Khái niệm Luật tố tụng hình sự – luật tố tụng hình sự – Giáo trình pháp luật Việt Nam đại cương
Khái niệm Luật tố tụng hình sự a, Đối tượng điều chỉnh của Luật tố tụng hình sự Để đảm bảo cho việc phát hiện, xác định tội phạm và người phạm tội được chính xác, xử lý nghiêm minh, không để lọt tội phạm, không làm oan sai người vô tội, đồng thời bảo vệ các quyền và lợi ích hợp ...
Khái niệm Luật tố tụng hình sự
a, Đối tượng điều chỉnh của Luật tố tụng hình sự
Để đảm bảo cho việc phát hiện, xác định tội phạm và người phạm tội được chính xác, xử lý nghiêm minh, không để lọt tội phạm, không làm oan sai người vô tội, đồng thời bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, Bộ luật tố tụng hình sự quy định trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.
Khi tiếp nhận được tin tức về tội phạm, hoặc phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, xác minh và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự nếu xác định có dấu hiệu của tội phạm. Sau đó tiến hành các hoạt động thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ để chứng minh tội phạm và người phạm tội, hoàn thành hồ sơ vụ án và chuyển sang Viện kiểm sát cùng với bản kết luận điều tra, nếu có đủ chứng cứ để xác định tội và người phạm tội,… Khi nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, tuỳ từng trường hợp Viện kiểm sát phải ra một trong các quyết định như trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung, đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ vụ án hay truy tố bị can trước Toà án bằng bản cáo trạng. Toà án nghiên cứu hồ sơ và ra quyết định cần thiết để giải quyết vụ án hoặc đưa vụ án ra xét xử và quyết định bị cáo có tội hay không có tội bằng một bản án.
Sau khi xét xử Toà án ra bản án tuyên bố bị cáo có tội hoặc không có tội và các quyết định khác. Bản án và quyết định của Toà án đã có hiệu lực phải được thi hành và được các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và mọi công dân tôn trọng. Tất cả các quá trình từ khởi tố đến điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự đều phải tuân theo các trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định.
Như vậy, tố tụng hình sự là trình tự, thủ tục tiến hành giải quyết vụ án hình sự theo quy định của pháp luật. Tố tụng hình sự, bao gồm toàn bộ hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng của cá nhân, cơ quan nhà nước khác và tổ chức xã hội góp phần vào việc giải quyết vụ án theo quy định của luật tố tụng hình sự.
Trong quá trình tiến hành giải quyết vụ án hình sự, giữa cơ quan tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng phát sinh mối quan hệ nhất định. Ví dụ: để thu thập chứng cứ của vụ án, cơ quan điều tra phải tiến hành các hoạt động hỏi cung bị can, lấy lời khai của người làm chứng nên phát sinh mỗi quan hệ giữa cơ quan điều tra với bị can, với người làm chứng,… đó là những quan hệ xã hội được ngành luật tố tụng hình sự điều chỉnh
Đối tượng điều chỉnh của Luật tố tụng hình sự là những quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi án hình sự.
b, Phương pháp điều chỉnh của Luật tố tụng hình sự
Luật tố tụng hình sự Việt Nam sử dụng hai phương pháp để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình giải quyết vụ án hình sự đó là: phương pháp quyền uy và phương pháp phối hợp – chế ước.
Phương pháp quyền uy thể hiện ở quan hệ giữa cơ quan tiến hành tố tụng với những người tham gia tố tụng. Các quyết định của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án có tính chất bắt buộc đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và mọi công dân.
Phương pháp phối hợp – chế ước điều chỉnh mối quan hệ giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án. Các cơ quan này có nhiệm vụ phối hợp với nhau tiến hành các hoạt động của mình theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
c, Định nghĩa Luật tố tụng hình sự
Luật tố tụng hình sự là một ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, bao gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.