24/05/2018, 23:01

Khái niệm về phương pháp dạy học

Đọc, so sánh và rút ra kiến thức cần thiết Khái niệm “phương pháp dạy-học ”: Phương pháp dạy học là những cách thức làm việc giữa thầy giáo và học sinh, nhờ đó mà học sinh nắm vững được kiến thức, kĩ năng, kĩ xảo, hình thành ...

Đọc, so sánh và rút ra kiến thức cần thiết

Khái niệm “phương pháp dạy-học ”: Phương pháp dạy học là những cách thức làm việc giữa thầy giáo và học sinh, nhờ đó mà học sinh nắm vững được kiến thức, kĩ năng, kĩ xảo, hình thành được thế giới quan và năng lực.

Khái niệm thủ pháp dạy học:  Thủ pháp dạy học là cách thức giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó thuộc một phương pháp nhất định hay nói khác đi, thủ pháp chính là thao tác bộ phận của một phương pháp.

Đọc khái niệm "phương pháp" và "thủ pháp" trên. Theo anh (chị), ranh giới giữa hai khái niệm này có tuyệt đối không?

    Ranh giới giữa hai khái niệm "phương pháp" và "thủ pháp" chỉ mang tính tương đối. So với khái niệm "phương pháp", khái niệm "thủ pháp" hẹp hơn. Mối quan hệ giữa phương pháp và thủ pháp có thể tạm so sánh với cách hiểu về chiến lược và chiến thuật trong khoa học quân sự. Nếu phương pháp chú ý tới cả quá trình thì thủ pháp là việc chú ý chủ yếu tới một thời điểm nhất định nào đấy trong quá trình đó.

Mở rộng kiến thức về khái niệm phương pháp dạy học

Cho đến nay vẫn chưa có được một định nghĩa thống nhất. Có quan niệm cho rằng “Phương pháp dạy học là những cách thức làm việc giữa thầy giáo và học sinh, nhờ đó mà học sinh nắm vững được kiến thức, kĩ năng, kĩ xảo, hình thành được thế giới quan và năng lực”. Cũng có quan niệm cho rằng “ Phương pháp dạy-học là những hình thức kết hợp hoạt động của giáo viên và học sinh hướng vào việc đạt một mục đích nào đó ”. Nhìn chung, cách hiểu thứ nhất được nhiều người tán thành nhưng cách hiểu về hai chữ “cách thức” lại rất khác nhau nên kết quả cũng có nhiều hệ thống phương pháp khác nhau. Để không hiểu sai khái niệm phương pháp dạy-học cần chú ý phân biệt với các khái niệm: phương pháp luận, môn học phương pháp, thủ pháp dạy học, hình thức dạy học .

a)Khái niệm phương pháp luận được hiểu ở hai phương diện cơ bản:

· Phương diện thứ nhất, phương pháp luận được hiểu là học thuyết về phương pháp khoa học nói chung và với ý nghĩa này, phương pháp luận chính là triết học Mác-Lê nin.

· Phương diện thứ hai, phương pháp luận được hiểu là sự tổng hợp những cách thức, những phương pháp tìm tòi có ý nghĩa như những tư tưởng chỉ đạo, những tiền đề lí luận về phương pháp nghiên cứu trong một ngành khoa học nào đó.

b)Khái niệm phương pháp với tư cách là một môn học thường được hiểu là bộ môn chuyên nghiên cứu quá trình dạy – học một môn học nào đó, bao gồm việc nghiên cứu đối tượng, nhiệm vụ, mục tiêu của môn học, các cơ sở khoa học, các nguyên tắc của việc xây dựng chương trình môn học, những cách thức thiết kế và tổ chức quá trình dạy học các đơn vị kiến thức của môn học (chẳng hạn phương pháp dạy học văn học, phương pháp dạy học tiếng Việt)...

c)Khái niệm thủ pháp dạy học trên một ý nghĩa nào đó được hiểu là sự thể hiện cụ thể của phương pháp hay nói khác đi, thủ pháp chính là thao tác bộ phận của một phương pháp nhất định. Thí dụ: để vận dụng phương pháp phân tích ngôn ngữ cần tiến hành các thao tác cụ thể như phân tích, so sánh, đối chiếu, tổng hợp, khái quát hóa....

d)Khái niệm hình thức dạy - học được hiểu là những cách thức hiện thực hoá, hành động hoá các phương pháp và thủ pháp dạy-học ( Chẳng hạn hình thức diễn giảng, đàm thoại, đọc giáo khoa,....

Giáo dục học nghiên cứu hệ thống phương pháp dạy học nói chung còn mỗi môn học lại có một hệ thống phương pháp dạy học bộ môn riêng của mình được xây dựng trên cơ sở hệ thống phương pháp chung đó. Từ những phân biệt trên đây có thể đi tới một định nghĩa về “ Phương pháp dạy – học tiếng Việt ” như sau:

Phương pháp dạy – học tiếng Việt là môn học chuyên nghiên cứu quá trình dạy – học tiếng Việt bao gồm việc nghiên cứu đối tượng, nhiệm vụ, mục tiêu, các cơ sở khoa học, các nguyên tắc xây dựng của chương trình và những cách thức thiết kế, tổ chức quá trình dạy học các đơn vị kiến thức tiếng Việt của chương trình.

0