24/05/2018, 21:16

Lịch sử hình thành và phát triển thẻ

Để có được các sản phẩm đa dạng như hiện nay, lĩnh vực thẻ ngân hàng đã trải qua nhiều giai đoạn thử nghiệm và phát triển. Tuy nhiên, xét về mặt thời gian, kinh doanh thẻ là ngành kinh doanh tương đối mới mẻ với sự ra đời và phát triển từ những năm đầu thế ...

Để có được các sản phẩm đa dạng như hiện nay, lĩnh vực thẻ ngân hàng đã trải qua nhiều giai đoạn thử nghiệm và phát triển. Tuy nhiên, xét về mặt thời gian, kinh doanh thẻ là ngành kinh doanh tương đối mới mẻ với sự ra đời và phát triển từ những năm đầu thế kỷ 20 cho tới nay.

Thẻ ngân hàng được hình thành tại Mỹ từ thói quen cho khách hàng mua chịu của các chủ tiệm bán lẻ dựa trên uy tín của khách đối với các tiệm này. Thông thường, các chủ tiệm theo dõi mỗi khách hàng một cách riêng rẽ, ghi rõ các khoản mà khách hàng sẽ phải thanh toán và chấp nhận cho khách hàng trả tiền sau vì họ tin tưởng vào khả năng thanh toán của người mua. Tuy nhiên, dần dần nhiều người trong số các chủ tiệm bán hàng hóa, dịch vụ này nhận thấy, họ không có đủ khả năng cho khách hàng nợ và trả sau như vậy. Chính yếu tố này đã góp phần giúp các tổ chức tài chính hình thành ý tưởng về sản phẩm thẻ. Bởi vì, chỉ với lượng vốn kinh doanh lớn và khả năng mở rộng, quay vòng vốn cho vay thì các tổ chức này mới có khả năng cung cấp cho khách hàng những khoản vay miễn lãi trong một thời gian tương đối.[11]

Vào năm 1914, tổ chức chuyển tiền Western Union của Mỹ lần đầu tiên cung cấp cho các khách hàng đặc biệt của mình dịch vụ thanh toán trả chậm. Công ty này phát hành những tấm kim loại có chứa các thông tin in nổi thực hiện 2 chức năng:

  • Giúp nhận diện và phân biệt khách hàng.
  • Cung cấp và cập nhật giữ liệu về khách hàng, bao gồm các thông tin về tài khoản và thông tin về giao dịch thực hiện.

Các tổ chức khác dần nhận ra những giá trị của loại hình dịch vụ nói trên của Western Union và chỉ trong một vài năm sau đó, rất nhiều đơn vị như nhà ga, khách sạn cũng như các cửa hàng trên khắp nước Mỹ đã lựa chọn cung cấp dịch vụ trả chậm cho khách hàng của mình theo phương thức của Western Union. Trong đó, Tập đoàn xăng dầu của Mỹ cho ra đời tấm thẻ mua xăng đầu tiên vào năm 1924, cho phép người dân sử dụng thẻ này để mua xăng, dầu tại các cửa hàng trên toàn quốc.

Tiếp theo những tổ chức cung cấp hàng hóa, dịch vụ, các ngân hàng chính thức bước vào thị trường thẻ với mục tiêu nhanh chóng nhân rộng hình thức thanh toán này dựa trên mối quan hệ sẵn có giữa các đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên cả nước với hệ thống đại lý rộng khắp của ngân hàng. Với tốc độ tăng trưởng rất nhanh và trước những khoản lợi dễ dàng như vậy, chỉ một vài năm sau đó, hơn 100 ngân hàng khác nhau trên nước Mỹ cùng thực hiện ý tưởng phát hành thẻ tahnh toán trả chậm,sau này gọi là thẻ tín dụng. Tuy nhiên, bởi việc phát triển sản phẩm quá nhanh, ồ ạt và không đa dạng hóa sản phẩm bằng những tiện ích đầy đủ như thẻ tín dụng hiện giờ nên nhiều ngân hàng cũng như các tổ chức tài chính khác đã gặp những bài học đắt giá và buộc phải xem lại chiến lược kinh doanh của mình.

Vào năm 1950, Diners Club phát hành tấm thẻ tín dụng đầu tiên, được làm bằng chất liệu plastic. Sau này Frank McNamara, người sáng lập Diners Club, kể lại là ông đã từng trải qua một trường hợp hết sức lúng túng khi ông ở một cửa hiệu ở New York nhưng quên mang theo ví. Chính việc cam kết phải thanh toán sau đã gợi lên một ý tưởng kinh doanh thẻ đối với Frank McNamara.

Sau Diners Club, vào năm 1958, công ty American Epress cũng tham gia vào thị trường thẻ ngân hàng và đã thiết lập thành công tên tuổi của mình trong lĩnh vực mới mẻ này. Cũng giống như các đối thủ cạnh tranh của mình, American Epress chú trọng phát triển thẻ trong lĩnh vực giải trí và du lịch (T & E) – một lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh chóng tại Mỹ và Châu Âu trong thời kỳ sau chiến tranh thế giới.[22]

Đến trước năm 1970, khái niệm về thẻ tín dụng đã được nhiều người biết đến và nhanh chóng được đón nhận.

Năm 1966, ngân hàng Bank of America chính thức trao quyền phát hành thẻ BankAmericard của mình cho các ngân hàng khác thông qua việc ký các hợp đồng đại lý, chính thức bắt đầu giai đoạn tăng tốc trong phát triển. Người dân đi du lịch nhiều hơn trên đất Mỹ và ra nước ngoài mà ko lo lắng tới việc phải có sẵn tiền để thanh toán. Thẻ tín dụng lúc này không chỉ mặc định dành cho những đối tượng giàu có và nổi tiếng mà dần trở thành những phương tiện thanh toán thông dụng. Thương hiệu BankAmericard với một loạt sản phẩm có màu xanh, trắng, vàng đặc trưng ngày càng trở nên quen thuộc với người tiêu dùng. Bằng việc ký hợp đồng đại lý và cho các ngân hàng khác hưởng phí thanh toán chuyển đổi (interchange fee), Bank of America đã nhanh chóng tăng được lượng thẻ phát hành cũng như ký kết hợp đồng chấp nhận thẻ với các Đơn vị chấp nhận thẻ trên khắp nước Mỹ và mở rộng ra thế giới.

Tới năm 1977, thẻ của ngân hàng Bank of America thực sự được chấp nhận trên toàn cầu và thay vì tên BankAmericard, tên thẻ Visa ra đời với màu sắc đặc trưng vẫn là xanh lam, trắng và vàng.

Cũng vào năm 1966, 3 nhóm ngân hàng lớn phía đông nước Mỹ quyết định hợp tác thành lập tập đoàn kinh doanh tín dụng riêng, có tên là Interbank Card Association (ICA). Sau này, tên ICA được chuyển đổi thành MasterCard. ICA ban hành các quy định về cấp phép giao dịch, thanh toán bù trừ, các biện pháp marketing, bảo mật và các vấn đề liên quan tới luật pháp nhằm vận hành công việc một cách hiệu quả.

Năm 1968, ICA bắt đầu chiến lược mở rộng kinh doanh trên phạm vi toàn cầu thông qua việc liên kết với Ngân hàng Banco National của Mexico. Sau thời gian đó, ICA tìm kiếm đối tác tại thị trường Châu Âu, cho ra đời thẻ Eurocard. Cũng vào năm 1968, ICA kết nạp thêm thành viên là một số ngân hàng tại Nhật, nhằm từng bước thâm nhập và nắm bắt thị trường Đông Á này.

Như vậy, thẻ ngân hàng ra đời từ nhu cầu thanh toán và phát triển dựa trên nền tảng công nghệ cũng như chiến lược thay thế tiền mặt trong lưu thông. Thực tế cho thấy, thẻ ngân hàng là một phát triển tất yếu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đồng thời đã và đang phản ánh đầy đủ những tiến bộ của khoa học kỹ thuật và văn minh xã hội. Tiếp thu và ứng dụng những thành tựu của thế giới về khoa học kỹ thuật, nhất là về công nghệ thông tin, hệ thống thẻ ngày càng hoàn thiện. Cùng với mạng lưới thành viên và khách hàng phát triển hàng ngày, các Tổ chức thẻ quốc tế đã xây dựng hệ thống xử lý giao dịch và trao đổi thông tin toàn cầu về phát hành, thanh toán, cấp phép, tra soát, khiếu kiện và quản lý rủi ro. Với doanh số giao dịch hàng trăm tỷ Đô la Mỹ mỗi năm, thẻ ngân hàng đang cạnh tranh quyết liệt cùng tiền mặt và séc trong hệ thống thanh toán toàn cầu. Đây là một thành công đáng kể đối với một ngành kinh doanh mới chỉ có vài thập kỷ hình thành và phát triển.

0