25/05/2018, 07:24

Kỹ thuật khai thác lưới kéo

Tương tự một số nghề đánh bắt khác, kỹ thuật khai thác lưới kéo liên quan đến một chu kỳ (một mẻ) khai thác, bao gồm các bước: Chuẩn bị; thả lưới; kéo lưới (hay dắt lưới); và thu lưới, bắt cá. Mỗi bước trong tiến trình này cần phải được chuẩn bị và ...

Tương tự một số nghề đánh bắt khác, kỹ thuật khai thác lưới kéo liên quan đến một chu kỳ (một mẻ) khai thác, bao gồm các bước: Chuẩn bị; thả lưới; kéo lưới (hay dắt lưới); và thu lưới, bắt cá.

Mỗi bước trong tiến trình này cần phải được chuẩn bị và thao tác cẩn thận, cần thực hành đúng kỹ thuật thì mới đem lại sản lượng cao cho một mẽ khai thác.

Ta lần lượt tìm hiểu các bước cụ thể trên như sau:

Bao gồm công tác chuẩn bị ở bờ và chuẩn bị ở ngư trường khi sắp thả lưới.

  • Chuẩn bị ở bờ

Công tác chuẩn bị ở bờ bao gồm:

  • Tàu, máy, lưới,... phải được kiểm tra cẩn thận, nếu phát hiện ra sự cố hoặc hư hỏng gì phải sửa chữa ngay. Luôn chuẩn bị thêm 1-2 vàng lưới kéo dự phòng, bởi vì lưới rất dễ bị hư hỏng, rách nát hoặc mất lưới (do sự cố đứt cáp) trong quá trình khai thác.
  • Xăng dầu, nước đá, muối, thực phẩm,... phải chuẩn bị đầy đủ cho một chuyến khai thác.
  • Chuẩn bị ở ngư trường

Khi đã đến ngư trường rồi, trước khi thả lưới ta cần phải chuẩn bị một số việc sau:

  • Lắp ráp lưới, các phụ tùng, ván lưới và cáp kéo thành một bộ ngư cụ khai thác hoàn chỉnh. Sắp xếp lưới theo thứ tự và không để bị rối lưới trong quá trình thả lưới xuống nước.
  • Xác định độ sâu ngư trường khai thác để định mức chiều dài dây cáp kéo sẽ được thả ra. Việc xác định độ sâu có thể bằng dây dò hoặc máy đo độ sâu.
  • Xem xét tình hình tốc độ và hướng của gió, nước để chọn hướng thả lưới thích hợp.

Sau khi chuẩn bị xong thì ta tiến hành bước tiếp theo là thả lưới.

Tùy theo kiểu bố trí lưới là ở mạn tàu hay ở đuôi tàu mà ta có cách thả khác nhau:

  • Kiểu thả lưới ở đuôi

Phương pháp này đơn giản và thường được áp dụng. Để thả lưới ở đuôi tàu ta lần lượt thực hiện các thao tác sau:

  • Trước khi thả ta cho tàu chạy chậm lại, có thể cắt ly hợp chân vịt để cho tàu tự do đi tới bằng trớn tới. Tiếp đến lần lượt thả đụt lưới, thân lưới rồi cánh lưới. Xem xét tình trạng mở lưới, nếu thấy sự cố chéo lưới hay đụt lưới vướng vào miệng lưới kéo thì phải sửa lại ngay.
  • Cho tàu chạy với tốc độ chậm rồi bắt đầu thả hai ván lưới ở 2 bên (cần có 2 người phụ trách việc thả 2 ván lưới), khi này ta xem xét tình trạng mở của 2 ván, chú ý coi chừng 2 ván có thể làm chéo cánh lưới hoặc dây lèo bị kẹt, bị rối hoặc 2 ván khi thả xuống bị lực đạp của nước làm chéo ván. Nếu có sự cố thả ván phải làm lại ngay. Sau đó để cho 2 ván rơi chìm từ từ xuống nền đáy. Tránh để 2 ván rơi chìm nhanh khi đó ván có thể bị cắm bùn. Nếu thấy 2 ván tiếp xúc đều, êm với nền đáy không có sự cố gì thì ta tiếp tục thả dây cáp kéo.
  • Tiếp đến ta thả từ từ 2 dây cáp kéo, có thể thả từng đoạn rồi tạm cố định cáp kéo lại để cho 2 ván kịp mở ra, rồi tiếp tục thả theo đúng với chiều dài cáp mà ta định thả. Ta nên làm dấu trên từng đoạn chiều dài để biết được lượng chiều dài đã thả ra. Khi đã thả đủ chiều dài cần thiết thì cố định lại không thả ra nữa.

Thông thường chiều dài cáp thả ra bằng 3-4 lần độ sâu ngư trường nếu độ sâu dưới 30 m; và từ 2,5-3 lần nếu độ sâu lớn hơn 30 m. Sau đó tăng tốc độ tàu lên dần theo đúng với yêu cầu tốc độ khai thác cần thiết (mỗi loại đối tượng đánh bắt sẽ có tốc độ kéo lưới khác nhau), và điều khiển tàu đi theo hướng mà ta dự định khai thác.

  • Thả lưới bằng mạn tàu

Đối với việc thả lưới bằng mạn, yêu cầu công việc cơ bản cũng giống như thả lưới ở đuôi, nhưng trong quá trình thả ta phải cho tàu quay vòng tròn nhằm đưa lưới ra xa mạn tàu và tạo điều kiện thuận lợi cho 2 ván lưới dễ dàng mở ra (H 5.4).

Ta có sơ đồ thả lưới bằng mạn như sau:

Sơ đồ thả lưới bằng mạn tàu Sơ đồ thu lưới bằng mạn tàu

Giai đoạn dắt lưới hay kéo lưới là thời gian đánh bắt cá (làm ra sản lượng). Sản lượng khai thác cao hay thấp phụ thuộc vào thời gian dắt lưới, tốc độ dắt lưới và hướng dắt lưới.

  • Thời gian dắt lưới

Thời gian dắt lưới là thời gian lưới được kéo đi trong nước, nó có liên quan trực tiếp đến sản lượng khai thác. Thời gian dắt lưới càng lâu sản lượng khai thác càng nhiều, nhưng thời gian này cũng có giới hạn của nó, không thể dắt lưới đến lúc nào cũng được mà thời gian này phải tính đến sức chứa của đụt lưới và độ tươi tốt của đối tượng khai thác, bởi vì nếu cá nhiều quá có thể làm bể đụt lưới hoặc cá để lâu quá trong đụt sẽ bị va đập làm giảm chất lượng cá. Thời gian dắt lưới là từ 1-3 giờ. Tuy nhiên nếu chỉ khai thác thăm dò ta có thể chỉ cần dắt khoảng từ 0,5 - 1 giờ.

  • Tốc độ dắt lưới

Mỗi đối tượng khai thác khác nhau cần có tốc độ dắt lưới tối ưu khác nhau, cá đi với tốc độ nhanh cần tốc độ dắt lưới lớn. Tuy nhiên tốc độ dắt lưới còn phụ thuộc vào sức kéo của tàu và sức chịu lực cản của lưới, do vậy ta cần chọn tốc độ dắt lưới sao cho thỏa mãn các điều kiện trên. Thông thường tốc độ dắt lưới đối với tôm là 2-3 km/giờ; và đối với cá là 6-8 km/giờ.

  • Hướng dắt lưới

Khi dắt lưới nên chọn hướng dắt sao cho bám đúng luồng di chuyển của đối tượng khai thác hoặc chọn đúng độ sâu đối tượng khai thác đang ở. Độ sâu này có liên quan đến chu kỳ sống, thức ăn, độ mặn, chất nền đáy của đối tượng khai thác, độ sâu cư trú thường biến đổi sau vài ngày. Ngoài ra hướng dắt lưới còn phải tính đến các chướng ngại vật trong quá trình dắt lưới, tránh xảy ra sự cố cho tàu và lưới.

Trong thời gian dắt lưới chỉ cần cử người trực lái và theo dõi tình hình hoạt động của lưới. Người có nhiệm vụ trực nên để ý tình hình trong khu vực đang khai thác, để ý các tàu bè khác xung quanh và các ngư cụ khác như lưới rê, nghề câu,... tránh xãy ra va chạm hoặc kéo cắt đứt các ngư cụ khác trên đường di chuyển của tàu.

Bước tiếp theo sau thời gian dắt lưới là thời gian thu lưới và bắt cá. Để thu lưới trước hết ta cần giảm tốc độ, cắt ly hợp chân vịt, tiếp đó ta cho máy tời thu cáp hoạt động để thu cáp kéo, tời sẽ thu dần dây cáp kéo quấn lên tang tời, 2 ván lưới và vàng lưới khi đó cũng được thu dần lên.

Trong thời gian máy tời hoạt động nên chú ý tình trạng của ván lưới, xem chừng coi 1 trong 2 hoặc cả 2 ván lưới có thể bị cắm xuống bùn hay không, nếu ván cắm bùn thì sức chịu tải của máy tời sẽ tăng thêm, khi này dây cáp kéo được thu rất chậm hoặc không thu được cáp kéo, ta phải tìm các lui tàu lại và xử lý tình huống ván cắm bùn.

Nếu 2 ván hoạt động bình thường thì sau thời gian thu cáp ta sẽ thấy 2 ván từ từ được kéo kên mạn tàu. Khi 2 ván đã lên tới mạn tàu rồi thì cần 2 người đưa 2 ván vào giá treo ván an toàn, sau đó cho tàu chạy tới để rửa lưới, sau thời gian rửa lưới thì tiến hành thu lưới. Trước hết thu cánh lưới, rồi thân lưới và cuối cùng là đụt lưới, nếu đánh bắt lên tục ta chỉ cần thu đụt lưới lên tàu, để lại cánh và thân lưới trong nước. Sau khi thu đụt lưới ta tiến hành mở miệng đụt để xổ cá ra, rồi thắt miệng đụt lại đánh tiếp mẻ sau. Chú ý xem xét tình trạng lưới xem coi có bị rách không, nếu rách lưới phải vá ngay hoặc thay lưới khác.

Sau khi đã xổ cá ra thì tiến hành lựa, phân loại và rửa cá, sau đó cho vào hầm chứa bảo quản cá. Cá có thể bảo quản bằng muối hoặc nước đá để bán cá tươi.

Chú ý trong quá trình lựa cá nên xem xét tình trạng cá tươi để xác định thời gian và địa điểm khi cá vào lưới, nhằm xác định chính xác ngư trường và bãi cá.

0