25/05/2017, 09:42

Kể lại một lần đi tham quan cùng các bạn trong lớp -Văn mẫu lớp 8

Đánh giá bài viết Kể lại một lần đi tham quan cùng các bạn trong lớp – Bài làm 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Nghệ An Gần hết học kì I của năm lớp 7, nhà trường tổ chức cho chúng tôi đi thăm quan ở hồ Núi Cốc. Vì đây là lần đầu tiên được đi xa mà không có bố mẹ, chỉ có cô giáo chủ nhiệm ...

Đánh giá bài viết Kể lại một lần đi tham quan cùng các bạn trong lớp – Bài làm 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Nghệ An Gần hết học kì I của năm lớp 7, nhà trường tổ chức cho chúng tôi đi thăm quan ở hồ Núi Cốc. Vì đây là lần đầu tiên được đi xa mà không có bố mẹ, chỉ có cô giáo chủ nhiệm cùng các bạn nên tôi vừa hồi hộp vừa xen một chút lo lắng. Biết vậy, mẹ đã chuẩn bị cho tôi đủ thứ từ ...

Kể lại một lần đi tham quan cùng các bạn trong lớp – Bài làm 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Nghệ An

Gần hết học kì I của năm lớp 7, nhà trường tổ chức cho chúng tôi đi thăm quan ở hồ Núi Cốc. Vì đây là lần đầu tiên được đi xa mà không có bố mẹ, chỉ có cô giáo chủ nhiệm cùng các bạn nên tôi vừa hồi hộp vừa xen một chút lo lắng. Biết vậy, mẹ đã chuẩn bị cho tôi đủ thứ từ tối hôm trước và dặn dò tôi đủ điều. Sau đó mẹ bắt tôi đi ngủ thật sớm vì ngày mai 5 giờ sáng xe đã chạy.

Lên giường nằm rồi mà tôi vẫn chưa hết hồi hộp, cuối cùng tôi thiếp đi cho đến đúng lúc chuông báo thức đổ một hồi dài. Tôi vùng dậy, mẹ đã dậy và chuẩn bị ba lô cho tôi. Sau khi đã xong bố đèo tôi đến sân trường để cùng các bạn đi thăm quan.

Đúng 5 giờ sáng xe bắt đầu chạy, tất cả chúng tôi đều vui sướng khi đi ngang qua những con đường quen thuộc. Xe chạy bon bon, chỉ một lát sau đã rời xa nơi chúng tôi ở, những con đường xa lạ cứ mở dần ra trước mắt chúng tôi. Đi được một quãng, cô giáo bắt nhịp cho chúng tôi hát những bài hát quen thuộc, vậy là cả xe vang đầy tiếng hát cùng tiếng vỗ tay rào rào. Không khí thật vui vẻ, náo nhiệt.

Chỉ hơn hai tiếng sau chúng tôi đã có mặt ở Núi Cốc, đến nơi cô giáo cho chúng tôi nghỉ nửa tiếng để ăn sáng và nghỉ ngơi.

Hồ Núi Cốc mở ra trước mắt tôi là màu xanh thắm của rừng cây và màu trong xanh của hồ nước. Không khí thật thanh bình, yên tĩnh, khác hẳn không khí nơi chúng tôi sống.

Sau khi ăn sáng xong, cô giáo đưa chúng tôi đi vào thăm các hang núi, đây không phải là các hang núi tự nhiên mà nó được tạo ra bởi bàn tay khéo léo tỉ mỉ của con người, đó quả là những công trình tinh vi đẹp mắt. Ra khỏi hang, chúng tôi leo lên những quả đồi cao, ở đó có rất nhiều thông và phi lao. Đứng trên đồi cao chúng tôi nghe thấy rất rõ tiếng thông vi vu như đang hát ru. Nhìn từ trên cao xuống mặt hồ thật đẹp, ánh nắng vàng toả trên mặt hồ làm cho hàng ngàn con sóng nhỏ chạy trên mặt nước nom như những vì sao đang tung tăng, chơi đùa.

Sau khi chơi chán trên bờ hồ, cô trò chúng tôi lại đi dạo trên mặt hồ bằng một chiếc thuyền nhỏ. Mặt hồ rộng mênh mông, sóng gợn lăn tăn chạy xô theo hướng gió thổi. Phía xa có những ngôi làng nằm lặng lẽ bên hồ. Khung cảnh thật nên thơ.

Trên thuyền, cô giáo kể cho chúng tôi nghe sự tích núi Cốc, rồi cô còn hát cho chúng tôi nghe bài hát Huyền thoại hồ Núi Cốc, giọng cô mượt mà tha thiết, lúc trầm lúc bổng ngọt ngào, thiết tha.

Thế là sau một ngày tham quan khu du lịch núi Cốc, cô trò chúng tôi lại thu dọn đồ đạc trở về nhà. Dù đi cả một ngày nhưng không khí vui quá, tất cả chúng tôi chẳng còn thấy mệt nữa. Lúc lên xe chúng tôi lại thi nhau hát và reo hò náo nhiệt cả một góc đường.

Trở về nhà, tôi háo hức kể cho bố mẹ nghe về chuyến đi đó và tôi thầm nghĩ chắc chắn bài văn tả cảnh ngày mai của mình sẽ rất hay, bởi qua chuyến đi này trong đầu tôi đã thu lượm được bao nhiêu khung cảnh đẹp về thiên nhiên. Quả là một chuyến đi đầy bổ ích.

Kể lại một lần đi tham quan cùng các bạn trong lớp – Bài làm 2

Vậy là kì I năm học 2016- 2017 đã kết thúc. Trường Quốc Tế chúng tôi, ai cũng hào hứng chờ đón ngày tổng kết. Bởi vì, đa số các bạn đều đạt được những thành tích khả quan. Nhưng chúng tôi thật không ngờ nhà trường lại “ban tặng” cho tất cả một buổi lễ ở tít Vũng Tàu.

Ai cũng háo hức. Mới 5 giờ sáng, trời còn tờ mờ và cái rét dịu dịu mơn man da thịt, chúng tôi đã có mặt tại trường với tiếng huyên náo, với những bộ trang phục nổi bật, với những chiếc vali căng phồng, lỉnh kỉnh.

Hai chiếc xe khách loại lớn nhất xuất hành lúc 6 giờ, chạy êm như ru, gió ban mai rười rượi khiến ai cũng tỉnh táo. Ngoài thầy Tuấn Anh, “chuyên gia” quản trò của trường, chúng tôi được thầy Tháng và cô Hằng, những người từng tổ chức thành công các tour du lịch dã ngoại, điều hành. Đầu tiên là những bài hát, lời ca thật giản dị mà thấm thía: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”,.. Tiếp theo là thi làm thơ. Ai cũng hưởng ứng sôi nổi cho việc chắp vần với ông Vân Tiên. Vâng “Vân Tiên cõng Mẹ chạy ra. Gặp phải đàn gà cõng Mẹ chạy vô”.

Cứ “vô, ra” hoài như vậy mà chúng tôi dường như lập được một cuốn từ điển nhỏ với vần “a và ô” thật phong phú.

Xe đã tới Vũng Tàu. Hôm nay là thứ sáu nên đường phố có vẻ thưa thớt. Dòng người không đông nghịt và đầy khói bụi như ở thành phố. Ngực chúng tôi như căng phồng ra, nồng mặn vị muối biển và những trận gió tinh sạch từ đại dương.

Cả trường nhanh nhẹn tập hợp thành 6 tổ do 6 thầy, cô phụ trách trước sân của khách sạn “Hoa Phượng Đỏ”. Theo thời gian biểu trong tay, chúng tôi sẽ nhận phòng” đi tắm biển và 11 giờ 30 là ăn cơm. Mỗi phòng từ 3 đến 4 người, có một thầy hoặc một cô cùng ở chung. Chúng tôi rầm rập tiến quân lên lầu và thay quần áo tắm rất nhanh. Chỉ hơn 30 phút sau là mọi người đã náo nhiệt trên bãi tắm. Sau những phút nô đùa trên sóng nước, chúng tôi tụ tập thành từng nhóm nhỏ để chơi trò xây lâu đài trên cát. Có thầy cô cùng tham gia, ý tưởng của việc thiết kế và thi công gặp nhiều bất ngờ thú vị.

Sóng biển vẫn giăng hàng dắt nhau chạy vào bờ và đổ xuống lao xao. Có những con sóng tò mò co bò vào thật xa để “dạo quanh” tòa nhà của chúng tôi. Có những công trình đẹp tuyệt vời như của chị Phúc và chị Lộc đã bị những chàng sóng tinh quái dòm ngó khiến cho bị đổ sụp. Những vọng gác, những công sự phòng thủ, những thành quách bằng những con ốc xoắn và những vỏ ốc xà cừ sang trọng đã ụp xuống “cái hồ” trước mặt. Trong lúc mấy đứa tôi đang cố công vô vọng để cứu những “Tháp nghiêng” này thì thầy Tứ Quan, cô Anh Quyên đã chụp nháy được những khuôn mặt như bóng bẹp hơi cửa các “kiến trúc sư” xây nhà trên bãi cát. Thật là một thành ngữ thấm thía. Dù sao “Dã tràng xe cát biển đông” cũng để lại “tác phẩm” lâu hơn là chúng tôi!

Sau khi được bạn bè vùi lấp dưới cát ướt, những cô cậu “Chử Đồng Tử” còn nguyên y phục được móc lên, được khiêng ra biển khơi như một nghi thức cổ xưa thần bí. Chúng tôi phải nín thở để được liệng ra bể nước đang dâng cao. Lướt ngang chỗ chúng tôi đứng là những chiếc bo bo của các anh chị lớp 10 và 11. Hình như chiếc đầu tiên là của anh Nghị, rồi chị Phương, anh Tuấn… Những chiếc canô cứ vun vút bay trên sóng trắng. Tôi định mua vé làm một chuyến nhưng thấy tốc độ chóng mặt thế nên đành đợi dịp khác vậy.

Chỉ có hai ngày đi Vũng Tàu nhưng chúng tôi đã tham quan được Tất nhiều địa danh văn hóa. Đó là “Thường Chiếu Thiền Viện” với những tòa chùa thấp thoáng trông khu rừng mát. Lần đầu tiên chúng tôi được chụp hình dưới cây Sala lủng lẳng những quả to như trái dừa và những bông hoa cánh trắng nhụy đồ thơm lừng thoát tục. Chúng tôi được các nhà sư cho biết những thông tin để ghi lại cho đầy bản thu hoạch mà thầy Tuấn Anh phát cho. Một ngôi chùa rất nổi tiếng của Vũng Tàu cũng được đoàn học sinh Quốc Tế viếng thăm: chùa “Thích Ca Phật Đài”, là nơi còn lưu giữ những di bảo quý hiếm của đạo Phật. Chúng tôi được leo núi đến chân pho tượng Đức Mẹ khổng lồ để thi nhau chụp ảnh. Chúng tôi cũng đến Bạch Dinh để đi qua mọt khu rừng cây giá trị đổ lá thu vàng như ở bên tây. Cả rừng chỉ có một loài cây đặc biệt đó.

Xe chạy, quanh quanh bờ biển. Trong lúc mọi người đang tha hồn vào biển cả thì anh Tuấn bỗng la lên. “Mỹ nhân ngư! Mỹ nhân ngư! Mọi người giật mình. Trên một hòn đá lởm chởm cheo leo, một nữ du khách đang ngồi mẫu để chụp hình. Cả xe vẫy tay, cô ta cũng đáp lại bằng cái vẫy tay tự nhiên. Câu chuyện không đâu mà để lại những phút giây giải trí thật vui. Đến sáng hôm sau anh Tuấn vẫn làm cho người nghe cười chảy nước mắt.
Có lẽ đáng nhớ nhất là đêm lửa trại và buổi tổng kết học kì I, được tể chức trước khi lên đường giã từ Vũng Tàu.

Ăn cơm toi xong, theo sự phân công, chúng tôi phải hóa trang và diễn vở kịch ngắn, từ một câu chuyện ngụ ngôn.

Ngọn lửa trại sau khách sạn bùng lên, cả một thế giới “người mới” xuất hiện. Thầy Thắng thì có bộ tóc giả và chòm râu đen, cô Hằng mặc áo chẽn bằng bao bố đầy tua đai, thầy Tuấn Anh thì quần lụa trắng, áo đen chít khăn như Mai An Tiêm cầm gậy nhảy nhót như Tôn Ngộ Không. Còn học sinh chúng tôi mỗi người một kiểu. Kẻ mang mặt nạ, người đội chiếc nón Cào ngất nghểu với bộ tóc xanh, các bạn gái mặc những quần áo chim cánh cụt trông thật ngộ: Buồn cười nhất là mấy anh con trai tổ 6 được cô Thu Hiền phấn son cho “ra lò” cả một thế giới người đẹp. Anh Hải Nam, anh Tuấn, bạn Minh., đều đến từ đất nước của hoa hậu: mặt mày lòe loẹt, váy xống cũn cỡn, khiến ai cũng phải bật cười.

Những trò vui liên tiếp trò vui, không sao kể xiết. Sau những tiết mục điều khiển của thầy Tuấn Anh, thầy Thắng, cô Hằng, chúng tôi được một “quân sư” mới là cô Khoái, hiệu trưởng trường trẻ em khuyết tật “Hi vọng”, giúp vui. Phải nói là giọng cô thật dứt khoát, sôi nổi; trò chơi của cô luôn biến hóa và phải phản ứng nhanh. Hầu như cả vòng tròn lớn không ai không bị bắt cóc và bị phạt, Đêm đã khuya, chúng tôi đẫm mồ hôi, đứng yên thưởng thức bài hát tiếng Nhật “Người yêu dấu” do cô Hayashi trình hầy.

… “Một con én chưa làm nổi mùa xuân cho đời nhưng mỗi con én đều làm được mùa xuân cho chính nó”. Đó là câu nói kết thúc buổi lửa trại của cô Khoái mà tôi rất tâm đắc.

Buổi tổng kết năm học đã diễn ra thật long trọng và vui vẻ. Có những đóa hoa cài trên ngực thầy cô và những bó hoa tươi trên tay các vị đại biểu. Có những khuôn mặt rạng rỡ trong những chiếc áo chùng, nón mũ rủ tua vàng lên nhận thưởng. Có bao nhiêu chiếc máy chụp ảnh lưu niệm các anh chị, các bạn khi lên bục danh dự. Cảm động nhất là vị đại diện cho phụ huynh học sinh, bác Đặng Ngọc Tiến – ba của Tường Anh – trao phần thưởng. Bác đứng vào hàng chụp ảnh nhưng có thể thấy niềm vui, niềm tự hào của bác qua việc bác tranh thủ dùng máy của mình chụp các “phô” làm kỉ niệm.
Những tiết mục văn nghệ đan xen, tiếng đàn organ của thầy Hi để lại một cảm giác lâng lâng khó tả.

Sau vở diễn “Bánh chưng bánh dày” thật ý nghĩa, chúng tôi đã cùng thầy cô hát bài tiếng Anh “Happy new year" thật hào hứng.

Dù hơn 6 giờ tôi chúng tôi mới về trường, không khí của buổi lễ, hai ngày nghỉ ở Vũng Tàu vẫn cho chúng tôi thừa “năng lượng” để chúng tôi xuống xe nhìn nhau với nụ cười rạng rỡ và nói với nhau những lời vui vẻ. Hi vọng sang học kì II Trường Quốc Tế lại có những chuyến đi như thế này.

Kể lại một lần đi tham quan cùng các bạn trong lớp – Bài làm 3

"Côn Sơn ca" là văn bản thơ nổi tiếng chúng em đã được học ở lớp 7. Sau ngày học văn bản ấy, em đã nuôi trong mình niềm mong ước được một lần đến với Côn Sơn. Thật sung sướng vì giữa năm học này niềm mong ước ấy của em đã trở thành hiện thực: Sáng thứ bảy tới trường em tổ chức cho khối lớp 8 đi tham quan Côn Sơn!

Biết em háo hức với chuyến đi, bố mẹ em rất nhiệt tình động viên. Mẹ chuẩn bị đồ cho em rất kĩ, bố sưu tầm khá nhiều tài liệu về Côn Sơn cho em rồi nhắc em phải đến những địa điểm này, địa điểm kia vì đó là những nơi đặc biệt nổi tiếng của vùng đất thiêng này. Sáng sớm hôm đó, khi trời vẫn còn chưa rõ mặt người, bố mẹ đã đưa em ra xe. Lên xe, vẫy tay ríu rít chào bố mẹ, chúng em hát vang những bài tập thể: “Một con vịt”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Nối vòng tay lớn”,… đến cả bài “Đội ca” cũng được cả xe đồng thanh ca hát. Thấy chúng em hào hứng, vui vẻ, bác lái xe cũng cười vang hát theo. Chú phụ xe còn nhiệt tình cho chúng em mượn mi-cờ-rô để “hát cho có hứng!”. Đoàn tham quan đã có một không khí đầy hứng khởi như thế!

Khi trời sáng rõ cũng là lúc chúng em đến Côn Sơn. Nhìn từ xa, Côn Sơn là một vùng đồi núi bạt ngàn cây xanh. Nhiều nhất là những đồi thông xanh rì. Vừa tới cổng khu vực tham quan, chúng em đã chỉ cho nhau nhìn một tấm bảng lớn có đề dòng chữ: "Lấy chí nhân để thay cường bạo”. Cô giáo dạy văn của chúng em giải thích rằng: "Đó là câu văn nổi tiếng trong áng thiên cổ hùng văn Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, bài cáo được coi là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc. Câu văn thể hiện tư tưởng nhân nghĩa đầy tiến bộ của tác giả”. Trong xe có tiếng loạt xoạt của giấy vở, nhiều bạn vội ghi ngay câu văn ấy cùng lời giải thích của thầy. Em cũng vội mở ba lô: mẹ cũng đã chuẩn bị cho em một cuốn sổ nhỏ và cây bút bi để ghi chép.

Xuống xe, chúng em ngồi nghỉ ngơi, nghe cô giáo chủ nhiệm nhắc lại lịch trình và nội quy đoàn tham quan. Nơi chúng em được đến đầu tiên là nhà tưởng niệm Nguyễn Trãi. Chúng em được đi cùng một chị hướng dẫn viên xinh đẹp. Theo lời chị thuyết minh về cuộc đời vị danh nhân lịch sử – văn hóa nổi tiếng của dân tộc, những đôi tai chúng em chăm chú lắng nghe, những cây bút cặm cụi chạy không ngừng trên trang giấy. Quả là những điều lí thú về cuộc đời của một con người tài danh mà bạc mệnh. Khi học bài “Côn Sơn ca” chúng em đã được cô giáo khái quát về cuộc đời Nguyễn Trãi nhưng chúng em không ngờ ông lại gặp nhiều trắc trở trong chốn quan trường cũng như trong cuộc đời đến vậy. Tài năng của ông động đến đất trời, đến lòng người. Và nỗi oan khuất của ông cũng làm rung bao trái tim nhân loại.

Rời khu tưởng niệm, chúng em hào hứng nô nức đua nhau leo lên "Đỉnh bàn cờ" những mong chiêm ngưỡng “Bàn cờ tiên”, nơi được đồn là xưa kia có tiên đến đánh cờ. Đường lên núi cao được xây dựng bằng những bậc đá, một bên là những hàng thông xanh mát, một bên là sườn núi trông ra một khoảng không mờ ảo trắng xóa. Khoảng trắng ấy mới nhìn ngờ tưởng một dòng sông nào ngờ đó lại là dòng sông sương buổi sớm! Em đi chậm lại, mắt lơ đãng ngước nhìn những tán thông xanh đang dạo những khúc nhạc vi vu. Có phải năm trăm năm trước khi viết câu thơ "dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn" Nguyễn Trãi cũng ngước nhìn tán thông “xanh mát” này?

Đường lên đỉnh Bàn Cờ thật xa, nhiều bạn nóng quá đã bỏ áo khoác thắt ngang eo rồi nhặt những cành củi khô bên đường làm gậy chống lên núi. Ban đầu tiếng cười nói còn rộn rã, bây giờ thì yếu dần vì mọi người đã thấm mệt. Nhưng kìa, đỉnh Bàn Cờ hiện lên và tiếng vẫy gọi của những người đến trước khiến tất cả phấn chấn hẳn lên. Tất cả lại hăm hở leo lên bất chấp mồ hôi đã rỏ thành giọt trên trán… Lên đến nơi, mọi người lại xuýt xoa đọc những dòng chữ khắc trên bia viết về di tích Bàn Cờ. Đứng trên đỉnh núi, nhìn sang bốn hướng thấy mênh mông sương và mờ ảo màu xanh của núi rừng xanh mát. Có bạn lúi húi tìm nhặt những quả thông mang về làm quà. Có bạn lại đứng lặng im, đôi mắt khẽ nhắm lại, bạn nói bạn đang lắng nghe tiếng nói của rừng Côn Sơn, gió Côn Sơn đang kể chuyện những vị tiên đánh cờ, thông Côn Sơn đang kể chuyện Nguyễn Trãi năm xưa làm thơ, hưởng nhàn…

Buổi chiều, chúng em còn đến giếng Ngọc, ngắm dãy núi Phượng Hoàng linh thiêng. Lúc xuống núi, chúng em còn được đi men những con suối cạn chảy giữa những vòm cây rậm mát bên trên. Chúng tôi được trải nghiệm tất cả những cảm giác của người thi sĩ ngày xưa: được ngồi, rồi nằm trên đá, trên những tảng rêu khô, được nghe tiếng nói chảy như tiếng đàn cầm, được phả lên mặt dòng nước suối mát lạnh đến rùng mình… Thật là một cảm giác tuyệt diệu.

Hôm ấy, chiều muộn chúng em mới rời Côn Sơn và khi trời đã tối mới về tới nhà. Tất cả đều rất mệt nhưng vô cùng vui vẻ. Riêng với em, chuyến đi ấy có rất nhiều ý nghĩa. Nó đã giúp em hiểu thêm về một danh nhân lịch sử – văn hóa, hiểu thêm về một vùng đất của non sông, hiểu thêm về thầy cô, bạn bè. Và vì vậy, nó khiến em thêm yêu cuộc sống, yêu việc học tập và biết nuôi lớn những ước mơ bé nhỏ của mình.

Bài viết liên quan

0