Lương Hữu Khánh hay Thượng thư bộ Binh nổi tiếng thần đồng ăn khỏe
Lương Hữu Khánh sống vào khoảng thế kỷ 16, là Thượng thư Bộ Binh (có sách chép khác là Thượng thư Bộ Lễ), thời Lê Trung hưng, tước Đạt Quận Công, là nhà thơ. Ông sinh khoảng năm 1520, là con trai út của Lương Đắc Bằng, quê ở làng Hội Triều huyện Hoằng Hoá - Thanh Hoá, lên 10 tuổi đã nổi tiếng "thần ...
Lương Hữu Khánh sống vào khoảng thế kỷ 16, là Thượng thư Bộ Binh (có sách chép khác là Thượng thư Bộ Lễ), thời Lê Trung hưng, tước Đạt Quận Công, là nhà thơ. Ông sinh khoảng năm 1520, là con trai út của Lương Đắc Bằng, quê ở làng Hội Triều huyện Hoằng Hoá - Thanh Hoá, lên 10 tuổi đã nổi tiếng "thần đồng", còn khi đến tuổi thanh niên lại trở thành một truyền thuyết về tài... ăn khoẻ.
Lương Đắc Bằng vốn là một nhà khoa bảng tài danh lại giỏi lý số (do đã đọc sách Thái ất thần kinh), là thầy học của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bản thân ông đỗ Hội nguyên khoa thi Hội năm Cảnh Thống thứ 2 (1499) dưới triều Lê Hiến Tông. Sau đó thi Đình, đỗ Bảng nhãn, rồi làm quan tới chức Tả thị lang bộ Lễ. Trải qua các đời vua Hiến Tông, Túc Tông, Uy Mục đế... đất nước có loạn liên miên, ông trí sĩ về quê, ngoài 50 tuổi thì mất. Khi ấy người vợ lẽ mới có mang 3 tháng. Về sau sinh ra Lương Hữu Khánh.
Do cảnh nhà sa sút, nên khi còn trẻ Lương Hữu Khánh phải lâm vào cảnh đói khát cơ hàn, đi ăn nhờ ở đậu nhiều nơi.
Một hôm, chàng có việc qua bến đò Lô Giang ở Tam Kỳ - Thanh Hoá (Lô Giang còn gọi là sông Lò, chảy song song với sông Lương (tức sông Chu) từ biên giới Việt Lào xuống Quan Hoá thì gặp sông Mã), vừa hay, gặp một tốp năm, sáu vị sư tăng đi lễ chùa trở về, trên vai vị nào cũng có một đẫy oản, chuối. Trông thấy mặt mày Lương Hữu Khánh hốc hác, các vị thương tình, bèn mỗi người lấy ra cho chàng một phẩm oản. Nào ngờ, khi các vị đưa oản ra thì Lương Hữu Khánh một mực lắc đầu, mà rằng:
- Tôi là kẻ bần nho, phải nhịn ăn đã lâu, nhưng vẫn nhớ trong sách Kinh có câu: "May mắn gặp được các đại đức Bồ Tát", vậy mà đến nay các thầy lại chỉ cho tôi có mấy phẩm oản, thì làm sao cứu nổi mạng tôi đây?
Các vị sư tăng phì cười:
- Nếu là học trò thì hãy làm bài thơ "Thày nho và thầy tăng cùng ngồi một thuyền" đi, nghe hay, bọn ta sẽ cho cả số oản chuối này.
Lương Hữu Khánh nhận lời, rồi ngay sau đó ứng khẩu đọc luôn bài thơ - ý tứ đầy đủ, từ ngữ trau chuốt. Các vị sư tăng vừa nghe vừa gật đầu, tấm tắc khen hay. Sau đó, họ dốc tất cả oản chuối ra, đưa cho chàng. Lương Hữu Khánh ngồi ngay trên mũi thuyền, ăn kỳ hết số oản chuối đó. Tất cả 70 phẩm oản và 70 quả chuối.
Các vị sư tăng đều lắc đầu kinh ngạc!
*
* *
Lần khác, Lương Hữu Khánh có việc đến xã Vĩnh Trị (cùng trong huyện Hoằng hoá) thì gặp một bà nhà giầu đi thuê người phát cỏ làm ruộng. Chàng hỏi bà số ruộng cần thuê là bao nhiêu? Được trả lời: "Khoảng 5 mẫu"- chàng nhẩm tính luôn và nói:
- Như thế phải cần tới 20 người làm trong một buổi sáng. Vậy bà hãy về cho người mang dao phát ra đây. Còn đến trưa, thì mang cơm cho 20 người ăn, cùng số gạo trả công cũng của 20 người đó.
Bà nhà giàu gật đầu, rồi trở về. Lát sau, có người mang dao phát tới, chàng nhận lời, rồi xuống ruộng, ra sức phát cỏ. Những nhát dao của chàng lia ra loang loáng, những thân cỏ bị đứt đổ rạp xuống, tựa như có bàn tay đem rải đều chúng ra phơi. Còn những con tôm con cá, do dao phát nhanh quá đã chạy không kịp, thì bị chém đứt đôi, xác nổi đầy như bèo trên mặt nước. Khi dao cùn, chàng dùng hòn đá liếc qua, hoặc thay bằng dao khác. Cứ như thế, chỉ từ sáng đến trưa, cả 5 mẫu ruộng đã được phát xong cỏ. Lương Hữu Khánh xách dao đến dưới một gốc cây to ở cạnh bờ, nằm nghỉ. Được một lát, tiếng ngáy của chàng đã vang ra như sấm.
Khi bà nhà giàu cùng người nhà gánh cơm và mang gạo trả công tới, thấy chỉ có một người làm thì ngạc nhiên quá. Nhưng khi nhìn xuống ruộng, thấy cỏ được phát xong, lại phát rất kỹ, nên rất hài lòng. Bà đánh thức chàng dậy, mời ăn cơm, rồi sau đó, trả chàng số gạo công. Điều bà và người nhà kinh ngạc hơn, là được tận mắt chứng kiến một mình chàng ăn hết số cơm và thức ăn dành cho 20 người!
*
* *
Năm 18 tuổi, từ Thanh Hoá, sau khi đã đỗ kỳ thi Hương, Lương Hữu Khánh ra Hải Dương để theo học Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, vốn là học trò cũ của cha mình. Lúc bấy giờ là dưới thời nhà Mạc, Nguyễn Bỉnh Khiêm sau khi đỗ Trạng nguyên (năm ông 45 tuổi) rồi làm quan được 8 năm thì về trí sĩ, hiện đang mở trường dạy học ở quê.
Trong số các học trò đông đúc của Nguyễn Bỉnh Khiêm lúc ấy có tới 3000 người, nhưng chỉ có Giáp Hải người ở vùng Kinh Bắc là nổi tiếng hơn cả. Giáp Hải khi ấy 33 tuổi, đã nổi tiếng "thần đồng" ngay từ bé.
(Đọc thêm về Truyện trạng nguyên Giáp Hải)
Trong thời gian Lương Hữu Khánh mới nhập trường, qua ba bài làm của chàng (một thơ, một phú, một văn), đều được thầy khen và xếp ở trên Giáp Hải. Lương Hữu Khánh mừng vui trong lòng, còn các học trò khác thì xuýt xoa: "Kỳ thi này, nhất định Hữu Khánh sẽ đỗ Trạng nguyên".
Chẳng ngờ, trong lần thi Hội năm ấy (năm Đại Chính thứ 9 (1538) đời Mạc Đăng Doanh), qua ba trường, Lương Hữu Khánh đều được xếp ở đầu, nhưng đến trường thứ tư, cũng là trường để lấy Hội nguyên, thì khi theo bảng, người đứng đầu lại là Đinh Soạn quê ở Đoan Hùng - Phú Thọ, còn chàng chỉ đứng thứ hai.
Nhà Mạc lúc bấy giờ đóng đô ở Đông Kinh (hay Đông Đô - tức Hà Nội ngày nay) đối địch với nhà Lê Trung Hưng ở Tây Kinh (tức Tây Đô - Thanh Hoá). Lương Hữu Khánh là người Thanh Hoá, lại là con một vị cựu thần triều Lê - nên có thể đó là lý do để các vị giám khảo hạ chàng xuống, cho người khác xếp lên trên? Chỉ biết sau đó chàng không dự thi Đình, và trong lần thi ấy, Giáp Hải được xếp đỗ đầu - Trạng nguyên.
Có thuyết nói, khi chuẩn bị thi Đình thì hay tin nhà Lê đang chấn chỉnh ở Thanh Hoá, nên Lương Hữu Khánh bỏ thi để vào cho kịp. Tại Thanh Hoá chàng được Trịnh Kiểm tiếp đón ân cần, rồi ra mắt vua Lê Trang Tông. Sau nhiều năm giúp nhà Lê Trung hưng, do lập nhiều chiến công cả về văn lẫn về võ (như làm thành giả để đẩy lui quân Mạc), nên chàng được phong tới chức Thượng thư bộ Binh, tước Đạt quận công, và là một trong những trọng thần của các triều vua này.
(Đọc tiếp truyền thuyết về trạng ăn Lê Nại)