mất các mối quan hệ tốt đẹp chỉ vì phút chốc tức giận. Khi bạn khiêm nhường bạn sẽ học được nhiều điều từ người khác, từ đó hiểu mình và hiểu người, đánh giá đúng giá trị bản thân. Biết nhường nhịn cũng là đang đề cao tinh thần đoàn kết, tình đồng bào keo sơn – một trong những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Tóm lại, câu tục ngữ “Một điều nhịn chín điều lành” là bài học về nghệ thuật sống khéo léo của con người. Mỗi khi nhắc tới câu tục ngữ, tôi lại tự nhắc mình sống bao dung, chan hòa, nhân ái với mọi người xung quanh. Nhờ vậy, tôi luôn có được những tình cảm chân thật và yêu thương của mọi người.