Rủi ro chính trị là gì?
Nguồn: “What is political risk?”, The Economist , 08/06/2017 Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp Các thị trường đang lo lắng về chính trị nhiều hơn trước đây Đã có nhiều bàn luận về rủi ro chính trị hơn trước đây sau quyết định bất ngờ của nước Anh về ...
Nguồn: “What is political risk?”, The Economist, 08/06/2017
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Các thị trường đang lo lắng về chính trị nhiều hơn trước đây
Đã có nhiều bàn luận về rủi ro chính trị hơn trước đây sau quyết định bất ngờ của nước Anh về việc rút khỏi Liên minh Châu Âu (EU) và việc Donald Trump được bầu làm tổng thống Mỹ. Các ngân hàng đầu tư tập trung phân tích triển vọng các cuộc bầu cử ở Anh (diễn ra vào ngày 08/06/2017), Đức và Ý để tìm ra ai sẽ là người nắm quyền tại mỗi quốc gia. Nhưng bản thân thuật ngữ “rủi ro chính trị” có nghĩa là gì?
Thực chất, rủi ro chính trị là rủi ro mà theo đó hành động của các chính phủ có thể làm giảm dòng tiền mà các nhà đầu tư kỳ vọng từ các khoản đầu tư. Nhìn chung, điều này có thể chỉ đơn thuần nghĩa là sự quản lý kém cỏi về mặt kinh tế, chẳng hạn như cho phép lạm phát tăng tốc quá nhanh (từ đó gây thiệt hại cho giá trị thực của các khoản đầu tư thu nhập cố định như trái phiếu) hoặc gây ra một cuộc suy thoái (điều sẽ khiến các công ty bị phá sản và tác động xấu đến cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp).
Nhưng thuật ngữ này được sử dụng cụ thể hơn để chỉ các hành động được thiết kế nhằm trừng phạt các nhà đầu tư hoặc công ty. Các hoạt động đó bao gồm quốc hữu hoá, mức thuế suất cao hơn, các quy định điều tiết bổ sung, rào cản thương mại và các quy định khác. Từ những năm 1990 trở đi, các nhà đầu tư không quan tâm đến việc đảng nào giành được quyền lực ở các nước phát triển. Các chính trị gia trung tả như Tony Blair ở Anh, Bill Clinton ở Mỹ và Gerhard Schröder ở Đức cũng thân thiện với thị trường như các chính trị gia trung hữu. Nhưng sự gia tăng của các đảng dân túy đã khiến rủi ro chính trị tái xuất hiện.
Đó là bởi vì các đảng theo chủ nghĩa dân túy thường thúc đẩy các chính sách mang tính dân tộc hoặc bản địa chủ nghĩa, những chính sách này dường như phân biệt đối xử đối với các công ty, công nhân và hàng hoá nước ngoài. Đó là một vấn đề đối với các doanh nghiệp, khi vào những năm 1990 và 2000 họ chuyển sang mô hình dựa trên chuỗi cung ứng toàn cầu, cho phép họ có khả năng hoạt động thành một chuỗi thống nhất tại nhiều quốc gia khác nhau. Các rào cản thương mại sẽ phá vỡ mô hình đó.
Donald Trump đã có một sức hút dựa vào chủ nghĩa dân túy nhưng được kết hợp với ưu tiên truyền thống của đảng Cộng hòa là cắt giảm thuế cho các công ty và người giàu. Đó là lý do tại sao thị trường chứng khoán đã tăng lên kể từ sau khi ông đắc cử. Nhưng chủ nghĩa dân tộc của Trump vẫn có thể gây ra vấn đề cho họ, nếu nó dẫn đến những cuộc chiến tranh thương mại hoặc xung đột thực sự. Và các đảng cánh tả, như Công đảng của Jeremy Corbyn ở Anh, sẽ công khai thù địch với các nhà đầu tư; và thị trường sẽ được một phen kinh động nếu ông ta tiến đến gần hơn với quyền lực.