Makhunik - ngôi làng gây tranh cãi về sự hiện diện của “người tí hon”
Cách đây khoảng 500 năm về trước, người dân của ngôi làng Makhunik được cho là chỉ cao bằng một nửa độ cao của người Iran trung bình. Thông tin này được đưa ra khi người ta phát hiện ra một ngôi làng tí hon ở phía Đông của Iran. Rất nhiều người đã đọc qua cuốn tiểu thuyết của tác giả Jonathan ...
Cách đây khoảng 500 năm về trước, người dân của ngôi làng Makhunik được cho là chỉ cao bằng một nửa độ cao của người Iran trung bình. Thông tin này được đưa ra khi người ta phát hiện ra một ngôi làng tí hon ở phía Đông của Iran.
Rất nhiều người đã đọc qua cuốn tiểu thuyết của tác giả Jonathan Swift mang tên “Những cuộc phiêu lưu của Gulliver” sẽ biết rằng cuốn tiểu thuyết nói về câu chuyện của bác sĩ Lemuel Gulliver, người duy nhất sống sót khi con tàu chẳng may gặp nạn giữa biển khơi và sau đó tình cờ trôi dạt đến hòn đảo Lilliput- vương quốc của những người tí hon với chiều cao chỉ 15cm.
Ngôi làng người lùn Makhunik.
Có thể thấy, dường như hòn đảo người tí hon Lilliput chỉ nằm trong tưởng tượng của tác giả Swift, nhưng có một “ngôi làng tí hon” thực sự tồn tại và nằm ở phía Đông của Iran. Được biết khoảng hơn một thế kỷ trước, Makhunik là một thành phố cổ của Iran nằm bên trong thành phố Shahdad, tỉnh Kerman, cách biên giới Afghanistan khoảng 75km, nơi chủng người lùn cư ngụ cách đây 5.000 năm trước với chiều cao trung bình chỉ khoảng 50cm. Nó được gọi là Shahr-e Kotouleha (Thành phố của Người lùn).
Phát hiện xác ướp gây tranh cãi
Năm 2005, một xác ướp dài 25cm được tìm thấy tại khu vực thành phố Makhunik. Dân buôn lậu muốn bán nó với mức giá 80 tỷ Rial Iran (tương đương khoảng 2,5 triệu USD) ở Đức.Thông tin về vụ bắt giữ hai tay buôn lậu và việc tìm thấy một xác ướp kỳ lạ đã lan truyền nhanh chóng khắp tỉnh Kerman và đã gây ra một chấn động quốc tế khi các nhà nghiên cứu báo cáo rằng xác ướp này thuộc về một chú lùn vị thành niên và những khai quật về thành phố cổ đã khiến ta liên tưởng đến kiến trúc thành phố của người tí hon.
Cũng có nhiều chuyên gia khảo cổ xác định rằng xác ướp này chỉ là một đứa trẻ sơ sinh chết cách đây 400 năm và được ướp thông qua quá trình tự nhiên. Ban Di sản Văn hóa tỉnh Kerman và cảnh sát đã phối hợp xác định tình trạng của xác ướp, và kết quả pháp y cho thấy xác ướp là của một người 17 tuổi tại thời điểm tử vong.
Phát hiện xác ướp gây tranh cãi vào năm 2005.
Một số chuyên gia khác tuy không phủ nhận đây là xác ướp của một người lùn, nhưng họ lại cho rằng xác ướp không đủ chứng minh Makhunik là “một thành phố của người lùn”. Và đối với người dân địa phương, họ vẫn cho rằng các thế hệ trước đây của cư dân ở Makhunik thực sự thấp hơn bình thường.
Lịch sử bị mất của Người tí hon
Theo Tiến sĩ Susan Martinez, tác giả của cuốn “Lịch sử Người tí hon: Nền văn minh về sự tiến bộ về linh hồn của họ ở khắp nơi trên thế giới” cho biết, một chủng tộc cổ xưa của những người có tầm vóc nhỏ con đã từng sống trên Trái Đất.
Bà Susan Martinez cũng đề cập đến những truyền thuyết và những câu chuyện từ nhiều nền văn hóa để minh chứng cho điều này, chẳng hạn như các vị thần lùn của Mexico và Peru, những người thợ Menhune của Hawaii, Nunnehi của Cherokee, cũng như những người lùn Châu Phi và Semang của Malaysia…
Đồng thời, kết luận những khám phá về các mạng lưới đường hầm nhỏ, quan tài nhỏ, cửa ra vào thấp trong những ụ đất và những nhà gỗ với kích thước lùn được xem là bằng chứng về chủng tộc cổ xưa này.
Trong khi công việc của Tiến sĩ Martinez vấp phải cả những lời chỉ trích và hoài nghi, có nhiều người đã mở rộng ý tưởng hơn. Những truyện ngắn và truyền thuyết về người lùn, hoặc những người tí hon, xuất hiện rất nhiều trên thế giới. Lúc nào cũng có những tin tức giật gân nói về chủng tộc này. Thậm chí, thông qua nghiên cứu sâu rộng của mình vào các vấn đề, Tiến sĩ Susan Martinez cho rằng, những người tí hon là tổ tiên của nền văn minh và là một trong những tổ tiên của con người ngày nay.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng “chú lùn” ở Makhunik
Khám phá này đã khiến nhiều người tin rằng ở một nơi xa xôi của Iran, có 13 ngôi làng, kể cả làng Makhunik, từng là nơi sinh sống của một "thành phố người lùn" cổ xưa.
Theo các chuyên gia có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng “chú lùn” ở Makhunik. Đầu tiên đó là sự phố biến trong hôn nhân đồng chủng. Tiếp đó thiếu protein và vitamin trong khẩu phần ăn hàng ngày,dư lượng thủy ngân trong nước uống dẫn đến suy dinh dưỡng chính là một phần ảnh hưởng đáng kể khiến chiều cao của người Makhunik thấp như vậy.
Những ngôi nhà bằng đá và đất sét.
Được biết, việc chăn nuôi gia gia súc rất khó khăn vì xung quanh toàn là đất khô căn, hoang vắng. Người dân làng Makhunik vẻn vẹn trồng được những loại cây củ như củ cải, ngũ cốc, lúa mạch và trái cây giống trái trà là (gọi là jujube). Và họ chỉ sống dựa vào món ăn chay đơn giản như kashk-beneh (làm từ nước sữa và một loại hạt dẻ cười vùng núi) và món pokhteek (hỗn hợp của sữa và củ cải khô).
Ngoài ra, sự dị thường về chế độ ăn uống còn khác lạ nhất ở việc người Makhunik không bao giờ uống trà, thậm chí là ghét uống trà, trong khi trà là một trong những đặc trưng ẩm thực và thể hiện sự hiếu khách của người Iran. “Khi còn là một đứa trẻ, không một ai uống trà. Nếu ai đó uống trà thì sẽ bị dân làng nói là con nghiện”, Ahmad Rahnama kể lại, nói rằng chân lý người nghiện thuốc phiện luôn uống rất nhiều trà đã ăn sâu vào tiềm thức. Người dân Makhunik 61 tuổi này điều hành một viện bảo tàng về kiến trúc lịch sử và lối sống truyền thống của làng Makhunik.
Được biết, vào giữa thế kỷ 20, việc xây dựng đường xá và sự gia tăng của xe cộ đã cho phép cư dân Makhunik tiếp cận với các loại thực phẩm ở các vùng lân cận khác của Iran, như gạo và gà, lợn, bò... “Khi các xe cộ đến, người dân có thêm nguồn thức ăn khác từ các thị trấn gần đó, chất lượng trong khẩu phần ăn tăng lên từ đó cải thiện phần nào chiều cao của người Makhunik”, Rahnam nói.
Phát hiện kiến trúc nhà độc lạ
Giờ đây, hầu hết 700 cư dân của Makhunik đều có chiều cao trung bình của người Iran, nhưng những ký ức về kích thước thấp bè của tổ tiên họ vẫn lưu truyền. Bởi trong số khoảng 200 ngôi nhà bằng đá và đất sét tạo nên ngôi làng cổ xưa này thì 70 hoặc 80 ngôi nhà là đặc biệt thấp, chỉ cao từ 1,5-2m, nhiều trần nhà thậm chí chỉ cao 1,4m.
Khi đi sâu khám phá vào những “ngôi nhà tí hon” này có thể nhận thấy rằng người Makhunik xây nhà theo lối kiến trúc phổ biến trong Kỷ nguyên Đá Mới. Nguyên liệu chủ yếu được làm từ gỗ, bùn, đất sét và rơm. Lối vào cũng được xây dựng ở độ cao 80-200cm. Ngoài ra các đường hầm cũng được đào xung quanh để bảo vệ mình khỏi động vật hoang dã.
Diện tích của căn nhà thường chỉ rộng 10-14m2, bao gồm có "kandik" (nơi cất giữ các loại hạt và lúa mì), một ‘karshak’ (lò đất sét để nấu nướng) và một phòng để ngủ. Bên trong căn nhà, cửa gỗ nằm ở phía nam được xây dựng để hứng được nhiều ánh sáng hơn và để bảo vệ căn phòng duy nhất của ngôi nhà khỏi những cơn gió mạnh từ phía bắc. Điều đặc biệt của căn nhà là "phòng ngồi", bởi vì trần quá thấp nên người vào phòng không thể đứng thẳng.
Diện tích của căn nhà thường chỉ rộng 10-14m2.
Theo Rahnam cho biết, để xây dựng nên một căn nhà nhỏ bé như thế này không phải là điều đơn giản và dễ dàng. Và không phải vì tầm vóc thấp của mình nên người Makhunik mới xây nhà thấp. Được biết, những động vật nuôi đủ lớn để kéo xe là khan hiếm, do vậy mà người dân địa phương phải tự mình vận chuyển vật tư xây dựng mỗi lần hàng km.
Những ngôi nhà nhỏ cần ít vật liệu hơn, và do đó ít công sức hơn. Ngoài ra, mặc dù chen chúc, những ngôi nhà nhỏ này dễ dàng sưởi ấm và làm mát hơn các nhà lớn, và dễ hòa trộn hơn vào cảnh quan, làm cho kẻ xâm lược, nếu có, khó phát hiện hơn.
Cuộc sống trong làng Makhunik hiện vẫn không dễ dàng; nông nghiệp từng có nay đã sút giảm trong những năm gần đây do hạn hán, buộc các cư dân trẻ phải đi tìm việc nơi khác. “Ngày nay, những người trẻ tuổi đi đến các thành phố lân cận để làm việc và mang về tiền bạc và thực phẩm. Các phụ nữ làm một số đồ dệt, nhưng ngoài việc đó không có công việc làm”, Rahnama nói. Trong khi đó, những người cao tuổi phải dựa nhiều vào trợ cấp của chính phủ.
Mặc dù cuộc sống khó khăn, nhưng Rahnama hy vọng rằng sự quan tâm đến kiến trúc độc đáo của làng sẽ thu hút du khách du lịch và những nhà khảo cổ, nhà nghiên cứu lịch sử, từ đó tạo ra công ăn việc làm giúp người Makhunik có cuộc sống tốt hơn.