Lòng rất đắng

Tôi ngồi phịch xuống vệ đường, buông tiếng thở dài chán chường, tự thấy mình thật kém cỏi, bất tài, và vô tích sự. Bộ dạng tôi chắc thảm lắm, đến nỗi thằng đánh giày đi qua nó cũng chả buồn chào mời, đứa phát tờ rơi cũng không thèm dừng lại, chỉ gườm gườm nhìn tôi với ánh mắt thương hại. May sao, ...

Tôi ngồi phịch xuống vệ đường, buông tiếng thở dài chán chường, tự thấy mình thật kém cỏi, bất tài, và vô tích sự. Bộ dạng tôi chắc thảm lắm, đến nỗi thằng đánh giày đi qua nó cũng chả buồn chào mời, đứa phát tờ rơi cũng không thèm dừng lại, chỉ gườm gườm nhìn tôi với ánh mắt thương hại.

May sao, vẫn còn một người không khinh tôi: đó là thằng ăn mày bị mù, đội cái nón rách lụp xụp, đang mò mẫm, gõ gõ cái gậy dò đường cộc cộc xuống nền gạch vỉa hè nham nhở. Cũng phải thôi, nó mù mà, đâu có nhìn thấy bộ dạng tôi để mà khinh. Ngửi thấy hơi người, thằng ăn mày huơ huơ cái bàn tay đen đúa, nhem nhuốc về phía tôi, giọng ỉ ôi:

– Lạy ông đi qua! Lạy bà đi lại! Ông ăn trầu nhả bã! Bà hút thuốc lá phì hơi! Bố thí cho con đồng rớt, hào rơi, để con lê được qua bể khổ của kiếp người! Làm ơn! Làm ơn…

Tôi uể oải móc ví, phần vì thương, phần vì nó giúp tôi thấy mạnh mẽ hơn. Bởi một kẻ tật nguyền, mù lòa như nó vẫn có thể kiếm sống, vẫn có thể bám trụ được với đời, thì tôi – tay chân lành lặn, học hành đến chốn đến nơi, sao có tư cách để mà chán chường, tuyệt vọng, buông xuôi…

Chết cha! Ví tôi còn có đúng một nghìn lẻ, với một tờ một trăm nghìn – là tiền ăn từ giờ đến cuối tuần. Chẳng lẽ cho nó một nghìn? Thế thì phải tội chết. Nhưng cho một trăm nghìn thì tôi sẽ sống sao? Tôi khó xử vô cùng, tay đút vào ví rồi mà vẫn ngập ngừng, nhưng cuối cùng thì vẫn phải đưa ra quyết định…

– Cho hai mươi nghìn này! – vừa nói, tôi vừa dúi tờ tiền một nghìn vào tay nó.

Thằng ăn mày cầm tiền, cảm ơn rối rít, nhưng lập tức mặt nó cau lại:

– Á! Dám lừa đảo người tàn tật? Một nghìn mà bảo hai mươi nghìn!

Tôi sững người! Chẳng lẽ thằng này chỉ sờ tiền mà biết được mệnh giá ư?

– Nhưng tao hết tiền rồi! – Tôi phân trần.

– Á! Dám nói dối người tàn tật? Thế tờ một trăm nghìn trong ví kia thì sao?

Nói xong câu đó, thằng ăn mày mù đã hiểu ra là nó đã hớ, và lập tức co cẳng chạy. Nhưng tôi còn nhanh hơn, nhào tới giằng lấy cái gậy của nó rồi đập vào lưng, vào đầu nó túi bụi. Tôi cực ghét những thằng khỏe mạnh giả danh tàn tật để ăn bám vào lòng tốt của người đời như nó. Bị đánh, nó đưa hai tay lên ôm đầu, mồm liên tục kêu gào:

– Á! Dám đánh đập người tàn tật… Á!!!

Nhưng rồi khi cái gậy vung ngược lên làm cái nón rách trên đầu nó bung ra, rơi xuống, thì tôi thêm một lần nữa sững người, bởi cái mặt nó quen quá! Đúng rồi! Là thằng Thái, con ông Dọt, cùng quê với tôi. Thằng Thái chắc đến lúc ấy cũng mới nhận ra tôi, vì trước đó, nó bị cái nón lụp xụp, lòa xòa cụp xuống che kín mặt…

Trước đây chơi với nhau cũng thân, lại lâu ngày không gặp, nên tôi và nó chuyện trò, hỏi han nhau khá sôi nổi. Nó kể rằng, trước đây, nhờ thân hình cao to, vạm vỡ, và cường tráng, nó được nhận vào một băng nhóm xã hội đen chuyên đâm thuê chém mướn. Dù đã tham gia nhiều phi vụ đâm chém, nhưng thực sự là nó chưa chém được ai nhát nào, bởi nó có tật sợ máu, nhìn thấy máu là xỉu luôn, hầu như chỉ vừa vào cuộc là nó đã xỉu. Lúc nào anh em chiến hữu chém xong thì hô hấp nhân tạo cho nó tỉnh dậy, rồi cả nhóm lại kéo nhau về.

Nhưng cũng chính cái tật sợ máu đó đã cứu mạng nó, khi mà lần ấy, băng nhóm của nó đụng độ phải một bọn côn đồ cực kỳ đông, hung hãn và có võ nghệ cao cường. Như thường lệ, vào cuộc là nó xỉu. Lúc tỉnh dậy, nó thấy anh em đồng bọn của nó đều bị chém chết hết, xác nằm la liệt. Nếu hôm đó nó không xỉu, thì chắc cũng chịu chung số phận với các anh em rồi.

Thấy nghề đó quá nguy hiểm, nó mới chuyển sang nghề thông tắc bể phốt, nhưng cũng chỉ được hai hôm là bỏ việc, vì nó có tật sợ thối. Rồi nó lại chuyển qua làm trai bao. Nghề này theo nó là nhàn, thu nhập cao, nó thích, nhưng nó lại bị trĩ ngoại, trĩ lồi ra ngoài như củ khoai, nhìn rất khiếp! Bởi vậy, thấy hình thức của nó thì khách nào cũng ưng, nhưng cứ khi nó tụt quần, chổng mông lên thì cũng là lúc khách tụt hứng, trèo xuống, rồi lấy điện thoại gọi điện chửi ba mì.

Thế rồi từ khi chuyển sang làm ăn mày, nó mới biết là mình đã lựa chọn đúng! Nó bảo, mỗi người sinh ra đều được ông trời phú cho một nghề. Ví như Messi sinh ra để đá bóng, Châu Nhuận Phát sinh ra để đóng phim, còn nó, sinh ra chắc chắn là để làm ăn mày!

Rồi nó giải thích cho tôi rõ về các mánh lới để biến một thằng thanh niên khỏe mạnh thành một thằng cụt, về cách điều tiết mắt sao cho giống kẻ mù, cách buộc tay, quặp chân sao cho ra một người tàn tật, và cách để làm người đời rủ lòng thương hại…

Đang nói chuyện, chợt tia thấy từ xa có bóng người đi tới, thằng Thái nhặt vội cái nón ụp lên đầu, vồ lấy cái gậy, mò mẫm, gõ gõ dò đường, rồi bất ngờ nó quỳ thụp, đầu rạp xuống chân người ta, xin xỏ, van nài rất thảm thương. Cô gái trẻ giàu có trong chiếc váy hồng sành điệu và xinh xắn đã hào phóng quẳng hẳn tờ năm mươi nghìn cho nó. Nó cảm ơn rối rít rồi lại mò mẫm gõ gậy, lò dò quay lại chỗ tôi, cười hề hề, ghé tai tôi thì thào đầy khả ố:

– Con bé này mặc tông xoẹt tông phết mày ạ! Váy hồng, sơ-lít hồng!

À! Vậy ra nó vừa ăn xin vừa tranh thủ soi hàng. Thảo nào, lúc xin tiền tôi thì nó đứng, còn vừa rồi xin con bé váy hồng thì nó lại quỳ rạp xuống.

Ngồi với nó một lát mà tôi thật sự sửng sốt bởi thu nhập của nó. Nhiều người cho nó lắm! Kẻ nghèo thì năm ngàn, một chục, người sang thì năm chục, một trăm. Thấy tôi ngạc nhiên, thì nó phân trần: “Hôm nay đẹp trời, nhiều người đi lại nên được vậy thôi, chứ gặp hôm mưa gió thì ngồi cả ngày cũng chỉ được hai ba triệu là cùng”.

Nó bảo rằng giờ nó đi ăn mày cho vui chứ nó không thiếu tiền, hôm nào mệt, hoặc không có hứng là nó ở nhà nằm nghỉ, hoặc rủ mấy đồng nghiệp ăn mày khác tụ tập uống bia, hát hò, du lịch, mua sắm! Nó cũng rất siêng đến phòng tập tạ, tập gym để duy trì dáng vóc cân đối và sức khỏe dẻo dai. Nó đặc biệt chú trọng việc luyện cơ tay, bởi những hôm phải buộc hai chân lên đùi giả làm thằng cụt thì cách di chuyển tối ưu nhất đó là dùng tay để bò hoặc lết. Nó khoe rằng giờ nó bò hoặc lết bằng tay có khi còn nhanh hơn là người ta đi bằng hai chân.

Thế rồi nó quyết định hôm nay nghỉ sớm để mời tôi đi nhậu. Tôi đang rảnh nên cũng vui vẻ nhận lời. Nó bảo tôi ngồi đây đợi nó để nó vào trong ngõ lấy xe. Dứt lời, nó cầm cái gậy, hươ hươ, mò mẫm dò đường, cẩn thận nhích từng bước một rồi mất dần vào trong con ngõ sâu. Lát sau, nó quay ra, đã tắm rửa sạch sẽ, đầu tóc bóng bẩy, quần áo sành điệu, nước hoa thơm phức, cưỡi trên con SH mới cứng:

– Mày đi xe này sao? – Tôi hỏi nó giọng nghẹn ngào.

– Không! Đây là xe tao mượn thôi!

– Mày không có xe à?

– Có! Nhưng xe tao bị hỏng giàn điều hòa, đang sửa ở gara!

Nói rồi, nó bảo tôi lên xe, và rồ ga, lạng lách, lao vun vút trên phố. Nhìn tướng nó đi xe sao mà mạnh mẽ và nam tính quá, chả giống với cái lúc nó lăn lê, bò quỳ dưới chân người ta khóc lóc van xin tẹo nào. Nó đưa tôi đến một quán lòng nướng, khá đông. Mùi thơm nức xộc vào mũi khiến tôi thèm nhỏ dãi. Chúng tôi gọi đồ, vừa ăn vừa uống bia thật sảng khoái…

Thế rồi từ bên ngoài, một gã cụt chân – tôi đoán chắc cũng là ăn mày – lết vào quán. Gã di chuyển bằng cách chống hai tay lên trước, còn tấm thân và đôi chân tật nguyền nặng nề quét theo sau. Gã hì hục lại gần bàn chúng tôi, giơ bàn tay lấm lem, chìa mấy phong kẹo cao su, miệng chào mời:

– Mua kẹo cho em đi hai anh! Mười ngàn một phong thôi!

Thằng Thái móc ví, lấy luôn tờ một trăm nghìn gí vào tay gã cụt chân ấy, giọng hào phóng:

– Khỏi mua! Cho mày luôn!

– Cảm ơn anh! Em dù tàn tật nhưng vẫn còn sức lao động. Em đi bán kẹo chứ không đi ăn mày ạ!

Dứt lời, gã đó để hai phong kẹo cùng tám chục ngàn tiền thừa trên bàn chúng tôi, rồi lại hì hục quét đôi chân tật nguyền quắt queo, lê sang chỗ khác…

Tôi nhìn qua thằng Thái, thấy nó hơi nhăn mặt, mồm nhằn nhằn, nhè ra miếng lòng đang nhai dở. Tôi đoán, chắc nó vừa xơi phải một miếng lòng rất đắng!

Tác giả: VÕ TÒNG ĐÁNH MÈO

0