Liệu thị trường có thể quá tự do không?
Nguồn: “Can markets be too free?“, The Economist , 02/01/2017 Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp Khi được hỏi tại sao Cục Dự trữ Liên bang (Fed) lại thất bại trong việc chẩn đoán tình trạng cho vay ngân hàng lỏng lẻo vốn cuối cùng đã dẫn đến cuộc khủng hoảng ...
Nguồn: “Can markets be too free?“, The Economist, 02/01/2017
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Khi được hỏi tại sao Cục Dự trữ Liên bang (Fed) lại thất bại trong việc chẩn đoán tình trạng cho vay ngân hàng lỏng lẻo vốn cuối cùng đã dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Alan Greenspan, cựu chủ tịch Fed, cho biết ông đã có một mô hình sai. Ông đã giả định rằng các chủ ngân hàng, vốn hành động vì lợi ích của mình, sẽ không thể phá hoại ngân hàng của chính mình. Ông ta đã sai, và kể từ đó quy định đối với các ngân hàng đã trở nên chặt chẽ hơn.
Trên thực tế, một phần do cuộc khủng hoảng và các rối loạn chính trị mà cuộc khủng hoảng đã giúp làm gia tăng (như Brexit, hay việc Donald Trump đắc cử), nên thành kiến chống lại việc can thiệp vào các thị trường (về tín dụng, hàng hoá thương mại quốc tế, và những thứ khác) đã trở nên suy yếu đáng kể. Câu hỏi cho các nhà hoạch định chính sách dường như không còn là “Làm thế nào để tự do hóa thị trường?”. Mà thay vào đó, nó trở thành “Liệu thị trường có thể quá tự do không?”
Với thái độ nhìn chung là khinh thị hiện nay đối với các thị trường tự do, sẽ rất dễ dàng để quên đi những phép lạ kinh tế mà chúng mang lại. Trong cuốn sách của mình, “Công ty của những Người lạ” (The Company of Strangers), Paul Seabright, một nhà kinh tế, sử dụng việc mua một chiếc áo như một ví dụ. Chiếc áo của ông được sản xuất tại Malaysia, sử dụng máy móc của Đức, làm bằng bông vải Ấn Độ được trồng từ hạt giống được phát triển ở Mỹ. Hàng triệu áo sơ mi với các kích cỡ và màu sắc khác nhau được bán ra mỗi ngày. Ông lưu ý rằng sự kỳ diệu là không có ai phụ trách việc cung cấp áo sơ mi. Nếu có một đơn vị như vậy, sự phức tạp của nhiệm vụ sẽ khiến nó thất bại. Các doanh nghiệp tạo nên nhiều liên kết trong chuỗi để cung cấp áo sơ mi cho ông Seabright đang phản hồi với các tín hiệu về giá từ các thị trường khác nhau dọc theo chuỗi đó.
Ưu điểm lớn của giá cả thị trường là ở chỗ chúng truyền đạt thông tin về những thứ mà mọi người muốn mua và những thứ mà người khác muốn bán. Một nhánh của kinh tế học, được gọi là lý thuyết cân bằng tổng thể, đã chính thức phân tích tình trạng này. Nó nói rằng trong một thị trường cạnh tranh, giá cả là một tín hiệu về giá trị cận biên của hàng hóa đối với người tiêu dùng cũng như chi phí cận biên của hàng hóa đối với nhà sản xuất. Thực tế nó còn có ý nghĩa lớn hơn. Khi giá (và tiền lương) được đặt trong thị trường tự do và cạnh tranh, các nguồn lực của nền kinh tế được phân bổ “một cách hiệu quả”. Nói cách khác, không ai có thể trở nên giàu hơn mà không khiến người khác nghèo đi. Trong một quốc gia không tưởng về mặt lý thuyết này, thị trường không thể quá tự do.
Đây là một lý thuyết đẹp, và do đó quyến rũ. Nhưng nó không phản ánh thế giới mà những con người thực đang hoặc có thể sống trong đó. Có những sự phản đối mạnh mẽ đối với quan điểm xem-thị-trường-tự-do-như-cõi-niết-bàn của kinh tế học. Một ý kiến cho rằng một số doanh nghiệp rõ ràng là có sức mạnh thị trường. Lý thuyết cân bằng tổng thể giả định rằng các thị trường hoàn toàn cạnh tranh được tạo thành bởi các doanh nghiệp mà tất cả đều xác định mức giá tại mức chi phí cận biên.
Trong thực tế, một số ngành công nghiệp sẽ có một số ít các doanh nghiệp lớn, hoặc do tính hiệu quả của quy mô hoặc do “các hiệu ứng mạng lưới”, có nghĩa là càng có nhiều khách hàng tham gia vào một nền tảng, chẳng hạn như Facebook, thì nền tảng đó càng trở nên hữu ích đối với những người khác. Những doanh nghiệp như vậy có đủ sức mạnh trên thị trường để bán hàng cao hơn mức chi phí cận biên của họ; họ cũng có thể trả lương thấp hơn mức lương thị trường (cái gọi là quyền lực “độc quyền mua”). Hạt sạn như vậy trong các bánh xe là nguy hiểm chết người đối với đầu ra mang tính hiệu quả xã hội của lý thuyết cân bằng tổng thể. Và khi có sức mạnh thị trường, thông thường cũng sẽ có sự bất bình đẳng.
Một vấn đề nữa là một thị trường tự do thu nhỏ sẽ luôn không cung cấp đủ một số hàng hóa và dịch vụ nhất định vốn có ý nghĩa đối với xã hội, bởi vì sẽ rất khó khăn cho các nhà cung cấp để có thể định giá đủ để trang trải chi phí của họ. Một ví dụ là những thứ được gọi là “hàng hóa công”, như quốc phòng. Một ví dụ khác là dịch vụ nghiên cứu và phát triển. Trong một thị trường cạnh tranh, có quá ít động lực để đổi mới. Và phí tổn xã hội tổng thể của hàng hóa không được phản ánh vào giá cả thị trường khi sản xuất dẫn đến những “hậu quả xấu” của nền kinh tế như ô nhiễm, ùn tắc, tai họa đô thị và những hậu quả khác.
Đối phó với những vấn đề “thất bại thị trường” như vậy đòi hỏi phải có quy định đúng đắn. Các tiêu chuẩn tối thiểu trong kinh doanh là bắt buộc trong các ngành công nghiệp để các thị trường có thể hoạt động tốt ở mức độ có thể chấp nhận được: hãy nghĩ đến yêu cầu về vốn trong ngân hàng hoặc an toàn thực phẩm trong kinh doanh ăn uống. Những người ủng hộ thị trường tự do đã chỉ ra một cách rất đúng đắn rằng sự can thiệp thường là thiếu cân nhắc, gây hại cho người tiêu dùng và làm lợi cho các công ty. Nhưng thực tiễn giờ đang đứng về phía những người ủng hộ sự can thiệp.