Diên phương hầu Thượng thư Lê Trọng Thứ

Lê Trọng Thứ hồi trẻ có tên là Lê Phú Thứ, quê ở làng Duyên Hà, huyện Duyên Hà, phủ Tiên Hương, trấn Sơn Nam (nay là xã Duyên Hà, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Ông sinh ngày 13 tháng giêng năm 1704 (có nơi chép là 1694) đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân năm 21 tuổi (1724), làm quan dưới hai triều Lê Dụ ...

Lê Trọng Thứ hồi trẻ có tên là Lê Phú Thứ, quê ở làng Duyên Hà, huyện Duyên Hà, phủ Tiên Hương, trấn Sơn Nam (nay là xã Duyên Hà, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Ông sinh ngày 13 tháng giêng năm 1704 (có nơi chép là 1694) đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân năm 21 tuổi (1724), làm quan dưới hai triều Lê Dụ Tông và Lê Hiển Tông đến chức Thượng thư bộ Hình, tước Diên phương hầu. Là người nổi tiếng cương trực và thanh liêm trong giới quan trường, nên ông được người đương thời coi là một danh sĩ của Bắc Hà. Ông lại có người con trai nổi tiếng thần đồng từ bé là Lê Quí Đôn - người mà về sau đã ba lần đỗ đầu từ thi Hương, thi Hội đến thi Đình với danh vị Đình nguyên Bảng nhãn, và cũng là người đã để lại một khối lượng trước tác thật đồ sộ và có giá trị, còn lại đến ngày nay.

Tuy nhiên, truyền thuyết về ông cho thấy con đường khởi đầu sự nghiệp của Lê Trọng Thứ kể ra cũng lắm gian nan, mà như nhiều nhà khoa bảng nổi tiếng khác, sự khắc phục chỉ có thể trông cậy vào nỗ lực của chính bản thân mình. Và có lẽ do vậy, nên xung quanh ông, đã có nhiều câu chuyện lạ, được lưu truyền trong dân gian như những mẩu truyền thuyết - dã sử, còn lại đến ngày nay. Chúng tôi cho rằng, những câu chuyện này, vừa thể hiện sự thán phục nhưng cũng vừa bao hàm lối giải thích về tài năng - theo quan niệm còn khá phổ biến của dân chúng thời trước.

*

*        *

Tổ tiên của Lê Trọng Thứ, cách khoảng 500 năm về trước, vốn thuộc dòng họ Lý - tức vương triều Lý - ở vùng Đình Bảng Bắc Ninh. Sau khi nhà Trần thay thế nhà Lý, với quan niệm "nhổ cỏ phải nhổ cả gốc" nên Trần Thủ Độ - một người có tài mà cũng thực nhẫn tâm, tàn độc vào loại "điển hình" trong lịch sử, đã đang tay làm các việc như bức tử Lý Huệ Tông, tàn sát các tôn thất nhà Lý cùng những ai còn ủng hộ vương triều này. Vì vậy, những người còn sống sót mà muốn bảo toàn tính mạng, thì đều phải cao chạy xa bay, tìm đến những nơi thật hẻo lánh xa xôi, rồi nương nhờ vào các cửa họ khác.

(Đọc thêm: Truyền thuyết về Việt quốc công Thường Kiệt)

Tổ tiên của Trọng Thứ chạy về vùng Thái Bình, tuy đã nhiều đời và mang dòng họ Lê, nhưng có lẽ do thân cô thế cô, nên cũng chỉ đắm chìm trong đám thường dân, chứ chưa thấy ai "mọc mũi sủi tăm" lên được. Đến đời ông Phúc Lý cha của Lê Trọng Thứ, nhờ chắt chiu tằn tiện lắm mới có thể đến trường học, rồi đỗ được chân "sinh đồ" (tức là đã qua ba trường của kỳ thi Hương, nhưng không đỗ ở trường thứ tư để được gọi là "Hương cống"), và sau đó làm nghề dạy học.

Khi thấy Trọng Thứ mặt mũi sáng sủa lại thông tuệ khác thường, nên ông Phúc Lý quyết chí dạy dỗ và dốc vốn ra cho con ăn học. Thế nhưng, do gia cảnh của ông quá ư túng quẫn - đông người ăn lại thiếu người làm - nên cực chẳng đã, ông đành phải cưới vợ sớm cho con khi nó mới hơn 10 tuổi. Đây cũng là một tục lệ còn khá phổ biến của nước ta ở thời bấy giờ.

*

*        *

Vào thời ấy, chồng mới tuổi thiếu niên mà vợ đã là phụ nữ - kể ra cũng là một chuyện khá bình thường. Thế nhưng, cái "đôi đũa lệch" ấy đã "chẳng thể so vừa", cho nên chỉ sau mấy tháng, người vợ bỏ nhà chồng ra đi, vì không chịu được sự lam lũ vất vả lại vò võ khi anh chồng trẻ con chỉ chúi đầu vào việc học.

Ông Phúc Lý không cam chịu thất bại và với mục đích vẫn như lần đầu, bèn cưới cho con cô vợ thứ hai. Thế nhưng lần này kết quả cũng không hơn gì lần trước: cô gái vẫn bỏ đi, mặc dù anh chồng đã đỗ "sinh đồ" (chứ chưa được là "Hương cống") cho nên lại càng vùi đầu vào đèn sách!

Mới "tí tuổi đầu" (lúc ấy Trọng Thứ khoảng 14, 15 tuổi) mà đã hai lần tai tiếng về chuyện lấy vợ, nên Trọng Thứ quyết chí lên đường để "tầm sư học đạo". Vả chăng, sự ra đi này cũng còn do chỗ ông Phúc Lý đã "hết chữ" rồi, không thể tiếp tục dạy cho con được nữa.

Một ngày kia, chàng trai trẻ lặn lội tìm đến tận đất Thổ hoàng mãi trên Hưng Yên (thời ấy cũng thuộc trấn Sơn Nam), ở đó có ông Nghè Hoàng Công Chí từng giữ chức Công bộ Thượng thư, nhưng nay đã về trí sĩ, đang mở trường dạy học trong nhà. Lê Trọng Thứ tìm đến nhà thầy mà bên mình chẳng có lưng vốn gì để làm lương ăn ngoài một cái đầu ham học, thì kể ra cũng thật "khác người". Thế nhưng thật may mắn cho chàng, ông thầy này lại là người độ lượng biết nhìn xa trông rộng, nên chỉ sau lần tiếp xúc đầu tiên, đã đồng ý cho chàng theo học, nhưng dưới hình thức "vừa học vừa làm", dĩ nhiên.

Ở trong nhà thầy, Lê Trọng Thứ không ngần ngại làm bất cứ việc gì, còn những lúc rảnh rỗi, mưa dầm gió bấc và đêm hôm khuya khoắt, thì chăm chú miệt mài vào sách vở - học lực vì thế mà ngày mỗi tăng dần.

Ông thầy, khi ấy đã ở độ tuổi gần bát tuần yếu mệt luôn, nên không thể kéo dài việc dạy dỗ đều đặn cho chàng học trò, bèn "tiến cử" chàng đến theo học con rể mình là tiến sĩ Trương Minh Lượng, hiện trí sĩ đang dạy học ở quê, là làng Nguyễn Xá, xã Tiên Nội, huyện Duy Tiên - Hà Nam (thời ấy cũng thuộc trấn Sơn Nam).

Ở trong nhà ông thầy mới, Lê Trọng Thứ cũng vẫn chăm chỉ làm lụng và học tập như xưa, tuy nhiên ông thầy này nhà cửa giàu có lại được nghe giới thiệu từ cụ Nghè bố vợ, nên đã không bắt chàng phải làm lụng gì nhiều, mà để cho chàng có thời gian, dành hết cho việc học tập.

*

*        *

Đến đây, có lẽ cũng cần nhắc đến cái  quan niệm chính thống về thứ bậc xã hội "sĩ nông công thương" đã xảy ra trước kia và ngày càng rõ nét hơn vào giai đoạn cuối Lê -  là giai đoạn đang xảy ra câu chuyện này. Sự đối lập quan niệm trong các vấn đề về "mưu sinh" đã diễn ra quyết liệt trong trường hợp của chàng nho sinh Lê Trọng Thứ. Nếu trước kia, hai người vợ đã bỏ chàng ra đi theo quan niệm "nhất nông nhì sĩ", thì đến bây giờ, khi học ở trong nhà ông Nghè Trương Minh Lượng, chàng lại được ưu ái theo quan niệm ngược lại "nhất sĩ nhì nông".

Quả đúng như thế, khi ấy ông Nghè đã ngoài lục tuần lại có cô con gái út sắp sửa đến tuổi "đôi tám" thì việc lựa chọn một "chàng rể tương lai cho thực nên người" đối với ông, cũng còn là một công việc hệ trọng. Bởi vậy, ông đã để cả tâm trí vào việc dạy dỗ cho chàng nho sinh không một xu dính túi ấy nên người, và quả nhiên, ông đã thành công: chỉ gần một năm sau, trong kỳ thi Hương năm Canh Tý (1720) Lê Trọng Thứ đã đỗ Hương cống.

Được đỗ Hương cống, theo thể chế của thời ấy, là được nhận vào trường Quốc Tử Giám (ở Kinh thành Đông Đô - Hà Nội) học thêm (miễn phí) trong ba năm để chờ thi Hội. Thật là cả một tương lai sáng lạn đang mở ra cho chàng trai ham học!

*

*        *

Trong thời gian miệt mài đèn sách ở Quốc Tử Giám lại không có dịp về quê (chắc là do thiếu tiền!) nên Lê Trọng Thứ cũng không thể biết ở đó đã xảy ra những lời đồn đại như thế nào, về mình. Ta hãy thử hình dung: ở một vùng quê xa xôi mà có chàng Hương cống 17 tuổi đầy hứa hẹn, lại được sự ưu ái và bảo trợ của hai ông Nghè danh tiếng thì thử hỏi làm sao lại không trở thành đối tượng để đồn đại và chiêm ngưỡng của cả vùng ấy được? Rồi từ sự chiêm ngưỡng đến sự bái phục, từ sự bái phục đến sự nhờ vả về sau - ắt hẳn đã diễn ra theo một quy luật tâm lý thông thường, mà ta có thể đoan chắc rằng, cũng không có gì khó hiểu. Tuy nhiên, trong trường hợp của chàng Hương cống Lê Trọng Thứ mà dân làng Khả Duy đã sùng bái đến mức lập chàng làm thần Thành hoàng sống, thì lại là một việc hiếm có xưa nay!

Số là, sau ba năm theo học ở trường Quốc Tử Giám, đến cuối năm 1723 Lê Trọng Thứ về quê ăn tết ở Thái Bình rồi ra giêng, đi thăm hai thầy học ở Duy Tiên (Hà Nam) và ở Thổ Hoàng (Hưng Yên). Đây cũng là chặng đường hợp lý, vì từ Thổ Hoàng chàng sẽ đi thẳng lên kinh đô, để kịp dự kỳ thi Hội vào ngày 16 tháng ba. Tuy nhiên, khi bước chân lên khỏi con đò ngang qua sông Hồng, đến địa phận làng Khả Duy (ở Hà Nam) thì một điều thực sự lạ lùng đã xảy ra.

Ấy là việc vừa mới ngoài tết, ở làng này đã xảy ra một nạn "đại dịch". Ban đêm, trên đường làng mơ hồ có tiếng xe ngựa đi lại rậm rịch, làm cho các loài vật nuôi trong nhà cứ nháo nhác, náo loạn cả lên. Rồi sau đó, là những trận ốm liểng xiểng của hầu khắp mọi nhà trong làng. Dân tình vô cùng hoảng hốt, vội đem hương hoa lễ vật đến trước miếu Soi - là ngôi miếu thờ nữ thần ở ven sông Hồng thuộc làng này - để cầu đảo. Sau một hồi khấn vái, nữ thần đã "nhập hồn" vào một bà già đang thăng đồng mà phán bảo: "Đến ngày nọ, vào lúc "đúng ngọ" (giữa trưa) dân làng phải trực sẵn để đón một vị hương cống tuổi tròn 20, đi từ bến đò lên, mà lập làm thần Thành hoàng sống, thì mọi vật trong làng mới yên, mọi người trong làng mới khỏi bệnh. Vị hương cống ấy một tay chống gậy tre, còn ở trên vai  trái, có vắt chiếc khăn mặt".

Quả nhiên, vào tầm giữa trưa của ngày ấy, các ông lão bà lão còn khoẻ mạnh của làng Khả Duy đã đến túc trực sẵn ở bến đò này thật. Khi Lê Trọng Thứ, một tay chống gậy tre còn trên vai trái vắt chiếc khăn mặt đi đến, thì họ vội vàng bước tới trước mặt hỏi han tên tuổi, danh phận và quê quán của chàng. Lê Trọng Thứ nghi ngại, chợt nghĩ có sự bất trắc, nhưng về sau trấn tĩnh lại được, thấy những người đến hỏi đều già cả lại ăn mặc tử tế, nên chàng bèn cứ thực mà trả lời.

Lạ thay, khi vừa nghe Trọng Thứ nói xong, thì mọi người đều nhất loạt quỳ xuống mà bái lạy, rồi sau đó xin được lập chàng làm thần Thành hoàng.

Vô cùng sửng sốt, Lê Trọng Thứ vội vàng đỡ các cụ đứng dậy mà nói:

- Xin thưa lại các cụ. Trọng Thứ tôi tuy có đỗ Hương cống thật, nhưng vẫn nghĩ mình tài hèn đức mọn, chẳng biết sau này có làm nên danh phận gì không, vậy nên lời thỉnh cầu của các cụ thật là cao sang, tôi đâu dám nhận.

Các cụ bối rối, đưa mắt nhìn nhau, rồi một cụ đánh bạo nói lại lời "thăng đồng" của nữ thần miếu Soi với Lê Trọng Thứ.

Chàng vừa nghe vừa cảm thấy bàng hoàng. Thế nhưng, khi nghe xong thì cũng nhanh ý mà trả lời lại các cụ:

- Lời thánh thần đã dậy như thế, Trọng Thứ tôi cũng chẳng dám chối từ,  để khỏi phải đắc tội với thần linh và phụ lòng các cụ. Thế nhưng, dẫu sao thì trong lòng tôi cũng còn có điều băn khoăn, xin để các cụ cùng chứng giám: Chiếc  gậy tre này - chàng chỉ chiếc gậy - tôi xin đưa lại các cụ đem về cắm ở sau miếu, nếu sau ba ngày mà gậy tre mọc thành cây, thì các cụ hãy cho dân làng lập miếu thờ tôi, còn nếu không, xin các cụ miễn thứ cho, vì gậy đã không được thần linh báo ứng.

Thấy lời chàng nói vừa có tình vừa có lý như thế, các cụ già vui vẻ tán đồng, rồi sau đó, xin chàng cho thêm chiếc khăn mặt vắt vai, và xin được nghe tên hiệu.

Lê Trọng Thứ đưa khăn và đọc tên hiệu là "Lê Văn Trinh tiên sinh" để các cụ ghi nhớ, rồi sau đó, chào từ biệt mà lên đường. Lập tức, một lần nữa, các cụ lại nhất loạt quỳ xuống, để  chúc cho vị "thần sống" được thượng lộ bình an...

*

*         *

Về phần Lê Trọng Thứ tuy còn có chỗ bán tín bán nghi, nhưng dẫu sao thì cũng cảm thấy hài lòng và tự hứa với mình sẽ hết sức cố gắng trong kỳ thi sắp tới, để khỏi phụ lòng trông đợi của cha mẹ, anh chị em họ hàng, thầy học, cùng dân làng Khả Duy. Lại chợt nhớ đến lúc trao chiếc gậy, chàng tin rằng gậy sẽ mọc thành cây, vì ở nông thôn vào mùa xuân tre vẫn thường được trồng theo cách như thế. Còn khi tự đặt tên hiệu "Văn Trinh", là chàng đã nghĩ đến vị Thánh tổ của đạo học nước nhà là Chu Văn An đời Trần, được thờ ở Văn miếu Quốc Tử Giám. Chàng không dám sánh mình với vị Thánh tổ, mà chỉ nghĩ suốt đời phải nêu gương sáng, như vị Thánh tổ đã làm.

Về phía dân làng Khả Duy, ba ngày sau do được tưới tắm đều đặn nên các mắt trên đầu chiếc gậy tre đã nẩy mầm, rồi mọc ra thành cành, thành lá thật. Tin rằng có thần linh hiển ứng phù trợ, dân làng đã lập một ngôi miếu nữa, thờ "Lê Văn Trinh tiên sinh", rồi vắt chiếc khăn mặt lên bên trái chiếc ngai, mà ở chính giữa đã đặt "thần vị".

Miếu lập xong, thần vị đặt xong, thì quả nhiên, "loạn âm" trong làng cũng biến mất: súc vật bình yên, mọi người đều khỏi bệnh.

Trong thời gian ấy (đầu năm 1724), ở trên kinh thành xa xôi cũng là lúc Lê Trọng Thứ đang dự kỳ thi Hội. Cả bốn trường thi, bài vở của chàng làm đều "trúng cách", rồi sau đó, được lấy đỗ ở hạng "Đồng tiến sĩ xuất thân".

Tuy đỗ ở "giáp thứ ba", nhưng dẫu sao thì cũng là Đại khoa - như hai ông thầy dạy học, rồi sau các nghi thức nhận mũ,áo, đai và dự yến ở công đường bộ Lễ, quan tân khoa Lê Trọng Thứ "vinh qui bái Tổ" về quê nhà. Đến khi chàng Tiến sĩ 21 tuổi - "đại đăng khoa" tới thăm thầy học cũ thứ hai (tức Trương Minh Lượng) để tạ ơn, thì lại được thầy ban cho "tiểu đăng khoa" - tức là cho lấy con gái út của thầy là cô Trương Thị Ích tuổi vừa tròn 16. Thật là nỗi vui đến với chàng, đã được "nhân" lên tới hai lần vậy!

Thế nhưng, không hiểu sao, khi vừa lấy vợ được vài ngày, thì bỗng nhiên bên cánh tay trái của Lê Trọng Thứ bị trốc lở. Cả nhà chàng đều lo lắng, đi tìm thầy tìm thuốc khắp nơi, mà bệnh tình vẫn không khỏi. Thế rồi có người  đánh bạo đi xem bói, được ông thầy cao tay phán rằng: "Phải về thăm miếu thần Thành hoàng ở làng Khả Duy thì mới chữa khỏi". Cực chẳng đã, quan tân khoa Lê Trọng Thứ đành phải lên đường.

Khi đến nơi, "thần Thành hoàng sống" được dân làng Khả Duy đón tiếp vô cùng trọng thị. Sau nghi lễ chính thức ở trước cửa miếu, Lê Trọng Thứ được dẫn vào trong, và chàng kinh ngạc nhận ra, chỗ mái chiếu thẳng xuống tay ngai bên trái có chiếc khăn vắt lên, bị dột. Chàng chỉ cho chức dịch trong làng thấy chỗ dột ấy, bảo họ cho người "dọi" lại, rồi sau đó cùng dân làng dự tiệc vui vẻ. Trước khi lên đường, chàng không quên bỏ ra một khoản tiền lớn, để dân làng xây dựng lại ngôi miếu bằng gạch ngói, thay cho tranh tre nứa lá ban đầu. Động thái ấy, vừa có lợi cho dân làng (được ngôi miếu đẹp đẽ hơn) nhưng cũng vừa có lợi cho chàng, vì từ nay trở đi sẽ không phải lo có nước dột chảy xuống chỗ ngai thờ nữa.

Quả nhiên, thần linh lần này cũng lại thêm một lần hiển ứng: sau khi ở làng Khả Duy ra về, cánh tay trái của Lê Trọng Thứ đã hoàn toàn lành lặn!

*
*      *

Sau lễ vinh qui và thăm hỏi các nơi xong, Lê Trọng Thứ cùng vợ và gia nhân lên Kinh thành (Đông Đô) nhậm chức. Chàng được "bổ" về bộ Hộ, rồi sau một năm, được thăng lên chức "Hữu thị lang" của bộ này. Lẽ ra trong thời gian ấy, phu nhân Trương Thị Ích đã phải có con - như phần lớn các phụ nữ cùng thời, thế nhưng không hiểu sao, trong hơn một năm mà các dấu hiệu thai nghén đều không thấy.

Nhân có chuyến công du của quan Hữu thị lang về miền Sơn Nam hạ điều tra việc hộ khẩu, phu nhân Trương Thị Ích đã lên đường cùng chồng. Sau khi làm các việc công và thăm nhà, thăm thầy học xong, theo lộ trình, hai vợ chồng Lê Trọng Thứ lại đến thăm làng Khả Duy. Mục đích của lần thăm viếng này là để hai vợ chồng tạ ơn nữ thần miếu Soi đã phù giúp cho Lê Trọng Thứ lành bệnh trốc lở, nhưng nhân đấy, cũng còn để cho phu nhân cầu tự, bởi vì "đã tin điều trước thì ắt nhằm điều sau".

Lạ thay, ngay sau buổi đi cầu tự về, ban đêm (ở làng Khả Duy) bà Ích đang ngồi dựa vào chiếc ghế trên có đặt án thư rồi thiếp ngủ và mơ thấy tiếng trẻ học bài ở bên cạnh miếu, nhưng có điều, lại không nhìn thấy ánh đèn. Thế rồi, một lát sau - vẫn trong giấc mơ màng, bà thấy khi tiếng học vừa dứt, thì trước mặt hiện ra một đứa trẻ hai tay chắp lại, xin được bà nhận làm con. Bà vô cùng mừng rỡ, đưa hai tay ra đón lấy nó vào lòng, nhưng ngay lập tức cũng giật mình tỉnh giấc.

Sau lần đi cầu tự trở về kinh thành, bà Ích có mang. Chín tháng mười ngày sau, vào năm 1726, bà trở dạ sinh hạ một bé trai. Cả hai vợ chồng đều mừng rỡ, lại nhớ đến thần mộng, bèn đặt tên cho con là Danh Phương - vì mong sau này nhờ học hành mà có tiếng tăm lừng lẫy bốn phương. Thế nhưng sau đó mấy năm, thấy con hiền lành chăm chỉ, lại đổi ra thành Quí Đôn. Lần này, tuy cũng vẫn lấy tích từ trong mộng, nhưng cụ thể hơn, vì nhờ dựa vào chiếc ghế đặt án thư mà bà mẹ được thần mộng, sinh ra quí tử.

Quả nhiên, Lê Quí Đôn ngay từ nhỏ đã nổi tiếng thần đồng. Mới hai tuổi đã thuộc khá nhiều mặt chữ, lên năm tuổi, đọc được sách Kinh thi, còn 12 tuổi thì đã làu thông kinh sử. Năm 18 tuổi Lê Quí Đôn đỗ giải nguyên (tức đỗ đầu thi Hương), năm 27 tuổi đỗ đệ nhất giáp đệ nhị danh Tiến sĩ cập đệ - tức Bảng nhãn (dười triều Lê Hiển Tông, năm ấy không có Trạng nguyên). Lê Quí Đôn còn là nhà bác học như thời nay đánh giá, vì đã để lại nhiều trước tác có giá trị. Về đường quan chức, ông làm đến Thượng thư bộ Công, tước Dĩnh quận công. Ông mất năm 1784, thọ 59 tuổi.

*
*       *

Lại nói đến ngôi miếu thờ "thần thành hoàng sống" của làng Khả Duy. Kể từ khi đỗ đạt rồi ra làm quan, hễ có dịp, Lê Trọng Thứ lại về thăm dân làng này. Dân làng đã coi ông như vị thần còn bản thân ông cũng coi họ như người trong nhà, bởi vậy nếu có thể mang lại được điều gì tốt lành cho họ, là ông đều cố gắng hết sức.

Năm1740, ông bỏ tiền cho dân làng trùng tu lại ngôi miếu thành ngôi đình. Ngoài ra, trong làng có ai cơ nhỡ, nghèo khó, đều được ông cưu mang - hoặc giúp tiền bạc, hoặc tìm cho công việc làm.

Năm 1775, khi ấy Lê Trọng Thứ 72 tuổi, được dân làng đắp tượng để thờ trong đình. Ông mất năm 1792, thọ 89 tuổi.

Mặc dù đường đất từ làng Duyên Hà (Thái Bình) đến làng Khả Duy (Hà Nam) đi lại cũng xa xôi, nhưng lúc sinh thời, Lê Trọng Thứ luôn luôn dặn dò con cháu từ nay hãy coi làng ấy như quê hương thứ hai của mình, hàng năm phải đến cúng lễ tại đình, và thăm hỏi các ông già bà lão trong làng - không được để sơ xuất.

Lê Trọng Thứ xứng đáng được coi là một danh sĩ ở giai đoạn cuối Lê. Khi ông mất, vua Lê Hiển Tông có lời ca ngợi: "Cao thượng như hoa lan. Tấm thân vẹn tròn như ngọc bích".

0