18/06/2018, 12:47

Khái quát về sự hình thành và phát triển của Việt ngữ học (Phần 3)

Giai đoạn hiện đại bắt đầu từ năm 1945 khi nước ta giành được độc lập, khi tiếng Việt trở thành ngôn ngữ chính thức của cả nước. Về đường hướng lí luận, nếu giai đoạn cận đại lệ thuộc vào truyền thống ngôn ngữ học châu Âu thì giai đoạn hiện đại là giai đoạn các nhà Việt ngữ học vận dụng tất cả ...

Giai đoạn hiện đại bắt đầu từ năm 1945 khi nước ta giành được độc lập, khi tiếng Việt trở thành ngôn ngữ chính thức của cả nước.

Về đường hướng lí luận, nếu giai đoạn cận đại lệ thuộc vào truyền thống ngôn ngữ học châu Âu thì giai đoạn hiện đại là giai đoạn các nhà Việt ngữ học vận dụng tất cả các lí thuyết hiện đại nhất của ngôn ngữ học thế giới vào miêu tả tiếng Việt. Để làm sáng tỏ vấn đề này, trước hết chúng tôi xin liệt kê dưới đây những công trình lí luận ngôn ngữ học của thế giới đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam:

   1. Saussure, F. de. Giáo trình ngôn ngữ học đại cương. Nxb Khoa học Xã hội, H., 1973.
   2. Zinder, L.R. Ngữ âm học đại cương. Nxb Giáo dục, H., 1964.
   3. Marx, Engels, Lenin bàn về ngôn ngữ. Nxb Sự thật, H., 1962.
   4. Chafe, W.L. Ý nghĩa và cấu trúc của ngôn ngữ. Nxb Sự thật, H., 1998.
   5. Xtepanov, Ju.X. Những cơ sở của ngôn ngữ học đại cương. Nxb Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, H., 1977.
   6. Lyons, J.. Nhập môn ngôn ngữ học lí thuyết. Nxb Giáo dục, H., 1996.
   7. Rozhdestvenskij, Yu.V. Những bài giảng ngôn ngữ học đại cương. Nxb Giáo dục, H., 1997.
   8. Kasevich, V.B. Những yếu tố cơ sở của ngôn ngữ học đại cương. Nxb Giáo dục, H., 1998.
   9. Sapir, E. Ngôn ngữ: Dẫn luận vào việc nghiên cứu lời nói. Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, 2000.
  10. Halliday, M.A.K. Dẫn luận ngữ pháp chức năng. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001.
  11. Lado, R. Ngôn ngữ học qua các nền văn hoá. Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002.
  12. Brown, G. & Yule, G. Phân tích diễn ngôn. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001.
  13. Yule, G. Dụng học: Một số dẫn luận nghiên cứu ngôn ngữ. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003.
  14. Robins Lược sử ngôn ngữ học. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003.

Nếu tính cả những tài liệu dịch lưu hành nội bộ ở các cơ quan nghiên cứu và trường đại học thì số lượng còn nhiều hơn nữa. Mặt khác, trình độ ngoại ngữ của cán bộ được nâng cao, lại được đào tạo từ nhiều nước khác nhau nên nguồn lí luận mà họ tiếp thu được cũng đa dạng. Dẫu sao, tài liệu dịch mới chỉ nói lên xuất xứ của lí luận, còn chúng được vận dụng vào Việt ngữ học đến đâu thì cần phải khảo sát tiếp. Trước hết, những cuốn sách về lí luận do người Việt ở Việt Nam viết thể hiện một phần sự thâm nhập của lí luận ngôn ngữ học thế giới vào Việt Nam. Cuốn Khái luận ngôn ngữ học, do tổ Ngôn ngữ học, Đại học Tổng hợp Hà Nội biên soạn và được nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 1961, là cuốn giáo trình về lí luận ngôn ngữ đầu tiên ở Việt Nam. Cuốn giáo trình này đã làm nhiệm vụ giới thiệu các khái niệm ngôn ngữ học của nước ngoài coi như những công cụ cần thiết để nghiên cứu tiếng Việt. Sau nhiều năm vận dụng và nghiền ngẫm, mãi đến những năm 90 của thế kỉ XX, một loạt sách lí luận ra đời đánh dấu bước trưởng thành về lí luận của các nhà Việt ngữ học. Trước hết phải kể đến cuốn Đại cương ngôn ngữ học (tập hai) do Đỗ Hữu Châu và Bùi Minh Toán biên soạn, được nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 1993. Cuốn sách trình bày ba vấn đề lớn: những vấn đề đại cương về ngữ pháp; các trường phái cấu trúc luận cổ điển, ngữ pháp tạo sinh; dụng học. Rất tiếc, tập một của bộ sách này đến nay vẫn chưa xuất bản. Năm 2001, Đỗ Hữu Châu và Bùi Minh Toán đã phá triển thêm tập sách trên và tách thành hai cuốn: Đại cương ngôn ngữ học, tập một dành cho hai vấn đề: những vấn đề đại cương về ngữ pháp và các trường phái cấu trúc luận cổ điển, ngữ pháp tạo sinh; Đại cương ngôn ngữ học, tập hai dành cho Ngữ dụng học. Năm 1994, Hồ Lê cho ra đời cuốn Dẫn luận ngôn ngữ học làm giáo trình dạy cho Khoa Đông Nam Á thuộc Trường Đại học Mở–Bán công thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp theo, năm 1995, nhà xuất bản Giáo dục ấn hành cuốn Nhập môn ngôn ngữ học của Bùi Khánh Thế làm giáo trình dạy cho sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh.

Ở Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 1997, nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội đã ấn hành cuốn Những bài giảng về ngôn ngữ học đai cương, tập một. Đây là tập sách cho những vấn đề về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy.

Ở Viện Khoa học Xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh, Hồ Lê đã biên soạn bộ sách Quy luật ngôn ngữ gồm 5 tập: tập một là Tính quy luật của bộ máy ngôn ngữ; tập hai là Tính quy luật của cơ chế ngôn giao; Tính quy luật của phức thể ngôn ngữ; Tính quy luật của quan hệ ngôn ngữ liên đối tượng; và tập năm là Bản thể ngôn ngữ. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội đã xuất bản tập một năm 1995, tập hai năm 1996.

Năm 1998, Ban Chủ nhiệm chương trình Giáo dục Đại học (thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã mời GS. Nguyễn Thiện Giáp viết cuốn Cơ sở ngôn ngữ học phục vụ cho chương trình Đại học đại cương. Giáo trình này đã được nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản vào tháng 10 năm 1998.

Ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ba tác giả Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên), Đoàn Thiện Thuật, Nguyễn Minh thuyết đã biên soạn cuốn Dẫn luận ngôn ngữ học làm giáo trình dạy cho sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ học của Trường. Cuốn sách được nhà xuất bản Giáo dục ấn hành lần đầu năm 1994, đến năm 2003 đã tái bản đến lần thứ chín.

Biên soạn giáo trình này, các tác giả đã tuân theo những định hướng sau đây:

    * Trong khi giới thiệu những khái niệm cơ bản và quan trọng nhất của ngôn ngữ học, cố gắng phản ánh những thành tựu mới của ngôn ngữ học thế giới đã được nhiều người thừa nhận.
    * Sử dụng dẫn liệu trong nhiều ngôn ngữ thuộc các loại hình khác nhau, đặc biệt là các ngôn ngữ ở Đông Nam Á cùng loại hình với tiếng Việt.
    * Trình bày đơn giản, rõ ràng, từ đơn giản đến phức tạp một cách có hệ thống, tránh tình trạng dài dòng.

Đến đây, chúng ta có thể điểm qua xem khi nghiên cứu tiếng Việt, những lí thuyết ngôn ngữ học nào đã được vận dụng. Có thể nói, tuỳ theo nguồn đào tạo mà mỗi tác giả đều chịu ảnh hưởng của một lí thuyết nhất định. Lê Văn Lí bảo vệ luận án tiến sĩ với công trình Le Parler Vietnamien ở Paris. Ông chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa cấu trúc châu Âu. So với các tác giả trước đó, Lê Văn Lý đã đưa vào Việt ngữ học một phương pháp nghiên cứu mới, có tính chất khách quan. Ông viết: “Người chức năng chủ nghĩa (fonctionaliste) tốt nhất làm việc không dựa vào ý nghĩa của các từ, mà dựa vào chức năng của chúng, sự ứng phó (comportement) của chúng... Không phải là nhìn vào bản thân từ để tìm ra cái quy định các đặc tính của nó, mà phải nhìn vào hoàn cảnh của nó, nghĩa là, các năng kết hợp với các từ khác trong ngôn ngữ. Đó là điều cốt yếu trong phương pháp của chúng tôi, và có thể coi đó là rường cột mà toàn bộ công việc sau này dựa vào”.

Với cuốn Khảo luận về ngữ pháp tiếng Việt (1963), Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê thể hiện một bước cố gắng xuất phát từ bản ngữ để miêu tả tiếng Việt, tránh những giáo điều cực đoan của chủ nghĩa cấu trúc, kết hợp phân tích cấu trúc với phân tích chức năng. Các ông Phan Khôi(1), Nguyễn Lân(2),... lại chịu ảnh hưởng của thuyết “cú bản vị” của Lê Cẩm Hi(3)

Lí thuyết từ tổ (cụm từ) (một lí thuyết rất thịnh hành ở Liên Xô những năm 60 của thế kỉ XX) đã có ảnh hưởng không nhỏ đối với Nguyễn Kim Thản. Chủ nghĩa hình thức Nga để dấu ấn khá rõ trong các công trình của Pafilov, Nguyễn Minh Thuyết. Nguyễn Tài Cẩn một mặt chịu ảnh hưởng của truyền thống Đông phương học Liên Xô, mặt khác ông cũng chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa miêu tả Mĩ. Các tác giả nước ngoài như M.B. Emeneau(4), L.C. Thompson(5),... rõ ràng đã nghiên cứu tiếng Việt theo phương pháp của chủ nghĩa miêu tả Mĩ. Lí thuyết ngữ pháp tạo sinh của N. Chomsky cũng bước đầu được vận dụng vào phân tích câu tiếng Việt. Đó chính là cuốn Cơ cấu Việt ngữ của Trần Ngọc Ninh(6). Lí thuyết phân đoạn thực tại câu ít nhiều đã chi phối sự nghiên cứu tiếng Việt của Lưu Vân Lăng(7). Yu.K. Lekomtsev khi nghiên cứu Cấu trúc câu đơn tiếng Việt(8) tuyên bố rõ là theo tinh thần của ngữ vị học Đan Mạch. Cuốn Tiếng Việt: Sơ thảo ngữ pháp chức năng(9) của Cao Xuân Hạo chia sẻ quan điểm chức năng của các học giả nước ngoài như Keenan, Li và Thompson, Dyvik. Còn Ngữ pháp kinh nghiệm của cú tiếng Việt mô tả theo quan điểm chức năng hệ thống của Hoàng Văn Vân(10) là sự vận dụng quan điểm của M.A.K Halliday vào miêu tả tiếng Việt.

(1) Phan Khôi. Việt ngữ nghiên cứu. Hà Nội, 1955.
(2) Nguyễn Lân. Ngữ pháp Việt Nam. Lớp 5, 6, 7. Hà Nội, 1956.
(3) Lê Cẩm Hi. Tân trước quốc ngữ văn pháp. Thượng Hải, 1951.
(4) M.B. Emeneau. Studies in Vietnamese (Annamese) grammar. Berkeley and Los Angeles, 1951.
(5) L.C. Thompson. A Vietnamese Grammar. Seattle and London University of Washington Press, 1965.
(6) Trần Ngọc Ninh. Cơ cấu Việt ngữ. Nxb Lửa thiêng, 1973.
(7) Lưu Vân Lăng. Nghiên cứu tiếng Việt theo quan điểm ngữ đoạn tầng bậc có hạt nhân. Tạp chí Ngôn ngữ, số 3 (1970).
(8) Yu.K. Lekomtsev. Cấu trúc câu đơn tiếng Việt. (bản tiếng Nga). Nxb Nauka, M., 1964.
(9) Cao Xuân Hạo. Tiếng Việt: Sơ thảo ngữ pháp chức năng (tập 1). Nxb Khoa học Xã hội, H., 1991.
(10) Hoàng Văn Vân. Ngữ pháp kinh nghiệm của cú tiếng Việt mô tả theo quan điểm chức năng hệ thống. Nxb Khoa học Xã hội, H., 2002.
 

Theo Nguyễn Thiện Giáp. Lược sử Việt ngữ học (tập 1). Nxb Giáo dục, H., 2005, trang 66–73
0