27/05/2018, 17:15

Kỹ thuật nuôi cá Sặc Rằn

Hiện nay cá Sặc Rằn được nuôi rất phổ biến và có giá bán ổn định, tuy nhiên hiệu quả nuôi cá Sặc Rằn còn chưa cao do người dân chưa nắm vững được đặc tính sinh học và kỹ thuật nuôi của loài cá này. Mặt khác do điều kiện tự nhiên ở các mô hình nuôi khác nhau nên ...

Hiện nay cá Sặc Rằn được nuôi rất phổ biến và có giá bán ổn định, tuy nhiên hiệu quả nuôi cá Sặc Rằn còn chưa cao do người dân chưa nắm vững được đặc tính sinh học và kỹ thuật nuôi của loài cá này. Mặt khác do điều kiện tự nhiên ở các mô hình nuôi khác nhau nên người nuôi thường gặp nhiều khó khăn trong khâu cải tạo ao, mật độ thả, lượng thức ăn sử dụng... cho nên phần nào còn hạn chế về năng suất. Dưới đây là kỹ thuật nuôi cá Sặc Rằn có hiệu quả kinh tế.

I. XÂY DỰNG AO NUÔI

- Cá Sặc Rằn không kén ao nuôi, nuôi trong ao, mương vườn, ruộng lúa...cá đều phát triển tốt. Diện tích lớn nhỏ đều nuôi được. Nên thiết kế ao có diện tích hình chữ nhật để dễ thao tác chăm sóc và thu hoạch.

- Cá sặc rằn sống được ở nước ngọt và nước lợ với nồng độ muối 8%o, trong ao nuôi cá sặc rằn không nên để nước quá đục, không nên sử dụng nguồn nước có pH < 6, có thể tận dụng nước trong ruộng lúa cấp vào ao nuôi.

- Khi nuôi với mật độ cao cần thiết kế ống bọng xả và cấp nước, đường kính tùy theo diện tích ao, thông thường đường kính ống bọng  30cm -40 cm là thích hợp.

- Bờ ao phải cao hơn mực nước cao nhất trong năm từ 0,5m trở lên. Độ sâu của nước ao trên 1 m.

II. CHUẨN BỊ AO NUÔI

- Tháo cạn nước, tu sửa lại bờ ao, dọn cỏ xung quanh, chống rò rỉ, chống mất nước, kiểm tra ống bọng cấp thoát nước, diệt hết cá tạp, mầm bệnh trong ao.

- Sên vét bùn đáy ao, chỉ để lại 10 - 20cm bùn đáy.

- Dùng vôi bón xung quanh bờ ao và đáy ao, liều lượng từ 10 – 15 kg/100m2, sau đó phơi ao đến nứt chân chim.

- Bón phân: Nên dùng phân hữu cơ bón lót cho ao, với lượng từ 15 -20kg/100m2, để tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho cá. Đối với ao mới thì cần tăng lượng phân xanh (lá so đũa, cây họ đậu) liều lượng từ 25 – 30 kg/100m2.

- Sử dụng phân vô cơ NPK (20:20:0) với lượng 0,8 – 1 kg/100m2 bón thay trong trường hợp không có hoặc có ít phân hữu cơ.

- Sau khi bón phân, phơi ao 2 – 3 ngày và cho nước vào ao đạt độ sâu từ   1,2  - 1,5m  (nước cấp phải qua túi lọc bằng vải kate để ngăn cá tạp, địch hại xâm nhập vào ao).  Khoảng 4 - 5 ngày nước có màu xanh đọt chuối non thì bắt đầu thả cá giống.

- Trường hợp tận dụng mương vườn để nuôi thì cần diệt trừ dịch hại trước khi thả cá.

III. THẢ GIỐNG

- Mùa vụ thả: Cá sặc rằn được nuôi quanh năm, nhưng tốt nhất nên thả vào đầu muà mưa (khoảng tháng 5 AL hằng năm).

- Vận chuyển cá giống: Trong quá trình vận chuyển, cần đóng bao với mật độ thưa tránh trường hợp cá bị xây xát, mất nhớt. Nên vận chuyển cá vào lúc trời mát, thời gian vận chuyển dưới 10giờ.

- Chọn cá giống có kích thước đồng đều, khỏe mạnh không xây xát, màu sắc tươi sáng đặc trưng của loài, không có dấu hiệu bệnh, không dị tật, dị hình.

- Không nên chọn cá giống quá nhỏ, cá có kích cỡ từ 4 – 5 cm trở lên là thích hợp, tiện cho việc chăm sóc và quản lý.

- Cá được thả vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.

- Để hạn chế tình trạng sốc môi trường và nhiệt độ, bao cá giống cần được thả xuống ao nuôi từ 10 - 20 phút rồi mới thả cá từ từ ra ngoài, đồng thời phải quan sát biểu hiện ban đầu của cá để có hướng khắc phục kịp thời.

- Mật độ thả từ 8 – 10con/m2. Nếu nuôi cá ở ruộng, không bổ sung thêm thức ăn thì thả với mật độ từ 3 - 5 con/m2.   

IV. QUẢN LÝ THỨC ĂN

- Nguồn thức ăn bổ sung: Tùy vào điều kiện thực tế của từng nông hộ mà nguồn thức ăn bổ sung có thể là:

- Cho ăn 100% thức ăn viên dành cho cá có vảy, có hàm lượng đạm 20 – 30% (thức ăn công nghiệp) trong khẩu phần ăn.

- Thức ăn tự chế biến bao gồm: Cám gạo 65% + Cá tạp 25% + Chất kết dính 10%.

-  Phương pháp cho ăn: Hằng ngày cho cá ăn từ 1 - 2 lần vào lúc 7 - 8 giờ và 16 – 17 giờ. Nếu thức ăn tươi nên cho ăn qua sàng ăn để tiện việc kiểm soát thức ăn. Lượng thức ăn cho ăn hằng ngày thay đổi theo tháng nuôi: Hai tháng đầu là 10% tổng trọng lượng đàn cá, tháng thứ 3 - 4 cho ăn 7%, tháng 5 - 6 cho ăn 5% và những tháng sau cho ăn 3%. Để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, cần lưu ý một số yếu tố như:

- Theo dõi sức ăn của cá, nếu sau 30 phút cá ăn hết là đạt yêu cầu.

- Khi nước ao bị sậm màu (tảo nhiều, đáy ao bị đen) nên giảm lượng cho ăn.

V. QUẢN LÝ AO NUÔI

Sau khi thả cá, việc quản lý môi trường ao nuôi là việc làm rất cần thiết và cần thực hiện thường xuyên trong quá trình nuôi.

- Thay nước: khi chất lượng nước xấu đi, chỉ nên thay nước khoảng 20 - 30 % để tránh tình trạng cá bị sốc. Việc thay nước sẽ làm tăng thêm oxy, giảm các chất độc trong hệ thống nuôi, kích thích cá hoạt động và bắt mồi, đặt biệt là kích thích sự tăng trưởng của cá.

* Lưu ý: khi thay nước phải xác định được nguồn nước cấp có đảm bảo yêu cầu về chất lượng hay không để tránh tình trạng làm xấu đi hoặc ô nhiễm chất lượng nước trong ao nuôi. Có thể thay nước theo chu kỳ 15 - 20 ngày/1 lần (đối với những tháng nuôi cuối).

- Phải thường xuyên theo dõi màu nước để điều chỉnh lượng thức ăn, phân bón, quan sát ao cá, tránh bị mọi, tràn bờ, địch hại (ếch, nhái, rắn,…) để diệt trừ; đồng thời quan sát hoạt động của cá (ăn mạnh hay yếu, có dấu hiệu bệnh hay không,…) để xử lý kịp thời.

- Bón vôi trên bờ ao vào những ngày mưa nhiều để giảm phèn.

- Định kỳ 15 – 20 ngày/lần sử dụng chế phẩm sinh học trong suốt quá trình nuôi.

- Phát hiện cá bị bệnh phải báo ngay cho cán bộ kỹ thuật để có hướng xử lý kịp thời.

VI. THU HOẠCH

- Sau 8 - 10 tháng cá đạt trọng lượng 100 – 150gr/con thì có thể tiến hành thu hoạch.

- Trường hợp kích cỡ cá trong ao không đồng đều thì dùng lưới thu tỉa, hoặc thu hết và thả nuôi lại cá nhỏ qua ao mới.

VII. PHÒNG VÀ TRỊ BỆNH CÁ

1. Phòng bệnh

Thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi như:

- Xây dựng và cải tạo ao đúng theo quy trình kỹ thuật;

- Chọn cá giống phải khỏe mạnh, mật độ nuôi phải phù hợp;

- Nguồn nước cấp cho ao nuôi phải sạch không bị nhiễm bẩn;

- Trong quá trình đánh bắt, sang ao tránh làm xây xát;

- Cho cá ăn phải đầy đủ chất dinh dưỡng để cá có sức kháng bệnh;

- Trước khi thả cá nên tắm cá giống bằng thuốc tím hoặc nước muối 3-5‰ trong thời gian 5-10 phút để diệt hết các mầm bệnh.

2. Một số bệnh thường gặp trên cá sặc rằn

2.1. Bệnh trùng quả dưa

- Dấu hiệu bệnh lý: Trong giai đoạn đầu của bệnh sẽ xuất hiện những đốm màu trắng bằng đầu kim hoặc nhỏ hơn trên thân cá. Sau xuất hiện các đốm trắng trên da cá và vây cá bị tua ra. Cá bơi lội chậm chạp và tỷ lệ chết cao.

- Cách phòng trị: Dùng 20 - 25ml lít Formol/m3 nước ao, trị 3 lần cách nhau 3 ngày 1 lần.

2.2. Bệnh trùng bánh xe

- Dấu hiệu bệnh lý: Khi cá nhiễm bệnh, trên thân cá có màu trắng đục, da cá sậm lại, mang cá nhợt nhạt, cá giảm ăn và nổi đầu từng đàn trên mặt nước.

- Cách phòng trị: Đây là bệnh ngoại ký sinh, có thể điều trị như sau:

+ Dùng Sulfat đồng (phèn xanh) phun khắp ao với liều lượng 0,3 – 0,5 gr/m3 nước ao trị 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 ngày.

+ Dùng Formol với liều lượng 20 - 25m/m3 nước. Trị 3 ngày liên tục.Nên trị bệnh cá lúc mát trời và trong thời gian trị bệnh nên giảm lượng thức ăn đi một nửa.

2.3. Bệnh nấm thủy my (nấm bông gòn)

Khi xuất hiện bệnh, thân cá có những vùng trắng xám, trên đó có những sợi nấm nhỏ mềm, tua tủa. Sau vài ngày sợi nấm phát triển đang chéo váo nhau thành búi trắng như bông, nhìn thấy được bằng mắt thường (để cá bệnh vào nước trong dễ quan sát hơn).

Có thể trị bằng một số phương pháp sau:

- Tắm cá với nước muối 8‰ trong 30 phút, lặp lại sau 3 giờ tiếp theo.

- Dùng thuốc tím (KMnO4) tạt xuống ao liều 3-5 g/m3 nước

2.4 Bệnh trùng mỏ neo

Giống như cái que đầu có sừng cứng giống như mỏ neo cắm sâu vào cơ thể, thường bám trên các gốc vây ngực, vây hậu môn.

- Dùng Formaline  20 - 25 ml/ m3 nước tắm cá trong 30 phút, lặp lại vào ngày tiếp theo và thay 70% nước mới cho cá.

- Dùng lá xoan, dây giác 0,3 – 0,5kg/m3 nước, bó thành từng bó ngâm xuống ao.

0