27/02/2018, 23:13
Khoan dung hơn nhờ sạch sẽ
Một nghiên cứu ở Anh cho thấy con người có xu hướng độ lượng hơn nếu họ cảm thấy sạch sẽ về thể chất trước khi đánh giá hành vi của người khác. Ảnh: carrolltonac.com Các chuyên gia thuộc Đại học Lancaster và Đại học Plymouth ...
Một nghiên cứu ở Anh cho thấy con người có xu hướng độ lượng hơn nếu họ cảm thấy sạch sẽ về thể chất trước khi đánh giá hành vi của người khác.
Ảnh: carrolltonac.com |
Các chuyên gia thuộc Đại học Lancaster và Đại học Plymouth (Anh) cho rằng những quan tòa rửa tay trước lúc luận tội bị cáo có thể đưa mức án nhẹ hơn so với khi họ không rửa tay. Các cử tri tắm gội trước khi bỏ phiếu có xu hướng bỏ qua những hành vi xấu của ứng cử viên.
"Khi đánh giá ai đó về mặt đạo đức, chúng ta luôn tin rằng chúng ta đưa ra những quyết định vô tư, hợp lý dựa trên nhiều lập luận. Nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy chúng ta chịu tác động của cảm giác sạch sẽ trong quá trình đánh giá", Simone Schnall, tiến sĩ tâm lý của Đại học Plymouth, phát biểu.
Để tìm hiểu mối liên hệ giữa tình trạng sạch sẽ về mặt thể chất với suy nghĩ của con người trong việc đánh giá hành vi của người khác, nhóm nghiên cứu tiến hành hai thử nghiệm với các sinh viên. Trong thử nghiệm thứ nhất, 40 sinh viên được yêu cầu hoàn thành 40 câu dang dở bằng cách gạch chân hoặc khoanh tròn ba trong bốn từ cho sẵn bên dưới mỗi câu. Một nhóm chỉ gặp những từ mang tới cảm giác sạch sẽ như "nguyên chất", "thuần khiết", "tắm", "nguyên sơ", trong khi những sinh viên còn lại gặp các từ trung tính.
Sau khi tất cả sinh viên hoàn thành bài tập, nhóm nghiên cứu yêu cầu họ đánh giá một số hành vi xấu như lấy tiền trong một chiếc ví nhặt được trên đường, đưa thông tin giả vào hồ sơ xin việc, giết chết động vật để mua vui, lừa dối bạn bè để thỏa mãn sở thích của người yêu. Thang đánh giá được chia làm nhiều nấc, trong đó cao nhất là "cực kỳ vô nhân tính", còn thấp nhất là "hoàn toàn chấp nhận được".
Kết quả cho thấy điểm đánh giá của nhóm sinh viên gặp những từ "sạch sẽ" thấp hơn hẳn so với những người còn lại.
Trong thử nghiệm thứ hai, các sinh viên xem một đoạn trailer có thời lượng 3 phút trong Trainspotting, bộ phim nói về cuộc sống sa đọa và bế tắc của những người nghiện ma túy. Khi đoạn phim kết thúc, nhóm nghiên cứu mời 20 sinh viên vào nhà vệ sinh để rửa tay, trong khi 20 người còn lại không làm như vậy. Sau đó, các chuyên gia yêu cầu sinh viên đánh giá 6 nhân vật trong phim dựa theo thang điểm ở thử nghiệm thứ nhất. Kết quả cho thấy nhóm sinh viên rửa tay có điểm đánh giá thấp hơn những người kia.
Một nghiên cứu trước đây cũng chứng minh cảm giác ấm ở bàn tay khiến con người trở nên rộng lượng và hào phóng hơn. Một thử nghiệm khác chỉ ra rằng chúng ta thường rửa tay sau khi thực hiện những hành động xấu, chẳng hạn như ăn cắp hay giết người.