Lạng Sơn - Thẩm Khuyên
"Ai về quê em Bình Gia yêu mến, có rừng núi cao, đất hồi thơm, gỗ chè nhiều". Lời hát thiết tha, khiêm nhường và lắng sâu trong lòng những người con của Bình Gia (Lạng Sơn) như vẫy gọi, mời chào chúng tôi và du khách đến với Bình Gia, một trong những xứ ...
"Ai về quê em Bình Gia yêu mến, có rừng núi cao, đất hồi thơm, gỗ chè nhiều". Lời hát thiết tha, khiêm nhường và lắng sâu trong lòng những người con của Bình Gia (Lạng Sơn) như vẫy gọi, mời chào chúng tôi và du khách đến với Bình Gia, một trong những xứ sở của hoa hồi, bốn mùa quả ngọt hoa thơm, ngắm cảnh đẹp thiên nhiên của một vùng núi cao, mây trắng sớm chiều che phủ những nếp nhà sàn khói lam vương vấn mỗi buổi hoàng hôn, tạo nên vẻ đẹp kỳ ảo nên thơ của vùng đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao.
Hai di tích hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai nằm cách quốc lộ Lạng Sơn - Thái Nguyên gần 100 mét. Trong lần khai quật năm 1965, các nhà khảo cổ đã thu được nhiều hóa thạch quí giá gồm răng đười ươi, răng của gấu tre, voi, khỉ đuôi dài và răng của người vượn khổng lồ mang tính chất đặc nguyên thủy. Năm 1993, đoàn nghiên cứu cổ sinh Việt - Mỹ - Ôx-trây-li-a tiến hành khảo sát thu được một số mẫu trầm tích và hóa thạch, khẳng định hang Thẩm Khuyên có niên đại cách đây 250 nghìn năm. Các di tích này là một tài liệu vô cùng quí báu cho nền khoa học thế giới, cần được nghiên cứu khám phá tiếp. Ở hang Thẩm Hai, các nhà khảo cổ Việt nam, CHLB Đức đã tìm thấy răng hàm trên của người cổ và nhiều hóa thạch khác. Trong tương lai sẽ cung cấp nhiều thông tin mới làm bằng chứng cho việc nghiên cứu vấn đề nơi sinh của loài người.
Cách Thẩm Khuyên, Thẩm Hai khoảng 3 km là hang Kéo Lèng nằm trên dãy núi Nà Gọi.Ở đây các nhà khảo cổ trong nước cũng đã tìm thấy răng gấu tre, răng hàm, hộp sọ, xương sống của người cổ cách đây 30 nghìn năm. Những hóa thạch về người và động vật cổ ở ba hang động nói trên góp phần minh chứng rằng, ngay từ thời đồ đá xa xưa, ở miền núi phía bắc Việt Nam đã có người vượn sinh sống. Bình Gia (Lạng Sơn) là một trong những cái nôi của loài người. Tháng 12-1993, Bộ Văn hóa - Thông tin đã quyết định cấp bằng công nhận ba di tích hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, Kéo Lèng là di tích khảo cổ học loại đặc biệt quan trọng. Ngoài giá trị khoa học khảo cổ, ba di tích này còn có giá trị danh thắng. Đến thăm ba di tích này, du khách như được trở về với một vùng rừng núi tự nhiên nguyên thủy, hoang dã, với những dãy núi đá vôi và rừng trùng điệp của vòng cung Bắc Sơn.
Đến Bình Gia, du khách còn được biết hàng loạt di tích lịch sử cách mạng và được nghe các truyền thuyết về hội đá lửa, với cây đa bến đò Văn Mịch, truyền thuyết về những ngôi đền, chùa, đình, làng và các lễ hội dân gian đậm đà sắc thái dân tộc của người Tày, Nùng, Dao. Hồ Phai Danh nằm giữa các dãy núi có diện tích mặt nước 31 mẫu, dung tích 1,2 tỉ m3 nước phục vụ tưới nước cho các cánh đồng lúa quanh vùng, chung quanh hồ là những rừng hồi, chè xanh thắm. Giữa hồ là một đảo nổi, tạo nên vẻ đẹp tự nhiên vốn có. Rồi khu rừng đặc dụng Lân Luông rộng hơn 400 ha có nhiều loại thú quí hiếm như gấu, hổ, báo, khỉ, sơn dương, hươu nai...
Nhưng các di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh này của Bình Gia như bị lãng quên, khi mà đường đi lại còn khó khăn, chưa có sự đầu tư, quản lý của các ngành chức năng của Huyện, Tỉnh và Trung ương. Để Bình Gia phát triển kinh tế - xã hội du lịch, rất cần sự quan tâm đầu tư, giúp đỡ của các ngành ở Tỉnh và Trung ương về cơ sở hạ tầng, đồng thời có biện pháp duy trì, bảo quản các di tích, danh lam này và giữ gìn, mở rộng các điệu hát lượn, hát sli, then của người Tày, Nùng, Dao trong các lễ hội và phiên chợ của đồng bào.