14/05/2018, 16:51

Khái niệm vụ việc dân sự – Giáo trình pháp luật Việt Nam đại cương

Khái niệm vụ việc dân sự Vụ việc dân sự là vụ việc phát sinh tại Tòa án nhân dân do cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện, yêu cầu Tòa án bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác. Như vậy vụ việc dân sự có các đặc điểm sau đây: Thứ nhất, vụ việc dân sự trước hết phải là ...

Khái niệm vụ việc dân sự

Vụ việc dân sự là vụ việc phát sinh tại Tòa án nhân dân do cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện, yêu cầu Tòa án bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác. Như vậy vụ việc dân sự có các đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, vụ việc dân sự trước hết phải là những vụ việc phát sinh tại Tòa án. Chỉ những vụ việc nào thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án và phát sinh tại Tòa án mới được gọi là vụ việc dân sự.

Thứ hai, vụ việc dân sự phát sinh trên cơ sở có việc khởi kiện hoặc yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 1 Bộ luật Tố tụng dân sự, vụ án dân sự là  có tranh chấp về quyền và nghĩa vụ giữa các bên như tranh chấp hợp đồng mua bán nhà (giá cả, không thực hiện hợp đồng), tranh chấp hợp đồng vay tài sản (kiện đòi nợ). Việc dân sự là những trường hợp không có tranh chấp về quyền và nghĩa vụ mà chỉ yêu cầu Toà án giải quyết xác nhận những sự kiện pháp lý như yêu cầu tuyên bố một người là đã chết, tuyên bố mất tích, yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật.

Mỗi vụ việc dân sự dù có tranh chấp hoặc không có tranh chấp giữa các chủ thể thì khi phát sinh tại Tòa án đều có mục đích giải quyết chung là nhằm bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Theo pháp luật hiện hành, tính chất “dân sự” được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm các vụ việc về dân sự, hôn nhân và gia đình, về kinh doanh, thương mại, về lao động và về các loại việc khác theo quy định của pháp luật. Khi một vụ việc dân sự phát sinh tại Tòa án thì dẫn đến trách nhiệm giải quyết vụ việc dân sự đó của Tòa án nhân dân theo trình tự, thủ tục giải quyết các vụ án và việc dân sự.

Đối với vụ án thì đương sự có đơn khởi kiện (Toà án thụ lý, yêu cầu cung cấp chứng cứ, hoà giải và mở phiên toà xét xử nếu hoà giải không thành),  còn việc dân sự chủ thể có liên quan gửi đơn yêu cầu Toà án (Toà án thụ lý, yêu cầu cung cấp chứng cứ, mở phiên họp giải quyết có sự tham gia của Viện kiểm sát, quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật ngay).

Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là hai năm kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm (chẳng hạn A vay B 50 triệu đồng, thời hạn trả nợ là 25.8.2007 nhưng A không trả nợ được. Thời hiệu khởi kiện đòi nợ là hai năm tính từ ngày 26.8.2007 đến hết ngày 25.8.2009), quá thời hạn trên Toà án có thẩm quyền không thụ lý, giải quyết vụ án dân sự.

Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là một năm kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu.

0